Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

MỘT GÓC HÀ NỘI

 Một Góc Hà Nội


Tản văn viết về một góc Hà Nội qua con mắt người tỉnh lẻ ngoại đạo lắm chuyện nhưng hay nuối tiếc khi thấy

"Hà Nội càng ngày càng xa.

Hồn xưa dần tuột khỏi tà áo em"


1.

Háo Hức.

Sáng nay lên mạn Hồ Tây, xong việc rẽ qua sàn Quần Ngựa uống nước và cũng là để cho cơ thể nó được nghe nhạc một chút. Tình cờ ngồi cạnh tôi là một vũ sư. Anh ta đang hướng dẫn Tango cho một phụ nữ trông dáng rất quý bà. Nhìn anh ta chuyển động, nhìn cả những bước đi nữa bỗng thấy tiếc, thấy thời gian trôi nhanh thật, thoắt cái hơn 20 năm khi tôi đã nhìn thấy vũ sư này lần đầu ở vũ trường Lý Nam Đế. Khi đó tôi mới trở về Việt Nam. Khi đó khiêu vũ nó khác lắm. Thời đó những bước đi đơn giản hơn, gần gũi hơn và như vũ sư huyền thoại Victor Silvestor nói từ đầu thế kỷ trước về khiêu vũ là chuyển động ngay ngắn, thong dong, thăng bằng như khi đi dạo chơi với những khoảnh khắc dừng để đợi nam dẫn và đợi nữ theo. Dừng thì nên hãm thả chân tự do bên cạnh chân trụ ở trạng thái chờ kiểu như dến với tương lai là từ hiện tại chứ không từ quá khứ. Hình như thời đó khiêu vũ gần với con người hơn và làm con người gần với nhau hơn, cái thời chưa có kinh doanh và truyền thông thao túng, chưa có các phong trào thi hoa hậu và thi khiêu vũ thể thao vội vã, rầm rộ như bây giờ.

Những ký ức xưa như trở lại.

Thời đó tôi còn thích phiêu lưu, đúng hơn là lang thang, bàn chân phải có nốt ruồi mà. Mà đúng như trong các bài hát, đi đâu cũng nhớ Hà nội. Hà Nội trong tôi như một cô gái ấy, mong manh và đằm thắm. Khi trở về sau bao năm xa cách tôi lại háo hức muốn khám phá em, nhấm nháp không muốn bỏ sót góc khuất nào. Thói quen háo hức này giống như khi đến một thành phố nào là tôi cứ phải nhảy lên tàu điện hoặc xe bus đã rồi ngồi cho nó chở đi khắp nơi mà ngắm. Nơi nào tò mò thì xuống xem ngó tận nơi. Đấy là theo bề rộng chứ còn chiều cao nữa cũng thôi thúc tôi không kém. Tôi đã leo lên cái núi ở giữa thủ đô Tbilici ngay sáng sớm hôm sau giữa trời tuyết khi vừa bay đến từ chiều hôm trước và nhìn thấy núi từ máy bay, nó khêu gợi quá. Đêm ngủ mà chỉ mơ leo lên nó. Hồi sinh viên sang đến Liên Xô là nghĩ ngay đến chuyện leo lên tòa nhà của ĐH Tổng hợp Lomonosov trên đồi Lenin mà ngắm toàn cảnh cho no mắt. Ước mơ đó chỉ đến khi làm nghiên cứu sinh tôi mới thực hiện được . Đến Bratislava, Berlin, Paris hay các thành phố có tháp cao là phải nghĩ cách leo lên cho xong mới an lòng.

Rồi ngay tuần đầu từ Ba Lan về Việt Nam, về lại Hà Nội, tôi đã rong xe máy khắp nơi tìm lại chút mình xưa. Len lỏi các phố cổ nữa, đến lại cái ngõ chợ phố Hàng Chiếu nhưng không còn thấy cô béo bán bún ốc để vừa ăn vừa ngắm cô, một vẻ đẹp phụ nữ Việt đang hiếm dần. Hà nội thay đổi nhiều quá, đường phố, xe cộ, con người....Qua Tăng Bạt Hổ thấy sàn chứng khoán, cái thứ xưa tôi còn ở Việt nam không thấy có, tôi cũng rẽ vào xem rồi làm quen với mấy người, rồi rủ nhau sang quán Cafe bên cạnh nói chuyện. Hóa ra sáng họ đi Cafe xong rồi đi ra ngồi ở sàn chứng khoán, mua mua bán bán, tối cũng lại lên sàn nhưng là sàn khiêu vũ bên kia đường, sàn Tăng Bạt Hổ. Thế là tôi bỏ sàn nọ sang ngó nghiêng sàn kia.


2.

Sàn Tăng Bạt Hổ

Sàn có tên Discovery nằm trên tầng 3, trong khuôn viên Cung Văn Hóa Thể Thao -Thanh Niên Hà Nội. Lên đó tôi như lạc vào một nơi tranh tối tranh sáng, nửa cũ nửa mới. Vào đó chỉ cần nhìn những bộ bàn ghế cao mang phong cách quán bar trong sàn nhảy là hiểu được một phần quá khứ của nó. Nghe nói lúc đầu mở sàn họ định chuyên về Disco nhưng không cạnh tranh nổi với sàn New Century ở phố Tràng Thi. Sau này họ chuyển sang phong cách cổ điển và chú trọng vào việc chọn âm nhạc. Dân có tuổi trên phố sành và kén nhạc mà. Họ cũng đổi thay đổi bài nhạc liên tục. Từ đó tôi hay rẽ qua uống nước nghe nhạc và có những bản nhạc nó không cho tôi ngồi yên, buộc tôi phải rời bàn nước bước xuống sàn chạy và chao lướt. Tôi rất thèm lấy lại cảm giác ở trên sân băng thời học Liên Xô xưa.

Người lên khiêu vũ thường có ba loại: Đi đôi, đi nhóm và đi lẻ ngồi xem như tôi. Đi đôi thì tuyệt vì yên tâm về sự gắn bó và sở hữu lẫn nhau được an toàn do địa hình, không tiện cho người thứ ba gây nhiễu. Do sàn có những lô cao, có bậc tạo sự riêng tư nên giao lưu, làm quen hay mời nhau khiêu vũ ở sàn thực ra không thuận lợi cho dân đi lẻ dù đi lẻ cũng không hiếm và thường thường là các quý ông ngồi xem và nhâm nhi cafe, nghe nhạc, ít ai dám bước xuống sàn thấp kiểu như đấu trường Rome ấy.

Cũng có các bà, các cô đi lẻ nhưng họ ngồi ngay khu thấp cạnh sàn, cạnh lối vào nơi đã có các giai dẫn đợi tiếp, khiến cho một quý ông lẻ loi nào cũng thấy ngần ngại đến. Tôi hay thấy một bà già ăn mặc rất kiểu cách đi lò dò với một giai dẫn nhảy. Họ nói rằng ông cạ ấy mất hay già rồi. Nhưng nếu ngược lại mà người phụ nữ không còn nhảy được nữa thì người đàn ông sẽ thế nào. Tôi nghĩ và bỗng thấy bùi ngùi. Rồi nhớ lại chuyện một lần tôi đi sớm thế lên mạn Bờ Hồ. Lúc tôi qua Nguyễn Công Trứ thấy có bánh khúc cô Lan và xuống mua. Một cụ ông mua một gói và hỏi tôi đi xe đến Hòa Mã gần đấy. Cụ thấy tôi nghĩ là anh chạy xe ôm. Tôi bào không sao và cũng không xa, tiện đường lên tôi đưa đi.

Tôi thả cụ xuống một nhà cũ có cổng và chờ xem cụ có đi tiếp không. Cụ bấm chuông và một cụ bà lọm khọm đi ra. Cụ ông đưa cho cụ bà gói nhỏ và nói : " bánh khúc cô Lan mà mình thích đấy "

Tôi tiện chở cụ lên bờ hồ và được nghe cụ ông tâm sự. Hóa ra xưa, lâu lắm rồi, hồi trẻ họ nhảy Tango, Valse với nhau, ở sàn phố Hàng Buồm ấy. Nhảy tối về hay ăn quà phố, cụ bà thích Lục Tào Xá và Trôi Tàu. Có hôm đi nhảy sáng thì cụ bà lại đòi bánh khúc cụ ông....

Có thể nói là lên Cafe sàn Tăng Bạt Hổ tôi vẫn cảm giác có một Hà Nội xưa, một góc khuất cất giữ những gì nhẹ nhàng, tinh tế, kín đáo, cả những giai điệu Tây cũng vậy, ... khiến tôi khi ở đó cũng trở nên e dè, không để những cảm xúc quê mùa bộc lộ ra nhất là ở đôi mắt, không xuýt xoa hoặc vỗ tay hoặc rồ lên khi thấy có gì hay và nhất là khi nghe nhạc không dám lắc lư đong đưa vai theo nó như thời ở Liên Xô. Tuy nhiên nhiều lúc bản nhạc Valse hay Slowfox nó thôi thúc quá khiến tôi không kìm được. Này thì Hà Nội tế nhị này, này thì thanh lịch này, tôi quên hết, coi nó như cái đinh để chạy xuống sàn và cứ thế chao lướt quanh sàn, cứ như không có ai. Được cái thói quen rê bóng, đảo thân, dướn và dừng của tôi khá thạo nên chẳng va vào ai bao giờ. Ơn giời. Cũng chẳng có cô nào chạy ra chạy một mình trên sàn như tôi để rồi kết đôi, cùng chao lướt theo dòng nhạc như trên sân băng ở công viên Gorki thành phố Kharkov xưa tôi học ấy.

Nói gì thì nói, Tăng Bạt Hổ vẫn là nơi cất giữ nhiều kỷ niệm của tôi để mỗi lần đi qua thấy tiếc. Sàn đã đóng cửa mấy năm nay rồi. Không biết bà cụ ăn mặc diêm dúa bây giờ còn không, chắc không đi nhảy nữa đâu, hồi cuối trông bà cũng già lắm rồi, chỉ đi lò dò. Rồi cái ông mặc áo hoa vàng ngồi lô xa với một cô bạn khá hiền và xinh đi đâu. Ông ấy chỉ ngồi xem còn cô bạn thì có lúc xuống đi với giai dẫn. Chỉ khi đèn tắt họ mới xuỗng với nhau trong vũ điệu Slow....Nói chung sàn Tăng Bạt Hổ đọng lại trong tôi như những áng văn chương về Hà Nội, cảnh nhẹ nhàng, người cũng nhẹ nhàng, không là truyện ngắn vì không có các biến cố.

Biến cố thì ở các sàn khác, nơi có dân tứ xứ nhà quê như tôi.


3.

Sàn Lý Nam Đế.

Về Việt Nam tôi dần gặp lại các bạn học xưa. Có một tết họ rủ đến thăm thày Thắng dạy toán chúng tôi ở trường cấp 3 Bến Tre Phúc Yên. Nhà thầy ở phố Lý Nam Đế. Chúng tôi đang nói chuyện thì vợ thầy cùng với mấy cô bạn từ trên gác xuống chào và họ đi khiêu vũ. Hóa ra bên cạnh là khách sạn Lý Nam Đế, có sân to rộng để xe và sàn khiêu vũ ở tàng hai. Thầy Thắng, cậu con rể, một Việt Kiều ở Ba Lan và ông bạn đến chơi là người Hà Nội gốc. Họ kể cho chúng tôi, dân nhà quê lên lập nghiệp về thế giới khiêu vũ Hà nội.

Hóa ra khiêu vũ ( Nhảy Đầm, Dancing) là văn hóa châu Âu được du nhập vào Việt Nam cùng với dòng tân nhạc theo chân của đội quân viễn chinh Pháp. Đó là vũ điệu đi cùng với các giai điệu Valse, Tango Chahacha và Rumba. Cái thuật ngữ "Nhảy Đầm" mà người Việt gọi khiêu vũ là do thời Pháp cái hình thức hoạt động văn hóa này hấp dẫn vì có các " Madame - Quý Bà " biết giơ tay điệu đà. Tất nhiên là cũng sẽ xuất hiện các quý ông sành điệu, lịch lãm... biết cúi mời, biết cầm tay và biết hôn tay. Đó chính là sự khác biệt giữa các các hoạt động văn hóa dạ hộivà hoạt động thể thao, giữa các quý ông và các vận động viên. Còn nói đến các quý ông Việt nam, đến khiêu vũ không thể không nhắc tới ông vua Bảo Đại và quý bà Lý Lệ Hà cùng mối tình của họ.

Khiêu vũ, thi Hoa hậu và Tâm linh là các lĩnh vực khác hẳn nhau nếu không nói là ngược nhau nhưng số phận chúng lại song hành. Thời Pháp cả 3 thứ đều được phát triển. Sau khi thắng và đuổi Pháp đi cả 3 thứ đều cấm. Báy giờ thì cả 3 thứ ấy đều trăm hoa đua nở.

Cái mốc cho sự trở lại của 3 thứ ấy có thể tính từ năm 1983. Khiêu vũ thì là từ sàn 23 phố Quang Trung sau đến 88 phố Hàng Buồm. Khiêu vũ thay đổi nhiều khi lớp trẻ thích những điệu nhảy mạnh mẽ hơn và không bó hẹp trong các điệu valse, tango, chachacha, rumba... Tất nhiên các vũ trường cho đám trẻ ham cảm giác mạnh cũng đi liền với các chất kích thích tạo những dư luận khác nhau. Rồi ngày 28-4-2007 vũ trường New Century khai trương ở 10 phố Tràng Thi bị công an can thiệp vì không chỉ chuyện sử dụng ma túy. Ngoài ra khiêu vũ phát triển là do các chủ sàn phần lớn là những người từng đi nhảy đầu tư và họ nhằm vào đối tượng khách bình dân có tuổi chứ không chỉ cho riêng những người tầng lớp khá giả hay những người thích các hoạt động văn hóa một thời. Sàn Lý Nam Đế là dành chủ yếu cho tầng lớp trí thức Hà Nội.

Buổi sáng hôm đó ở nhà thầy Thắng tôi còn được nghe bao chuyện về khiêu vũ. Tính tôi thích khám phá nên ngay sáng hôm sau đã một mình lên sàn Lý Nam Đế. Cảm giác sàn đẹp thoáng lịch sự. Mà cũng phải, ở đây hay có đám cưới nên không khí trên sàn cứ như cảnh đám cưới hay dạ hội sự kiện nào đó. Nhiều người đến là cô giáo tha thướt áo dài, nam thì trông ai cũng như đi xem mặt. Nhạc ở đây có vẻ du dương êm, hợp với các quý bà, quý ông nên không thấy bóng các vận động viên khiêu vũ thể thao. Mà hồi đó phong trào khiêu vũ thể thao cũng như các cuộc thi chưa phát triển rầm rộ. Trên sàn người ta còn đến cúi đầu mời nhau, còn cúi đầu chào khi buông tay. Cũng năm đó tôi đi dự đám cưới ở phố Phạm Ngũ Lão và tiệc đứng, khiêu vũ.

Trở về Việt Nam tôi chứng kiến sự thay đổi trong cuộc sống, dần dần rồi sàn khiêu vũ không còn là nơi mang tính cách chỉ của các quý ông quý bà của tầng lớp thượng lưu, yêu văn hóa âm nhạc và chuyển động gặp gỡ làm quen mời nhau mà là một hình thức vận động thể thao kiểu như thể dục nhịp điệu hay tập gym. Thêm nữa là sự du nhập của môn khiêu vũ thể thao ( thi đấu ) vào Việt Nam, các vũ sư chủ yếu lại là các vận động viên khiêu vũ thể thể thao dạy bài bước trên sàn thi đấu đã kết thúc cái gọi là khiêu vũ truyền thống của xã hội thượng lưu xưa cùng với cái văn hóa giao tiếp mời dẫn cảm ơn.

Bây giờ ăn cưới chỉ là ăn không có khiêu vũ. Khiêu vũ là một hình thức của vận động vui chơi có nhạc. Nhạc cũng chẳng quan trọng mà là nhịp gõ sao cho to, cho rõ để đi đúng bước, cho khớp nhau. Nhảy Đầm được thay bằng Nhảy Nhót hay Nhún Nhảy

Và chẳng có lý do gì để tồn tại các sàn khiêu vũ theo phong cách cổ điển, các phong cách tây đầm còn rơi rớt lại. Các sàn kiểu đó lần lượt đóng cửa. Sàn Lý Nam Đế cũng vậy. Các sàn khác mang phong thái của khiêu vũ công viên và khiêu vũ thể thao ôn lại các bài các bước cho khớp nhau.

Cũng như khiêu vũ thôi, thế giới chùa chiền, thi hoa hậu cũng vậy. Hôm nọ cô bạn rủ đi chùa Ba Vàng. Tôi bảo sẽ đi nhưng nàng hãy đi tập khiêu vũ thể thao một khóa cho xong đi đã. Đi thi hoa hậu thì tôi không đặt ra. Tôi không muốn làm khó cho ai cả.

Khổ cái là biến dễ thành khó, biến đơn giản thành phức tạp lại là cái con người đang đua nhau.

- Thế chùa chiền anh nói giống khiêu vũ và hoa hậu cái gì.

- Giống mà, đi chùa thay vì tự tu tự độ năng cao tâm tính thì truy cầu xin xỏ. Khiêu vũ thì thay vì nam dẫn, dắt, dìu nữ thì lại học thuộc bài và đồng diễn rồi từ người chơi ở các buổi vui thì biến thành khán giả khó tính khi không có Patner học cùng những bước đã lập trình. Muốn quên bài quên bước quên nhịp để chơi cũng khó vì bị hiệu ứng Jadhe " khi có cái búa trong tay thì thấy mọi thứ đều như cái đinh " ấy... Cái khác là chùa chiền chưa tổ chức các cuộc thi thầy, thi chùa, thi sư, thi phật tử.

---

Thể thao cần sức mạnh và chính xác. Nó như mang tính hạt với những cân đong đếm rõ ràng, cũng như có thể thuật toán hóa thành từng bước nối tiếp nhau theo một trình tự của bài. Nó bộc lộ tính nhân công và đi kèm là sự khiên cưỡng. Nó khó và đó là điều con người muốn đạt được.

Nghệ thuật thì khác, cần cái hồn, mang tính sóng khó nắm bắt mà chỉ có thể cảm nhận được thôi. Đó là trong chuyển động tiến thẳng

khi ta bước lướt và hãm dừng níu bàn chán đột ngột trên sàn rồi có thể cảm nhận cái lực quán tính vẫn tác dụng vào phần thân trên như muốn kéo ta đi tiếp. Hiệu ứng đà kéo của lực quán tính đó được Luca Baricchi dùng và nói về cái hồn khiêu vũ như là " diễn tả đam mê của phần đứng theo phương ngang ".

Và còn nữa, hiệu ứng con lắc ngược ấy khi vươn thẳng duổi thân lên cao nhất, rồi một chút lệch tâm khiến thân trên mất thăng bằng bị đổ tạo chuyển động và chân tự do tạo bước đỡ cho khỏi ngã. Nó được nhà thơ Scotland Bernard Shaw mô tả khiêu vũ như là " bộc lộ sự khát khao dướn bay lên thắng sức hút của trái đất ". Khát khao thôi chứ sao thắng được. Khiêu vũ cũng như thơ thôi, chỉ là khát khao chứ không thực hiện được. Hay có thể chúng đúng, thắng được nhưng là " cho một thế giới khác " như nhà thơ Pháp " Baudelaire đã nói.

÷÷÷

Khiêu vũ - Thể thao và Nghệ thuật

Thể thao cần sức mạnh và chính xác. Nó như mang tính hạt với những cân đong đếm rõ ràng, cũng như có thể thuật toán hóa thành từng bước nối tiếp nhau theo một trình tự của bài. Nó bộc lộ tính nhân công và đi kèm là sự khiên cưỡng. Nó khó và đó là điều con người muốn đạt được.

Nghệ thuật thì khác, cần cái hồn, mang tính sóng khó nắm bắt mà chỉ có thể cảm nhận được thôi. Đó là trong chuyển động tiến thẳng

khi ta bước lướt và hãm dừng níu bàn chán đột ngột trên sàn rồi có thể cảm nhận cái lực quán tính vẫn tác dụng vào phần thân trên như muốn kéo ta đi tiếp. Hiệu ứng đà kéo của lực quán tính đó được Luca Baricchi dùng và nói về cái hồn khiêu vũ như là " diễn tả đam mê của phần đứng theo phương ngang ".

Và còn nữa, hiệu ứng con lắc ngược ấy khi vươn thẳng duổi thân lên cao nhất, rồi một chút lệch tâm khiến thân trên mất thăng bằng bị đổ tạo chuyển động và chân tự do tạo bước đỡ cho khỏi ngã. Nó được nhà thơ Scotland Bernard Shaw mô tả khiêu vũ như là " bộc lộ sự khát khao dướn bay lên thắng sức hút của trái đất ". Khát khao thôi chứ sao thắng được. Khiêu vũ cũng như thơ thôi, chỉ là khát khao chứ không thực hiện được. Hay có thể chúng đúng, thắng được nhưng là " cho một thế giới khác " như nhà thơ Pháp " Baudelaire đã nói.

ĐÔI KHI TRỜI MƯA

 Đôi Khi Trời Mưa


"-Không viết tiếp nữa đi anh.

Truyện như dang dở nỡ đành thế sao.

-Nữ nào giống được em đâu. 

Còn nam phiên bản bạc mầu của anh".


"Ngôn ngữ cơ thể tưởng chừng không đủ để để tranh biện. Nhưng nếu biết lắng nghe thì thấy nó nói  được nhiều hơn và chính xác hơn ngôn ngữ lời hàng ngàn lần đấy, đặc biệt là trong yêu thương"


1.

TRÂM & QUANG


Có tiếng nhạc xa xa. Ai mở nhạc sớm vậy, lại đúng bản nhạc Valse chậm thi giải Dancesport Thanh Hóa mở rộng vừa rồi. Trâm kéo góc chăn phủ lên chỗ ngực để hở cho khỏi lạnh và ngước nhìn cái huy chương vàng dây xanh treo trên tường. Thế là bộ sưu tập huy chương của nàng đã lên tới hai mươi vàng bạc rồi. Đồng không tính, không treo. Mà chiếc huy chương lần đầu ấy, chiếc huy chương đồng không biết mình để đâu rồi, một cặp, của Trâm và của Quang. Hôm sau khi thi đấu về Quang mời nàng đi ăn trưa ở quán nổi hồ Trúc Bạch. Không như mọi lần gặp nhau ở lớp học, lần này Quang nói nhiều hơn. Trong lớp học khiêu vũ anh ít nói và mọi người gọi anh là Quang Thóc hoặc có người quen mồm chỉ gọi Thóc. Quang không giận.


Người ít nói thì thường ít bạn ít thù.


Quang đôi khi trả lời bằng cái gật, cái lắc đầu, nhún vai, huơ tay nhưng nhiều nhất lại là cái nhìn thôi. Cái nhìn chăm chú, cái nhìn chờ đợi, cái nhìn xin lỗi và cái nhìn là lạ. Tập bài bước với Quang ở lớp mãi rồi Trâm cũng quen đi. Ít nói cũng tốt, đôi họ không cãi nhau như các đôi nhảy khác. Ngôn ngữ cơ thể tưởng chừng không đủ để cãi nhau nhưng nếu biết nghe sẽ hiểu, sẽ thấy nó còn nói được nhiều điều hơn ngôn ngữ lời. Có điều biết nghe nó là một điều khó đối với người Việt, đúng hơn là người Kinh, một tộc người không có truyền thống khiêu vũ, Trâm nghĩ vậy. 


Không phải ai đến với khiêu vũ cũng theo cách giống nhau. Nhiều người tìm đến khiêu vũ vì thích vận động với âm nhạc và có thể giao lưu, cái mà thể dục nhịp điệu hay Yoga không có. Cũng nhiều người tìm đến khiêu vũ vì yêu cái đẹp. Rồi cũng có người tìm đến khiêu vũ như một nơi, một khoảng thời gian trú ẩn cho nguyên thần hồi lại sau các căng thẳng của cuộc đời. Trâm có lẽ có cả ba lý do trên và vì thế cô đã bỏ hẳn thể dục nhịp điệu, giảm nhiều thời gian của Yoga. Quang thì khác.


Lần này Quang nói  nhiều hơn thường lệ. Khiêu vũ thể thao cần ba thứ, thời gian, đam mê và tiền bạc, mà cái đầu tiên ấy lại không dành cho Quang. Anh vội. Một huy chương là đủ để Quang khẳng định một điều là anh vẫn có thể làm được những gì mình muốn sau cuộc hôn nhân tan vỡ và Quang như đã có được bát cháo lú chuyển sinh để quên hết mọi quá khứ của tiền kiếp, tái sinh vào một con người mới. Trâm thoáng chạnh lòng khi nghe anh nói tiếp về khiêu vũ : " Khoảng trống trong các ô nhịp người ta lấp đầy bằng âm thanh, trong không gian thì lấp đầy bằng các chuyển động và nếu cùng một lúc thì đó là khiêu vũ " , nhưng nàng vẫn cầm chiếc huy chương đồng Quang trao lại. Nàng cũng học được Quang, không nói gì, chỉ cầm lấy cái hộp con có đựng chiếc huy chương, nhìn Quang khẽ gật đầu. 


Thế là Quang chia tay với Dancesport, với Quang của Việt Nam sang Úc định cư. Trâm chuyển sang tập với những giai dẫn nhảy chuyên nghiệp được thày cô trong lớp học ghép đôi cho. Họ có nhiều huy chương và quan hệ với các giám khảo của cuộc thi Dancesport. "


Sau  Quang là đến Lâm, một giai gà nòi thi đấu trong đội dẫn nhảy trong lớp của đôi vũ sư, kiện tướng và cũng là trọng tài các giải thi Dansport. Với Lâm nàng được ngay huy chương vàng về Valse chậm này, ngay ở giải Hà Nội, nó treo kia. Còn cái huy chương vàng kia là thi cùng với Huy, cũng Valse chậm ở giải Bắc Ninh vì Lâm đã được ghép đôi với nữ khác theo xếp sắp của thày cô huấn luyện viên cho giải thi sau quan trọng hơn ở TP HCM. Trâm  nhớ hết các giải, các nơi tổ chức, nhớ cả giám khảo và những khoảnh khắc kiêu hãnh trên bục khi nhận giải. Chỉ có điều sao nàng không nhớ nổi một vũ điệu nào cả, chúng nhòe hết, cả những partner nữa cũng vậy. Nhắm mắt không nhớ nổi, không hình dung ra. 


Sao thế nhỉ ? Nhắm mắt chỉ thấy chùm huy chương vàng treo trên tường kia. Những hơn hai mươi chiếc, nhiều quá để không còn chỗ cho một vũ điệu nào trong tâm trí cả.


Thảo nào cái Thu học cùng lớp nhất định từ chối sắp xếp của thầy cô vào đội thi. Nó mê chuyển động cùa Slowfox và lại gặp một ông cũng trùng đam mê, thế là kết và cùng tập đi tập lại với nhau chủ yếu vũ điệu đó. Ông Long truyền thụ lại cho nó những gì mà khi Luca Barrichi sang Việt Nam dậy. Với đôi này khiêu vũ là nghệ thuật, nó vị chính nó chứ không cần đến huy chương. 


Nó là nghệ thuật của chuyển động theo dòng nhạc. Nó không có bước, chỉ là lấp đầy ô nhịp bằng  chuyển động với 4 pha thả văng căng hồi, tự nhiên như các mùa trong năm, như khi yêu nhau ấy.


Bây giờ nghe đâu ông ấy sống ở Nha Trang. Năm thì mười họa ông Long ra Hà Nội, họ lại thuê riêng sàn giờ trống buổi trưa để tập Slowfox. Còn Trâm, sau cái huy chương đồng ở giải Cần Thơ mấy tháng trước, cô đã từ giã thi đấu. Đến tuổi rồi. Thể thao cũng như người phụ nữ ấy, có thì.


Nàng vẫn đến lớp tập, được ghép đôi lúc người nọ, người kia, thường là nhảy kém hơn nàng. Họ rủ nàng ra sàn khiêu vũ. Đàn ông dễ hơn, ra đó họ có thể mời người nọ người kia. Họ là người dẫn. Phụ nữ thì khó thật. Thói quen thuộc bước để bàn chân đặt đúng nhịp xuống sàn của nàng cưỡng lại mọi tác động bên ngoài. Latin đã vậy. Standart thì khỏi nói. 


Và  quan trọng nhất là nàng mất cảm giác.


Cái cảm giác không phải ở chân mà ở đâu đó phía trên cơ thể, phần thân, như dòng điện lan truyền từ vai gáy xuống lưng ấy, cái cảm giác lần đầu có trong vũ điệu Boston mà Luận dẫn nàng tối mùa thu đó ở sân nhà anh chị Dũng Ngọc, cái giai điệu của bài " Tennessee Waltz " với giọng ca hờn dỗi trách móc của Connie Francise. Nàng luôn mơ thấy âm thanh của bài ca, mơ thấy gió thu, cả mùi hương lan trong sân vườn, chúng dìu nàng những bước đi chéo hông ngoài của Boston, cái vũ điệu của một thời xưa, cái thời chưa có Dancesport ấy. Nhưng không chỉ có thế, dìu nàng đi còn có một cái khác nữa, một đôi mắt của một người đàn ông ngồi bên cái bàn dưới gốc cây xa xa dõi nàng không rời. Cơ thể nàng mách thế, một dòng điện vô hình lan tỏa gáy lưng vai, lúc rạo rực, lúc ớn lạnh....


Có tiếng tiếng nhạc điện thoại giục giã. 


- A lô.

- Trâm à, dậy chưa. Chị Thảo đây. Lâu quá không gặp, đến hai năm rồi ấy. Hôm nay có rỗi không. Sinh nhật chị Hà mọi đi nhảy sáng nay ở Quan Thánh rồi đi ăn trưa ở hồ. 

- Chị Thảo à - Trâm lứu lưỡi không biết nói gì - Mọi người vẫn khoẻ cả chứ.

- Vẫn ổn, vẫn còn đủ cả, chỉ có anh Hiển bị đụng xe năm ngoái gẫy chân, giờ đi tập tễnh Rumba tại chỗ. Hôm nọ con Thu nó đến chơi mới biết hai cô học Dancesport cùng nhau. Thôi, chị phải đi có việc sớm, lưu số của chị lại nhé. Tìm mãi mới được số của cô. Bye nhé.

- Dạ, em chào chị.


Trâm thả điện thoại, duỗi tay nhắm mắt. Lại nghe thấy tiếng nhạc Valse vọng lại. Hình như cũng với giai điệu này Luận đã cầm tay Trâm, cái lần đầu tiên nàng khiêu vũ ở nhà chị Thảo, ba năm trước...và khi đó còn một người đàn ông khác ngồi kín đáo ở xa nhìn nàng đau đáu.


Mấy năm trước, Lệ cô bạn học từ thời phổ thông của Trâm sống ở Sài Gòn ra Bắc chơi có rủ Trâm tối thứ sáu đến nhà anh chị Dũng Ngọc ở Ngã Tư Vọng bên dòng sống Sét ở Ngã Tư Vọng. Anh Dũng là con ông bác của Lệ, nhà rộng, sân rộng. Họ có mỗi đứa con trai thì đi công tác ở nước ngoài mang cả vợ con theo. Sân nhà anh chứa được phải đến hai mươi người và quá nửa là bạn học với nhau từ phổ thông đã nghỉ hưu tụ tập tuần hai buổi. Cánh đàn ông thì ngồi phòng khách xem bóng đá, bia rượu và tranh luận đủ mọi chuyện thơ văn, thế sự. Đàn bà chị em thì mở nhạc nhảy ở ngoài sân. Chị Ngọc dạy mọi người cả chân nữ chân nam. Chị ngắm nghía Trâm: " Ôi con bé này, dễ đến mười mấy năm không gặp rồi. Mà người thế này thì cần gì học nhảy, cứ đứng đi lên, đi xuống, lắc lư cái ghi ta là khối anh chết." - Chị cũng không hỏi gì về gia đình Trâm, chắc Lệ đã kể hết cho mấy anh chị rồi. Chỉ lúc ra ngồi ở bên bàn dưới gốc cây chị Ngọc mới nói khẽ với Trâm: "Trong cánh đàn ông ấy có hai cậu trẻ nhất cũng độc thân đấy. Cái cậu mặc áo hoa vừa đi với em Boston là hoạ sỹ, cậu Luận, trai tân. Cậu mặc áo phông xanh tên là Lập, em bạn anh Dũng, mới ở Nga về. Vợ bên ấy mang con theo một đại gia sang nước khác rồi. Cậu ấy về mở một công ty thương mại  ở ngay bên kia đường cùng ông anh..."


Tiếng nước xối vào người xua đi tất cả những suy nghĩ lộn xộn như khách không mời mà đến, xua đi cả hình cái bức tranh vẽ dở trên cái khung vải trong cái Galeria trên tầng hai ngõ phố Trần Hưng Đạo ấy. Mới có khuôn mặt Trâm của Trâm thôi còn lại Luận chưa vẽ được. Họa sỹ cần trải nghiệm mà. Nếu lúc đó Luận khác đi, cái nhìn khác đi, một cái gì đó khác đi thì mọi thứ có thể khác đi. Lúc đó Luận lại nhìn Trâm, đôi mắt, cái miệng của người họa sỹ chuyên nghiệp làm nàng sợ và bỗng dưng vùng dậy bỏ chạy. Cái áo nàng để lại được Luận kín đáo trả lại tháng sau. Có thể họa sỹ đã trải nghiệm một cái Body chuẩn hơn của mình rồi...


Mặc gì bây giờ nhỉ ? Cái bộ màu xanh hồi được giải nhất cuộc thi Dancesport Hải Phòng ? Không được, nổi quá. Bộ đen, không được, quý bà quá. Bộ đỏ sẫm, quá nghiêm túc... Bộ đen trên hồng này ư... kiếu Blackpin, đồng tính quá, hay là mặc quần áo phông vậy, cái bộ đen như hồi đi tập với ở Hồng Mai với Quang ấy. Đây rồi, Trâm xỏ chân và kéo quần lên. Hơi vất vả, vòng bụng phải bé đi vài phân nữa thì tốt hơn. Cái áo phông đen cổ rộng ngang vẫn ổn, trông vẫn trẻ, hở  chút vai tròn dễ làm tổn thương người khác. Kệ. Hay là cái áo cổ tròn có khóa kéo lưng. Ai kéo. Thôi để lúc khác. Chốt lại là quần đen, áo phông đen, không thể giản dị hơn và rồi Trâm quay lưng ra gương ngoái phía sau lưng, một chút chuyển động, một chút ngúng nguẩy, hài lòng, thế này thì ai bảo đã  năm mươi nào...


2.

LẬP


- Em nhớ lên sớm nhé, có con Trâm đấy.

- Dạ - Lập trả lời chị Thảo và tắt máy. Một ý nghĩ lạc vào đầu anh: " Trâm à...Liệu có nên cảm thấy mình may mắn hơn trong phim không. "  Đúng ra anh chỉ thấy Trâm một lần duy nhất ở sân nhà anh Dũng chị Ngọc cách đây hai năm rồi. Lần đó anh chỉ ngồi tiếp chuyện với anh Dũng còn Trâm đi hết vũ điệu nọ vũ điệu kia với các chị và vởi cậu họa sỹ đeo cái dây chuyền vàng to, mặc áo hoa vàng, rồi hai người họ về cùng. 


Hình như lúc dắt xe ra cổng Trâm ngoái lại chào mọi người nhưng ánh mẳt dừng lại nhìn mình khang khác. Hình như chị Thảo nói gì với Trâm. Hình như mình bị hâm nặng rồi, nghĩ lẩm cẩm rồi, cuối cùng anh tự kết luận để ngắt những suy nghĩ cứ dồn dập trong đầu, ngắt cả cái hình ảnh, ánh mắt, đôi vai và những đường cong của người đàn bà đó. Có điều anh không ngắt hết được các hình Trâm. Đọng lại trong tâm trí Lập lại là hình cái bàn chân nhỏ xinh của Trâm trong cái giầy quai đen với cái ý nghĩ kỳ quặc " Trời thu về đêm đi xe nhanh gió lạnh, chân không đi tất dễ cảm lắm ". Đúng là ý nghĩ của kẻ hâm, Lập đành thú nhận, nhớ gì không nhớ lại nhớ bàn chân khi nó nhấc lên trong vũ hình Rumba mà ông họa sĩ xoay đỡ để cô ngửa hoặc nghiêng thân ra và thế rồi nó đeo bám đóng đinh trong đầu anh, theo cả anh vào giấc ngủ của sau tối mùa thu ấy. 


Một đêm trong giấc mơ anh đã ân ái với một người phụ nữ. Giấc mơ dài và ngọt ngào nhưng khi tỉnh giấc anh không sao tua nó lại được để nhớ, để nhấm nháp. 


Chỉ nhớ rằng giấc mơ bắt đầu từ bàn chân người phụ nữ và kết thúc ở đâu thì anh chịu không nhớ nổi. Chỉ biết rằng trong cuộc giao hoan đó có cả bãi cỏ, bờ sông với những bông hoa rừng và một sự êm đềm trìu mến của hai cơ thể quyện vào nhau, tan chảy vào nhau. Chỉ biết rằng cái cảm giác bồng bềnh của chúng như trong mây, như cùng trôi trong làn nước, cùng nhịp nhàng thả văng căng hồi thật đắm say làm sao. 


Trong cơn mơ anh còn thấy mình như lạc vào một thế giới khác, thời gian ở đó trôi cũng khác, đủ dài đủ lâu bằng cả một đời người, đủ bù cho cả một đời người với bao khổ đau và hẫng hụt.


Giấc mơ của Lập bắt đầu từ bàn chân nhỏ bé ứng với cỡ giày cỡ 36 và triền miên theo giai điệu của nước để rồi kết thúc lúc nào, chỗ nào chẳng nhớ được nữa chỉ là anh lúc nửa tỉnh miệng lại hé ra như muốn tìm ngậm thêm chút mùi vị ngọt ngào của môi, của nước và cỏ.


Giấc mơ Lập kết thúc bằng những giọt mưa. Anh tỉnh dậy ngoái đầu nhìn qua cửa sổ. Trời mưa.


Sau này anh cố hình dung lại người phụ nữ trong mơ đó không được, không có gì rõ cả trừ bàn chân mà anh thấy rõ là của Trâm. Những hình ảnh khác của Trâm cũng nhòe dần thậm chí anh nghĩ rằng đến lúc nào gặp lại  có lẽ anh chỉ chắc chắn nhận ra nhờ đôi bàn chân đó.


Vốn là người được học vật lý ở Nga nên Lập nghĩ cách giải mã cái lý của sự vật một cách duy lý. Anh tìm  đọc Phân tâm học về giấc mơ và tình dục. Theo Phân Tâm Học giấc mơ cũng như nhu cầu tình dục là một trong những cơ chế phòng vệ của con người. Nhưng giấc mơ đến trong giấc ngủ và không phải ai cũng có được nó. Không thú nhận sự thật là một cơ chế phòng vệ  phổ biến hơn. Freud cho là chúng là cần thiết, là một cơ chế phòng vệ của cơ thể trước những nghịch cảnh trong đời thực.


Chẳng là sau lần ở nhà anh Dũng về đó lại có vợ cũ anh gọi điện về yêu cầu anh không gọi điện sang cho con, nó đã có một người bố khác và có em gái rồi, có cuộc sống của nó.  Rồi bức ảnh Nguyệt gửi kèm có Trường, người bạn làm ăn của Lập xưa chụp cùng cu Thắng và con em nó. Hai anh em đều có chung nét của Trường. Thực ra hồi đó Lập cũng từng bất ngờ khi Nguyệt thông báo đã có thai, nhưng hạnh phúc có con lớn quá khiến những băn khoăn về thời gian và cái thai có chút trong đầu anh tan ngay. Anh đã chụp lại ảnh cu Thắng ở tấm ảnh ba người mà Nguyệt gửi qua Zalo đó rồi cho cất vào album " Gia đình " trong điện thoại để những lúc trống vắng lấy ra xem, những bức ảnh của Nguyệt và Lập, rồi cả cu Thắng nữa từ ngày nó sinh ra. Cuộc sống đôi khi cần như một bộ phim vậy, đoạn buồn, cảnh buồn có thể tua nhanh, đoạn vui thì tua đi tua lại ... để sống tiếp.


Rồi cuối cùng là vụ đụng xe tuần trước. Dù sao mọi thứ đều có kết thúc, sự xui xẻo cũng vậy, kiểu gì mọi thứ sẽ qua đi, Lập chỉ nghĩ được đến thể, chỉ có cái hông vẫn còn đau, thôi lên ngồi nghe nhạc vậy, ngắt mình ra khỏi những luẩn quẩn ấy. Anh tìm bật Youtube để cái giai điệu Italiano lại tràn ngập trong phòng, xua đi mọi thứ trong đầu. Sau trận ốm Covid di chứng để lại là sức khỏe và trí nhớ anh bị sụt giảm đi nhiều. Anh lại nghĩ rằng như thế cũng là may, thế là quên đi được, tự dưng xóa được trong đầu những ám ảnh, những nỗi buồn khó vượt qua... dịu đi cả những khao khát đam mê bất tận của đàn ông. 


Có điều khi sức khỏe anh hồi phục chút, trí nhớ cũng phục hồi dần thì anh lại nhớ đến Trâm, đúng hơn là thân hình của người phụ nữ đó thôi chứ hai người đã tiếp xúc với nhau đâu. Đêm đó về anh cũng nhớ Trâm, đúng hơn là nhớ cái bàn chân, hông, vai và cái đáy lưng ong của cô trong vũ điệu Rumba với bản nhạc " Đôi khi trời mưa " của ban nhạc " Secret Garden ". Anh nhớ cả ánh mắt cô nhìn anh khi Luận nghiêng đỡ xoay Trâm ngả người. " Sao chưa nói với Trâm câu nào nhưng cái cảm giác cô ấy rất gần gũi với ta vậy, nhưng có lẽ không phải cô ấy mà là cơ thể thì đúng hơn " - Lập có lúc tự hỏi mình - Đầu tiên anh nghĩ tới ánh mắt cái nhìn của Trâm. Không, cái đó chỉ có trong thơ, trong bức tranh của tây mà là nó nhàm quá, xưa quá rồi. Có một cái gì thật hơn không, làm rộn ràng trái tim anh, đánh thức một cái gì đó trong anh vậy ngoài cái bàn chân ám ảnh. Cái gì ấy luôn vương lại trong tâm trí  khi anh nhìn bức tranh vẽ thiếu nữ của họa sỹ Tô Ngọc Vân, cái như chỉ có ở phụ nữ Việt Nam hay sao ấy. Cái lưng cong, cái hông, chắc vậy. " Cái thứ mà nó làm cho kẻ can đảm bỗng trở thành hèn nhát và kẻ hèn nhát bỗng thành người hùng " - Hình như mình đọc cái câu đó ở đâu nhỉ, Lập tự hỏi.


Quyển sách anh mới đọc nhất là quyển của Hawkin về " Động học cơ thể " có nói về cơ thể, về ngôn ngữ của nó. Hóa ra trong sách nói là chính cơ thể chứ không phải cái miệng lưỡi hay đôi mắt mới không biết nói dối, chính nó mới làm lộ hết. Anh lại nhớ đến cái lưng vai và các chuyển động thân của Trâm hôm đó, không phải là khiêu vũ, hình như nó nói gì với anh.

" Khi người đàn ông nhìn sau lưng người phụ nữ rất chăm chú thì anh ta sẽ mất ngủ "- Hình như đó là lời thoại trong một bộ phim Mỹ nào mà Lập không nhớ tên....


Còn giấc mơ thu ấy, dù vô cớ, vô lý hay là ngẫu nhiên không thôi, dù bao lần khi nhắm mắt anh tưởng tượng ra bàn chân 36 với hy vọng nó sẽ lại hiện ra trong giấc ngủ và giấc mơ đó lại hiện ra tiếp nối nó. Nhưng không, mãi vẫn không. Có lẽ giấc mơ đã rời không gian mơ đó sang không gian khác. Biết đâu nó đang ở không gian thực mà ta không nhận ra, Lập nghĩ vậy.


Sáng hôm sau trời thu đỏng đảnh, Lập đi sớm tránh cơn mưa hay đến bất chợt. Đến gần Hồ Tây lúc phanh gấp khi đèn đỏ Lập suýt đụng cô nàng quần đùi đen, áo cộc trắng. Hai sắc màu dung môi làm mọi thứ loè loẹt sẽ trở nên lộng lẫy, nhợt nhạt sẽ thành nhẹ nhàng và dửng dưng hay dớ dẩn sẽ thành dụ dỗ. Cô  nàng còn cười xin lỗi lúc lách len lên suýt chạm xe anh, cái giọng của người Đức Thọ Hà Tĩnh : " Em vội, em phải đi làm mối cho hai người đang cần ". Nghe thì biết vậy thôi chứ anh chẳng tin. Làm mối mà như vậy thì có mà " bắn không tên đền đạn ". Với lại sau đó đèn xanh, cô còn quay sang chào rồi lướt đi. Lập đi sau một đoạn liếc sang thì thấy cô rẽ vào sàn Quan Thánh. Làm mối mà ở đấy à, ở sàn khiêu vũ, ở nơi người ta chia tay à, Lập như lầm bầm trong miệng. Đã lấm tấm những hạt mưa lạc sớm.


3.

SÀN QUÁN THÁNH


Nấn ná ở tầng một tòa nhà xem họ chơi bóng bàn một chút để nhớ lại một thời đã qua của mình rồi Lập mới lên tầng 3 có sàn khiêu vũ và bà bán vé. Trong sàn chẳng có ai cả ngoài cái cô đi làm bà mối ấy gặp ở chỗ đèn xanh đèn đỏ ấy. Cô nàng đang đứng tạo dáng ngửa cong vẹo người trước gương và đong đưa  một mình. Chắc cô nàng tập Dancesport, một loại hình khiêu vũ của các vận động viên đang tràn vào  Việt Nam từ hai chục năm nay thay cho nhảy đầm hay khiêu vũ xã hội của các quý ông, quý bà. 


" Nếu ai đó có thể hiểu được tại sao cái vũ điệu Valse này mà nữ không chịu đứng thẳng cho tự nhiên thong dong ngay ngắn, lại cứ ưỡn bụng ngửa lưng vặn xoay người ngoái sang bên cũng như xem Opera thấy người bị đạn ngã xuống còn dướn lên hát rồi mới chết thì người đó xứng đáng được mời vào vị trí bộ trưởng bộ văn hóa " - Lập thoáng nghĩ trong đầu. - " May cho cô nàng còn có một khán giả là mình ". Hình như cô nàng cũng cảm thấy thể hay sao ấy mà những chuyện động có vẻ điệu đà hơn.


Một lúc sau chắc mệt nàng đến chỗ cái túi đặt trên bàn cũng gần chỗ anh ngồi, lấy điện thoại xem tin nhắn rồi các ngón tay nhí nhoáy cứ vương vào mắt anh khiến Lập phải quay đầu ra cửa như để xem có khách nữa đến chưa. Các ngón tay cô này đẹp quá, mà cô ta có cả mười ngón. Hình như cô nàng đoán ra anh nghĩ gì nên dừng tay rồi ngẳng đầu nhìn anh cười chào thân thiện :" Chào anh. Hóa ra anh cũng đi khiêu vũ à ". Lập cười :" Đi lạc vào đây thôi mà cũng để tránh mưa, à thế hai người kia đâu, hai người mà cô định làm mối ấy ". 


" Con bạn em đấy, nó đam mê khiêu vũ thể thao, đam mê thi đấu, có đủ loại huy chương với đủ loại cạ nhưng đến tuổi phải xuống núi, từ giã sự nghiệp vận động viên, phải trưởng thành rồi, phải khiêu vũ cho riêng mình thôi và tất nhiên phải tìm thêm ai đó cũng hoàn cảnh và đam mê âm nhạc và vận động để ra sàn vốn nữ thừa nam thiếu. Em có ông trưởng phòng cũng cùng chí hướng, lại hợp tuổi nữa nên hẹn ông ấy ra xem mặt, xem chân nhưng ông ấy vừa lại báo tin là có chuyện đột xuất của gia đình nên không đến được. À mà anh có bạn nhảy chưa. Anh với con bạn em thì có khi còn hay hơn ông trưởng phòng nhiều, ông ấy hơi thấp. Con Trâm lại gặp may rồi " - Cô nàng đến hồn nhiên.


Lập nghe nói thế cũng thích nhưng rồi lại không dám chắc lắm, năm mươi, năm mươi thôi nhất là về cái chuyện hợp tuổi. Anh với Nguyệt hợp cả tuổi, cả mệnh mà rồi vẫn chia tay. Từ bao năm nay cuộc đổ vỡ hôn nhân đó vẫn làm anh nhức nhối dù sự chia tay khá văn minh để giữ bình tĩnh đến  cuối, để nói câu chúc nhau may mắn. May mắn thì Nguyệt đã có được ngay, hay đúng là đã chủ động có sẵn, Lập thì không. Anh bị hụt hẫng và hình ảnh cu Thắng vẫn ám ảnh đến nỗi  khi xem nó trong file "Album GĐ" anh thường tự nhủ "hôm nay xem đi, xem no cho cả ngày đi rồi thôi", nhưng vẫn không thôi được. Mà không chỉ cu Thắng, cả Nguyệt, cả anh nữa, cả cái khoảng thời gian có cái gọi là gia đình nữa, là một phần trong cuộc đời anh, một phần trong máu thịt anh rồi, cứ để nguyên đó vậy. Cũng có thể coi cuộc đời như những bộ phim riêng rẽ chứ không phải là một bộ phim dài nhiều tập. Bây giờ Nguyệt đang đóng trong bộ phim khác. Bộ phim của họ đã kết thúc, sớm hơn với cảnh kỳ nghỉ cả nhà ở Sochi, happy end mà. Chuyện xảy ra sau đó là bộ phim khác của Nguyệt và con mà Lập không có vai. Chỉ có điều các bộ phim không thể đan xen để cả các nhân vật đụng đụng nhau ....sẽ không đau. 


Liệu còn có bộ phim nào có vai cho mình không nhỉ - Lập đôi khi tự hỏi.


Cô gái cho điện thoại vào túi và hỏi anh về vốn liếng khiêu vũ. Anh nói:


- Tôi trước có biết chút đi lên đi xuống, sang trái sang phải rồi giơ tay cao cho nữ quay , nhưng lâu lắm không đi...

- Ô thế là quá nhiều cho một vũ điệu Rumba  rồi. Anh đứng lên đi.


Cô nàng lấy Ipad trong túi ra mở vũ điệu Rumba, cho dừng, cho anh xem, bắt đứng cho giống vũ công nam ấy và nói: 


- Rumba là vũ điệu của nữ, nữ phô nữ tính, lộ cái đẹp của cơ thể trong các vũ hinh của nghệ thuật chuyển động. Các nam thì nên phô nam tính, đầu tiên chủ yếu làm tay vịn đỡ cho nữ chuyển động và quay là tốt lắm rồi. Anh về tìm trên mạng các ảnh tượng thần Hy Lạp bẳt trước mà đứng, vững và luôn để cả trọng tâm cơ thể rơi xuống một chân, xuống gót chân trụ ấy, chân kia tự do chạm đất nhưng không tì xuống đất để có thể nhấc lên ngay khi cần. Trong tĩnh là chân trụ đã có động là chân đợi bước rồi. Nam bắt đầu thế đã để còn ra chỗ sàn  đông được chứ quen đứng để trọng tâm cơ thể rơi xuống xa cả hai chân thành tật khi ra chỗ đông chỉ có ngồi xem. Còn làm sao có chuyển động nối từ thế đứng một chân này sang thế kia thì xem video mà luyện, chú ý làm sao để không có lực va đập xuống sàn tạo ổ gà là mất thăng bằng đấy. Khi thực hiện bước cần tránh dậm ấn mũi chân xuống sàn sẽ sinh ra phản lực dư sóc. Bước đi khiêu vũ của người khác của Robot là cứ như không bước lên sàn thật mà bước nửa vời lên cái sàn ảo ỏ trên sàn thật nửa phân rồi sức hút trái đất sẽ hoàn thành nốt bước ". Cô nàng nói xong làm mẫu chuyển động cho Lập xem. Có vẻ anh làm được, Lập nghĩ. Cũng một phần là Lập đã chơi khá nhiều môn thể thao nhất là thời ở Nga lại mê trượt băng.


Cô nàng bảo anh lấy điện thoại chụp cái hình vũ điệu Rumba trên Ipad để về nhà tìm rồi học. " Em hết vốn rồi, con Trâm nó sẽ lo tiếp cho anh. Em còn lo đối phó với anh bạn ở Nha Trang. Còn bài của bọn em đây, điệu Slowfox khó hơn nhiều.  Cứ hai tháng một lần anh ấy bay ra để thử lắp ráp hai đứa, gần năm rồi, mới được nửa bài ". Cô nàng cho Lập xem vũ điệu Slowfox trên Youtube:" Cái này khó hơn Rumba nhiều, nhưng anh bạn em thích, đành vậy, nhảy với ai điệu gì cũng được nhưng không được cùng ai động đến Slowfox hay Valse chậm. Anh ấy tinh lắm. Chỉ vài bước thôi đã nhận ra có gì pha trộn ngay rỗi phải dỗ đến mệt " - Cô nàng thở dài và xoay ngưới dướn đi mấy bước dạo của Slowfox trên sàn. 


Nhìn chuyển động còn đầy nữ tính của cô nàng Lập sực nhớ lời thoại trong một bô phim Pháp xưa :"Khiêu vũ không chỉ là kỹ thuật, là phong cách mà còn là tính cách" và những định kiến của anh về thế giới khiêu vũ thể thao cũng như quan niệm về thói kiêu hãnh xen lẫn tính kẻ cả lây của dân Trang An nghe chừng không ổn lắm.


Cuối cùng thì mọi người cũng đến, dễ đến hơn chục người, chị Thảo, chị Ngọc, anh Dũng, anh Hiển...đủ cả và đi cuối là Trâm. Mọi người mừng rỡ thấy Lập, Trâm cũng nhìn anh, gật đầu chào. Vẫn cái nhìn, cái miệng mà năm ấy anh thấy ở sân nhà anh Dũng chị Ngọc khi cô nghiêng người quay đầu về phía anh ngồi trong cái vũ hình Rumba, trong vòng tay của Luận. Tuyết, cái cô làm mai mối ấy thì mừng ra mặt khi biết Lập, Trâm đã quen nhau trước và kéo Trâm sang ngồi bàn mình thì thầm.


Các bàn gần như đã kín, trên sàn đã có mấy người ra khởi động một mình hoặc tập đôi. Đó là các vận động viên khiêu vũ thể thao. Có thể nhận ra họ ngay trong các bộ trang phục đen gọn gàng. Nữ có thể trang phục màu sắc khác nhưng phần đông mặc quần để rõ dáng và các đường thân,  đường chân. Thể thao cần sức khỏe, chính xác.


Nhạc vũ điệu Latin nổi lên. Đã có một ông áo hoa đeo cà vạt đến mời Trâm. Tuyết thì ra nhảy với một cậu mặc đồ đen, dân khiêu vũ thể thao.  Mọi người lục tục rủ nhau đứng lên. Chị Ngọc kéo Lâm đứng dạy. Rốt cuộc ai cũng có đôi cả. Nữ đông hơn nên đành có những đôi hai nữ nhảy với nhau. Hết vũ điệu nọ đến vũ điệu kia mà Lập vẫn bị luẩn quẩn với các quý bà còn Trâm thì bị các quý ông đến mời túm. Đôi khi trong một vài vũ điệu đi vòng quanh sàn ánh mắt họ mới chạm nhau để rồi lại khuất đi. Duy chỉ có đến vũ điệu Rumba  khi Trâm được một người  quen có dáng chuyên nghiệp đến mời  nhảy cạnh ngay bàn nước thì Lập chúi xuống điện thoại ra vẻ bận rộn để có cớ không đứng lên nhảy rồi chỉ ngồi xem. Mọi thứ như lại trở về mùa thu ấy ở sân nhà anh chị Dũng Ngọc bên bờ sông Sét, lại bản nhạc " Đôi khi trời mưa " của ban nhạc " Secret Garden ", lại ánh mắt Trâm nhìn Lập khi người nam nghiêng đỡ xoay Trâm ngả người. Không biết ánh mắt nói gì nhưng nó tìm anh. Lập ngờ ngợ vậy. Khi hết nhạc Trâm không về chỗ mà đi ra ngoài. 


Nhạc dừng khá lâu để rồi bà chủ sàn nhảy tay cầm micro xuất hiện giới thiệu sinh nhật của một khách nhảy mà hội bạn thân đã chuẩn bị trước một sự kiện mini với tặng hoa, chụp ảnh. Trong tiếng nhạc "Happy Birthday" mọi người  đều bước ra sàn chúc mừng. Tốp thì cầm tay nhau nhún nhảy theo vòng  tròn, đôi thì cầm tay đưa nhau theo một vũ điệu Latin, cũng dăm ba người nhảy solo một mình. Lập  không tiện ngồi, anh đứng dậy và kệ đôi chân. Nó đưa anh đi,...nhưng không ra sàn.


4.

VĨ THANH


Sảnh bên ngoài sàn vắng tanh không có một ai vì buổi sáng này có mấy hội đông chị em tình cờ cùng đến khiêu vũ nên các quý ông đi lẻ không bị bơ vơ lại kéo ra bàn nước tán gẫu như mọi hôm. Chỉ cần kiên nhẫn ngồi uống nước dăm ba buổi là hóng được khối chuyện về thế giới khiêu vũ, từ chuyện tình của vua nhảy đầm Bảo Đại với vũ nữ Lý Lệ Hà đến hậu trường của các cuộc thi khiêu vũ thể thao hiện đại. Không chỉ những chuyện phiếm mà cả những ngóc ngách cái trò chơi ma mị của âm nhạc và chuyển động này, những sự khác nhau của thể thao và nghệ thuật, không thiếu chuyện gì mà họ không say sưa .... lúc ế. 


Bên ngoài thấy những hạt mưa đua nhau đập vào cửa kính.


Từ cửa sàn khiêu vũ ra rẽ trái là hành lang  balcon dài rộng nhìn xuống bể bơi ở tầng một.       Một người phụ nữ đứng vịn tay lan can nhìn xuống bể bơi.


Một người đàn ông đi đến nhìn thấy cô liền đứng lại ngập ngừng. "Một cơ hội...duyên... cơ thể không nói dối ... ", bao ý nghĩ lộn xộn cùng trong giây phút đã đến trong đầu anh, đưa anh đến gần cô và cất tiếng rất khẽ nhưng rõ :"Chào Trâm".


Người phụ nữ vẫn đứng yên, tay vẫn vịn lan can, vẫn cúi đầu nhìn xuống bê bơi. Chỉ có một tiếng nói cũng rất khẽ nhưng rõ đủ để cho anh nghe thấy, một mình anh nghe thấy:" Sao anh không mời em? ".

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Cybernetics and Cyberwar


1. Lời dẫn

- Cuộc chiến tranh trên đất Ucraina tùy góc nhìn có thể gọi bằng những tên gọi khác nhau. Vladimir Putin gọi là " Chiến dịch đặc biệt ". Hầu hết người Nga và người Việt được giới truyền thông hướng dẫn dùng thuật ngữ đó.

Một số người từ một góc nhin nghệ thuật quân sự thì gọi nó là " Chiến tranh lai ghép ".

Người dân Ucraina bình thường thì gọi nó theo cái tên truyền thống là " Cuộc chiến xâm lược của Nga " và cũng là " Cuộc chiến tự vệ ( vệ quốc ) của Ucraina ", cái tên nghe quen xưa nay trở nên lạ lẫm.

Nếu từ góc độ khoa học thì còn có thể gọi nó là " Cuộc chiến ĐKH - CyberWar "

- Lại nhớ cách đây chục năm rồi, hồi mới chuyển về ở Hà Thành Plaza Thái Thịnh, tôi có cùng Khánh đến chơi nhà Bùi Quang Minh gần đấy. Hôm đó 3 người pháp đàm đủ mọi thứ trên đời theo các chủ đề gắp thăm từ thơ ca đến tâm linh khoa học hay chứng khoán. Mỗi người được tối đa 5 phút rồi im để đến lượt người khác và mình yên lặng ngồi nghe, nhấm nháp vang với Salami Nga.

Lúc cuối tưởng hết chuyện, hết chữ là lật ngẫu ngẫu nhiên quyển từ điển tay dính cái từ giáo dục. No nê và say hết rồi tôi bảo mọi người kết thúc và trước đó là viết vào giấy xem cái môn học nào cần cho dân Việt khai trí nhất bây giờ. Lúc chìa giấy ra thì như một điều ngớ ngẳn rất linh. Trên cả ba tờ giấy đều ghi " Cybernetics - Điều Khiển Học ".


2. Cybernetics

Nếu nói lịch sử là những câu chuyện về chiến tranh thì may quá hầu hết các cuộc chiến tranh từ WW2 về trước ĐKH chưa ra đời. Chỉ sau WW2 với quy mô lớn về không gian và áp dụng nghệ thuật quân sự chiều sâu cùng với kết nối các tầng lớp khí tài hiện đại khác nhau việc mô hình hóa trò chơi giết người của thần chiến tranh này đã thai nghén cho ra khoa học Cybernetics. Lúc đó MTĐT cũng ra đời để lưu giữ, chuyển đổi thông tin. điều kiện phát triển kỹ thuật và lý thuyết điều khiển để rồi dần dần trở thành môn khoa học hoàn chỉnh. Điều khiển học dần trở thành một khoa học sau thế chiến 2 nhờ sự tham gia của các trí thức như Wiener, Rosenblueth, John von Neumann, McCulloch, Shannon, Heinz von Forster, Lorenz, Walter và Claude ...... đến từ những khoa học khác nhau và như vậy, điều khiển học ngay từ đầu đã làm công việc nghiên cứu liên ngành, tìm cách phát hiện các đặc điểm chung của nhiều loại hệ thống khác nhau trong một mô hình điều khiển tổng quát. Một cách nói khác đó là " Khoa học về hệ thống " tìm hiểu quan hệ chức năng của các thành phần hệ thống tập trung về tính mục tiêu: sự định hướng mục tiêu là do các vòng phản hồi âm giảm bớt sự chênh lệch giữa mục tiêu là trạng thái mong muốn với trạng thái đã đạt được. Hệ thống đây là theo quan niệm Tập hợp các phần tử có cấu trúc và chức năng với mục tiêu bên ngoài đặt rõ.

Về lý thuyết, điều khiển học nghiên cứu các hệ thống và cơ chế điều khiển của nhiều loại hệ thống khác nhau, không giới hạn chỉ một loại hiện tượng cụ thể. Tương tác xã hội cũng là phạm vi nghiên cứu của điều khiển học bởi trong hiện tượng xã hội con người đề xuất yêu cầu về mục tiêu, thỏa thuận, hợp tác và giám sát các phản hồi để đạt được các mục tiêu.

Theo chiều ngược lại thì từ điều khiển học sản sinh ra các ngành khoa học hiện đại như: khoa học máy tính, đặc biệt là Lý thuyết Thông tin, Lý thuyết automata, Trí tuệ nhân tạo và Mạng Neuron nhân tạo, Mô hình hóa và mô phỏng bằng máy tính, Kỹ thuật robot, và Sự sống nhân tạo. Rất nhiều khái niệm cơ bản của các lĩnh vực này, như Sự phức tạp ( complexity ), Sự chọn lọc (selection), Sự tự trị (autonomy), Sự kết nối (connection), và Sự thích nghi (fitness) được các điều khiển đưa ra.

Và chính thức thì có thể tính từ năm 1947 khi nhà điện toán Wiener cùng bác sĩ thần kinh Rosenblueth đã khai sinh ra khoa học có tên Cybernetics với hệ thống có thể : a- quan sát được..... b- điều khiển được. Cyber tiếng Hy lạp có nghĩa đen là " tay lái ", đó chính là " phần điều khiển " ghép thêm vào đối tượng hệ thống để luôn cải thiện trạng thái của nó ( tọa độ, hướng ) cho gần đích hơn. Liên quan đến tên gọi đó thì từ thời Hy Lạp cổ đại Plato đã từng đề cập đến việc " Trên một con tàu, phải chăng một vị thuyền trưởng tự do làm điều anh ta chọn, với trí tuệ sáng suốt, chỉ dẫn hành trình tuyệt vời, nắm chắc mọi điều sẽ xảy ra với con tàu và các thủy thủ của mình " và đó cũng là quy luật cai trị, lãnh đạo con người, vị thuyền trưởng cũng chính là người cầm lái, cầm quyền (governor). Với điều khiển học có thể nhìn xuyên suốt cho quá trình nghiên cứu hoạt động, cơ chế có mục tiệu.

Cũng có thể lấy mốc ra đời của Cybernetics là sự ra đời cuốn sách của Wiener năm 1948 với tựa đề " Cybernetics, or control and communication in the animal and machine - Điều khiển học, hay điều khiển và giao tiếp trong động vật và máy móc ".

Ở LX mấy ông lãnh đạo nghe lời các nhà khoa học xã hội liệt ngay cái thứ đó vào khoa học tư sản vì ở không thấy có tính giai cấp. Thế là sau di truyền học lại một khoa học nữa cùng số phận các nhà khoa học của nó bị kết án, dừng.

Thực ra là không oan vì 3 chứng cứ:

a- Điều khiển học yêu cầu mục tiêu phải được lượng hóa, là số. Quan sát được nghĩa là đo được. Ai mà thích dùng lời, chỉ quen định tính, tránh định lượng là rất ngại.

b- Mô hình hệ thống cần điều khiển gồm 3 phần theo thứ tự: 1-Input, 2- Output, 3-Black Box.

Hóa ra cái bên trong - Black Box ấy số thứ tự lại là 3, phải xét hai cái bên ngoài 1, 2 trước. Kiểu mèo đực mèo cái cũng là 3, phải bắt được chuột đã. Cái Black Box là cái bên trong được đánh giá, giải mã dựa hoàn toàn vào 1- tín hiệu đầu vào và 2- đáp ứng đầu ra.

c- Cybernetics coi đối tượng như một cơ thế sống. Mà cơ thể sống là cái thông minh nhất trong vũ trụ vì nó luôn phải: a- phân biệt.....b- lựa chọn để tiến hóa. Nó có thêm ngòai 1, 2, 3 kể trên là 4- Feedback và 5- Control.

Đóng góp căn bản nhất của điều khiển học là giải thích tính mục tiêu, một đặc trưng quan trọng của trí não và sự sống bằng những khái niệm quan hệ điều khiển. Minh họa đơn giản nhất điều này là máy điều hòa duy trì một nhiệt độ riêng có thể xem như mục tiêu bên của nó. Cơ thể sống có tuyến mồ hôi là hệ thống điều khiển như vậy. Hệ thống điều khiển có phản hồi âm (negative feedback) là như vậy.


3. Điều khiển học và Nhận thức luận (epistemology)

Điều khiển học nhìn những hệ sống phức tạp như hệ điều khiển để chỉnh hoạt động trong các quan hệ tương tác với môi trường bên ngoài. Điều ấy thật tự nhiên đưa ta đến gần hơn Nhận thức luận ( nhánh triết học về kiến thức ). Điều khiển học chỉ ra xu hướng coi tri thức mang tính Kiến tạo luận ( contructive ) tức là kiến thức không là một dạng phản ánh bị động thực tế bên ngoài giống một bức tranh khách quan, mà là kết quả của một quá trình hệ thống tích cực xây dựng hiểu biết.

Trước hết, kiến thức thế giới của chúng ta được điều chỉnh tất yếu bởi các quá trình cảm nhận của chúng ta, với nghĩa - cảm giác về hỗn loạn. Kết quả là một mô hình chủ quan những khía cạnh của thế giới phù hợp với các mục đích hệ thống. Ít nhất là ta có thể biết thu được các mô hình hiệu quả từ môi trường của mình.

Một giải thích thái quá cái nhìn này có thể dẫn tới thuyết duy ngã, hoặc không có khả năng để phân biệt bản thân với môi trường ngoài. Một giải thích thực dụng hơn là mọi mô hình xây dựng bởi người quan sát nào đó, thì mô hình ấy phải chứa cả người quan sát. Trong Điều khiển học, điều này dẫn tới “ Điều khiển học thế hệ 2 ", tự hệ thống thử nghiệm mô hình về bản thân mình trong quá trình mô hình hóa thế giới.

Cũng cần bổ sung là Điều khiển học trong mô hình toán của mình phát triển về Sự sống nhân tạo gắn với giải thích nguồn gốc sự sống và mô phỏng những hệ sinh học. Theo thời gian, các ngành như khoa học quản lý, điều trị tâm lý... sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng thêm cho nghiên cứu theo như khái niệm và lý thuyết của điều khiển học. Nói chung, điều khiển học mở ra cách thức cho nhân loại tìm hiểu sự phức tạp đầy đủ của thế giới quanh ta và cung cấp cả công cụ mô phỏng máy tính đối với các hệ thống trong thế giới này.


4. Cuộc chạy đua tên lửa Xô- Mỹ

Năm 1953 Stalin chết, Khrupsov lên thay. Mâu thuẫn Xô-Mỹ tăng dẫn tới chạy đua vũ trang. LX đã có vũ khí nguyên tử rồi nhưng phải hoàn thiện hệ thống tên lửa để mang nó đi đến đích, phải điều khiển nó. Đành phải chấp nhận Điều khiển học vậy. Pontryagin đã đưa ra nguyên lý cực đại mang tên ông làm cơ sở cho " Lý thuyết điều khiển các quá trình tối ưu ". Nguyên lý đó nhà toán học phát biểu như một giả thuyết và các bài toán cơ bản trình bày trong cuốn sách của ông là dành cho việc bắn trúng mục tiêu với thời gian nhanh nhất ( быстродействие ). Mục tiêu có thể cố định hoặc di động với quy luật cho trước ( theo thời gian ). Áp dụng nguyên lý đó thực ra là đảm bảo một hàm số đặc biệt mà Pontyagin gọi là hàm Hamilton luôn đạt cực đại ở thời điểm hiện tại. Lời giải sẽ là luật biến đổi theo thời gian của đại lượng điều khiển. Cuộc chạy đua tên lửa Mỹ-LX trong lĩnh vực vũ khí và trong việc chinh phục vũ trụ đã làm cho Điều khiển học có chỗ đứng và phát triển. 4 năm sau nhóm 4 nhà khoa học trẻ ở viện toán Steklov ở Moscow đã hoàn thành việc chứng minh nguyên lý cực đại Pontryagin đó.

Có thể nói Khrupsov đã cởi trói cho môn khoa học này và sự thành công trong lĩnh vực đầu đạn hạt nhân và tên lửa để ông ấy có thể tuyên bố là an ninh LX đã được đảm bảo để cùng Mỹ chung sống hòa bình và giảm trù quân bị.


5- CyberWar

Có lẽ cuộc chiến Mỹ xâm lược Irak năm 2003 mang đậm chất CyberGame. Buổi chiều dân Mỹ ra bật TV thấy trái đất trên màn hình được zoom to dần và một mục tiêu hiện rõ đóng khung. Đúng giờ ấn định mục tiêu. Mục tiêu bị hủy diệt. Tất nhiên đó là những mục tiêu cố định đã được định vị trước hay những mục tiêu di động theo quy luật đã biết của những bài toán trong quyển sách của Pontrygin.

Sau này bài toán tìm diệt được nâng cấp lên với việc bổ sung phần nhận dạng và dẫn đường đến mục tiêu. Thủ lĩnh ly khai của Chechnia là Dudaev năm 1995 sử dụng điện thoại liên lạc và bị giết bởi tên lửa có lazer dẫn đường từ một máy bay trinh sát của quân đội Nga.

Cuộc chiến tranh Nga trên đất Ucraina hiện nay khốc liệt với yếu tố nhận dạng mục tiêu và dẫn đường. Các đặc điểm và hành vi của đối tượng sẽ được thiết bị ghi nhớ, khoanh vùng, đi tìm và đánh dấu. Hàm mục tiêu sẽ luôn là khoảng cách của đối tượng điều khiển đến đối tượng tiêu diệt.


Sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghệ tiên tiến, đặc biệt là của công nghệ điện tử là tiền đề phát triển cho các loại vũ khí điều khiển chính xác nói chung, cũng như của Vũ khí " phóng và quên " nói riêng.


Công nghiệp điện tử hiện nay cho phép chế tạo những thiết bị dẫn đường và cảm biến (sensor) đủ nhỏ, thậm chí lắp được cả trong đạn pháo.


÷÷÷

P/S

Trong STT có sử dụng những tư liệu của Bùi Quang Minh

THẾ GIỚI 2022

Tôi vốn hời hợt, ngại nghĩ, hay quên và hài lòng với cái tính trời cho đó. Nó nhàn lại đỡ mắc kẹt và đố kỵ, hai cái khổ thường xảy ra với những người thông minh sâu sắc và có trí nhớ dai ấy. Cá nhân tôi rất khâm phục họ nhưng ngại kết thân vì nhỡ mình sơ suất họ sẽ không bỏ qua, không quên lại khổ. 


Thế giới tôi là như vậy cho đến khi đọc phải truyện Duhless của Minaev.  Tôi bị ám ảnh khi đọc tác phẩm " Vô Hồn " của TG Nga đó khi thấy cái thế giới ngày nay của nước Nga như là thế giới của những xác ướp. Không chờ đến chết mới ướp xác mà sống đã đã là ướp xác rồi.


Lúc viết tập truyện ngắn đầu tay " Bản Tango Italiano " tôi chưa nghĩ đến điều đó, chỉ dừng ở suy nghĩ là con người như luôn trong cơn nghiện, chuyện bình thường mà từ xưa đã viết nhiều xoay quanh Tiền, Quyền và Tình thôi. Tôi mới chỉ viết qua nhân vật của mình : " Tiền nó bạc, tiền nó tệ. Đôi khi mình cứ phải bình tâm, yên lòng lại trước cơn sốt tiền, cơn sốt thành đạt bằng mọi giá của thiên hạ. Tiền nhiều quá lú hết còn chỗ đâu cho yêu thương nữa anh. Mọi người cứ như trong cơn say nghiện ấy. Mình phải so với mình trước kia chứ. Bây giờ đâu đến nỗi, chỉ cần học hành cẩn thận, có nghề nghiệp, việc làm ổn định, ăn giờ hết mấy, tiêu pha thì vô cùng và là do mình chứ, không phung phi vẫn cứ để dành được đi du lịch. Ốm đau đã có bảo hiểm, sao cứ phải cuống lên thế - trích " Nhà Trong Ngõ - Bản Tango Italiano "..." .


Chỉ lúc truyện " Vô Hồn " tôi mới nhận ra cái thế giới xác ướp đó viết tiếp tập truyện ngắn tiếp Hoa Oải Hương. Tất nhiên là chỉ cần một chút le lói thôi, thì loài người vẫn còn hy vọng....thoát ra...." Anh nằm dài trên Divan, đọc tiếp quyển truyện của tác giả người Nga. Hôm nay phải đọc xong. Kỷ lục thật. Một quyển truyện đọc trong mười năm. Anh mua nó rồi đọc mấy trang đầu lúc còn ở trường rồi anh bỏ dở, bỏ ra làm ngoài, rời giảng đường, sinh viên, khoa học. Anh đã thành nhân vật trong truyện khi nào. Bây giờ anh đọc truyện thấy chính mình, thấy những khuôn mặt quen qua một lớp người giàu thành đạt, “ kinh tởm và đê tiện ”. Cái thế giới của anh tuần trước, nơi mà nhân cách con người được phơi bày hết ra trong truyện. Chỉ có tiền. Không có tiền, không gái. Không có tiền, không bạn. Không có tiền không có ký kết, không hợp đồng giao kèo nào cả. Nhưng cái “ Nhân vật tôi trong truyện ” lại luôn khao khát được trò chuyện với cô gái Julia hiền dịu, lại ao ước được trở lại là mình xưa.

Cuối cùng anh cũng đọc xong quyển truyện đó, gấp lại, ra khỏi truyện...." - trích từ " Hoa Oải Hương "


- Thế Giới này sao đến nỗi như vậy. Hình như sự phát triển và tha hóa đi đôi với nhau.


- Thế giời này có 3 nước lớn. Một đất nước càng lớn thì người lãnh đạo càng to và dân càng nhỏ và dần thành xác ướp hay robot nếu người dân coi ông ta là người không thể thay thế. Hãy nhớ lại lời của Marat, nhân vật lãnh đạo của cuộc cách mạng dân chủ dân quyền Pháp cuối thế kỷ 18 :


Người ta lớn bởi vì các người cúi xuống

Hỡi nhân dân! hãy đứng thẳng lên!” thơ Pháp xưa.


( On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux

Citoyens! Levez-vous droitement! – Marat )


Ý tưởng viết về 3 nước Mỹ, Nga và Trung Quốc một cách thực chủ quan như của một người dân thường tò mò ngoại đạo không bằng cấp, không trong giời hàn lâm khoa học xã hội để khỏi mắc kẹt bởi những chủ nghĩa lý thuyết sách vở xuất hiện trong tôi trong mùa dịch Covid này. Giống như đứa trẻ mới phát hiện được ông vua cởi truồng. Có cảm giảc là các giáo sư, học giả rất thông minh, viết nọ viết kia để che mắt con người nhưng bỏ quên đứa trẻ ấy. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn ư nếu không có các nước lớn quá ? Tôi không biết. Nhưng thế giới chắc an toàn hơn, tôi nghĩ vậy.


Các bạn nào có Comment trao đổi thì tôi rất cảm ơn nhưng xin tập trung vào từng đề mục một. Vì đều là ý kiến chủ quan nên chỉ có tính chất bổ xung cho nhau thôi, mỗi người như mù sờ một phần của con voi.


Và cái thế giới này mong manh hơn bao giờ hết.  

Có lẽ chúng ta đã bàng hoàng giật mình ngày 11-9.

Và bây giờ là những đe dọa hạt nhân của Putin


Cũng có thể lùi xa để nhìn, đỡ bị cảm xúc. Coi như chúng ta đang ở 100 năm sau nhìn lại thế giới ngày nay, không có yêu ghét, chỉ tò mò. Tất nhiên là cũng chỉ là mong mỏi là Putin không kích hoạt hạt nhân.

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

TIỂU LUẬN

1.

Khoa học là hệ thống những tri thức quy luật của và sự vận động của Sự Vật vật ( tự nhiên , xã hội, tư duy ). Trong Khoa học cần sáng tạo ( có thể gọi là SÁNG TÁC ) nhưng rồi chỉ nhưng gì được kiểm chứng cả ĐỊNH LƯỢNG và ĐỊNH TÍNH mới được chấp nhận.

Phương pháp của khoa học đòi hỏi các phép đo chính xác có thể lặp lại được, và một tính khách quan tới mức có thể loại trừ tất cả các yếu tố chủ quan từ phía người tiến hành thí nghiệm.

2.

Thật khó định nghĩa được nghệ thuật. Có nhiều ý kiến khác nhau. Tất nhiên mọi ý kiến đó dều bắt đầu bằng từ SÁNG TẠO để tránh sao chép sản xuất hàng loạt kiểu công nghiệp. Còn lại nó phải khác với khoa học hay nói cách khác kết quả khoa học là đúng hay là sai để chấp nhận hay loại bỏ thì kết quả của nghệ thuật lại tùy vào chủ quan người xem

* Anthony Freeman nói: “Thật nghịch lý là nhà khoa học tìm ra chân lý sau nhiều lần lặp lại thí nghiệm và thu được các kết quả giống hệt nhau, trong khi đó nghệ sĩ tìm thấy chân lý sau khi thu được các kết quả hoàn toàn khác nhau.”

* Cái Đẹp thường được đưa ra như một tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, định nghĩa được cái Đẹp còn khó hơn định nghĩa được Nghệ thuật. Albert Einstein viết: “Cái đẹp nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm là sự huyền bí.” Như vậy sự huyền bí là nguồn gốc của mọi nghệ thuật đích thực. Chính vì lý do đó chúng ta không có hy vọng có được một định nghĩa rõ ràng về nghệ thuật. Nghệ thuật là cái gì đó chúng ta chỉ có thể cảm thấy mà không tài nào diễn giải được bằng lời. Nó giống như một trải nghiệm huyền bí vậy.

* Theo Tolstoy, nghệ thuật là phi giai cấp. Mọi quan điểm cho rằng nghệ thuật nhằm phục vụ lợi ích riêng của bất cứ giai cấp, tầng lớp, đảng phái chính trị nào trong xã hội đều là nhảm nhí. Các đảng phái có thể bị tiêu vong, các chế độ chính trị có thể bị suy tàn, nhưng nghệ thuật đích thực tồn tại mãi mãi. Vì thể Nghệ thuật cần tự do.

Toán học hay Vật lý cũng vậy. Nó cần Tự do để nói câu " Tôi cho là ", cái đó gọi là Tiên đề hoặc giả thuyết để rồi sáng tạo trên nền đó với các công cụ Logic hỉnh thức.

3.

còn nhiều ý kiến khác nhau về Nghệ thuật lắm, cũng như Tình Yêu và Thơ vậy. Vì thế các bạn hãy yên tâm. Nó hoàn toàn Tự do, hoàn toàn Thực trong tâm tưởng của bạn

====

TIẾN HÓA

- Vừa nghe đến Thuyết Tiến Hoá là bao người giãy nảy lên nghĩ ngay đến chuyện phải làm hậu duệ của con khỉ Tôn Ngộ Không mà .... không muốn nghĩ gì thêm nữa nói chi đến việc tìm hiểu GA hay ET. 

- Mà lại còn vin vào Chúa nữa rồi " Khoa học đã phải cần đến Chúa ", đại loại như thế. Trời ạ. Khoa học là cái Anh nào mà tìm Chúa dữ vậy. Nếu là các nhà Khoa học thì họ lại mỗi người một ý. 5 Anh ( có Einstein ) tin ở Chúa thì cũng 5 Anh khác chẳng cần đến Chúa, lại tin cái con khỉ

- Thôi dùng " Thuật giải bày đàn tối ưu - Particle swarm optimization " cho nó đỡ lăn tăn vậy. Cứ xem đàn chim nó bay đi kiếm ăn sao thì bắt chước vậy. 

>Đàn chim nó chẳng quan tâm gì quá khứ . Những cái đã qua luôn buông bỏ cho nhẹ đôi cánh. 

Nó chỉ quan tâm : a-Đang ở đâu trong cái thế giới này, b- Đi về đâu để có thức ăn mà sống sót. 

Điều Khiển Học mà, chỉ có trong giây phút hiện tại. Cái này mấy bác truyền thông, mấy cô nhà thơ gọi là SỐNG TẬN, SỐNG SÂU rồi bao nhiêu thuyết trình, hội thảo. Khiếp. Chim nó nghĩ và làm từ tám hoánh rồi, cũng chẳng mất thời giờ với những quyển sách dày cộp lắm chữ, những hội thảo chật nich vỗ tay.

> Và mỗi cá thể phải ra quyết định bay hay nói cách khác từ trạng thái i xác lập trạng thái i+ 1. 

Muốn thế : a- phải so mình với mình trước ( Loacal ), b : So với cái ngoài mình ( Global ) rồi kết nhập thành một c nhờ trọng số k :  c = k*a + ( 1-k)*b 

> Cũng không cần trả lời câu hỏi về thông tin giữa các con chim trong đàn, từ đâu ra, có phải có trường thông tin nọ kia, có Chúa không, lại luẩn quẩn rối mù. 

Hãy ngắm một đàn chim hay cá chuyển động, cả một quần thể nhưng có một sợi dây vô hình tạp một chuyển động như một vũ điệu Tự Nhiên kỳ diệu

===

( Đọc “A Brief History of Time “ )

-Khi Stephen Hawking viết “A Brief History of Time “, tác giả chú thích rằng “ Có người bảo tôi rằng mỗi phương trình mà tôi đem vào sách sẽ khiến cho số lượng tiêu thụ giảm xuống phân nửa. Vì thế tôi quyết định không dùng tới một phương trình nào cả. Tuy nhiên, rốt cuộc tôi đã đem vào một phương trình, đó là phương trình nổi tiếng của Einstein, E=mc2. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ không khiến cho một nửa số độc giả tương lai của tôi sợ hãi bỏ chạy “.

Vẫn là hy vọng thôi, chứ chắc là sợ và chạy hơi nhiều. Ông này cũng thừa biết là con người không thích những lý lẽ, không hiểu những lập luận có tính khoa học hay nhất là người Việt, say sưa Phương Pháp Luận Phương Tây. Con người bị thuyết phục qua vần, xuôi tai, hình ảnh và ví dụ hơn.  Nói chung là có năng khiếu “ KINH DOANH ĐA CẤP “.

-Cho tới bây giờ, hầu hết các khoa học gia còn quá bận rộn với sự phát triển các lý thuyết mới mô tả vũ trụ là gì nên chưa đặt câu hỏi tại sao. Mặt khác, những người làm công việc đặt ra câu hỏi tại sao, các triết gia, đã không thể bắt kịp đà tiến bộ của những lý thuyết khoa học. Trong thế kỷ 18, các triết gia đã coi toàn thể kiến thức của nhân loại, kể cả khoa học, như lãnh vực của họ và thảo luận những câu hỏi như: Vũ trụ đã có một khởi đầu hay không? Tuy nhiên, trong các thế kỷ 19 và 20, khoa học đã trở nên có tính cách quá kỹ thuật và toán học đối với các triết gia, hoặc bất cứ ai khác trừ một số các chuyên gia. Các triết gia đã giảm tầm mức những câu hỏi của họ nhiều đến độ Wittgenstein, triết gia nổi tiếng nhất của thế kỷ này, đã phải nói "Nhiệm vụ chính yếu còn lại cho triết học là phân tích ngôn ngữ." Quả là một tuột dốc từ truyền thống vĩ đại của triết học từ Aristotle đến Kant!

- Đọc xong lại thấy mơ hồ hơn

- Mr. Lương Lê Huy có viết :" Con người khác con vật ở chỗ là có trí tưởng tượng và tò mò ". Thực ra nhiều khi tò mò không có mục đích kiểu như huân tước Hamilton đi dạo bờ sông Them phẳng lặng thấy một ngọn sóng bỗng từ đâu xuất hiện chạy theo rồi biến mất. Ông không dứt nổi ý nghĩ đó và càng tò mò vị tò mò. Khoa học thuần túy là vậy, nó vị chính nó. Còn sau người ta có dùng cơ học phi tuyến không, để vào mục đích gì, nhà khoa học không quan tâm. Có lẽ Nghệ Thuật thuần túy hay Khoa học xã hội thuần túy nếu có cũng vậy. cũng như gió, như nước...như năng lượng nguyên tử, nó tự nhiên, không khiên cưỡng, nó không cần tới mục đích vì thế nó vĩnh cửu.

====

- DEFINITION of 'Peter Principle'

An observation that in an organizational hierarchy, every employee will rise or get promoted to his or her level of incompetence. The Peter Principle is based on the notion that employees will get promoted as long as they are competent, but at some point will fail to get promoted beyond a certain job because it has become too challenging for them.

" Quan sát trong một hệ thống phân cấp tổ chức cho thấy rằng mọi nhân viên sẽ vươn lên hay được thăng cấp đến hết mức của khả năng của mình. Nguyên Lý Peter dựa trên ý tưởng rằng các nhân viên sẽ được thăng cấp cho đến chừng nào họ còn có đủ khả năng thực hiện trách vụ, nhưng ở một mức nào đó họ sẽ không thể được thăng cấp cao hơn một trách vụ nhất định vì nó đã trở nên quá thách thức đối với họ ".

- Một trong những tiêu chí quan trọng của Nguyên lý Peter, vốn đã được thẩm định tính chính xác của nó gần nửa thế kỷ, là “đừng bao giờ cho rằng người thạo việc là người có khả năng lãnh đạo”. Vì nếu chỉ dựa vào khả năng hoàn thành hạn mức cá nhân, người ta có thể dẫn đến một sai lầm nghiêm trọng trọng việc quản trị nguồn lực, chẳng hạn như đưa một con trâu vào vị trí chủ tịch hợp tác xã, bởi chỉ tiêu kéo cày của nó.

-Thận trọng khi đưa Thợ lên làm Thầy, đưa Vũ Công lên làm Vũ Sư, đưa Sao Ca sỹ lên làm Giám khảo như ở Ta hiện nay

===

-Khi có Công xã Paris các bác Vô sản thì gậy súng lên vai ra đường, còn một nhóm các Cụ râu dài thì ngồi loay hoay. Chúng ta sẽ là tiếp cái gì nhỉ ? À. Một ước mơ về một xã hội " Tự do-Bình đẳng-Bác ái ". Quần chúng đám đông sung sướng hô vang khẩu hiệu " Bánh mì ", các nhà thơ sung sướng làm thơ, các Triết gia thì diễn thuyết, viết Stt. Các độc giả thì Like và hoan hỉ. Lại có một thằng bé ngẩn tò te. Không biết có anh em họ hàng gì với thằng bé trong truyện cổ tích của Andersen không mà nó lại hỏi " Liberte – Egalite – Fraternite là thế nào ". Thằng này chắc không thể thi vào Đại Học khối XHNV được, chọn khối A (Toán lý hoá ) mà thi thôi. May ra đỗ.

- Khổ cái là các Cụ râu dài hồi đó lại thuộc diện chuyên chọn khối A ( Sau này khi bóp chết CX Vô sản đó Napoleon dùng khá nhiều cụ trong đó có Lagrange để làm ra Cơ giải tích và Monge làm ra Hình hoạ để đánh nhau với bọn Anh ). Thôi, trở lại với câu hỏi của thằng bé. Các cụ loay hoay, sau một tuần mới xong hai đáp án cho Bình đẳng và Bác ái. Câu Tự do bí.

Vì sao. Có một nguyên tắc trong phương pháp luận Logic là: " Nếu giải thích A là một cái gì lại còn chứa A thì không ổn, vòng vo, không chấp nhận được ". Hết giờ. Thằng bé thu bài. Các cụ đành viết bừa đáp án chung là :" Tự do (A) là quyền làm mọi việc không xâm phạm đến Tự do (A) người khác ".

Trong Khoa học thao tác Đệ quy ( Recursion ) đó chỉ có trong Toán và dùng trong các ngôn ngữ lập trình ví dụ A := A + x thôi. Còn ngoài ra không đâu chấp nhận

- Và Bi kịch của loài người là họ có những định nghĩa Tự do theo ý họ và .... dùng nó để xâm phạm những " Tự do khác ".

Loại trừ cái đó thì Tự do cũng như Tình yêu là những lời hay, có cánh dễ vào lòng quần chúng

***

P/S:

Chỉ trong Toán thôi nhé. Một khái niệm X được định nghĩa theo đệ quy nếu trong định nghĩa X có sử dụng ngay chính khái niệm X. Định nghĩa số tự nhiên

- 0 là một số tự nhiên.

- n là số tự nhiên nếu n - 1 là số tự nhiên

Và đó cũng là cái điểm yếu nhất nếu không muốn nói là xấu nhất trong toán học làm nó lung lay trước các Nghịch lý Logic

===

- " Khởi Thuỷ là Lời " - Kinh Thánh

Đúng vậy, có Lời là có mọi chuyện. Từ khi có Ngôn ngữ con người khác hẳn các động vật khác. Từ khi có chữ viết con người càng khác, có thể càng gần nhau, truyền cho nhau những kinh nghiệm từ đời nọ sang đời kía và cũng có thể càng có nhiều rắc rối với nhau.

Có một lý do là số từ thì có hạn, gói trong một quyển tự điển dù dầy đến mấy cũng có từ cuối thôi mà ý nghĩ lại không thể nào cho vừa một quyển tự điển. Vì thế có chuyện các ý nghĩ, các quan niệm khác nhau phải dùng chung từ.

Cùng nói một Từ, một Lời mà mỗi người nghĩ lại khác nhau. Bi kịch của Lời. Nếu Từ đó để chỉ đối tượng nhìn thấy như con voi, cái nhà thì không sao. Sự rắc rối khi Lời chỉ những thứ không nhìn thấy được, chỉ cảm giác được thôi. Tự Do, Tư Tưởng, Tầm Hồn, Hy Sinh, Hạnh Phúc....nhất là những từ Thơ.

- Và Tình Yêu nữa. Thời nay người ta càng nói nhiều về nó, ca ngợi nó, làm thơ về nó, càng bỏ nhau nhiều. Đơn giản vì có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cái hiểu về TY vậy mà ai cũng tưởng TY đó là cái mình nghĩ, cái duy nhất theo ý mình. Các cụ ngày xưa có biết từ ấy đâu mà rồi lấy nhau, chăm sóc nhau, sống đến đầu bạc răng long, gia đình êm ấm, con cái ngoan ngoãn. Còn gì bằng.

- Không chỉ trong cuộc sống mà ngay trong khoa học cũng đã bị khủng hoảng về Từ. Mãi đến khi Cantor đưa ra lý thuyết tập hợp với định nghĩa " những phần tử giống nhau, nghĩ về chúng như nhau thì làm thành tập hợp ", khoa học mới tạm ổn.

Riêng Toán học, " Ngôn ngữ của Chúa Trời " thì có vẻ ổn. Các nhà toán học có chung các ký tự toán học và vì thế các nghiên cứu nên bắt đầu từ việc xây dựng " Mô hình toán học " của vấn đề. Cái này ở ta ít để ý.

Còn ở các ngành khác, chỗ khác, nhất là trong thơ hay trên FB thì lung tung lắm.

===

PARETTO SOLUTION - GIẢI PHÁP CỦA HÒA GIẢI

- Giáo sư Phạm Phụ khi đến nói chuyện năm xưa ở trường ĐHXD Hà Nội về dự án nhà máy thuỷ điện Sơn la rất ngạc nhiên là các TS ở đấy không có khái niệm về Parreto Solution (PS). Giáo sư nói là chuyện tương tự xảy ra ở Phần lan và Quốc hội nước ấy họp bàn về cái giải pháp PS đó.

- Khi có hai mục tiêu mâu thuẫn nhau ( Conflict ), giải pháp Parreto nhằm xây dựng một Hoà giải có tính tới quyền lợi, ý muốn của hai bên để phục vụ một Mục tiêu chung. Ở đây là sự Tình táo, Trí tuệ, Nhương bộ nhau ( Compromiss ), vì cái lớn hơn chứ không liên quan gì đến sự Tha thứ như lời Đức Phật .

Ngày 30 - 4 đối với tôi chính là Ngày Thống nhất " Các Mục tiêu riêng trong một mục tiêu Tổng thể " - Có một nước Việt Nam đầy Sức mạnh để đối mặt với những thách thức của cái " Thế Giới Phẳng nóng và chật "

- " Mục tiêu mâu thuẫn nhau vẫn còn sau khi loại đi những giải pháp bị trội cần theo lời giải hợp lý (rationnal) chứ không phải là lời giải tối ưu (optimal) theo nghĩa một mục tiêu áp đặt. Ví dụ tốc độ là một chỉ số quan trọng của máy bay nhưng nhiều người lại quan tâm đến yếu tố an toàn để chọn những phương tiện đi lại dù có chậm hơn. Các cặp phạm trù đối nhau : độ bền và chi phí, an toàn và hiệu quả, tốc độ và độ tin cậy... luôn thuẫn nhau và cần có giải pháp dung hoà chúng..." Trích từ " Điều khiển tối ưu-Lý thuyết và ứng dụng trong cơ học-Trần Minh, Trần Đức Trung-NXB QĐND 2010"

Hoà Giải những mâu thuẫn cũng cần tựa vào một trong những chuẩn để kết quả có tính bền vững. Có thể chọn Chuẩn quy đổi tổng thể (Global criterion method).

G = sqrt [ (( G1(r1,..r n)- G*1 )/G*1)^2 + .. (( Gm(r1,..r n)- G*m )/G*m)^2 ]

Với G*i là những giá trị tối ưu đơn mục tiêu.

========

- Trên TV giới thiệu công nghệ Điều khiển nhờ sóng não. Tôi sực nhớ đến TS Đỗ Xuân Thọ với những trăn trở về công trình Sóng Ý Thức ( SYT) của anh. Khá nhiều lần Thọ gọi điện cho tôi kể về SYT, tôi cũng chỉ biết nghe và động viên. Rồi anh ra đi bất ngờ. Ước mơ khoa học bỏ dở. Bỏ dở cả cái Thuyết Tâm Vũ Trụ nữa. Cái Thuyết đó thì tôi nghĩ là do cách nhìn thôi và tôn trọng.

- Thực ra trong lòng tôi thấy không yên về SYT. Nếu KH nghiên cứu nó cũng như công nghệ biến đổi gen áp dụng vào người hay ghép đầu người nọ vào người kia thì !!!

Hồi xưa có nhà KH tuyên bố sẽ giải quyết nạn phân biệt chủng tộc. Cả thế giới chỉ còn một chủng tộc cao quý da trắng. Và rồi chàng ca sỹ Michel Jacson da đen trở thành quý ông da trắng. Mấy dạo này công nghệ đó hình như sang VN hay sao ấy. Phố tôi sống các cô nàng trắng quá, trắng nuột, tóc vàng. Dù sao vẫn biết là người Việt thôi vì vào thang máy là ai nấy chúi vào thiết bị cầm tay nhắn tin, vuốt, nói bằng tiếng Việt.

- Thôi trắng hay " nâu tươi màu suy nghĩ " cũng không quan trọng lắm. Có điều Ý nghĩ của ta, nó của riêng ta như hơi thở ấy mà tôi viết trong " Bài ca hoạ mi " bị bất an trên hành tinh này rồi. Người ta không chỉ suy đoán về ý nghĩ người khác mà còn tạo ra công nghệ liên quan tới sóng não. Trời ạ

===

- Trong những bài viết về Cybernetics tôi có nhấn mạnh ý nghĩa của " Bài toán Tác động nhanh " và ứng dụng nguyên lý Pontryagin để giải quyết nó. Bài toán này là một Bài toán có ý nghĩa lịch sử trong cuộc chạy đua giữa hai Siêu cường Khoa học Liên Xô ( Nguyên lý Pontryagin ) và Mỹ ( Nguyên lý Bellman ) những năm 60.

- Cũng cần nói thêm để khỏi lẫn. Nhanh nhất chứ không phải là ngắn nhất. Pele đã từng nói :" Con đường nhanh nhất đến khung thành đối phương là đi vòng qua biên ".

" Và con đường nhanh nhất đánh sập Hệ thống XHCN Soviet và Đông Âu là rút quân khỏi VN "-Có những cái đầu lãnh đạo Mỹ đã nghĩ như vậy. Họ đưa ra mọi phương án và loại trừ dần theo phương pháp của Socrates.

===

- Cuộc đời là một vở diễn. Hay nhất là ta vừa là khán giả, là người diễn và là đạo diễn.

- Có một vở kịch diễn ở Tây. Nhân vật phản diện diễn đạt quá và một khán giả đầy cảm xúc tưởng thật rút súng ra bắn chết diễn viên rồi sực tỉnh, quay súng bắn chết mình

Người ta xây hai cái mộ. Một mộ với cái bia : " Người Nghệ sỹ giỏi và xấu số ". Cái bia khác : " Một khán giả không đầu ".

Triết gia Paul Nguyễn Hoàng Đức có than phiền về trí tuệ của Thơ Văn Việt. Cứ nghe lời khen của người đọc để đỡ thắc mắc :" Hay ", " Đi vào lòng người ", " Đầy cảm xúc ", lúc nào cũng rung rinh như " Ở hai đầu nỗi nhớ " , cũng lo hay mong chờ trách móc như " Sao anh không về thăm Thanh Hoá ", cũng thổn thức chia sẻ " Biển một bên và em một bên ". Dang To Nga có một Stt về " Nghệ thuật thưởng thức ". Để thưởng thức phải học, nghĩa là cái đầu phải lạnh. Một việc quá khó với những người quen để " Trái Tim mách bảo, cái đầu đỡ nghĩ, nhàn... "

" Để có một Nghệ sỹ vĩ đại cần có những khán giả vĩ đại "- Đạo diễn Lê Hoàn viết

- Trong bối cảnh đó Triết gia đưa ra ý đọ thơ " ...Cực chẳng đã tôi phải thách đấu thơ để muốn thi thố với những cây bút nghiệp dư thì thụp làm thơ, sau đó cấu kết cánh hẩu, muốn khen ai lên mây thì khen, muốn vùi ai xuống đất thì vùi. Chúng ta thử đọ xem, người cậy thơ con dấu hay hoặc người theo đuổi các chuẩn mực mỹ học một cách nhà nghề hay?... " - 

Triết gia tưởng đưa các nhà thơ Việt vào thế khó rồi. Có bác nhà thơ nói với tôi : " Triết gia này cứ như " Người ngoài hành tinh " ấy. Có các giải, các cuộc thi sáng tác thơ. Cứ gửi đến mà thi. Thi nghĩa là đọ rồi. Bác ấy cũng có thi, có giải rồi. Tôi thì cứ nghĩ đến chữ Thi là hoảng. Kỹ năng có được từ hồi học Văn ở phổ thông.

Thi đã vậy, Đọ nữa thì sao ?

" Vừa nghe thấy nói đọ thơ

Thơ tôi nó sợ đến giờ mất tiêu

Tôi tìm chẳng biết ở đâu

Thơ tôi trốn sạch một câu chẳng còn. "

Mà đọ xong lại còn chuyện Thắng Thua, Tụ Tập, Tức Tối, Tâm Trạng, Toan Tính... Tha Thứ, ... Thơ Thẩn

Tôi nghĩ là Hoạ Thơ nó lành hơn. Nó giúp chúng ta hiểu Thi Ca hơn, có khi không phải như chúng ta quen nghĩ đâu.

P/S... Tôi cũng cảm ơn các bạn đã gửi thơ hoạ lại những bài thơ của tôi. Nếu được cho phép tôi xin đặt cùng với thơ tôi trong tập thơ " Trời Đùa "

===

- Hôm kia TT Putin có buổi trả lời câu hỏi của người dân. Các câu trả lời của vị TT này rất ấn tượng, dí dỏm thông minh. Nó làm tôi nhớ tới Einstein hay Mark Twant. Tôi thích.

- Người ta hay nói về người Nga nói chung. Với tôi là người Nga nào. Tầng lớp khề khà tốt bụng nhìn mọi thứ qua chai Vodka hay là tầng lớp trí thức luôn trăn trở về nước Nga đi về đâu hay là tầng lớp những người Nga tự ái nếu không nói là tự kỷ. Tuy nhiên phải nói rằng họ có cái chung đó là cầm người ta gọi là " Bản tính Nga " mà thực ra được tạo ra từ cái Thiên nhiên to lớn mênh mông Nga.

Nếu nói về người Ba Lan tôi thấy dễ, đơn giản. Tôi đã sống ở Ba lan ngót chục năm. Có lẽ vì họ hầu hết theo Đạo. Với người Nga tôi còn thấy khó hơn dù thời gian ở đó lâu hơn. Yêu quá để nhiều khi hẫng hụt quá. Với dân tộc Việt của tôi thì ... vui buồn yêu giận mung lung.

- Còn cái gạch cuối, dành cho Thơ vậy. Dịch một bài thơ Nga

Умом Россию не понять

(Тютчев Ф. И.)

Умом Россию не понять,

Аршином общим не измерить: 

У ней особенная стать — 

В Россию можно только верить.

“KHÔNG HIỂU ĐƯỢC NƯỚC NGA BẰNG TRÍ TUỆ”

(Chiutrev F. I.)

Không hiểu được nước Nga bằng trí tuệ

Không thể đo bằng những khuôn mẫu thông thường 

Nước  Nga rất riêng và  có khác biệt  

Chủ có thể tin nước Nga là vậy đó, thế thôi.

===

** ƯỚC MƠ MỸ_NGA VÀ SỰ HỤT HẪNG **

Có 2 ƯỚC MƠ : Ước Mơ Nước Nga ( đã đi vào quá khứ ) và Ước Mơ MỸ - American Dream ( Hình như cũng đang đi vào quá khứ ). Vì đâu đến nỗi này, Nhân Loại ??? Thử tìm ra 3 lý do.

- Theo cái gọi là Văn Hóa Bản Địa của HĐTN có trong Siêu Phẩm " Mỹ Nhân Và Tiếng Thở Dài Thi Ca " đang làm hoang mang những cái đầu Thơ Việt thì tôi nghĩ Ước Mơ cũng là một dạng Nằm Mơ. Nó mang tính Bản Địa và nếu nghe THi NHân giảng giải thêm thì ta càng rối. Tóm lại nó là của riêng, không thể vay mượn được. Nếu cứ vay mượn thì sẽ chỉ méo mó. Con người cũng vậy mà quốc gia cũng vậy.

- Và Cảnh giác với những cái Mỹ Từ đang tràn ngập đánh vào Cảm xúc con người. Ước Mơ không thể cho, biếu, xuất cảng.

Ước Mơ Mỹ là của nước Mỹ, nó chỉ là Tấm Gương viết Hoa và để Xa, nước Mỹ chỉ là hàng mẫu bày trong tủ kính để chúng ta tham khảo, học tập Ý Chí còn ta phải tự làm Ước Mơ của ta.

Cái gọi là Chia sẻ Ước Mơ, cái gọi là Trách Nhiệm hay Sứ Mạng lo cho toàn Thề Giới, Giải Phóng loài người của Nga, Mỹ làm loạn TG, loài người. Hãy lo cho mình, ích kỷ cũng được nhưng không giả dối.

- Và hãy trở về với Phật Giáo Nguyên Thủy, Tiểu Thừa. Hãy tự giác ngộ, hãy tự học bình an, hãy soi đúng cái từ BẢN ĐỊA mà HĐTN viết, không bấu víu ở bên ngoài, không thêu dệt hỏng hết.

Hãy cho mình thật tốt, là tấm gương thôi, không rao giảng phí công. Ai Noi Theo được để Tự Mình thì tốt. Trong kinh điển Pali, Đức Phật tuy trải qua 45 năm đi giảng dạy (có tài liệu nói là 49 năm), ông tuyên bố chưa từng nói lời nào.

Loài người trong Thế Giới Phẳng nhờ Công Nghê đang như những chiến thuyền Tào Tháo xích với nhau. Trận Xích Bích bắt đầu, lửa cháy. Có kịp tháo các dây xích ra không để khỏi lây lan, chết cả lũ.

Cũng không cần đọc Tam Quốc để hiểu điều đó. Chỉ cần bớt Mỹ Từ đi thôi, bớt thơ đi. Chắc Trump không đọc thơ, không LÚ như Obama

===

** LÒNG TIN VÀ ĐỨC TIN**

" Từ Stt năm xưa "

- Tôi quê ở Nam Định, bà ngoại lại ở Vụ Bản nơi có ông Nguyễn Bính. Dân vùng này thiên về Chữ. Có điều ông nội tôi, một nhà giáo Tây học thì rất dè chừng với cái truyền thống đó. Ông muốn tôi theo Khoa Học Phương Tây, hay lấy nước Nhật làm gương cho khỏi nhục. Ông dị ứng với chữ vuông vì theo ông từ đó đến hủ nho là một khoảng cách rất gần, lẫn lộn. Sau này tôi biết ông chịu ảnh hưởng của NAM PHONG. Tất nhiên vì ông dậy học nên nhiều sách nhưng có thể do gần nhà tôi có lò võ và tôi chúi vào chủ yếu là những truyện kiếm hiệp, Anh hùng Mỹ nhân như " Giao Trì Hiệp Nữ ", " Mắt Thần ", " Long Hình Quái Khách " và như câu thơ của Hoàng Tố Nguyên viết " Đêm nằm mơ đôi chùy Nguyên Bá ".

Hôm nọ nghe anh Chau Doan nói về hoàn cảnh riêng của anh ngay từ lúc ra đời, có thể nói là không may mắn làm tôi sực nhớ đến tuổi thơ mình mà tôi đã viết trong " Bức Tranh Thơ - Bản Tango Italiano NXB HNV 2014 " :

" Chẳng là hồi mười tuổi tôi bị liệt hai chân không đi lại được một năm. Lúc mẹ đi dạy học, tôi lê bò trên giường xuống đất, lên ghế, dùng tay chống đu, với những sách của ông nội trên giá. Tôi đã đọc hết các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh. Một năm liệt tôi đã trốn mình trong hòn đảo phiêu lưu của Robinson Crusoe, đã theo Ulysses và sau đó theo Telemachus rong ruổi trên biển, lạc vào các hòn đảo, gặp bao nguy nan bất ngờ và các tiên nữ. Một năm đó đã gieo vào tôi nhận thức là thế giới này thật bao la, không chỉ là cái phố Bến Nứa, cái gác xép nhỏ cho mẹ tôi và ba anh chị em tôi, không chỉ có dòng sông Đào mà có cả biển cả vô tận, những thảo nguyên, núi non, cánh rừng và tôi thuộc về nó dù là trong tâm trí. Đọc xong giá sách của ông nội, bệnh liệt của tôi cũng chữa xong, hình như là nhờ cháo cám, xúp cà rốt, khoai tây, bắp cải ninh xương. Năm đó Nam Định xây nhà máy say. Gạo xay trắng không cần thức ăn vẫn rất ngon nhưng không đủ chất. Bác sỹ bảo thiếu B1.... "

Cái dở nhất là sau đó tôi không học được Văn Học Việt Nam nữa. Nó cứ là lạ với tôi và tôi vật vã với môn Văn, truyện Kiều, thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên...

May quá tôi thoát. Tôi đi sang Liên Xô học Vật lý Kỹ Thuật. Rồi số phận tôi thế nào ấy. Hầu hết các thầy dậy tôi là người Do Thái. Ai đã đọc " Thép đã tôi thế đấy " thì biết trận càn Do Thái trong truyện là ở thành phố Kharkov.

Và người Do Thái cũng không dễ dàng gì với chính quyền Soviet. Lại thêm hai thằng sống cùng phòng tôi Iura và Vova cũng vậy. Chúng cho tôi thấy một nước Nga khác như trong câu thơ của Evtushenko :

" Những con sông mặt đóng băng

Mà dòng lũ vẫn dưới lòng chảy xuôi ".

- Năm 80 tôi có ở AON 10 ngày trước khi đi Tiệp, sống trong phòng với bác Vũ Cao. Các bác nhà văn VN do bác Trần Độ sang học 4 tháng ở đó. Nghe các bác ấy nói chuyện, trăn trở, tôi hiểu phần nào về bức tranh Văn Học Việt Nam.

Nó giống như cái bìa quyển " Miền Nhớ " của Châu Đoàn ấy. Đen kịt, nhưng có những đốm sáng, những điểm sáng. Và tôi bắt đầu chú ý Văn Học quê tôi, đi tìm các đốm sáng đó.

- Hôm nghe một bà hỏi Châu ở quán Cafe : " Sao là Kỹ sư, Võ sư lại đi viết Văn ". Nếu hỏi tôi, tôi sẽ trả lời : " Vì tôi thấy những đốm sáng đó, lại muốn cho mọi người biết ".

Chắc bà này chưa đọc " Những Vì Sao của Dode ", chưa nghe anh chăn cừu trả lời câu hỏi " Vì sao một thân phận anh chăn cừu trên núi lại để ý cô tiểu thư con ông chủ thì tôi sẽ trả lời rằng tôi đã 20 tuổi rồi, và với tôi nàng là đẹp nhất, Stéphanette. "

Và thêm nữa, loài người giống như bầy đàn trong cái hang Plato. Loài người cũng như trong Vũ Điệu Tango, một Vũ Điệu kỳ lạ, dò dẫm, bơ vơ, lạc lõng, bấu víu ghì chặt nhau sợ bỏ ra thì tuột mất, sợ một mình rồi bế tắ, có những thời điểm như bừng tỉnh, quyết liệt rồi lại đổi hướng... bơ vơ.

"Võ cho tôi mạnh về thể chất, văn cho tôi mạnh về tinh thần. Khi đủ mạnh dẫu có bơi ngược dòng bạn sẽ bình thản để ngắm nhìn cảnh đẹp của hoa lá đôi bờ...Trong cuộc đời mọi thứ hiện hữu đều như làn KHÓI. Mới đây rồi lại tan biến.... Hạnh phúc là chính những khoảnh khắc. Sống hết mình với hiện tại " Châu nói.

Nhưng rồi với anh đến nay chưa đủ. Con người mà, dù mạnh đến bao nhiêu vẫn hữu hạn và dù đã có LÒNG TIN vào chính mình nhưng cũng cần ĐỨC TIN. Cảm ơn anh Châu Đoàn đã rất thành thật nói ra *Cái Điều Đó*. Năm mới chúc anh tìm được. Có thể nó ngay bên, rất gần. Chỉ cần nhận ra và mở cửa

===

**Toán học & Thơ Ecenin **

- Đã thôi không động đến thơ thì lại gặp mấy bài thơ dịch của Ecenin trên dòng thời gian FB. Và khoảng đời sinh viên xưa, những bài ca Nga lại như ùa về.

- Nhớ tới Sứ. Anh bạn người Lý Nhân này mơ giải Nobel vật lý, mơ âm nhạc, đi học Piano, mơ thơ nữa. Hắn dịch bao nhiêu thơ của Bloc, Ecenin. Hắn không thích Puskin, nói truyện của ông ta viết khá hơn. Kiêu thế mà mình chịu được, vẫn thân.

Năm thứ hai thế nào Sứ lọt vào mắt xanh của GS Glazman. Ông đưa cho Sứ quyển bài tập " Lý thuyết Toán Tử " bảo sau 1 tuần đến gặp ông nếu giải hết 1000 bài trong đó. Thế là Sứ bỏ học ngồi nhà đọc sách để giải. Tôi tranh thủ nấu ăn cho hắn rồi thỉnh thoảng nghe hắn chia sẻ cách giải. Bài dễ thì tôi giải cũng được, khó thì chịu còn hắn thì khó dễ giải được gần hết trừ 7 bài loay hoay rồi cũng tịt. Xách dép cho đàn bà. Xưa Kovalevskaia chỉ cần 3 hôm đã xong trọn vẹn những gì Weierstrass giao. Nhưng cũng không phải đến gặp lại ông Glazman nữa. Ông GS người Do Thái nhảy từ tầng 7 xuống tự tử. Sứ bỏ học đi đưa tiễn ông với quyển sách trong tay.

Về sau trong khi đọc sách lại bắt gặp cái tên Glazman, tôi thấy một nỗi buồn vô hạn.

- Còn Sứ về dạy học ở ĐHBK Hà Nội. Nghỉ rồi, hình như vẫn chưa được là giảng viên chính. Ốm, không đi lại được. Bao nhiêu dự định, lý thuyết điên rồ và cả những bài thơ của Sứ, cả những bài thơ dịch nữa đâu rồi. Chỉ để lại một sự tiếc nuối cho những ai đã học cùng Sứ.

Và như bài thơ này vậy. Ecenin cũng đã viết : đừng gọi, đừng tiếc thương, đừng khóc nữa...

===

**ĐƠN ĐỘC**

" Bài Viết dàng tặng Paul Nguyễn Hoàng Đức, Trần Sỹ Kháng và Chau Doan. "

- Ba người Đàn Ông thực thụ, ba cây viết không giống ai, không được đào tạo theo cái Chuẩn của Hội Nhà Văn hay trường Viết Văn Nguyễn Du gì đấy. Nói tóm lại là IRREGULAR hay NONSTANDART.

Thực ra hiện tượng không mới. Xưa Văn thì đã có một Nguyễn Huy Thiệp rồi, sau lại có Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu. Thơ thì có Dư Thị Hoàn. Các nhà phê bình hay ban giám khảo Văn Học thì chỉ biết ngơ ngác.

- Phải làm gì chứ. Xưa khi Thiệp ra truyện đã có ý kiến cho anh chàng này đi học trường viết văn Nguyễn Du. Ông Nguyễn Minh Châu ngăn " không được, đừng biến Thiệp thành chúng ta ".

Mà có đi học thì cũng chưa chắc đã được. Sản phẩm vẫn có thể HỎNG. Trường viết văn Gorki cẩn thận thế mà lại để lọt ra cái ông Aimatov với " Cây phong Non Trùm Khăn Đỏ ". Trong xã hội Soviet tươi đẹp thế mà lại viết về Những Số Phận Đơn Độc, Những Bi Kịch Cá Nhân, Những Gì không có trong giáo trình, những nhân vật không điển hình. Khổ.

- Tôi may mắn được gặp Paul Duc không chỉ một lần. Anh ta có Đức Tin ở Chúa, lâu không gặp nhưng anh đã đi vào " Bức Tranh Thơ - Bản Tango Italiano NXB HNV 2014 " như một nhân vật. Qua lại Cafe với ông bạn học Trần Sỹ Kháng thì hàng tuần. Hồ Đồ Thi Nhân có Đức Tin ở Phật và cũng đã có mặt với tên Trần Sỹ Kháng trong Tiểu thuyết sắp in " Những Ngọn Sóng đơn Độc ". Gặp Chau Doan một lần. Anh đang đi tìm Đức Tin. Sự Hữu hạn, cũng có thể là sự Đơn độc thì Đức Tin chính là chỗ dựa. Không phải là Đám Đông đâu

===

**NHÂN CÁCH LỚN**

Hồi sống ở Ba Lan có lần tôi đi xe từ Warsawa về Crakow, nửa đường vào một Quán ăn nghỉ. Có một chiếc xe đi qua và người trên xe xuống hỏi tôi gì đó về địa chỉ. Tôi bảo vào hỏi cô chủ quán vì tôi cũng là người đi qua. Ông ấy vào hỏi xong lúc ra chào tôi thân thiện. Tôi trông thấy quen quen. Lúc trả tiền tôi nói điều đó với cô chủ quán. Cô ấy bảo đó là cựu thủ tướng Mazowiecki xưa. Tôi có thấy ông ấy trên TV tuần trước nhưng không để ý là ai, bật sang Pro7 để xem các cô gái Florida. .

Người ta nói về ông sau này, một lời khen ít dành cho các nhà chính trị như ông Wujec (lãnh tụ của CĐĐK) tưởng nhớ Mazowiecki. "Một nhân cách lớn”.

Muốn hiểu họ lấy đâu ra sức mạnh để trở nên nhân từ và dũng cảm, xin mượn lời Franz Kafka cho lời kết:

"Bằng cách tin nồng nhiệt vào điều chưa hề tồn tại, chúng ta tạo ra nó. Và điều gì đó chưa tồn tại chỉ là vì chúng ta ham muốn nó chưa đủ."

Khi làm Thủ tướng ông Mazowiecki hiện thân cho tinh thần 'xóa bỏ quá khứ' gác lại các vụ dùng hồ sơ mật vụ cộng sản mà chế độ mới tìm thấy để quy tội và truy xét bất cứ ai có cộng tác thật hoặc bị đặt điều, vu cáo là cộng tác với an ninh thời trước.

Trong diễn văn nhậm chức ngày 12/9/1989 ông nói:

"Chúng ta đặt quá khứ lại phía sau một vạch đậm và từ nay, chúng ta chỉ chịu trách nhiệm về hành vi cho tương lai, cho việc làm sao Ba Lan tốt đẹp hơn ngày hôm nay."

Tadeusz Mazowiecki đã được mai táng tại một nghĩa trang bình thường tại ngoại ô Warsaw, bên cạnh người vợ thân yêu của ông, bên cạnh những người bình thường.

THÊM

Sau khi những người cộng sản thua trong cuộc bầu cử năm 1989, theo lời tiến cử của Lech Walesa, Mazowiecki được chọn làm Thủ tướng không cộng sản đầu tiên của Ba Lan. Ông chịu trách nhiệm công cuộc chuyển đổi từ chế độ cộng sản qua chế độ dân chủ đa đảng, cho các cải cách kinh tế cần thiết để thiết lập kinh tế thị trường tự do để loại bỏ loại kinh tế kế hoạch mà thực chất là phân phối duy ý chí gắn liền với tệ nạn chợ đen, tiến hành những cải cách đầu tiên về định chế chính trị.

Ông thiết kế và điều hành nội các theo cách thu hút đại diện mọi phe nhóm có ghế sau bầu cử 1989, ông thu hút tất cả, từ những bộ trưởng thuộc Đảng Cộng sản là Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Giao thông, đến các bộ trưởng thuộc Công đoàn Đoàn kết, vốn là những nhà hoạt động phản kháng trước kia, và các chuyên gia. Ông yêu cầu ở họ đầu tiên là tính chuyên nghiệp, biết lắng nghe với sự tôn trọng mọi ý kiến trái chiều, và đưa ra được những quyết định khó khăn.

Niềm tin và quyết tâm “vạch đường ranh đậm” ngăn quá khứ với hiện tại, thay vì trừng trị ngay người của chế độ cũ, đã góp phần đáng kể vào cuộc chuyển đổi dân chủ đầu tiên trong khối Xô-viết, dù điều này cũng có nghĩa việc mở lại những hồ sơ tội ác trước kia sẽ tiếp tục ám ảnh sinh hoạt chính trị Ba Lan trong nhiều năm sau.

Thầy giáo hướng dẫn NCS của tôi, GS V.B. Grinev ( sau làm PCT QH Ucraina ) có những suy nghĩ rất giống Mazoweski, đó là đề cao tính chuyên nghiệp và biết tôn trọng lắng nghe kể cả đối thủ. Có những lĩnh vực KH ông ấy không biết rõ và hay đòi hỏi học trò tìm hiểu rồi kể lại cho ông ấy, ông ấy học khôn như vậy. Rất tiếc là Ucraina hay Nga không phải là Ba Lan. Dân cũng vậy.

Và các nhà thơ cũng vậy.

===

**CÁI ĐẸP CỨU RỖI THẾ GIỚI**

- Tháng Tết năm ngoái Kiều Thị An Giang nghe đâu được cai thơ cả tháng ấy. Không tin nổi.

- Người đọc thơ cũng lập tức chia ra làm hai loại : a-Bình an...b-Sốt ruột

- Trong khi đó thì các Đại-gia-thơ Giao Trần, Huy Pham Quang, Lê Vĩnh Tài, Viet Ha Tran, Nga Vu, Trúc Vàng, Tầm Thường Hạ Thi thơ lại gia tăng để bù lại khoảng trống mà KA để lại.

Hồ Đồ thi nhân Trần Sỹ Kháng thì cứ từ-từ-thủng-thẳng-thả-thơ-theo-trạng-thái-tinh-thần-tự-tưởng-tượng-tuy-tỉnh-táo-từ-tận-trăm-triệu-tinh-tú-tới-tận Hạ Giới của chúng ta từ nào ấy, chốn Huyền Giới của Ngài và Tây Hồ Ngọc Nữ. Nghe đâu là một số bài nhằm các Thiên thạch đang rơi về trái đất và thay đổi quỹ đạo của chúng. Trái đất bình an. Nhân loại được cứu xong lại tiếp tục sống, lại ra nghị quyết, lại giơ tay, lại đi Lễ Hội, lại ăn cả sạch, cả bẩn- On Mange Tout, lại đi nhảy, lại xem Trấn Thành, Thanh Bạch, Like Ngọc Trinh, lại khủng bố, lại làm giàu, lại chiến tranh, lại yêu, lại ghen... và lại làm Thơ.

Cái câu nói mà ai làm Nghệ Thuật cũng biết của ông Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky " Cái Đẹp Cứu Rỗi Thế Giới " nhưng chưa chắc mấy ai hiểu.

Thực chất là :

THƠ HUYỀN GIỚI CỨU RỖI THẾ GIỚI CHÚNG TA.

“Giữa những gì tôi thấy và nói, giữa những gì tôi nói và im, giữa những gì tôi im và mơ, giữa những gì tôi mơ và quên, là thơ. Thơ len vào giữa có và không; thơ nói những gì tôi im, thơ im những gì tôi nói, thơ mơ những gì tôi quên” - Octavio Paz

“Không nghi ngờ gì nữa, có bao nhiêu bài thơ thì có từng ấy định nghĩa, thậm chí còn nhiều hơn nữa bởi vì các Giáo sư và Nhà phê bình thơ và những Người làm thơ còn đông hơn các Nhà thơ” - Laưrence Ferlinghett

" Văn xuôi lôi cuốn người như dòng nước, đưa ta đi lần lượt, từ điểm này đến điểm khác. Thơ, trái lại, chỉ chọn một ít điểm chính, bấm vào những điểm ấy thì tất cả động lên theo”- Nguyễn Đình Thi

===

**Hoài Niệm Liên Xô**

- Thời tôi làm NCS rồi Cộng Tác Viên KH ở LX thì không có ĐT di động, tìm nhau là khó. Tôi lại hay lang thang, cứ ngồi một tí là nhấp nhổm không yên, có cái gì na ná ông thầy hướng dẫn tôi. GS V.B. Grinev trong đội tuyển vật của Liên bang và đam mê bóng chuyền, câu cá. Một lần đến BM thấy trên bàn tôi có cái cặp của ông. Tôi định xách để lên bàn khác thì ôi thôi, nặng trĩu. Tôi mở trộm xem thì chẳng thấy sách mà là một quyển BKTT to và đôi tạ tay.

- Thời đó LX vui lắm, giờ làm việc mà ngoài đường lúc nào cũng đông người. Mọi người đến phòng làm việc, để túi cặp xong là tranh thủ ...biến. Lại gặp nhau ở các cửa hàng. Kể XHCN cũng vui, xếp hàng cả ngày, đủ mọi thứ chuyện, tranh thủ đọc được khối lúc đó. Thời đó LX chia ra các vùng ưu tiên. Tất nhiên Moscow là nhất. Tôi có Visa dài đi Moscow ( Ở LX người nước ngoài không được ra khỏi thành phố họ sống nếu không có Visa cho phép ra và phải mua vé ở Intourist đắt hơn ).Tôi đi dạng Mission, ghế mềm, bao cấp hết, về lại được thanh toán, lại có dư thêm tiền nên hay tranh thủ lên Moscow chơi. Tất nhiên là nửa thời gian ở đó là trong TV Lenin đọc sách. Sách KH đọc cũng chỉ một phần. Trước khi đi là một bản ghi chép những thứ cần mua cho mọi người, chủ yêu là thực phẩm. Cho mình thì bao giờ cũng là mỡ muối .

Lần nhà Vật Lý Kapisa viết quyển sách " Lý Thuyết, Thực Hành và Thí Nghiệm " làm chao đảo giới trí thức LX, giống như Pie I đã dùng nước lạnh hắt vào mặt con gấu Nga cho tỉnh ngủ, cả nhóm chúng tôi đi xếp hàng mua. Chỉ có Dima mua chui tay được một quyển và rồi cả buổi chiều chúng tôi 5 đứa ngồi thay phiên nhau đọc.

Rồi các cụ lần lượt ra đi. Tôi còn nhớ ông Andropov khi lên làm TBT. Ông ấy mang tư tưởng đại diện cho nhóm Syberi, đưa mọi thứ vào kỷ luật, đầu tiên là kỷ luật lao động. Các đoàn Thanh tra liên tục ở phố, ở các cơ quan.

Một lần tôi đang đi xếp hàng trước mua vé xem phim Ấn Độ ở rạp gần trường thì Vera đến nói thôi không xem nữa, phải về ngay vì có đoàn thanh tra ở Khu ( Raion ) xuống kiểm tra trường. 10 phút sau chúng tôi đã có mặt ở trường nhưng được Vitchia đón và nói về BM lớn ngành chứ không về nơi phòng nơi tôi vẫn làm việc. Đến đó thấy sách vở bày sẵn trên bàn. Tôi được bố trí ngồi chỗ thuận tiện nhất để tiếp khách. Tôi nhìn mấy quyển sách bày trên biết ngay là của Sergei vì toàn các mạch điện, cái mà tôi dốt nhất. Đoàn đến với trưởng đoàn là một bà đeo kính, đi cùng hiệu phó. Mọi người căng thẳng làm việc. Bà ấy thấy tôi và nói chuyện với tôi. Bà ấy hỏi về Việt Nam. Bà ấy yêu Việt Nam. Lúc đoàn về GS chủ nhiệm khoa đến cảm ơn tôi. GS Galacskokov, người đã lên lớp về Dao Động Phi Tuyến thời tôi là SV.

trong ảnh : Hàng đầu có V.B Grinev, Chủ nhiệm B/M sau làm PCH QH Ucraina, sau thua Mỹ Nhân tóc vàng và bỏ sang Mỹ dạy học. Bây giờ ông dạy học ở TH Dnepropetrovsk. Hàng sau từ phải sang thứ 3 là Dima, bỏ sang Mỹ rồi. Tiếp là Edic thay Grinev lãnh đạo BM đến nay. Người cuối bên trái Iura ( quên mất họ ) bỏ trường tham gia lãnh đạo TP Kharkov hồi anh Vượng ở mat xuống mở chợ trung tâm. Lú đó tôi xuống thăm trường năm 93, mùa hè chẳng có ai, bà thư ký đưa cho cái ảnh những người thân thiết của tôi từ 79-83.

===

**Hoàng Tử Bé **

" Tất cả mọi người lớn lúc đầu đều là những em bé nhưng ít người trong số họ còn nhớ điều ấy " - Saint-Exupéry 

Nếu nhớ được điều ấy

Lại nhìn thế giới này bằng con mắt trẻ thơ

Sẽ thấy những gì quen mắt, quen tai từ lâu rồi bỗng dưng lại thành lạ lẫm

Sẽ thấy những điều mà người lớn rồi không thấy hay cố tình quên 

Và hai câu hỏi What- Cái gì đây, Why-Vì sao luôn bên cạnh

Để trở lại thế giới này, dù là người lớn 

Để còn giữ trong lòng một Hoàng Tử Bé thuở nào

Không phải cái mũ của Napoleon vẫn đội 

Mà đó là con rắn nuốt con voi 

Thế thôi

===

**CHUYỆN GÁI ĐẸP**

-Gái đẹp được tính suốt từ Kiev đến Lvov ấy, không như gái Nga, chiều cao gái U cà rôt vừa phải, làn da trắng mịn, đôi chân dài thon thả, mắt xanh ngọc, tóc vàng Ukraine được mệnh danh là quốc gia có nhiều phụ nữ đẹp nhất

Tạp chí du lịch nổi tiếng Travelers Digest đã nhận xét thành phố Kiev, Ukraine là “ngôi nhà của những người phụ nữ đẹp nhất thế giới”

-Tuy nhiên nhiều người đẹp quá thì người xấu lại là hàng hiếm. Đó là cái duyên của sự khác lạ mà cái đó thì Gái Việt ta là vô địch. Cứ sang Ba Lan thì rõ nhất. Mấy cô Việt xấu ở nhà mà sang đó bọ trai Ba Lan chết mê chết mệt. Tôi hỏi sao thê. Nó nói là có vẻ riêng, hiếm

- Khi tôi sang dạy học ở Bechar thấy gái Arabe trong trường đẹp như trong truyện cổ tích cũng thấy xốn xang, lại nói bằng cái món tiếng Pháp luôn khiêu gợi. Cậu Ba Lan dạy cùng nói là phải mất một tuần rồi sẽ thấy bình thường. Đúng vậy, rồi nghỉ đông lên Sứ quán thấy mấy cô BS Việt lại thấy lạ, thấy hay hay, trông cũng đẹp

***Cứ cô nào ở VN bị chê xấu là sang Ba Lan lấy Tây dễ dàng, mà kỳ lạ là mấy thằng Tây lại rất đẹp, hiền. Bây giờ về VN thỉnh thoảng gặp đôi vợ Việt chồng Tây cũng thấy là như vậy. Đẹp nhìn mãi cũng quen hết xúc động. Chỉ con gái Việt làm người ta xúc động không nguôi như thời tiết vậy

===

** Trí Tưởng Tượng **

LỜI DẪN

" Sau tết vào Facebook thấy mấy ông bạn xứ Phuống của tôi đi lễ hội Thơ, đi Chùa, rồi có những ảnh, bài về Thơ, về Chùa, về xây Chùa nữa mà thấy bồn chồn. Mình bị ốm cứ ăn quẩn HN chán thật. Nhưng thấy các ông ấy chuyển động khiếp quá cũng kinh. Cứ phải thật chắc " những bước chân đo từng tấc đất " như nhà Phật đi khất thực vậy chứ không nên vù vù như trên cái Prado 7 chỗ ấy, thoắt cái Hà Nội, thoắt cái Ca Mau, rồi lại thấy lấp ló nơi Huyền Giới nữa chứ ..."

- Ai bảo trí tưởng tượng là Vô Hạn. Nói bậy. Thử dùng Tam Đoạn Luận để chứng mính nào : a- Con Người là Hữu hạn ...b-Trí tưởng tượng là của con người...c- Vì thế Trí tưởng tượng cũng là hữu hạn.

- Mấy ông Học giả lại kêu rầm lên là không được dùng Tam Đoạn Luận hay Logic Hình thức để chứng minh mà phải dùng Logic Phật Bốn chiều hay Tướng Không thì sẽ Ngộ ra không cần chứng minh. Cái đó phải hỏi HĐTN và các bác nhà Thơ xứ Phuống

- Ai đó biết tôi học Vật Lý và ngưỡng mộ Einstein nên nói là cái ý " trí tưởng tượng là Vô Hạn " là của cụ ấy.

Kệ, cụ ấy cũng là người, là Hữu hạn, là có đúng có sai. Người ta đang tranh luận thật giả về cụ loạn lên, đạo nọ đạo kia trong KH. Cụ còn thế chấp chi mấy cô nhà Thơ ở ta rồi để cánh truyền thông lợi dụng nói xấu thơ ta không ra gì. Truyền thông là ma mãnh lắm, họ chỉ muốn dân ta tịt bớt thơ, cái món không ra tiền ra bạc dù có ai cho rằng nó giàu Tưởng Tưởng nhất, để tập trung vào những thứ thiết thực như các Show diễn của Hà Hồ, Mr. Dam hay Thanh Bạch thôi. Cứ phải quy ra thóc, ra tiền giống như tỉ phú Trump vậy.

- Thực ra " Trí tưởng tưởng còn lâu mới là Vô Hạn mà là Vô Lý ". Mà sao con người thích cái Vô Lý đến thế. À, vì họ sợ hãi.

Và Câu Hỏi của HT Thích Nhật Từ liệu có ám ảnh các Phật Tử , các nhà Vật Lý mà thực chất là " cái LÝ của sự VẬT " và các Thi Sỹ không hở Thi Nhân Vật Lý Trần Sỹ Kháng

===

** Phật giáo**

" Phật giáo Việt Nam cần phải có những bước đi cụ thể gì để thoát khỏi ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, quay lại với đạo Phật gốc" - HT Thích Nhật Từ.

" Đọc sách Tàu càng ít càng tốt. Tốt hơn cả là không đọc, đỡ luẩn quẩn. Tôi đã tự răn mình như vậy. Nhưng các kinh Phật Tàu thì sao. Hôm nay thấy bài viết của HT Thích Nhật Từ. Nhiều chỗ giống mình nghĩ. Thực chất tôi tìm đến Đạo Phật chỉ ở Phật giáo nguyên thuỷ. Còn tiếp theo tôi thấy đầy mâu thuẫn và dừng lại, không đi tiếp nữa. Tù mù, huyền bí, cầu xin, đánh vào nỗi sợ hãi, trái với khởi nguồn " - Trần Đức Trung

- Phải mạnh dạn thấy rõ rằng đức Phật chỉ truyền dạy pháp môn duy nhất là Tứ diệu đế. Cốt lõi của Tứ diệu đế là tiếp cận vấn đề, giải quyết vấn đề trên nền tảng nhân quả, và con đường để kết thúc toàn bộ khổ đau của kiếp người là Bát chính đạo. Đức Phật Thích Ca chưa từng dạy pháp môn thứ hai. Khái niệm 84,000 pháp môn do Trung Quốc đặt, đã gây ra ngộ nhận lớn và đẩy đức Phật vào tình thế bị người ta hiểu lầm là tự mâu thuẫn. Nếu đi theo pháp môn một thì đức Phật mâu thuẫn với 83999 pháp môn còn lại. Một người tự mâu thuẫn với quan điểm chính của mình một lần thôi đã đánh mất niềm tin ở quần chúng, huống hồ là mâu thuẫn chừng ấy các quan điểm. Vì Trung Quốc muốn đề cao các pháp môn mà họ sáng tạo, theo phong cách tiếp biến văn hóa của họ, nên họ đã đặt ra con số 84,000 pháp môn.

- Đố ai tìm ra được pháp môn thứ hai ngoài Tứ diệu đế trong kinh tạng Pali, kinh tạng A-hàm và kinh tạng Đại thừa. Mười tông phái Phật giáo Trung Quốc là nỗ lực riêng của nền văn hóa Phật giáo Trung Quốc, không can dự gì đến Phật giáo Việt Nam. Cái hay, cái dở đó là dành cho người Trung quốc, chứ không phải cho người Việt Nam. Nếu Trung Quốc hãnh diện tự hào về mười tông phái và đề cao ngài Huệ Năng như ngài Phật sống, thì Việt Nam chúng ta có ngài Trần Nhân Tông, vị vua duy nhất trên hành tinh đi tu, trở thành một nhà minh triết lỗi lạc, vượt trội hơn cả ngài Huệ Năng. Về triết lý và các đặc điểm thì Phật giáo Việt Nam không thua kém gì Phật giáo trong khu vực và trên toàn cầu, do đó Phật giáo Việt Nam không cần thiết phải vay mượn Phật giáo các nước khác.

===

**Hình Như **

" Một trong những thành công ở LX là cải tạo công nông hóa giới quý tộc. VN ta cũng thành công. Mấy nước Đông Âu thì không triệt để lắm. Đầu tiên là xưng hôn vẫn gọi QT là Ngài, vẫn hôn tay phụ nữ, vẫn coi trọng văn hóa khiêu vũ và nhiều cách sống cũ....."

Hôm nay Hình Như là ngày BS. Đang lúng túng không biết viết gì tặng các BS thì thấy trên tường Nguyen Phuong Anh có bài viết về TTQT mà thấy chút mung lung. Tôi cũng ít nghĩ đến khái niệm đó vì bản thân là con nhà nghèo, bình dân nên giờ trong đầu cũng chỉ là HÌNH NHƯ về giới Quý Tộc và Tinh Thần của giới đó

-Hình như Quý tộc không chỉ là giàu mà đó là dòng dõi, mà không phải chỉ một đời mà phải nhiều đời.

Hình như Quý tộc không phải do giới Bình dân nghĩ ra mà do giới Quý tộc chấp nhận.

Hình như ở Tàu và Ta không có giới Quý tộc, có Quan Lại thì thường là Tham và Bẩn, có Nhân sỹ thì Sạch nhưng thường là Nghèo và Gàn, có nhà Giàu thì thường là Trọc.

- Nói đến hai từ Quý tộc là tôi nghĩ ngay đến chàng Donkihote và những dòng họ Don của Tây ban nha, nghĩ đến những De của Pháp, Von của Đức kiểu như dòng Tôn Thất hay Công Tằng của thời Nguyễn ở Huế. Tuy nhiên đó chỉ là dấu hiệu bề ngoài thôi.

Trở lại với Quý Tộc ở Anh. Nhận dạng họ như thế nào. Có lẽ trước hết là họ rất lịch lãm, khả năng làm chủ kiểm soát cảm xúc rất tốt ( chứ không Vỡ òa như mấy ông trong vụ U 23 vừa rồi ). Họ rất hay tự vấn " To be ỏ not to be " như HT Hamlet và thận trong trong cư xử với phụ nữ từ cử chỉ đến lời nói theo khuôn phép được đào tạo trong giới họ.

Thực ra nhận dạng cái đó chỉ là bề ngoài. Cái bên trong của họ đó là : Có Học và Cao Thượng.

- Tôi cũng có mấy anh bạn gọi là kiểu quý tộc. Nhớ lại thì hồi NCS ở LX tôi hay sang nhà anh bạn Tài Trung NCS ở trường XD chơi. Cạnh đó là trường Văn Hóa nhiều chị em mình học. Tài Trung thì không cần, hắn đưa cô bạn Nina đến sống cùng. Trong phòng còn Marec NCS Ba Lan. Marec đẹp trai lắm, ăn mặc cũng vậy, chải chuốt, có cái gì giống anh chàng trong ảnh với cái khăn quàng thả xuống. Nhưng Marec nghèo, có vợ ở BaLan. VN thì giàu hơn vì còn thêm buôn bán.

VN rất hay chơi vui cùng nhau, hỗ trợ nhau buôn bán, giải trí. Một hôm chúng tôi nhảy nhót xong đi nấu ăn, phải đến chục người cả nam cả nữ , các món bày lên, nem, thịt, rượu trên chai lọ, giấy báo, thìa đũa lộn xộn nhưng rất vui. Marec về và chúc chúng tôi ăn ngon, chúc cứ tự nhiên rồi xin mọi người để dành cho một cốc nước chè. Anh chàng ra bếp rán xúc xích và luộc trứng. Rồi anh ta về bàn của mình đặt quả trứng lên cái chén lấy thìa đập, cổ lại còn giắt khăn trắng. Quý tộc được giáo dục như vậy mà.

Họ được giáo dục cư xử, biết cách cầm tay, hôn tay, tặng hoa và khiêu vũ nâng niu phái đẹp chứ không như chúng ta, cảm xúc trào dâng là Vỡ òa, muốn ăn tươi nuốt sống ngay cho đã.

===

**ĐHBK Kharkov** 

- Năm 67 tôi rời Tashkent đến ĐHBK Kharkov học Hóa. Hết một năm xin chuyển lên học Vật Lý Kỹ Thuật và dành thời giờ cho thư viện. Cạnh nhà là Thư Viện đọc sách gồm hai phòng KH và VH. Hình như thời SV mình ngốn nhiều quá, đủ dùng cho cả thời NCS. Thời NCS đọc ít, chỉ quan sát và suy ngẫm nhiều thôi.

- Có thể cũng do số phận ghép hai VN chúng tôi vào cùng ở với Iura và Vova. Hai thằng khác hẳn tính nhau nhưng lại cho chúng tôi thấy một nước Nga nói riêng và LX nói chung không giống như chúng tôi được học trong nhà trường. Đúng là không để ý thì không thấy. Với lại cái khoa VL kỹ thuật ấy do Landau xây dựng rất nhiều thầy giáo và SV Do Thái. Đôi khi họ làm tôi ngỡ ngàng ví dụ như khi đi thi sử được câu hỏi vì sao CMT10 thành công ở Nga. Tôi trả lời như trong sách " vì đó là mắt xích yếu nhất của CNĐQ, vì...." và được 5 nhưng trước khi về ông thày dạy Sử nói là vì nước Nga nhiều Vàng và rộng lớn lắm tài nguyên quá và vì công nhân Nga đói quá, vì Đại Chiến II....Nếu không có ba cái đó không có CMT10. Không có ông Lenin nọ thì sẽ có ông kia, không Đảng nọ thì Đảng kia. Nước Nga cần nổ và có quá nhiều năng lượng cho vụ nổ. Chỉ khi tài nguyên cạn thì xịt.

- Năm 79 tôi sang NCS, BK Kharkov có khoảng 10 SV, lại ở rải rác ( hồi xưa khoảng 500 SV sống gần nhau hơn). Dưới nhà tôi có 2 cậu SV người HN. Một đứa rất lăng nhăng thay gái như thay áo. Đứa kia thì chung thủy, sống với một cô người Moscow sau lấy làm vợ và dọn lên ở Moscow.

Cũng như VN thôi, xưa và nay khác nhau nhiều lắm. Hoài niệm luôn đi kèm với tiếc nuối.

Hình như có một cái gì đó ít thay đổi. Đó là các thầy cô giáo Nga. Họ quý VN.

Cái món múa rối là do Trần Sỹ Kháng, Do Dinh Khang sống cùng phòng tôi nghĩ ra. Tôi thì ít thú vị với những thứ dân gian ấy lắm. Thời giờ rỗi mùa đông toàn trốn đi trượt băng nghe nhạc. Cũng may ông bạn Khang sống cùng phòng hiền lành, không tố cáo để đuổi về nước.

Thực ra cũng có đứa phiêu lưu hơn tôi. Một lần tôi gặp nó thấy mặt rộp lên. Hóa ra nó cùng bọn Tây leo núi bị bỏng TUYẾT. Nó muốn lấy được cái bằng HLV leo núi. Tôi quên mất tên cậu ta và cũng không kể với ai hồi đó.

Bọn con gái thì sống hiền hơn, ít máu phiêu lưu, quẩn quanh là yêu loanh quanh trong KTX

===

- Công Lý là cái Lý của Công Chúng. Hiểu vậy thì Công Lý luôn thay đổi theo con người nghĩa là theo thời gian, không gian vì con người phụ thuộc những yếu tố đó. Như vậy Công lý là Tương đối.

- Chân Lý : khái niệm dùng để chỉ những tri thức có nội dung phù hợp với thực tế khách quan; sự phù hợp đó đã được " kiểm tra và chứng minh " bởi thực tiễn.

Có điều Trí Thức của chúng ta không thể có được nếu không có Ngôn Ngữ ( Khởi Thủy là Lời _ Kinh Thánh ). Nhưng ngô ngữ mang tính Mờ-Fuzzy nên có nhiều khoảng trống " Bất - định 1 " mà mỗi anh hiểu một cách hay nói cách khác không thống nhất trong khái niệm. Ví dụ như TY, Tự Do, Hạnh Phúc hay THƠ ấy. Là cái gì thì còn cãi nhau cho đến khi loài người còn. Logic là cơ sở chi suy luận Trí thức thì bị Định Lý Bất Toàn Godel vô hiệu hóa ở những Khoảng Trống

" Bất định 2 " nằm ngay trong sự vật ( nguyên lý Bất Định Heisenberg )

- Và trong VL của HĐTN Trần Sỹ Kháng thì quả thật vai trò Người Quan Sát rất quan trọng. Hình như có một sự gắn bó giữa Sư Vật và Con Người và Sự Vật nó rất " ma quái " tùy Người quan sát nó.

Thế thì phải làm gì. Có một công cụ mà con người nếu chấp nhận và hy sinh, bỏ qua những Khoản Trống để sống với những thứ còn lại là Logic Hình Thức, cơ sở cho Toán Học thì KHKT sẽ phát triển và đất nước sẽ mạnh lên, Thơ Văn, Nghệ Thuật sẽ khác. Sẽ là Piano, đành phải hy sinh cái Đàn bầu

Hóa ra bơ vơ với " Bất định 1 ", " Bất định 2 " con người chợt tỉnh ngộ, quay lại bấu víu vào " Cạnh tranh sinh tồn trong Thuyết Tiến Hóa ".

Vậy có thể nói 2 Chân Lý Tuyệy Đối : a- Vô Thường ( không thể 2 lần qua một dòng sông và không thể chỉ một người ). b- Cá Thể hay Quần Thể không Thích Nghi sẽ biến mất, không còn cái LÝ để có mặt.

Riêng cái (a) có thể thấy trong câu thơ của Szimborka, câu thơ của Trí Tuệ

" Không có gì xảy ra hai lần

....

Dù có là học sinh dốt nhất trần đời 

Chúng ta cũng không thể hai lần đúp cùng một lớp"- Szimborka

P/S

Có thể suy tiếp là :

Nghĩa là dù chúng ta có là người Tình đầy Cảm Xúc

Chúng ta cũng không cùng một lúc có hai Mối Tình Đầu

Hay:

Mối tình nào cũng là đầu, 

chỉ thêm đánh dấu trước sau thôi mà, 

MTĐ B sau MTĐ A,

Mối tình nào cũng như là đầu tiên, 

Cũng đều là có giận hờn, 

Cũng đều có những vui buồn nhớ nhung, 

duy Mối Tình Cuối lạ lùng, 

Sợ nơi cuối đến không cùng với nhau

===

Suy nghĩ về Đạo Phật 

Đạo Phật dạy phương pháp sống hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh thật tuyệt vời. Tuy nhiên, như một tôn giáo, Đạo Phật tổ chức giáo hội kém, giáo lý chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn, kinh bổn phức tạp và rối rắm, lại không có những nguyên lý để thẩm định những tín điều và suy luận về giáo lý. Vì vậy, khi nào cảm thấy mâu thuẫn, các tăng lữ hoặc Phật tử lại dùng một loại biện chứng pháp thô sơ "ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng". Bàn luận về Đạo Phật không có kim chỉ nam, mỗi người một phách, chẳng biết tin ai, kinh bổn nào, nói liều không ít, như một nồi lẩu thập cẩm.

Truyền thuyết về Phật nói rằng bản thân Đức Phật bắt đầu bằng tu theo kinh Vệ Đà, bằng cách tu hành xác, sám hối. Tuy nhiên, Ngài chưa hề đạt tới chính quả theo cách này, mặc dù hoàng gia không thiếu thầy giỏi. Bỏ cách tu này giữa chừng, Ngài đặt vấn đề phủ nhận sự tồn tại của Chân Ngã và Hồng Phạm. Trong đời Ngài không bao giờ nhắc tới Hồng Phạm mà chỉ giữ lại quan điểm về Giác ngộ và Niết Bàn của Vệ Đà.

Nếu nhìn về tổng thể, Đức Phật đã cố gắng tìm một con đường ngắn để đi đến chính quả và phủ định các khái niệm trung tâm của Vệ Đà là Atman và Brahman. Điều đó có lý do chính trị. Phật Giáo là tôn giáo ra đời sau Vệ Đà do giai cấp kỵ sĩ vua chúa, nhằm thâu tóm lại quyền lực từ các tăng lữ vốn là tay chân của vua chúa, nhưng sau nhiều thế hệ nắm giữ ý thức hệ đã trở thành quyền lực lấn lướt. Phủ định giáo lý cũ và ngắn gọn là phương pháp vận động quần chúng nhanh có kết quả. 

Tuy vậy, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn 300 năm, Upanishads bắt đầu ảnh hưởng mạnh tới Đạo Phật. Đại Tạng Kinh, ảnh hưởng Upanishads rất rõ rệt và không thể phủ nhận được sự tồn tại của Atman. Từ đó, mới hình thành những giáo điều mới mà Đức Phật chưa từng giảng khi Ngài còn tại thế. Khái niệm Tam thân ra đời. Pháp thân ứng với Đức Phật. Báo thân ở những thế giới khác. Ứng thân trở thành các Bồ Tát ở thế giới của chúng ta. Bồ Tát có thể luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác trước khi nhập Niết Bàn. Đã có Luân hồi tức là có Linh hồn, có Atman. Pháp thân và Báo Thân chính là thể hiện khác nhau của Brahman.

Nhìn chung, rất khó tranh luận với các tăng lữ và Phật tử. Một là họ không cởi mở tranh luận. Hai là do biết rõ mâu thuẫn trong giáo lý, nên họ đã tự trang bị một phương pháp biện chứng nhiều tầng. Khi đuối lý, lập tức họ sẽ chụp cho đối phương là sai lầm, mê đắm, ngu si. Nếu họ bị sơ hở, tự mâu thuẫn trong lý luận thì đã có lý luận "cái ta nói là ngón tay chưa phải là Mặt Trăng". Cho đến khi chưa bị phản bác thì họ nghiễm nhiên tự coi lời mình chính là Mặt Trăng. Mặc dù có nhiều cao tăng uyên áo và cởi mở, nhưng đa số phật tử bàn về giáo lý phảng phất như đấu tranh giai cấp.

Tuy dễ bóp chết tranh luận hay phản bác, cách lý luận như thế làm hệ thống giáo lý của Đạo Phật khó lòng tự nó phát triển. Những điều uyên áo nhất của giáo lý Phật chỉ dừng lại các mức sơ khởi của Áo Nghĩa Thư. Mọi ý đồ tìm hiểu sâu hơn đều bị gắn mác u mê, dị đoan. Vì vậy Đạo Phật hay dựa vào các hệ thống giáo lý ngoại lai hoặc hệ thống chính trị để phát triển.Tại Việt Nam, Đạo Phật pha thêm màu sắc Tam Giáo, có thêm những yếu tố shaman để thu hút tín đồ. Nhưng điều đó lại làm việc luận đạo và hành xử của nhiều Phật tử có màu sắc hung dữ, bài xích tuyệt đối và đầy mâu thuẫn, trái hẳn với giáo lý ban đầu của Đức Phật. Chính vì vậy, tôi luôn là người chiêm ngưỡng và kính mến Đức Phật, Phật Pháp và một số cao tăng từ xa, nhưng sẽ không bao giờ trở thành một tín đồ Đạo Phật.

===

**Hoạ Sỹ và Nàng**

- Nàng đôi khi xuất hiện trên sàn, lại ngồi mình một bàn chỗ xa nên ít gã đàn ông nào dám đến mời. Nhỡ nàng không nhận lời thì thật là ôi, phải đi trở về qua sàn trước những con mắt chế diễu của mọi người ngồi. Đấy là tự mình nghĩ thế thôi chứ có ai nhìn ai đâu. Nhưng cũng chưa hẳn vì Nàng quá khác lạ, kiêu sa nữa, khiến cho ít kẻ tự tin. Mà thế là Nàng thiệt. Nhảy một mình chỗ xa đó, trước gương.

- Hôm đó cuối năm chẳng biết đi đâu, chàng hoạ sỹ lang thang lại lạc lên sàn, hết chỗ, chỉ góc xa vẫn còn một ghế trống với Nàng ngồi bên. HS hỏi chỗ và thấy Nàng gật đầu. Nhạc nổi lên. Nàng vẫn ngồi. Rồi là họ nhảy với nhau. Kỳ lạ. Nàng giữ thăng bằng trọng tâm trên chân trụ rất tuyệt, một điều hiếm có đối với người Việt và nhờ vậy HS có thể đưa Nàng một cách dễ dàng Vũ điệu Slowfox mà anh yêu thích.

- Những lần sau HS ra sàn ngó sang không thấy cô nàng ấy. Chắc Nàng có lý do, chắc không phải do mình, chắc không phải do cái Vũ điệu kia, HS nghĩ. Mà chưa chắc, hình như do mình. Mà không phải do mình, do cái Vũ điệu kia. Mà không phải do Vũ điệu kia, do mình.... Không được, phải rõ hơn, do mình thì là do cái gì chứ. Cái tay ? Không, HS cầm nhẹ nâng niu có là đau tay Nàng đâu. Cái chân ? Hình như cũng không, các bước đi của HS cũng chuẩn, không dẫm vào chân Nàng. Thế thì cái gì ? Tay ải tay ai, chân ải chân ai...

===

Những Công Thức Với 3 Từ

( Công Thức TTT )

LỜI DẪN

Như Vũ Điệu Valse quay hết một vòng theo 3 nhịp, như một Tam Giác có 3 cạnh, cũng như vậy sẽ rất tự nhiên, dễ nhớ nếu mọi thứ được chia và xếp theo thứ tự các phần 1-2-3 rồi đặt tên cho nó, giữ lại chữ cái đầu tiên.

Và " Những Công Thức Với 3 Từ " sẽ có thể giúp chúng ta dễ nhớ mọi điều hơn, sống dễ hơn, đỡ lú, đỡ quên.

Có thể thấy các ví dụ đã quen thuộc : Mở bài-Thân bài-Kết luận, Lập pháp-Hành pháp-Tư pháp, Độc lập-Tự do-Hạnh phúc ....

~~~~

TTT : Thuận-Tiện-Thử

Dùng khi ta cần lựa chọn làm một điều gì đó.

Thuận nghĩa là ít người chống đối, ít ảnh hưởng xấu đến ai. Còn nếu được nhiều người ủng hộ thì càng tốt.

Tiện có nghĩa là không phải vất vả lắm.

Thử có nghĩa là hãy thử thôi rồi xem kết quả. Thấy ổn thì tiếp, nếu không ổn thì sau mấy lần phải từ bỏ thôi, không cố chấp mất thời giờ

 TMC

Cuộc sống cần có ý nghĩa. Mỗi khoảng thời gian của cuộc sống cũng vậy. Nói cách khác là cần có một Mục Tiêu cụ thể cho nó. Công Thức TMC có thể được tham khảo.

- Tầm Nhìn : Phải lùi ra xa và lên cao để quan sát sự vật. Lùi xa sẽ không mắc bẫy của Cảm Xúc. Lùi xa sẽ không nhìn thấy những cái nhỏ, chỉ còn ít cái to và có thể thấy xu thế vận động của sự vật để xác định Mục Tiêu.

- Mục Tiêu cần định lượng và cần có tính khả thi trong khoảng thời gian đặt ra. Có thể hình dung M ở thời điểm cuối và đi ngược lại những nút thời gian nó ra sao.

- Chiến Lược thực hiện cần : Viết những cái định làm, Làm những cái đã viết, Viết những cái đã làm

** Công Thức BNK**

Đó là công thức tôi được học ở LX thời xưa, nó liên quan đến thực hiện luận án để giải quyết một vấn đề KH nhưng đó cũng là một triết lý sống. Trong lý thuyết hệ thống hay trong FEM thì công thức bộc lộ rất rõ.

- B = Bóc Tách ( Decomposion ) vấn đề thành những vấn đề con VĐC. Điều này chỉ thực hiện được khi đối tượng là Hữu hạn nghĩa là có Biên

- N = Nhận dạng ( Indentification ) các VĐC. Thực chất là nghiên cứu xây dựng mô hình toán học cho mỗi một VĐC

- K = Kết nối ( Connection ) các vấn đề con vào hệ thống. Chú ý ở vị trí kết nối cần thỏa mãn điều kiện Cân Bằng và Liên Tục để cho Bình An toàn Hệ thống

Những vấn đề của cuộc sống cũng vậy

===

** Viết cho mình**

-Như đã viết trong FB, GS Lev Israelevich Steivolf, người thầy Do Thái dạy tôi môn học "Cân bằng máy" một lần đi dạo với tôi ở công viên trong trường ĐHBK Kharkov có kể cho tôi về dân tộc Do Thái của mình. Đó là viết hàng ngày, đọc và bỏ bớt, thải đi hàng tuần. Cái đọng lại sẽ là kho báu tri thức của riêng mình. GS cũng nói cho tôi về cách biến mọi thứ đơn giản về phức tạp bằng cách quy mọi thứ về ba điều và việc học sẽ tự nhiên như nó đúng ra phải như vậy, tự nhiên như hơi thở, cân bằng như một miếng cứng kiềng 3 chân, đơn giản như một vòng xoáy Valse,..

-Sau này, những thất vọng hay đúng hơn là những thất bại trong mọi lĩnh vực về tôn sùng Logic đã làm nhiều nhà KH bơ vơ. Việc mềm (fuzzy) hoá, thích nghi hoá Logic Aristot theo hướng Logic mờ của L. Jahde hay theo hướng Đại Số Rào Chắn (Hedge Algebra) cũng không tránh được những khiên cưỡng của con người và tôi vẫn coi đó chỉ là những Giải pháp tình thế.

-Có lẽ chỉ còn biết tựa vào Thuyết Tiến Hoá của Darwin với hai 2 toán tử chính : Sinh sản và Đào thải. Quy luật Sinh sản trong thế giới phẳng của công nghệ, trong không gian cuộc sống ảo của truyền thông, Net, FB gần như không còn Rào Chắn vì ở đây yếu tố ngẫu nhiên (tính chất quan trọng nhất của tự nhiên) được tôn trọng . Nhưng nếu Quy luật Đào thải (Ý thức của con người đặt ra để thanh lọc) không hoạt động thì thay vì Tiến hoá sẽ dẫn đến Tha hoá, như đàn Khủng Long to xác hồi nào tràn ngập hành tinh chúng ta, như Nhân loại bây giờ. Tiếc thay.

===

**Einstein**

"Thế Giới như tôi nhìn thấy-The World as I See It"-Albert Einstein

-Khi người ta hỏi Thiên tài này là ông biết gì về chính trị mà trong quyển sách này lại viết nhận xét về hệ thống bầu cử của nước Mỹ, của Châu Âu, viết về giáo dục, về quân đội và chiến tranh, về nghệ thuật ..., ông trả lời là ông đến với chính trị hơn các nhà chính trị vì ông biết Vật Lý, ông đến với các lĩnh vực khác cũng vậy.

-Theo tôi ông còn hơn những người trong lĩnh vực đó là ông không bị mắc kẹt trong những dây dợ, rác rưởi trói buộc mà lĩnh vực đó đã tạo ra. Như Phạm Quỳnh viết trong " Thượng Chi Văn Tập " là trí tuệ, tư duy luôn bay xa về phía ánh sáng để từ đó nhìn thấu suốt mọi vấn đề.

-Người Do Thái muốn biết đến ông như một Người Do Thái, mong đón ông về làm tổng thống đầu tiên của nhà nước Israel lúc mới thành lập. Nhưng ông không. Ông trước hết là một Con Người và khái niệm Tổ Quốc cho ông có lẽ không chỉ giới hạn ở Trái Đất chúng ta mà là toàn Vũ Trụ . Ông nói: "Tôi không thể tưởng tượng một Thượng đế, kẻ tưởng thưởng và trừng phạt những tạo vật của mình, hay có môt ý chí mà chúng ta trãi nghiệm với chính mình. Tôi cũng không có thể cũng không muốn nghĩ đến việc một con người tồn tại sau cái chết thân thể của mình; hãy để những linh hồn yếu đuối, từ sự sợ hãi hay tự ngã ngớ ngẫn, yêu mến tư tưởng ấy. Tôi hài lòng với sự huyền bí của đời sống vô tận và với sự tỉnh thức và đại cương cấu trúc diệu kỳ của thế giới hiện hữu. cùng với sự cố gắng cống hiến để lĩnh hội phần mình, bởi vì nó mãi mãi là quá bé nhỏ, của Chân Lý đã tự biểu hiện trong thiên nhiên".

Người ta hỏi tôi về "điều kỳ diệu" và "phép màu" hay những điều mà ta hay nói giờ như "linh". Chúng có khác nhau nhưng chắc cùng một cái nôi sinh ra đó là sự bí ẩn. Cái đó có viết trong quyển sách của Einstein rồi. Ông chia con người thành hai loại. Một loại thấy các điều là kỳ lạ. Một loại chẳng thấy kỳ lạ gì. Và trở về VN thấy bao nhiêu điều kỳ lạ hàng ngày để từ đó có những điều kỳ diệu mà.

===

** Lão ngồi mơ nước Nga**

Một đất nước kỳ lạ nhất thế giới. Hàng hóa làm ra cốt để bán sinh lời, để tái sản xuất. Đây lại càng bán càng sợ lỗ, đổ cho là đất nước nghèo, thậm chí là LX phá sản vì bán được nhiều bàn là, vô tuyến quá. Tôi ở Kharkov toàn phải mua hộ áo bay, xe đạp, quạt tai voi cho bà con Việt xưa. Các nước khác thì khách hàng là thượng đế. Qua Ba lan thấy cô bán hàng tươi như hoa, ở LX thì người bán hàng là thượng đế với bộ mặt khinh khỉnh. Người dân LX lúc đó ngơ ngác, hoang mang. Putin lên, dầu mỏ lên giá 10 năm, lại có lắm tiền. Mạnh vì gạo bạo vì tiền mà, với lại Nga bây giờ không phải LX xưa, không phải một chế độ toàn trị, cơ cấu phản hồi âm Feedback Negative cũng phần nào hoạt động, có các ông chủ, các nhà tỉ phú, có người làm thuê và truyền thông công khai. Đó chính là kết quả của Gorbachev mong muốn xưa.

- Lein mơ : Chính quyền Soviet + Điện khí hóa TQ....

- Gorbachev mơ : Có tỉ phú làm chủ, có người làm thuê + Công khai báo chí

- Elsin mơ : Tam quyền phân lập + Đa đảng + Thị trường tự do ....

- Putin cũng đang mơ : Nước nga vĩ đại

===

** Paul Duc: STT về Tư Tưởng **

" Cũng nản dần trong chuyên môn khoa học, rời bỏ các điểm biên trên đó, lang thang vào mảng Thơ Văn, xem các điểm biên ở đây vậy. Ở đây có gì lạ không. Nguyễn Huy Thiệp xưa rồi, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu thì lộ rồi. Có lẽ còn Paul Duc, một điểm biên và đầu kia là Trần Sỹ Kháng. Gặp may rồi và Paul Duc đã thành nhân vật chính trong truyện ngắn " Bức Tranh Thơ - Bản Tango Italiano NXB HNV 2014 ", còn Trần Sỹ Kháng cũng đã có mặt trong TT " Sóng Đơn Độc " đang biên tập.

Cũng lại đã chia tay với Paul Duc. Tình hôm nay lại thấy FB đưa bài viết của Ngài. Cái này không liên qua đến Thơ nên cần suy ngẫm thấu đáo hơn. Thử giữ 3 ý :

- " Theo quan điểm chung của Hy Lạp mà tôi lĩnh hội: chỉ có ông chủ mới có danh dự. Còn nô tài chỉ lo kiếm ăn và bảo tồn sự sống mà thường không chú trọng vào danh dự " - Paul Duc

Trung Tran : Danh Dự là một khái niệm mờ. có nhiều cách nhìn nhưng có thể thấy " Danh dự là phạm trù cá nhân nhưng mang tính xã hội, luôn gắn liền với chủ thể xác định nhưng cho thấy danh dự chính là cách nhìn của người khác về bạn. Người có danh dự hay không, không phải vấn đề bản thân họ có trong sạch hay không, mà là vấn đề người khác có thừa nhận họ hay không? "

Miệng người sang có gang có thép. Hóa ra danh dự là một thứ xa hoa cho tầng lớp trên. Nghèo kiết xác lại mơ được nhận bằng khen danh dự thì may ra chỉ ở cấp tổ dân phố, mà là dân phố nghèo thôi.

- " Ở Châu Âu, triết học cũng chỉ có Hy lạp, Đức và Pháp là chính thức có, còn các quốc gia khác đều nhạt "

Trung Tran : Chính Xác

- “Mọi thứ vĩ đại đều đặt trên sự cực đoan, còn mọi cái vững chắc đặt trên cái bình thường”

Trung Tran : Đó là cách nói khác đi của Phan Quý Bích : " Tư duy thì cần cực đoan ( Logic Aristottle ) còn để thích nghi tồn tại trong cuộc sống cần trung dung ( Fuzzy Logic )

====

HOÀI NIỆM LIÊN XÔ

Nhớ lại thời đó hay đọc Izveschia, Zarubezom thấy bàn đến 2 kiểu CM :

a- từ trên xuống ...

b- từ dưới lên.

Ví dụ cho CM kiểu b là CX Paris, CMT 10 Nga và CMT 8 ở VN. Dấu hiệu của nó là phá cửa hiệu bánh mì và phá kho thóc, nói cách khác là CM dạ dày. Thời Gorbachev mọi thứ thực phẩm khan hiếm nhưng vẫn còn bánh mì và vodka. Vậy đó là CM kiểu a, từ trên xuống, nói cách khác là CM của cái đầu và trái tim

Thủ tướng của Gorbachev, Nikolai Ryzhkov viết, “ tình trạng đạo lý [nrastennoe] của xã hội vào năm 1985 là nét đặc trưng “hãi hùng nhất. Chúng ta] ăn cắp từ chính bản thân của chúng ta, nhận và đưa hối lộ, láo khoét trong các báo cáo, trên báo chí, láo khoét từ các diễn đàn cấp cao, đắm mình trong láo khoét, rồi trao huân chương cho nhau. Và tất cả những điều này đã diễn ra – từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên "...

- Bộ trưởng Ngoại giao Eduard Shevardnadze, cũng đã nói với Gorbachev vào mùa đông 1984-1985: “Mọi thứ đã thối nát. Phải thay đổi thôi”

Tôi rời nước Nga đã lâu, nhưng nghe nói bên đó hiện nay tham nhũng khiếp lắm, một truyền thống giống như say rượu rồi

===

**NGƯỜI NAM ĐỊNH**

- Bỗng dưng lại nhớ đến hồi lớp 9. Thày giáo dạy Văn dẫn cả lớp đi thắp hương mộ cụ Tú ở khu 8. Nhớ là hôm đó cuối năm, trời mưa rét. Ruông ướt bẩn. Hỏi mãi mấy bác nông dân chỉ đi chỉ lại mới tìm được mộ cụ, đắp đất. Thắp hương xong Tạ Hùng đọc Văn Tế nó viết. Giọng đọc cảm động quá khiến tôi chảy cả nước mắt và xụt xịt. Một phần có lẽ trời vẫn mưa và lạnh. Bài Văn hay lắm, tôi nhớ nhất câu cuối Hùng cất cao giọng ý nói là những gì cụ Tú viết và trăn trở hồi xưa thì nay đã sáng choang lên rồi, tương lai tươi sáng, mái trường XHCN...đại loại thế. Hùng là học sinh giỏi cả văn và toán, bóng bàn, bóng đá, bơi, lại gần nhà, chơi với tôi từ lớp 4. Có anh bạn giỏi này đâm tôi cũng lười, hay ỉ lại.

- Sau này lớn rồi mỗi khi cần hiểu biết thêm một điều gì đó về Văn Chương tôi hay về NĐ tìm Hùng. Đỡ phải tra Google, đọc sách cho vất vả. Hùng rất nhiệt tình, hàng đống giấy chữ viết ly ti lấy ở gác xép xuống, từ Mạc Ngôn đến Đỗ Hoàng Diệu, Từ Pau đến Baudelaire. Tôi hỏi sao Hùng không viết, không sáng tác thì phê bình vậy. Hùng nói viết gì, phê gì nữa. Người xưa họ viết hết rồi, nói hết rồi, có đọc đâu, có nghe đâu.

-Học thầy không tày học bạn lợi ở chỗ đó. Thầy hay dọa, hay làm người ta sợ, hay tinh vi, hay biến dễ thành khó. Khổ. Bạn đỡ hơn

===

**THƠ GỢI **

- Thơ không phải là nói-dire, không phải là kể-raconter. Thơ là gợi-suggere.

- Cái nửa chừng đó nó ám ảnh người đọc. Cái nửa kín nửa hở đó nó ám ảnh người xem. Nớ gợi cảm giác, nó gợi cảm xúc và với nhà thơ nó gợi cảm hứng

Và như vậy một bài thơ hay không bao giờ trọn vẹn, nó như luôn đang dang dở và nó khiến ta phải thấy một cái gì đó là lạ bứt rứt xuất hiện trong ta. Đó mới chính là cái mà Plato gọi là CÁI ĐẸP và Baudelair mới cho rằng " Cái đẹp đó làm cho đứa nhút nhát thành dũng cảm và làm người anh hùng trở nên nhút nhát ".

- Tôi thích thơ Szimborska, Sveteva, Dư Thị Hoàn, Trần Sỹ Kháng vì các bài thơ đó nó gợi....thơ cho tôi. Hình như đọc xong tôi cứ phải viết tiếp. Thường là viết xong thấy dở ẹt. Cũng như thấy một cô gái đẹp và gợi để mình cũng không kìm được thốt lên hay làm một điều gì đó, sau thấy...vô duyên.

Mà không phải như bác Dung Khuc nghĩ là chỉ có gái hớ hênh mới gợi thơ đâu nhé. Cuộc sống luôn che dấu nhưng luôn gợi. Và thơ là vén lên bức màn ớ hênh đó để cho những thứ bị che đậy lộ ra, cũng có thể thơ lại ngược lại, lại che đi cho kín đáo em

- Nếu lùi ra xa mà nhìn hoặc sau bao nhiêu năm nữa nhìn lại thì có thể thấy ở đây có hai khả năng :

a- xoay quanh từ " thế lực-Power ". Khi thế lực ông Thăng mạnh thì chịu, khi yếu thì sẽ đến thất thế mà thôi...

b- xoay quanh từ " phản hồi ngược-negative feedback của hệ thống ". Các lãnh đạo thường xa rời quần chúng và bị tầng lớp trung " gian " tâng bốc che mắt.

" Rượu nhạt ru mãi cũng say

Lời khôn nói mãi chướng tai cũng nhàm "

===

**Thượng Đế hay Con Tin**

- Nhà đầu tư là khách hàng của Cty chứng khoán. Vì sao gọi Khách hàng là Thượng Đế. Vì họ có quyền lựa chọn CTy CK để phục vụ hoạt động Đầu Tư của mình.

- Margin hay giao dịch ký quỹ làm đòn bẩy tài chính trong đầu tư chứng khoán được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán (CTCK), cho phép nhà đầu tư vay tiền để mua số lượng cổ phiếu có giá trị lớn hơn giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư có trong tài khoản CK bao gồm cổ phiếu + tiền mặt.

Với Margin nhà đầu tư sẽ có thuận lợi về vay vốn để hoạt động còn Cty cũng có lợi khi có tiền lãi cho vay mà nắm giữ tài sản thế chấp của người vay.

Nếu có rủi ro về đầu tư, giá cổ phiếu giảm thì Cty CK vẫn an toàn. Khi cổ phiếu giảm giá, nhà đầu tư được yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo.

Để quản lý rủi ro đối với khoản tiền cho nhà đầu tư vay thì CTCK sẽ hạ tỉ lệ margin ở mã cổ phiếu có thông tin xấu. Việc hạ tỉ lệ margin và thông tin xấu cộng hưởng lại có thể làm giá cổ phiếu giảm rất sâu dẫn đến thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Nghĩa là CTy CK cho rằng luôn nắm đằng chuôi, còn Thượng Đế nắm lưỡi.

Nếu cổ phiếu đầu tư đang thuận lợi mà CTCK sẽ hạ tỉ lệ margin ở mã cổ phiếu đó thì đó là khả năng một chiêu trò nhằm đánh tụt mã đó xuống để Cty hoặc Nhóm lợi ích đi đêm với Cty mua lại. Nói cách khác là bán đứng Thượng Đế của mình.

Thực ra trong lĩnh vực nào cũng vậy, CK càng nên vậy cần theo một quy trình với thời gian vừa đủ để các Thượng Đế còn xoay xở, kịp dọn dẹp. Nhưng khi đã nắm đằng chuôi thì lòng tham dễ nổi lên lắm.

-Có bao nhiêu câu nói có cánh nghe sướng tai. Nhưng hãy khắc cốt ghi xương câu dặn dò của Fucik : " Con người hãy cảnh giác ".

Đây là cảnh giác với kẻ nắm đằng chuôi để mình nắm đằng lưỡi. Trường hợp không được nắm được chuôi thì tốt nhất là dùng dao hai lưỡi cho binh đẳng

===

** Khoa Học Và Phật Giáo **

- Các ông Nguyễn Tường Bách, Trần Sỹ Kháng cũng như nhiều nhà Vật lý khác tìm đến giáo lý nhà Phật là điều tự nhiên. Vật lý học loay hoay với câu hỏi : a-Sự vật, b-Thời gian, c- Không gian ...mãi không xong. Phật giáo mách bảo : còn thiếu. Đó là c- TA ( con người ).

- Hình như lại càng luẩn quẩn hơn với a,b,c,d. Trong thế giới Vật lý thao tác bóc tách + tương tác ( Decomposition ) với Logic Hình thức không ổn chút nào. Những cố gắng dùng Logic Phật bốn chiều hay nói cách khác là Giáo lý nhà Phật trong kinh Tướng Không của TS Trần Sỹ Kháng để giải thích thế giới Nano giống Thi ca của Ngài nhiều hơn, cái siêu phẩm " Mỹ nhân với tiếng thở dài của Thi ca - NXB VH 2017 " ấy, nghĩa là rất ít người hiểu và có hiểu thì lại rát khác nhau.

- Còn Điều khiển học và Phật giáo liên quan gì. Có lã chỉ với Phật giáo Nguyên Thủy khi sống sâu trong hiện tại để hàm cuộc sống của con người hay hàm Hamilton ( xung lượng của quá trình tối ưu ) luôn cực đại, để không còn áy náy về quá khứ, lo lắng ở tương lai...để bình an như lới Phật Tổ : Sự sống chỉ có mặt trong mỗi hơi thở

===

Mộng du giữa hai bờ ảo vọng

Từ tập truyện ngắn " Bản Tango Italiano " đến tập thơ " Trời Đùa " ?

Thực ra lúc đầu năm 2011 tôi viết " Bài Ca Hoạ Mi " , lồng nhạc ảnh đưa lên YouTube là do tò mò đọc " Nam Hoa Kinh " của Trang Tử. Rồi lại do trót đọc thơ của mấy ông thuộc dòng Symbolism của Pháp, bị lây thêm nữa nên mới viết tập thơ " Trời Đùa " ấy.

" Chưa viết, Thơ trong Người .

Viết rồi, Người trong Thơ.

Trời đùa, cho chút mộng mơ

Neo mình những lúc dại khờ cuồng si."

Còn tập truyện ngắn ra trước đó là do tôi nghe thấy có quyển truyện với cái tên " Bên kia bờ ảo vọng " của T/G Dương Thu Hương. Tôi chưa đọc truyện đó nhưng cái tên truyện nó gợi suy nghĩ. Hình như cuộc đời như một dòng ảo vọng, cũng có thể là một cơn mộng du giữa hai bờ ảo vọng, bất định, mơ hồ mà cứ tưởng là đang đi tìm gì đó. 

- Truyện ngắn đầu tiên là " Người Đàn bà Capcaz " viết về Liên xô sụp đổ và trên đường đi sang Tiệp từ Ba Lan tôi gặp một người Đàn bà rời bỏ quê hương ở Capcaz để sang bên Đức tị nạn với con gái. Vợ chồng tôi sau đó lại rời bỏ Ba Lan để về quê hương lo cho con cái ở Việt Nam. Hai quyết định ngược hẳn nhau.

- Thực ra như Nguyễn Ngọc Tư có viết trong " Cánh đồng bất tận " ấy, cái câu mà tôi rất nhớ “Mỗi lần rời khỏi một nơi nào đó, thật khó để phân biệt, chúng tôi bỏ đi hay chạy trốn.” 

Đúng là khó phân biệt thật. Trong truyện tôi để cho người Đàn bà Nga đó cầm theo quyển truyện dịch ra tiếng Nga của ông Nguyễn Minh Châu, truyện về một người Đàn bà mộng du trong cuộc đời. Mộng du thôi, dòng đời ấy, giữa hai bờ ảo vọng thì sao phân biệt được đi hay về.

Đó là truyện chứ thật ra khi chúng tôi về với các con thì rồi chúng lại đi. 

- Còn truyện cuối " Bản Tango Intaliano " trong tập truyện ngắn cùng tên đó là về Ucraina thời trước cải tổ. Chuyện tình của một người Việt với một cô gái Ucraina, chuyện tình như một Vũ điệu Tango. 

Tango-cái Vũ điệu kỳ lạ, những bước đi trong cơn mộng du, lúc dướn hãm, chuyển hướng bất ngờ tưởng như bừng tỉnh rồi lại dò dẫm, luẩn quẩn trong phiêu lưu, bất định, như mê muội, như Số Phận Loài Người nói chung chứ không chỉ là cho hai người ấy - một Việt Nam, một Ucraina.

===

 Ám Ảnh Thơ 

- Evtushenko nói : " Thơ là nỗi ám ảnh cho những người muốn nói mà không biết nói gì rồi vẫn cứ nói ".

Nói như ông này thì cũng như Xuân Diệu đã nói ấy, nhà thơ còn chưa hiểu sao người đọc hiểu và ĐẾN VỚI THƠ CẦN BAO DUNG MỘT CHÚT, VỚI NHÀ THƠ CŨNG VẬY.

- Ai đó nói : " Có bao nhiêu nhà thơ thì có bấy nhiêu định nghĩa về thơ ". 

==> Từ hai cái gạch đầu dòng trên thì suy rộng ra là 

a- Có bao nhiêu người đọc thơ thì có từng ấy cách hiểu khác nhau. Đấy mới là Thơ chứ không nó là Toán, Kỹ Thuật hay Kinh Tế Tài Chính mất. 

b- Cũng đừng hỏi nhà Thơ lúc làm thơ anh ta định gửi gắm gì. Lúc đó anh ta cứ làm thôi, cảm xúc mà, đầu nóng, tim đập nhanh, thở. Còn đâu tỉnh táo mà mạch lạc rõ ràng được. 

- Nói thế thôi, cũng có thơ của những người quen Logic, họ làm thơ không nhờ trái tim mà bằng sự quan sát, trí tuệ. Ở ta thơ Trần Sỹ Kháng là một ví dụ. Người đọc thấy khó nhưng thấy lạ và mãi rồi đành chịu. Nghe ngài giảng giải mới TÉ RA. Hóa ra để đọc được thơ Ngài phải biết được ít nhiều Kinh Tướng Không Nhà Phật hay Vật lý Nano. Mà còn phải biêt chút chữ Nho nữa.

Đúng là Thơ của Ngài không phải để chia sẻ, để mang ra HỘI THƠ VĂN MIẾU hôm nay để đọc, để bình, để khen hay. Nó đúng là nỗi ám ảnh.

==

Một trong những bài thơ là nỗi Ám ảnh của Szimborska là bài bà làm về Việt Nam mà tôi đã giới thiệu trên FB mấy hôm trước. Không phải bài 11-9 đâu, nó cũng ám ảnh. Bài này có bạn hỏi tôi là câu " Czemu ugryzłaś mnie w serdeczny palec? - Nie wiem.( tiếng Ba Lan ) " nghĩa là 

Bạn ấy hỏi : " Tại sao có người Phụ nữ Việt Nam cắn ngón tay đeo nhẫn của người nữ nước ngoài rồi lại trả lời là Không biết "

Tôi bị ám ảnh câu hỏi. Chỉ hôm nay chắc là " Ngày Hội Thơ " nên nó Linh. Tôi như được mách bảo.

===

Nhân đọc STT Son Tung Nguyen  

- Năm 67 tôi rời Tashkent đến ĐHBK Kharkov học Hóa. Hết một năm xin chuyển lên học Vật Lý Kỹ Thuật và dành thời giờ cho thư viện. Cạnh nhà là Thư Viện đọc sách gồm hai phòng KH và VH. Hình như thời SV mình ngốn nhiều quá, đủ dùng cho cả thời NCS. Thời NCS đọc ít, chỉ quan sát và suy ngẫm nhiều thôi.

- Có thể cũng do số phận ghép hai VN chúng tôi vào cùng ở với Iura và Vova. Hai thằng khác hẳn tính nhau nhưng lại cho chúng tôi thấy một nước Nga nói riêng và LX nói chung không giống như chúng tôi được học trong nhà trường. Đúng là không để ý thì không thấy. Với lại cái khoa VL kỹ thuật ấy do Landau xây dựng rất nhiều thầy giáo và SV Do Thái. Đôi khi họ làm tôi ngỡ ngàng ví dụ như khi đi thi sử được câu hỏi vì sao CMT10 thành công ở Nga. Tôi trả lời như trong sách " vì đó là mắt xích yếu nhất của CNĐQ, vì...." và được 5 nhưng trước khi về ông thày dạy Sử nói là vì nước Nga nhiều Vàng và rộng lớn lắm tài nguyên quá và vì công nhân Nga đói quá, vì Đại Chiến II....Nếu không có ba cái đó không có CMT10. Không có ông Lenin nọ thì sẽ có ông kia, không Đảng nọ thì Đảng kia. Nước Nga cần nổ và có quá nhiều năng lượng cho vụ nổ. Chỉ khi tài nguyên cạn thì xịt.

- Năm 79 tôi sang NCS, BK Kharkov có khoảng 10 SV, lại ở rải rác ( hồi xưa khoảng 500 SV sống gần nhau hơn). Dưới nhà tôi có 2 cậu SV người HN. Một đứa rất lăng nhăng thay gái như thay áo. Đứa kia thì chung thủy, sống với một cô người Moscow sau lấy làm vợ và dọn lên ở Moscow.

Cũng như VN thôi, xưa và nay khác nhau nhiều lắm. Hoài niệm luôn đi kèm với tiếc nuối.

Hình như có một cái gì đó ít thay đổi. Đó là các thầy cô giáo Nga. Họ quý VN.

Cái món múa rối là do Trần Sỹ Kháng, Do Dinh Khang sống cùng phòng tôi nghĩ ra. Tôi thì ít thú vị với những thứ dân gian ấy lắm. Thời giờ rỗi mùa đông toàn trốn đi trượt băng nghe nhạc. Cũng may ông bạn Khang sống cùng phòng hiền lành, không tố cáo để đuổi về nước.

Thực ra cũng có đứa phiêu lưu hơn tôi. Một lần tôi gặp nó thấy mặt rộp lên. Hóa ra nó cùng bọn Tây leo núi bị bỏng TUYẾT. Nó muốn lấy được cái bằng HLV leo núi. Tôi quên mất tên cậu ta và cũng không kể với ai hồi đó.

Bọn con gái thì sống hiền hơn, ít máu phiêu lưu, quẩn quanh là yêu loanh quanh trong KTX

===

 **THƠ KHÔN** 

- Tháng giêng là tháng ăn chơi. Tháng giêng những năm trước tôi được tăng khá nhiều thơ mới in. Năm nay tưởng thơ cạn, thơ tàn hay các nhà thơ khánh kiệt rồi. Còn lo cơm áo gạo tiền mà. Cả tháng 2 bình an. Thế mà trưa hôm qua được tăng một tập thơ dày " Yêu lần nào cũng đau ". Chắc biết tính mình đã nhát, sợ đau.

- Dòng Thơ Nữ. Nhiều nhà thơ nữ Việt làm thơ cũng dòng, giống vậy và nhiều người Việt thích. Cũng không chỉ nữ. Đàn ông Việt nhiều người làm thơ cũng vậy. Dòng đó hợp với thẩm mỹ và trí tuệ Việt. Như hội Hồ Đồ Xứ Phuống Thanh Chương, các nhà thơ Hoát Vũ Xuân, Đoàn Xuân Hoà, Trần Sỹ Kháng thì

" Thơ không phải căn nhà xây gạch mộc 

Mà cần chọn lọc, các TỪ THƠ "

Điểm tựa của họ là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thế giới trong thơ luôn là Thế giới của Gia Tĩnh đời Minh ấy .

-Và Thơ là Nghệ Thuật. Bài thơ Việt đẹp với nhân công, kỹ thuật, chau chuốt nhiều quá, tỉnh táo, điêu luyện, hinh ảnh đẹp, nhiều họa tiết, như cái phòng nhỏ treo đầy tranh, chất liệu tạo lên bài thơ được chọn lọc một cách tinh tế từ những hình ảnh bên ngoài để tạo nên bức tranh mô tả cái bên trong của con người.

===

** Đạo **

Đạo Thiên Chúa theo cách nhìn của Trung Tran có thể hiểu là : Jesus yêu thương loài người nên hy sinh mình để chuộc tội cho họ. Nói cách khác là khởi nguồn từ Tình yêu. Vì thế gái, giai yêu nhau có Chúa chứng giám và dâng tình yêu lên cho Ngài ( làm gì Chúa cũng biết chứ không giấu được đâu, đừng có tưởng chỉ có hai người kín đáo đâu nhá )

Đạo Phật là sự tìm thăng bằng Tâm để Bình An. Yếu tố Bất an luôn có từ bên ngoài ( vô thường ), không thể thay đổi được cái bên ngoài đó vậy thì học cách để " Nó không nhưng mà có.....Nò Nò Nó có cũng như không " là ổn.

Cả hai đều rất tuyệt. Liệu có thể theo một lúc cả hai được không ạ

===

**CON NGƯỜI & KHOẢNG TRÔNG**

- Ngại viết, thôi Copy một đoạn của truyện ngắn trong tập truyện " Hoa Oải Hương " về Khoảng Trống của một con người.

- Thời SV học Marx nhớ mang máng là ông chia khoảng trống 24 tiếng/ Ngày thành 8+8+8 = Ngủ + Làm mưu sinh + Sinh hoạt.

Hai cái khoảng trống con đầu có vẻ ổn. Có cái cuối mới sinh chuyện. Lại thêm bây giờ nhiều ngày nghỉ nữa. Thế là đi viết văn, thế là đi yêu, thế là .... lắm chuyện nữa.

" Thực ra ông ấy cũng bị ảnh hưởng nhiều cái Sắc sắc Không không của Phật Giáo lại thêm cái Duy tâm của các nhà Vật lý Phương Tây, coi thế giới này là Khoảng Trống có biên.

- Sao lại cần biên ?

- Khoa học mà, để có thể chia tiếp các Khoảng Trống có biên đó ra nhiều Khoảng Trống con kiểu như ta hay nói là Tiểu vũ trụ ấy. Nếu không thì sa vào cái tù mù không biết làm gì tiếp, chỉ còn biết lên chùa gõ mõ tụng niệm thôi.

Lượng bỗng dừng lại lắng nghe mấy em nói gọi gì nhau ngoài hành lang. Chờ im ắng ông mới yên tâm nói tiếp:

- Và con người cũng vậy, sống và hì hục lấp các Khoảng Trống trong mình bằng một cái gì đó, lấp cái tâm hồn mình, cả những Khoảng Trống của thời gian của thời gian mình có, thế thôi.

- Cũng hay, cũng có thể giải thích được nhiều điều kiểu " Nhàn cứ vi bất thiện " ấy. Người nghèo thì lo lấp Khoảng Trống của mình bằng những gì ra cơm áo gạo tiền. Nhà khoa học thì bận lấp bằng sách vở, công thức. Sinh viên thì bận học. Người tốt là người quá bận bịu với những cái Khoảng Trống vô hại để không còn Khoảng Trống thời gian cho những điều ác.

- Không hẳn vậy. Có những người đi lấp khoảng trống của mình bằng những việc họ coi như có ý nghĩa cho cuộc sống như nghiên cứu, sáng tạo hay giúp đỡ ai vậy. Đơn giản như mấy cậu Tây sang mình cứ rỗi xách xô đeo găng ra nhặt rác ở hồ Thành Công. Họ thích trông thấy cái hồ sạch.

- Tây nó cũng lạ, nói về ta thôi. Nếu cái Khoảng Trống đó nó hoàn toàn của riêng mình, không liên quan đến ai thì ổn, thật là đơn giản như Robinson trên hoang đảo, hay các ông sư nhắm mắt gõ mõ đọc kinh ấy. Lôi thôi là khi những Khoảng Trống trong mình không được bóc tách riêng ra, cứ lùng bùng đan xen với nhau. Tệ hơn là cả khi một Khoảng Trống thời gian của mình trùng với người khác, rồi lẫn lộn không biết cái gì của ta, cái gì của họ. Thế là có chuyện. Yêu thương thù hận danh lợi và trăm thứ khác từ đấy mà ra.

- Ồ, cái thuyết Khoảng Trống hay đấy - Dân buột miệng thốt lên rồi im ngay để nghe Lượng nói tiếp.

- Cũng còn chết hơn nữa là các Khoảng Trống Con lại đòi đặt tên. Khoảng Trống Mẹ lại chia ngăn ô để chứa những đầy những thứ con người tha về xong lại dán các nhãn tên bừa bãi. Kiểu như các chai nút kín đựng cái gì trong rồi dán ngoài nhãn Tự do, Hy sinh, Tha thứ hay Nhân ái, lắm khi dán lẫn nhãn chai nọ sang chai kia, lắm khi bên trong là đồ rởm. Loạn. Có mấy cái nhãn tên nghe sướng thế là dán vào đủ các chai. Có cái chai bên trong là chất Mã Giám Sinh lại dán nhãn Thư Sinh thế là các Kiều Thơm cứ lâng lâng. Các nhà thơ, nhạc sỹ, triết gia thì tha hồ lấp Khoảng Trống bằng những thứ tù mù nhãn mác ấy, nhất là cái nhãn Tình yêu. Thế giới loạn ngôn. Loài người hụt hẫng. " - Trích từ truyện ngắn " Khoảng Trống và Tình Yêu "

===

** Phật là Người **

- Từ khoá là Phật Giáo Nguyên Thuỷ và Phật Giáo Ngày Nay, Đại Thừa và Tiểu Thừa, Nghệ Thuật Sống và Tôn Giáo. Vô Ngã và Cái Ngã Thường Còn. Phật ở trong Tâm.

Trong lịch sử Phật giáo luôn có khuynh hướng " Tôn giáo hóa đạo Phật " và để Đạo Phật thành một Thần Giáo ???

Ban đầu đạo Phật không là một tôn giáo mà là một nghệ thuật sống, một công phu thực tập giải thoát bằng trí tuệ. Người ta phải căn cứ rất nhiều vào sức mạnh của cá nhân, của tự lực, cũng như khi đói thì phải tự mình ăn, người khác ăn giùm mình không được. Đó là tinh thần của Phật giáo Nguyên thuỷ : Phải sử dụng thân, phải sử dụng hơi thở của mình để tự chuyển hóa và giải thoát.

Nhưng đa số chỉ muốn có một đức tin, một tha lực. Người ta có nhu yếu muốn biến Phật giáo thành ra một tôn giáo, một sự thực tập tín ngưỡng (practice of devotion).

Con đường trí tuệ là một con đường và con đường đức tin là một con đường khác.

Chúng ta không tự tin nơi mình nhưng dễ tin vào một tha lực, tha lực đó trong trường hợp của Phật giáo là Bụt.

Hầu hết tất cả các phật tử đều có nhu yếu hướng về một vị Bụt như thế, một vị Bụt pháp thân còn mãi, còn hoài, không mong manh, không sinh diệt như hóa thân Bụt. Người ta không bằng lòng với một vị Bụt sắc thân, một con người sinh ra ở thành Ca tỳ la vệ, tu học, tới năm 35 tuổi thành đạo rồi tịch năm 80 tuổi.

Đó là khuynh hướng đi về tôn giáo, cung cấp một đối tượng cho sự thờ phụng, một tín ngưỡng mà chúng ta gọi là The Living Buddha tức Bụt ngàn đời. 

Chúng ta không thể nào không bị cuốn theo khuynh hướng đó. Nhưng nếu bị cuốn theo nhiều quá thì chúng ta sẽ bỏ mất sự thực tập. Chúng ta trao hết thân mạng mình, hạnh phúc của mình, sự giải thoát của mình cho một lực lượng linh thiêng. Chúng ta không còn có sự cố gắng cá nhân.

-Phật nói Vô Ngã nhưng xu thế con ngườii muốn thiết lập một " cái ngã thường còn " mà mình có thể nắm giữ được. Nếu tất cả đều vô thường, đều sinh diệt trong từng giây phút như trong Phật giáo Nguyên thuỷ nói thì chúng ta khó mà nắm bắt được. Những người có căn cơ, có thể nắm được giáo lý sát na diệt rất ít.

Giáo lý căn bản của Đức Phật là vô ngã. Người ta lại có nhu yếu phải thiết lập một cái gì đó để làm nền tảng cho nhân quả, cho nghiệp báo, cho sự chứng ngộ. Khuynh hướng đi tìm và nắm lấy một cái ngã là khuynh hướng rất phổ cập. Nhưng làm công việc này rất nguy hiểm, đã đưa đạo Bụt gần tới cái gọi là thần giáo.

Trong Mật tông có quan niệm Đại Nhật Như Lai (Vairochana). Đại Nhật Như Lai trở thành gần như một vị Thượng đế. Thế giới này là sự biểu hiện của Đại Nhật Như Lai. Đó là một hình thức của thần giáo. Nó có thể đánh mất đi những nét đặc thù của Phật giáo. Đạo Phật không phải là một thần giáo.

Bụt không phải là một vị thần linh.

Tôn kính và thờ phụng một Thần Linh có quyền năng có thể làm êm dịu những khổ đau của con người. Nó có thể cung cấp cho con người một nơi nương tựa, nhưng nó không phải là điểm quan trọng nhất trong đạo Bụt. Điểm quan trọng nhất trong đạo Bụt là những giáo lý, những pháp môn giúp cho chúng ta chuyển hóa và giải thoát. Trên quá trình hành đạo, chúng ta cũng có thể phát triển khía cạnh đức tin, tôn giáo. Nhưng chúng ta đừng bao giờ quên rằng đó không phải là phần chủ chốt nhất của đạo Bụt. Phần chủ chốt nhất của đạo Bụt là phần tu tập để chuyển hóa, trị liệu thân và tâm của mình.

Bụt là người, Bụt làm được như vậy thì ta cũng làm được như vậy.

===

** Người Giỏi Toán – NGT**

Tôi quen hơi nhiều NGT. Có lẽ một lần viết về họ xem theo ba ý : Họ như thế nào-Xã hội được lợi gì ở họ-Số Phận những NGT

- Người ta hay đối lập NGT là người có tính chính xác, chi li...và khô khan. Tôi thấy oan, ít nhất là cho một nửa trong số họ, cái nửa A ấy, họ khá linh hoạt và khôn. Có thể vì Toán của họ là Toán Lý, Toán Sinh, Toán Điều Khiển, Toán Cơ....Còn nửa B thường là Toán Thợ, Toán Thuần Tuý.

- Trong Phổ thông chú ý nửa B, phát triển những Kỹ Năng Làm Toán, Giải nhanh, Chứng minh các công thức Toán có sẵn để đi thi.

Xã hội được lợi là nhờ những thành tích thi Toán QT nước ta được vinh danh là cường quốc thi toán quốc tế cũng như đã được vinh danh là cường quốc thơ nhờ số lượng nhà thơ, số lượng bài thơ trên Facebook và số ngày hội thơ

- Điểm chung của NGT là họ giỏi ngoại ngữ vì nghe đâu trong não phần toán và ngoại ngữ gần nhau chứ không như các bác " giỏi văn ". Vì thế mà họ tiết xúc với văn hoá Tây dễ hơn, bị Tây nó ảnh hưởng nhiều.

Đôi khi họ cũng viết văn, làm thơ. Người đọc và thích ít lắm.

Họ cũng tham gia vào các hoạt động xã hội, chính trị nhưng ít thành công. Dân mình không thích suy luận, lý lẽ logic, mệt, khó. Cứ hình ảnh và ví dụ cho hấp dẫn là hay hơn cả.

Có lẽ thành công duy nhất là GS Tạ Quang Bửu. Nhà toán học làm bộ trưởng

===

** Rheologie**

- Hôm nay tình cờ lại thấy mấy đề thi RHEOLOGIE mình cho khi nào. Lại nhớ đến cái môn học đã rơi vào quên lãng ấy, cái môn học bắt đầu từ quan sát và phải lùi đủ xa, đủ lâu.

===

** THI NHÂN VIỆT NAM **

- Evtushenko có nói " Không có gì đáng Ngờ như Thơ ". Tôi thì lúc đầu còn thấy cả " Không có gì đáng Ngờ như phê bình thơ ". Sau đó tôi lại thấy không ổn. Thay chữ Ngờ trên bằng chữ " Chủ Quan " thì có lẽ ổn hơn

Sao vậy ? Đơn giản vì hai cái món đó mà khác đi thì nó lại giống Khoa Học của tôi mất rồi, lại chán chết.

Khi làm thơ nhà thơ chiều chính mình thôi thì khi viết " Thi Nhân Việt nam " Hoài Thanh cũng như vậy, chiều chính mình. Chỉ khác là ông ta cũng như Phan Quý Bích, Belinski và các nhà Phê bình khác cũng không làm thơ nhé để khỏi cảm xúc, để cái đầu còn chút minh mẫn mà khen chê, mà phát hiện chứ Thơ đã Cảm Xúc, đã Lú. Phê bình cũng thế thì toi. Cái món " phê bình " và món " sáng tác " đó nó phá nhau. Mà làm sao chiều hết tất cả mọi người đọc được, họ rất khác nhau, người dễ tính thich thơ dễ đi vào lòng người, người lắm chữ lại chê là dễ là dễ dãi.

- Mỗi người có một thước đo riêng và đó chính là sự hấp dẫn của làng Văn. Còn nếu không thì lại phải làm thống kê, lấy ý kiến, mà cái đó cho cái lĩnh vực lơ mơ này thì cũng không có câu trả lời thỏa đáng. Kiểu như Chỉ Số HP theo một tổ chức thế giới thì Việt Nam ta là xếp thứ 5, theo kết quả khác là 95. Tôi thì đơn giản lấy là 50 = ( 95+5 ) /2 thì bị mấy ông bạn kêu dốt toán vì Dispertion gì mà lớn quá khủng vậy.

===

** Khách quan-Chủ quan **

- Hôm qua cậu em hỏi tôi về chuyện bỏ thi ở PT liệu sẽ có không. Tôi ngạc nhiên, sao lại có được. Đó là thành quả của nhân loại cũng như phép Logic hay phép Thống kê hay là Bầu cử ấy. Đành rằng Logic không phải Chân lý nhưng Chân lý cần Logic cho yên tâm, yên tâm nữa thì cần đến Thống kê.

- Mọi lập luận đều là của ai đó, của con người, càng thật lòng thì càng chủ quan mà...nhưng cũng chưa ăn nhằm gì với lập luận của con người mang nặng cảm xúc, nhất là khen chê mà đã quen ai đó kiểu như thi vấn đáp HS là con cái hiệu trưởng ấy hay bầu lãng đạo là con các lãnh đạo ấy......vì thế trong trường mới cần thi viết thì dọc phách chứ bỏ thi chỉ để các thầy cô đánh giá thì chết......

- Đấy là lúc bình thường thôi. Có những thời điểm quan trọng nhất thì đôi khi không kịp, lúc ấy đành có nhưng quyết định dựa theo trực giác của người đứng đầu. Quyết định đó cho cá nhân Mình hay cho một Sự nghiệp chung. Đó mới là điểm then chốt chứ không phải là cái chuyện khách quan hay chủ quan

Boris Eltsin đã cố gắng tạo ra một hệ thống cho nước Nga hoàn chỉnh như một HỆ THỐNG PHÁP TRỊ ĐA ĐẢNG TỰ ĐIIỂU CHỈNH với lưỡng viện, bầu cử với nhiệm kỳ không quá 2 liên tục, thị trường tự do và công khai báo chí + Tam quyền phân lập nhưng CHÂN KHÍ CẠN KIỆT. Một cơ thể hoàn chỉnh nhưng ốm yếu.

Và nguy cơ hệ thống đó suy sụp, tan rã. Đầu tiên là chiến Tresnhia cần dứt diểm nhanh. Cần một vị tướng. Ông đã tìm ra Putin để cứu lấy nước Nga. Khoảng nửa năm lên cầm quyền Putin đã giành chiến thắng bình an được sự loạn lạc.

Thiên thời đia lợi nhân hòa. Đúng lúc ông lên giá dầu tăng gấp đôi, rồi sau đóphi mã. Nước Nga có tiền để chữa bệnh và bồi dưỡng sức khỏe. Ông cũng tìm được vị thủ tướng Medvedev, người tốt nghiệp về kinh tế.

Ai sẽ là người làm thủ tướng sắp tới mà ông Putin chọn cho mình. Eltsin vĩ đại vì không chọn thân cận ( loại này nhiều lắm ) mà chọn cho nước Nga.

Putin chọn cho ông hay cho nước Nga.

===

**Diễn Đàn HNLX**

- Theo tôi Diễn Đàn sẽ vô ích với Tranh Luận - полемика ( Thắng / Thua ) mà sẽ có ích với Thảo Luận - обсуждение.

Muốn vậy cần biết lắng nghe các ý kiến trái chiều ( dù rằng rất khó ) và tránh bỏ bóng đá người

- Không nên so đo yêu ghét nước Nga ở đây vì Tình Yêu là gì ? Mỗi người yêu theo cách của mình và đôi khi khó nhất là người đứng giữa, một bên là vợ, một bên mẹ mình đang cãi nhau.

-Tôi yêu nước Nga nhưng tôi yêu cả Ucraina và Ba Lan nữa .

Với Ba Lan thì là Yêu và Nhớ

Với Ucraina thì Yêu và Xót

Với Nga thì Yêu và Lo

Không phải trong Yêu thì Sự tin tưởng và Sự Lo âu cũng song hành với nhau, đôi khi chỉ được chọn 1....cũng như cô nhà báo Nga đã viết...Tự Do và Yêu nước cũng vậy, đôi khi phải hy sinh một .... nếu không chỉ là Ảo Tưởng

===

**Cảm xúc và Lý trí**

- Ở VN chiếc ô tô khách mất lái do phanh; người lái xe đã tìm cách hãm được để cứu xe...Mọi người hoan hô....Ở Đức thì không mà ngược lại, người lái xe đi bị phạt.

- Ở VN người lái xe đỗ sai nơi quy định vì phải trả lời điiện thoại là bố phải đi cấp cứu. Ở VN không phạt. Ở Singapure thì phạt vì không phạt là đúng với người con lo cho bố nhưng lại sai với 4 triệu người còn lại không đỗ xe trái phép

- Ở Nhật có gì thì người đứng đầu chịu, ở VN thì chưa chắc, có thể là ai đó

====

** THIỀN**

- Thiền theo tôn giáo, Thiền chú (Mantra Meditation)

Lần đầu tiên tôi để ý Thiền.

Đó là khi chờ quá cảnh ở sân bay Thụy Sỹ, một người da đen đến xin tôi thu bớt đồ sang bên và giải một cái khăn xuống để ngồi nhắm mắt, cúi lạy. Tôi hiểu với anh này, sân bay, hành khách và cả tôi, tất cả thế giới bên ngoài không tồn tại nữa, chỉ còn thế giới bên trong anh ta thôi.

Cảnh tượng đó được lặp lại thật ấn tượng khi tôi rời Alger đi autobus về  Bechar, quãng đường hơn ngàn Km. Khi hoàng hôn xuống, xe rời cao nguyên Tlemcen vào sâu sa mạc cát gió hoang vu Sahara. Xe dừng, chỉ mình tôi ngồi lại ngắm cả đoàn người xuống xe ngồi cầu kinh trên cát vàng. Bầu trời hôm ấy đỏ úa.

Buổi lên lớp đầu tiên của tôi cũng bị bất ngờ. Tiếng chuông nghỉ giải lao đầu tiên các sinh viên đi ra, dọc hành lang cùng với các giáo viên vào Mosque, điện thờ Hồi Giáo rồi đứng nghiêm im lặng như ta lúc mặc niệm, khá lâu.

Hasen hay đến thăm tôi, nhưng cứ đến đúng giờ ấy là cậu lại đến quay mặt vào tường niệm chú. Không có tôi nữa, với cậu ấy chỉ có Thánh Alah.

Cậu giáo sư Ấn phòng đối diện không biết theo đạo gì nhưng hay rong ruổi đi một mình trên sa mạc như một người vô hồn, đúng hơn như một phần của sa mạc.

Iana, đồng nghiệp Ba Lan của tôi thì cầu kinh trước khi ăn và đi ngủ.

-Thiền Chánh (Mindfuless Meditation)

Tôi hỏi Sasha, thế cậu có niệm Thiền không. Sao không, hàng ngày chúng ta một mình vùi đầu vào sách vở, vào công việc riêng, tập trung đến nỗi quên hết xung quanh. Khoa học, Nghệ Thuật cũng chính là một tôn giáo cho những người tôn thờ nó. Irina, vợ cậu ấy thì đan hết cái áo này, áo khác cho mọi người. Tôi gọi đùa là Thiền Đan. Đó là sống thiền - tập trung tâm trí vào một công việc hiện tại. Ngay khi từ trường về nhả tôi tập Thiền Hành : Tập trung theo dõi cảm nhận chân trái bước, khi nào chán thì đổi chân.

-Thiền Tức (Breath Meditation)

Tập trung ý nghĩ theo dõi chuyển động của hơi thở. Mọi thứ đều liên quan đến người khác, không phải của riêng ta. Con người chỉ có hai bảo vật à hơi thở và ý nghĩ. Neo ý nghĩ vào hơi thở chỉ phụ thuộc vào ta hoàn toàn và nhờ đó ta bóc tách mình khỏi thế giới bên ngoài

-Thiền Quán (Vizualisation Meditation)

Hình dung lại một hình ảnh. Cậu Ấn Độ giải thích cho tôi cái đặc biệt của phim Ấn với người nghèo. Họ đi xem phim và ba tiếng đồng hồ họ tưởng tượng, hoá thân vào anh nhà nghèo trong phim được công chúa sinh đẹp yêu, hạnh phúc. Thiền Quán có thể kết hợp hình ảnh tĩnh hay động với âm thanh, giai điệu. Có thể lưu hinh ảnh hoặc các chuyển động đó trong tâm trí càng nét càng tốt. 

Hiệu quả Thiền càng cao khi mức độ tập trung càng cao, khi ý niệm duy nhất (nhất niệm) càng mãnh liệt. Đến một ngưỡng nào đó xảy ra một hiệu ứng Thiền-Cái nhất niệm đó tan biến đi, con người vào được một trạng thái gọi là Hư Tĩnh hay Vô Thức - Thân (dương) , Tâm (âm) hợp nhất và tan biến hoà đồng trong Hư Vô. Nhờ có đó sức khỏe Thân Tâm được hồi phục một cách kỳ diệu, trong lành. Cũng như tình yêu Nam Nữ vậy, lúc trao nhau, giây phút kỳ diệu đó ..

-Thiền trong Yoga

Trong hệ thống yoga, thiền có thể được xem như là mức cao nhất trong các phần, bao gồm yama (theo quy luật chung vũ trụ), niyama (thái độ cá nhân), asana (tư thế cải thiện thể chất), pranayama (kỹ thuật thở. Thông qua bốn phần đầu tiên, chúng ta có thể phát triển:

- Đạo đức và ứng xử

- Sức khoẻ về thể chất, tính kiên cường, linh hoạt, sức mạnh, khả năng chịu đựng và sức bền.

- Sức sống và nghị lực thông qua phân bổ prana (năng lượng)

Bốn phần này tập trung cơ thể thể chất, tạo cho cơ thể được sạch sẽ, ổn định và khoẻ mạnh và tâm trí được sẵn sàng cho việc thực hành thiền. Chúng là bước bên ngoài để tới yoga.

Pratyahara (rút tâm trí) và dharana (sự tập trung) là phần thứ năm và sáu. Pratyahara sẽ tạo ra chiếc cầu nối giữa thế giới bên trong và bên ngoài. Thông qua pratyahara, bạn có thể học được cách thoát ra khỏi thế giới hàng ngày nhưng vẫn duy trì sự quan sát và nhận biết được. Phần nay rất giống tới câu: “trong thế giới nhưng không thuộc về nó”. Không có được sự phân tách ra này thì không có khả năng để thiền.

Rút tâm trí và tập trung, điều này sẽ tạo ra:

- Khả năng tập trung và hướng vào bên trong.

- Khả năng thư giãn cho tâm trí và cơ thể

- Khả năng cho phép sự tập trung kéo dài và khả năng nhận thức đối với toàn bộ tâm trí và cơ thể.

Khi đó tâm trí đủ tĩnh lặng để thực hành thiền. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thiền sẽ trở lên dễ dàng. Giống như tất cả các khía cạnh khác của yoga, thiền đòi hỏi phải tận tâm thực hành với sự kiên trì.

===

** CÁC ROBOT CHẠY TRỐN **

-Vạn vật cũng như Cuộc sống là Vô Thường. Nó liên tục chao đảo, bất ngờ, điên rồ và bão tố. Những mầm bão hình thành ngay từ trong lòng sự vật như " trong mầm non có mầm cái chết - và nụ hôn đầu báo trước chia tay ". Con người thật nhỏ bé và bàng hoàng. Hôm qua là Ông, mai đã là Thằng. Tôi đã đứng lặng ở Warsaw năm đó nhìn cần trục móc cổ tượng Dzersinski rồi thả rơi xuống cho vỡ tan ở Quảng trường trong tiếng hò reo của của người dân. Lòng không khỏi bùi ngùi, bỏ đi. Dạo mấy bước nữa ở góc phố, vỉa hè bán la liệt các Huân chương xen lẫn các đồ lót, tạp hoá.

Sang thăm ông bạn bên kia sông. Loay hoay hàng tiếng mới tìm được nhà, còn đâu cây gạo cũ làm mỗc để rẽ xuống. Cũng chẳng còn cái ao nào cả. Ra đón mình phải vịn tường, miệng lắp bắp. Một thời hoành tráng lắm, sau những cơn đột quỵ, đấu đá, sự cố gia đình, vợ, con cái, bệnh tật ra thế này. Chỉ còn biết nhìn nhau cười.

-Chạy đi đâu, trú ẩn ở đâu, và lấy đâu ra bến neo Tâm hồn ta run rẩy và mệt mỏi, đầy tổn thương. Công nghệ khắp nơi, thế giới phẳng, con người gần nhau hơn, chia sẻ nhiều hơn những bất an, trì độn, kinh nghiệm tàn phá cái trái đất này cho nhanh, cho cạn kiệt mọi tài nguyên của nó, sinh lực của con người như trong " The Modern Time " của Chaplin.

Thử lùi xa xem. Vào Google Map vậy, rồi click . Cái chấm nhỏ bé cô đơn trong vũ trụ to dần ra, hành tinh của chúng ta. Cứ như trong bài Thiền khi nhập vào Hư Tĩnh vậy. Đồi núi xuất hiện, thành phố xuất hiện, đám đông, đường phố nữa. Một đám đông Robot biết sinh sản cho đông hơn, mọi quy trình được đưa vào hệ thống.

"...cả tình người đều lượng hoá những phép đo,

ai cô đơn lạc loài như con số,

một hay một nghin có gì khác đâu hơn..."

Các Robot vẫn nhún nhảy, nhưng con khác vẫn vỗ tay, bình chọn, ấn nút. Có các Robot bị mắc lỗi bỏ chạy, các dòng chạy. Có người chạy vào cửa Tâm linh, vào các Tôn giáo. Có người tìm đến thế giới Nội Tâm, Thiền Định. Ai đó tìm được chỗ trú trong Tình Yêu, Khoa Học hay Nghệ Thuật. Thoát khỏi Cuộc sống và những Nội dung của nó có lẽ sẽ Bình an hơn. Cửa đền, chùa chật ních, chen vào để tim thoát. Thoát không dễ dù có lẩm bẩm " Sắc Sắc Không Không " hay " Pháp Vô Ngã, Nhân Vô Ngã " , để lúc mệt đi dòng nước mắt vẫn trào ra, vẫn còn hơi ấm của con tim.

-Như cảnh trong một bộ phim, mọi người chạy toán loạn, các nhà thơ, nhà văn, nhà nghệ thuật thì khỏi nói. Tôi thấy có các dòng, các bóng

Tượng Trưng - Symbolism có Baudelaire ...

Hiện sinh - Existentialism có Jean Paul Sartre

Hiện tượng học - Phenomenology có Martin Heidegger ...

Thấy cả hai ông Bùi Giáng và Phạm Công Thiện trong dòng cuối đó. Chạy để điên chữ, điên nghĩa, để lại sau lưng những chao đảo, cám dỗ của cuộc sống. " Người điên không biết nhớ, người say không biết buồn", có hỏi Bùi Giáng thì cũng như vạch đầu gối ra thôi, hỏi để mà hỏi, thích câu trả lời thế nào thì tự mà có.

"... Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa.

Gọi tên là một hai ba,

Ðếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm."

Không ai hiểu ông nói cái gì? Nếu thich mơ hồ hiểu cái ông muốn nói - ông đến từ hư vô và sẽ trở về từ cõi hư vô.

Ông này còn kéo cả Trịnh Công Sơn và mấy ông khác theo. Có Hoàng Cầm mượn cớ bận bịu với Lá Diêu Bông nên chẳng chịu theo họ.

"Giữa ngã ba đường ba ngả sông

Ngả nào thì đục ngả nào trong

Hãy còn một ngả ta bơi đứng... "

===

**STT Luong Le-Huy**

Con người được tạo dựng với hai đặc tính, không có nơi mọi sinh vật khác: có tín ngưỡng (đức tin) và ham muốn hiểu biết. Hai đặc tính này là cột trụ của loài người văn minh ngày nay. 

Đức tin là nền tảng của đạo đức. Ham muốn hiểu biết là nền tảng của khoa học. Đức tin hướng dẫn hướng đi cho khoa học, ngăn chận khoa học phụng sự cho cái ác. Khoa học nâng đỡ tín ngưỡng, đồng thời kềm chế tín ngưỡng không để nó trở thành mê tín, mộng mị, ngu muội.

Cả hai, đạo đức và khoa học, cộng lại là nền tảng của văn minh nhân loại như chúng ta biết ngày hôm nay. Một chế độ chỉ lợi dụng, coi rẻ, hay rắp tâm triệt hạ một trong hai đặc tính này sẽ khiến xã hội đánh mất nền tảng đạo đức hay trở thành thiếu hiểu biết, ngu muội, sa đọa dần dần và sau cùng tan nát.

Tò mò là điều kiện cần để trở thành nhà khoa học chứ ghi ngờ như Decart nói chỉ là bước tiếp. Nếu tò mò và tin ngay thì là đang trên con đường đến tâm linh. Cần thôi chứ chưa đủ. Khi Ngô BảoChâu đến ĐHBK HN gặp SV thì họ rất tò mò với nhiều câu hỏi liên quan đến gia đình vợ con Châu. Không có câu hỏi về Bổ Đề toán học mà Châu chứng minh được.

===

**NGƯỜI NAM ĐỊNH**

 Bỗng dưng lại nhớ đến hồi lớp 9. Thày giáo dạy Văn dẫn cả lớp đi thắp hương mộ cụ Tú ở khu 8. Nhớ là hôm đó cuối năm, trời mưa rét. Ruông ướt bẩn. Hỏi mãi mấy bác nông dân chỉ đi chỉ lại mới tìm được mộ cụ, đắp đất. Thắp hương xong Tạ Hùng đọc Văn Tế nó viết. Giọng đọc cảm động quá khiến tôi chảy cả nước mắt và xụt xịt. Một phần có lẽ trời vẫn mưa và lạnh. Bài Văn hay lắm, tôi nhớ nhất câu cuối Hùng cất cao giọng ý nói là những gì cụ Tú viết và trăn trở hồi xưa thì nay đã sáng choang lên rồi, tương lai tươi sáng, mái trường XHCN...đại loại thế. Hùng là học sinh giỏi cả văn và toán, bóng bàn, bóng đá, bơi, lại gần nhà, chơi với tôi từ lớp 4. Có anh bạn giỏi này đâm tôi cũng lười, hay ỉ lại.

- Sau này lớn rồi mỗi khi cần hiểu biết thêm một điều gì đó về Văn Chương tôi hay về NĐ tìm Hùng. Đỡ phải tra Google, đọc sách cho vất vả. Hùng rất nhiệt tình, hàng đống giấy chữ viết ly ti lấy ở gác xép xuống, từ Mạc Ngôn đến Đỗ Hoàng Diệu, Từ Pau đến Baudelaire. Tôi hỏi sao Hùng không viết, không sáng tác thì phê bình vậy. Hùng nói viết gì, phê gì nữa. Người xưa họ viết hết rồi, nói hết rồi, có đọc đâu, có nghe đâu.

Học thầy không tày học bạn lợi ở chỗ đó. Thầy hay dọa, hay làm người ta sợ, hay tinh vi, hay biến dễ thành khó. Khổ

===

** Chúa Trời - LOgic - Thi Ca **

- Khái niệm về một Đấng Tối cao với các tên gọi khác nhau phụ thuộc vào cách nhìn nhận của con người , từ Brahma (Đại Ngã - Ấn Độ giáo), Giavê của Do Thái giáo, Allah của Hồi giáo và Thiên Chúa ba ngôi của Cơ Đốc giáo.

Nhiều người " chấp nhận nhất tin rằng " God là đấng Toàn-năng, Toàn-tri và Nhân-từ

- Nhiều hệ thống tôn giáo và triết học thừa nhận khái niệm GOD là đấng tạo dựng toàn thể vũ trụ.

Ở đây có hai loại người :

a- Cho rằng God đang chăm sóc vũ trụ mà mình đã dựng.

b- Cho rằng God là Đấng Toàn Năng nên bất kỳ sản phẩm nào mà Ngài đã hoàn thành công việc sáng tạo ra nó đều đã là toàn hảo ngay từ lúc sản phẩm đó vừa được Ngài sáng tạo kiểu " Chuẩn không cần Chỉnh ". Còn tại sao vẫn còn nhiều cái đầy "khiếm khuyết", thì Con - Người là để giải quyết những "khiếm khuyết" bằng cách cải tạo nó, biến đổi nó phù hợp hơn với thế giới và cuộc sống của loài người. Đó là ý God.

- Trong 3 thuộc tính của Chúa Trời thì " Toàn Năng " gây nhiều tranh cãi hơn cả. Ở đây cũng có hai loại người:

* Theo Đức Tin ( Đỡ nghĩ cho nhàn, Toàn Năng là Toàn Năng, cứ tin như thế đí )

* Theo Logic. Các nhà Khoa học sau sự sụp đổ của chương trình Hilbert bớt tinh vi đi. Họ hiểu rằng Logic không là chân lý. Thế Giới này là " Thế Giới Với Những Khoảng Trống ". Bằng Logic không thể hiểu được Nước Nga chứ chưa nói đến Việt Nam hay Hàn quốc. Cái đó HĐTN Trần Sỹ Kháng gọi là Văn Hóa Bản Địa. Logic mang tính phổ quát nhưng những " Điểm kỳ dị ", " Hố đen ", những kẻ Hồ đồ " .... vãn luôn tồn tại " Phi Logic ".

Để vớt vát các nhà Logic đành bổ xung " Nhưng Chân Lý cần Logic vì nếu không Vũ trụ nó sụp đổ ". Thôi được, đúng là nếu thế giới Thi Ca này toàn những Hồ Đồ Thi Nhân với Tây Hồ Ngọc Nữ này thì toi, các Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa ... sẽ biết làm gì.

Và có nghĩa là Chúa Trời + Những Nghịch Lý Logic làm nên thế giới chúng ta. Descartes cũng thừa nhận là nếu Chúa tồn tại thì Người có thể nâng mọi tảng đá. Còn tảng đá mà Người không thể nâng được là một vật thể bất khả, không tồn tại.

Aquinas thì cố chấp cho là Chúa có thể làm bất cứ điều gì nhưng vẫn phải tuân thủ logic, còn những gì không thể, phi logic, như tạo ra tảng đá mà Chúa không nâng được là không thể nào. Aquinas có thể trả lời “Không” cho sự tồn tại tảng đá bất khả nhưng không ảnh hưởng gì đến toàn năng của Chúa.

Chúng ta vẫn không ( có thể là không bao giờ ) : a- chứng minh .. b- phủ nhận sự tồn tại của Chúa Trời.

Có người hỏi tôi thế Trung là a hay b.

Tôi thích câu thơ của nữ Thi Sỹ Wisla Szimborska

" Với lòng tin ta sống dễ dàng hơn và ra đi cũng nhẹ nhàng hơn ".

===

Do là Tết năm nay nhận được những lời chúc chân thành. Đó là điều quý nhất. Trung Tran xin cảm ơn chân thành những người bạn trên FB đó.

Có nhiều lời chúc về Sức Khỏe. Thực ra 4 điều " Sinh Lão Bệnh Tử " là điều không ai phản bác cả. Ai cũng thế cả thôi. Có điều cách nhìn của mỗi người khác nhau.

Nhưng " Số Phận - SP " của con người thì không ai giống ai cả. Và 3 điều " VMT- Vận Mệnh Tu " cũng vậy.

Công Thức cho nhiều người Tây Âu là " SP = Sự Tình cờ + Ý Thức "

Á Đông thì cho nhiều người Công Thức sẽ là " SP = VMT " .

Thôi, không bàn đến Tây. Nếu muốn biết thêm cái Công Thức Tây thì có thể đọc tiêu thuyết " Hãy Cứu Em " của Guillaume Musso là đủ. Ta bàn về cái Cái Công Thức của Á Đông ta

- V-VẬN là cái bên ngoài bao trùm ta, không cưỡng được. Lần sinh nhật lần 70, Nghệ Sỹ Soviet Plutrev có nói ông được coi là Người Hạnh Phúc, luôn đầy đủ và được mọi người quý mến. Ông lại nói là đau khổ vì là người Hạnh Phúc trong một dân tộc bất hạnh. Nhà thơ Evtushenko cũng nhiều lần áy náy như vậy.

Và cái VẬN của dân tộc Do Thái, Syria rồi của bà con miền Trung Vũng Áng...

- M-MỆNH là cái trời cho mà " Thiên cơ lại không lộ ". Cũng là Khoảng Trống cho Văn Hóa Phương Đông với Dịch Lý, Phong Thủy và các hình thức khác như Thờ Mẫu mà Unesco vừa công nhận. Chẳng biết thế nào.

Khoảng Trống đó dành cho Lòng Tin. Các phương pháp luận khoa học và phép thống kê không có chỗ.

- Còn mỗi T-TU là của Ta để thay đổi ít nhiều Số Phận một phần nào, để " Sống Dễ dàng hơn và ra đi cũng Nhẹ nhàng hơn " như câu thơ của Nữ Thi sỹ Szimborka viết ấy.

Tu thế nào. Sách nhiều quá, Thầy nhiều quá, Chùa, Nhà Thờ ... và quan trọng hơn là Kinh, Lời nhiều quá.

Chỉ một câu thôi cho dễ, cho mình thôi. Nhiều môn phái dẫn đến chữ NHẪN ( Sáng mồng Một ở hồ người tập PLC đã ngồi tu từ 5h sáng ). Đạo Gia thì đến chữ HÒA.

Tôi nghĩ đến Thượng Đế và Phật Tổ. Bỗng tôi nhớ đến lời CHỊ dặn " Buông Bỏ và Không Chấp ". TU để có được điều đó.

Dễ nhất là Tu Thân, rồi Tâm sau.

Và với Tu Thân tôi rất thích bài tập đầu " Phật Triển Thiên Thủ Pháp " trong PLC :

a- Từ từ duỗi rồi căng hết Mình, 

b- Buông bỏ và Không Chấp, 

c- Từ từ chùng lại thế ban đầu.

Cái này giống như đứa trẻ hay con mèo, con chó nó gồng căng lên rôi buông. Mọi cục tắc trong người sẽ xả ra

Và ta lại thấy " Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ " như trong câu thơ chị Xuân Quỳnh trong bài thơ " Hoa Cỏ May " xưa

===

**Thơ Trần Sỹ Kháng**

Có người ( bạn học cũ )  hỏi tôi sao lại gọi thơ Kháng là Hồ Đồ. Tôi lúng túng. Có lẽ là vì nó khác với những thơ ca mà ta hay đọc kể cả Tân Nghệ Thuật của Dang Than.

Nó là một rung động đặc biệt và dành cho những người đọc cũng Hồ Đồ, cũng rung động với tần số đó. Thi Nhân thực ra mới làm xong một nửa. Nửa kia còn là của người đọc.

Và Hồ Đồ luôn đi kèm với Ha-HA-Ha

- Và âm thanh đó cũng như thơ này như là ở một cõi khác. Nếu để tìm một từ để nói về Thơ của TSK thì có lẽ nên tìm từ Nhà Phật. Trong Nhà Phật có những khái niệm như: KHÔNG THAY ĐỔI, TÙY DUYÊN MÀ ĐẾN. Thi CA HỒ ĐỒ đã xuất thế, nhưng lại ở ngoài Tam Giới nên không trong vòng KHỞI TRỤ HOẠI DIỆT, và TÙY DUYÊN NGƯỜI ĐỌC mà hiểu được đến đâu thì hiểu. Bởi vì THI CA HỒ ĐÔ (TCHĐ)̀ LÀ MỘTHI CA HUYỀN GIỚI (TCHG) riêng. HUYỀN là tùy vào TÂM THẾ NGƯỜI ĐỌC mà có sự nhận biết và cảm thụ khác nhau. Ngay trong bài thơ THAY LỜI NÓI ĐẦU đã thể hiện điều đó.

-Trong TCHG Hồ ĐỒ Thi Nhân (HĐTH) tự tách mình ra thành ba Chủ Thể đó là HỒN, XÁC VÀ BẢN THÂN THI NHÂN. HĐTN đứng ngoài cuộc để xem HỒN VÀ XÁC của mình khi MỸ TỬU (MT) như thế nào.

Khi HỒN và XÁC nhìn vào LY XANH thì thấy một HUYỀN GIỚI THI CA khác. Trong HGTC Chủ Nhân của mình là HĐTN đang ngồi trên mây ở cuối chân trời và đang khóc. HĐTN khóc vì thấy HẠ GIỚI CHÚNG SÍNH (HGCS ) đang quằn quại trong Hạ Giới vì NGHIỆP TRỌNG, TÂM THÔ, MA CHƯỚNG QUẤY NHIỄU VÀ NGŨ UẨN HẫY HỪNG (Kinh Phật dạy về chúng sinh THỜI MẠT PHÁP).

Và HỒN còn thấy một MỸ NHÂN đang cô độc GIANG hồ bôn tẩu trong TG để tìm chủ nhân của mình là HĐTN.

THỂ XÁC nói đây là Mỹ nhân đã đầu thai nhiều kiếp vào một Vương Quốc nên được VĂN HÓA BẢN ĐỊA tạo nên một THIÊN GIỚI HƯƠNG (Rượu này ủ mấy triệu năm chưa đủ/ rồi chứng lên bằng công nghệ cổ xưa)' vì thế MN này vẫn hay hờn dổi, bất thường tính khí. Nó là một sản phẩm của CÔNG NGHỆ CỔ. Thời nay dùng Công Nghệ đột biến gel chắc chắn sẽ khá hơn.

HỒN của HĐTN thân rằng MN là CỐT HỒN CỦA MỘT VĂN HÓA BẢN ĐỊA. Trái tim nàng đã băng kết từ nhiều triệu năm do không ai biết mở ngoài HĐTN. Vì nàng là một MỸ NHÂN trong VƯƠNG PHỦ của Ngài HĐTN. Chính vì thế mà MN này phải mang cả ĐỊNH MỆNH AÓ để xuôi Hạ Giới đi tìm VƯƠNG GIA của mình là HĐTN. ĐỊNH MỆNH AÓ là chiếc áo nàng thường mặc mỗi lần dâng tửu ngâm vịnh bên gối của Chủ nhân minh là HĐTN trong TCHG.

MỸ NHÂN VÀ TIẾNG THỞ DÀI THI CA là một ĐỈNH GIỚI HƯƠNG TÌNH như Nhà Thơ Vũ Xuân Hoát đã có lời trong tác phẩm của HĐTN.

===

** ƯỚC MƠ MỸ_NGA VÀ SỰ HỤT HẪNG **

Có 2 ƯỚC MƠ : Ước Mơ Nước Nga ( đã đi vào quá khứ ) và Ước Mơ MỸ - American Dream ( Hình như cũng đang đi vào quá khứ ). Vì đâu đến nỗi này, Nhân Loại ??? Thử tìm ra 3 lý do.

- Theo cái gọi là Văn Hóa Bản Địa của HĐTN có trong Siêu Phẩm " Mỹ Nhân Và Tiếng Thở Dài Thi Ca " đang làm hoang mang những cái đầu Thơ Việt thì tôi nghĩ Ước Mơ cũng là một dạng Nằm Mơ. Nó mang tính Bản Địa và nếu nghe THi NHân giảng giải thêm thì ta càng rối. Tóm lại nó là của riêng, không thể vay mượn được. Nếu cứ vay mượn thì sẽ chỉ méo mó. Con người cũng vậy mà quốc gia cũng vậy.

- Và Cảnh giác với những cái Mỹ Từ đang tràn ngập đánh vào Cảm xúc con người. Ước Mơ không thể cho, biếu, xuất cảng.

Ước Mơ Mỹ là của nước Mỹ, nó chỉ là Tấm Gương viết Hoa và để Xa, nước Mỹ chỉ là hàng mẫu bày trong tủ kính để chúng ta tham khảo, học tập Ý Chí còn ta phải tự làm Ước Mơ của ta.

Cái gọi là Chia sẻ Ước Mơ, cái gọi là Trách Nhiệm hay Sứ Mạng lo cho toàn Thề Giới, Giải Phóng loài người của Nga, Mỹ làm loạn TG, loài người. Hãy lo cho mình, ích kỷ cũng được nhưng không giả dối.

- Và hãy trở về với Phật Giáo Nguyên Thủy, Tiểu Thừa. Hãy tự giác ngộ, hãy tự học bình an, hãy soi đúng cái từ BẢN ĐỊA mà HĐTN viết, không bấu víu ở bên ngoài, không thêu dệt hỏng hết.

Hãy cho mình thật tốt, là tấm gương thôi, không rao giảng phí công. Ai Noi Theo được để Tự Mình thì tốt. Trong kinh điển Pali, Đức Phật tuy trải qua 45 năm đi giảng dạy (có tài liệu nói là 49 năm), ông tuyên bố chưa từng nói lời nào.

Loài người trong Thế Giới Phẳng nhờ Công Nghê đang như những chiến thuyền Tào Tháo xích với nhau. Trận Xích Bích bắt đầu, lửa cháy. Có kịp tháo các dây xích ra không để khỏi lây lan, chết cả lũ.

Cũng không cần đọc Tam Quốc để hiểu điều đó. Chỉ cần bớt Mỹ Từ đi thôi, bớt thơ đi. Chắc Trump không đọc thơ, không LÚ như Obama 

**TRẦN SỸ KHÁNG**

- Tôi học cùng khoa Vật Lý Kỹ Thuật ở ĐHBK Kharkov Liên Xô cũ với Trần Sỹ Kháng. Cái món Vật Lý này thực ra là một thứ Đáng Ngờ. Thơ cũng vậy. Ngài Bohr ( tôi nhớ mang máng là ông này nói, cũng có thể là Louis de Broglie nói, nhưng không quan trọng, một người Vĩ đại nói thôi ), ông nói là khi một nghiên cứu trong lĩnh vực Vật Lý mà thấy chưa có giá trị nghĩa là nó..." Chưa Đủ Điên "

Vì thế thói quen các nhà Vật Lý trong đánh giá cao sản phẩm Thơ cũng là nó " Đủ Điên " chưa hay nói cách khác là " Không Tầm Phào ". Kháng thì thay từ nôm ĐIÊN bằng từ TÂM THẦN cho có vẻ khoa học chữ nghĩa hơn. Cũng là dấu hiệu đầu tiên của bệnh TT ( Trí Thức hay Tâm Thần ).

Cái khác của Kháng là người Điên thì luôn coi là mình Tỉnh. Nhà Thơ Điên cũng vậy, nhà Vật Lý lại càng vậy, cãi lấy được. Nhưng vừa là nhà Vật Lý lại là nhà Thơ Điên thì hết cãi. Gặp nhau Kháng tự nhận là thơ Kháng ở trạng thái Tâm Thần.

- Hơn 10 năm trước sau khi tôi trở về Việt Nam gặp lại Kháng ở nhà Dụng cùng lũ bạn học. Kháng đưa tôi cái Card Visit để tiện liên lạc. Trời ạ, chi chít chức danh : TS Vật lý, Nhà Thơ Hội viên HNV Việt Nam, ĐT,..., Không Đảng phái.

Chết thật, Triết Học, một lĩnh vực bắt đầu từ câu Why, một thứ xa lạ với người Việt ( quen nghĩ vì mọi người nghĩ thế ). Ông bạn Trần Sỹ Kháng nói là đến với Triết học cần bước qua Vật Lý. Nói thế nào chứ, mấy ông này cần gì đến Vật lý đâu. Vật lý là những KHẢ NĂNG, con ông Này là KHẲNG ĐỊNH. Khẳng định là mình đúng nghĩa là người khác sai

Kháng cũng phải giải thích thêm ĐT là Đại Tá. Ấy là đối với tôi chứ với chị em sợ rằng lại lờ đi, biết đâu họ tưởng Độc Thân.

Kháng còn tặng tôi tập thơ mới in " Ly rượu xanh ". Tôi cầm về nhưng không đọc, quen xem TV, nghe hát nhiều hơn. Cũng như mọi người thôi, bây giờ xu thế là " Nghe Nhìn " sao thấy xuôi tai, bắt mắt rồi LIKE chứ ngại đọc, ngại nghĩ.

Thế rồi một hôm dọn nhà tôi tình cờ rờ đúng tập thơ, lại đúng trang, đúng một bài, đọc xong lặng đi. Tôi chợt nhớ tới câu nói của Baudelaire :" Nghệ thuật khi đến một ngưỡng nào thì nó lạ lắm, có một cái rùng mình - Un coup de Frisson ". Tôi đọc một vèo lướt hết tập thơ rồi gọi điện cho Kháng nói Kháng có một bài thơ, bài " Tràng An này ". Kháng có vẻ tự ái, cả tập mấy chục bài chứ. Thua.

- Có bao nhiêu người làm thơ thì có bấy nhiêu định nghĩa về thơ. Thơ để có giải, để khen hay, để cười vui, để bình giảng, để phổ nhạc hát KaraOke thì nhiều lắm. Thơ để cho ai đó một cái Frisson ( rùng mình, lặng đi ) có đâu. Kháng có rồi, còn tự ái gì. Tham.

===

**ĐÔNG -TÂY**

- Hôm nọ ngồi nghe Thi sỹ Trần Sỹ Kháng giảng giải về " Văn hóa bản địa ", lại nhớ đến Triết gia Paul Nguyễn Hoàng Đức ở thái cực bên kia. Thực ra hai nhà văn chương, triết lý này không hề mâu thuẫn nhau mà là bổ xung cho nhau trong cái thế giới muôn hình này. Giá như có Bích thì mọi việc sẽ sáng lên ngay. Dù sao gần với Bích một đoạn tôi cũng học được chút về cách nhìn của Bích. Thử lùi xa và bắt chước Bích xem.

-Cách nhìn của Kháng, kể cả ngôn từ dùng ( mà ngôn ngữ là hình thức của Tư Duy ) có được trên nền " Văn hóa bản địa " và Triết lý Phật giáo. Mỗi con người là một vũ trụ, một hệ quy chiếu riêng, Tâm vũ trụ trong mỗi người, từ đó có trước sau, trái phải 4 phương. Nghe Kháng nói nữa tôi cũng chỉ hiểu đến thế. Cho là nó như thế thì nó như thế. Được quyền cho. Thấy được thì nhận không mất gì. Có kiểm chứng đâu. Được cái là cách đó nó bao dung nên không gây nhưng tranh luận gay gắt và cũng rất khó tranh luận dựa trên những ngôn từ Hán Việt. Tóm lại là với Thi sỹ Kháng ta đang ở " Hệ Quy chiếu địa phương ".

Cách nhìn của Triết gia Đức là dựa trên Triết lý phương Tây. Có một " Hệ quy chiếu chung " để xếp mọi thứ vào. Khoa học phương Tây bắt đầu từ phép đo và so sánh. So sánh đàn bầu với Piano. Đàn bầu thua. Thua theo nghĩa WTO.

Một con chim để sống tim thức ăn, để tồn tại luôn phải tự mình so với mình thời điểm trước ( Kháng ) và so với các con khác trong đàn ( Đức ). Đó là " Giải thuật bầy đàn " được ứng dụng gần đây trong Khoa học. Con người sáng tác, suy đoán ra nhiều thứ kể cả Tình Yêu, Khoa Học, Thi Ca... và cả Thượng đế. Nhưng tôi tin rằng nếu có lên gặp Ngài thật thì Ngài sẽ nói " Hãy nhìn Tự nhiên, nhìn những sinh vật, những đàn chim, đàn kiến ấy. Học chúng cách sống, cần cả hai : Bản địa và Tổng thể ".

- Kể ra hôm nào được ngồi cùng một lúc có cả Thi sỹ và Triết gia thì hay quá. Nhưng không ở Hà Nội, lên Soc Sơn thăm trang trại Bích, cái gì nghe không hiểu hỏi Bích luôn, đỡ nghĩ. 

===

**VALENTINE**

- Khi Cảm Xúc dâng trào như cái ngày lễ Valentine này vậy, nhiều người say kể cả uống rượu hay không uống rượu. Trái tim mách bảo, cái đầu nóng, đèn đỏ ở Ngã tư cũng không dừng, mọi thứ như không quan trọng. Sống không Cảm Xúc là chết cho rồi và TAI NẠN GIAO THÔNG. Khiếp.

Vì thế mà tránh ra đường ngày này. Ở nhà dọn dẹp rồi đọc tiếp Cỏ Long, xem TV cho lành. Sực nhờ là ngày mai có giờ học, phải xem lại bài tập.

- Số người Việt Cảm Xúc ngày càng nhiều lên, do Thơ, do Ca nhạc, do TV xui, do trào lưu bán hàng Đa cấp, do các ngày lễ Ta Cùng Tây ngày càng đẻ ra nhiều, do Rượu, do FB, do Tham nhũng. Khi gặp họ ( tránh được thì tốt ) nên mời họ uống cốc nước cho đầu lạnh đi còn bản thân Trí Tuệ thì không lây, phải tự thắp sáng. Cảm Xúc thì rất dễ lây lan núp dưới một từ rất Cảm xúc là Chia Sẻ thì mình cũng phải nhắm mắt hít thật sâu, đều chậm nhẹ...Nam Mô.

- Thực ra Cảm Xúc là không tệ lắm nếu nó không lây nhiễm, chia sẻ. Nhưng bản thân nó luôn có nhu cầu như cơn Nghiện ấy, phải trút vào đâu cho nhẹ. Đối phó với nó có nhiều cách. Bên Nhật một số Cty có phòng giải toả Cảm Xúc với hình nộm cao su của ông chủ và cái gậy. Người làm thuê vào đấy khoá chặt phòng và đánh đạp chửi bới ông chủ cho hả. Xong rồi đi ra gặp ông chủ lại thấy bình thường Chủ Tớ . Thiền Động của Osho cũng giúp ích giải toả Cảm Xúc.

Phải mất một năm tôi mới hiểu Paul Nguyen Hoang Duc. Cảm xúc thì sớm muộn cũng chết như Romeo và Juliette thôi. Cũng chẳng cần ai giết. Tự mình giết mình. Tự tử như hai đứa trẻ thành Venise rồi để họ làm phim, viết bài hát, làm tấm gương chết vì tinh tự tử theo hay thách đấu súng như Puskin.

Tất nhiên Paul Nguyen Hoang Duc cũng hiểu rằng nói với những người Cảm Xúc là một việc vô ích. Họ đang say, đang lâng lâng, đang yêu, đang LÚ. Bi kịch.

- Tất nhiên khi Cảm Xúc thì Tiền là cái Đinh. Những ai đã học ở Havard thì hiểu điều đó.

===

**THƠ TÌNH YÊU**

- Có lẽ tiếng nói đầu tiên của Con Người Tiền Sử là TIẾNG GỌI. Thường đó là nhưng nguyên âm OA, UY hay YE, YA.

- GỌI gì ??? GỌI ai ??? Làm sao biết được. Người Tiền Sử chết hết từ lâu.

- Vì họ không còn nữa, không kiểm chứng được nên nói thế nào cũng chịu. Giống như ta nói về Chúa Trời, về Phật Thánh ấy. Riêng cái kỹ năng này thì các nhà Thơ là nhất. Rồi mấy anh gọi là nhà Thơ lại gốc KH thì lại bảo chắc chắn đó là EO rồi dựa vào một loạt Luận Cứ KH chẳng ai hiểu để giải mã ra là EM ƠI. Chưa hết, mấy anh phê bình Văn Học không biết có phải gốc xứ Phuống Thanh Chương không lại nói là đó là câu thơ đầu tiên của loài người. Nghe mà giật cả mình.

Người ta nói rằng " Nhà Văn nói láo, Nhà Báo nói hay " thì Nhà Thơ nói những gì không kiểm chứng, tốt nhất là ở đâu đó không đến được, ở giới nọ giới kia kiếp nào đó thôi.

===

** PHẬT GIÁO VÀ VẬT LÝ**

- Hay quên Gốc đó là thói quen đáng yêu của loài người. Hay thêu dệt những gì không kiểm chứng đó là thói quen còn đáng yêu hơn. Và thêu dệt để đánh vào nỗi sợ hãi đó là thói quen quá tệ của nhiều người.

Đức Phật cho ta tấm gương TỰ GIÁC NGỘ, TỰ THẮP SÁNG MÌNH THÔI để cho TÂM AN LÀNH. Làm sao có TẤM GƯƠNG đó được. Cũng như Tình Yêu ấy, trong ta có rồi, Phật trưởng thành từ chính trong ta. Sao có thể cấy ghép hay xin xỏ được.

- QUAY ĐẦU LÀ BỜ, anh bạn học cùng Khoa Vật lý Kharkov với Trung Tran ( tôi ), Cao Thanh Lịch, Đỗ Đình Khang và Trần Sỹ Kháng viết về Phật Giáo lại nhắc tới Einstein rồi.

- Anh viết : " bạn thích vật lý học và bạn mua về nhà tượng ông Newton hay ông Einstein và hàng ngày đứng nghiêm trang trước tượng của các ông để động viên mình cố gắng học tập thôi. Nghiêm trang cung kính để tự động viên mình chứ không phải xin xỏ, mà có xin các ông ấy cũng chẳng làm bạn giỏi vật lý được..

===

**THƠ HUYỀN GIỚI CỨU RỖI THẾ GIỚI CHÚNG TA.**

“Giữa những gì tôi thấy và nói, giữa những gì tôi nói và im, giữa những gì tôi im và mơ, giữa những gì tôi mơ và quên, là thơ. Thơ len vào giữa có và không; thơ nói những gì tôi im, thơ im những gì tôi nói, thơ mơ những gì tôi quên” - Octavio Paz

“Không nghi ngờ gì nữa, có bao nhiêu bài thơ thì có từng ấy định nghĩa, thậm chí còn nhiều hơn nữa bởi vì các Giáo sư và Nhà phê bình thơ và những Người làm thơ còn đông hơn các Nhà thơ” - Laưrence Ferlinghett

" Văn xuôi lôi cuốn người như dòng nước, đưa ta đi lần lượt, từ điểm này đến điểm khác. Thơ, trái lại, chỉ chọn một ít điểm chính, bấm vào những điểm ấy thì tất cả động lên theo”- Nguyễn Đình Thi

===

**CÓ Ở ĐÓ MỚI BIẾT**

 Mấy thằng học cùng ở Kharkov xưa cứ gặp nhau là nói chuyện về Ucraia. Điên thật. Tại sao Ucraina lại ghét Nga đến thế. Cũng giống Ba Lan. Họ muốn đoạn tuyệt với quá khứ, một lần và mãi mãi. Khó lắm. Cái quá khứ kéo dài hơn 70 năm. Vèo cái dứt ra dễ thế sao. Thử nhớ lại xem.

-Giá cả in ngay vào hàng hoá. Người bán hàng ngại bán hàng vì sợ hết. Khắp nơi là xếp hàng vì thế mà nhiều người mang theo sách, truyện, báo tranh thủ đọc, học trong lúc chờ cho đỡ sốt ruột. Mãi rồi thành quen, mọi người cứ ì ra. Cả một dân tộc trở nên trì trệ. Chỉ có đi thì nhanh, cứ như ma đuổi làm mình cũng bị lây, về VN vẫn đi nhanh, không xửa được.

-Say rượu được Gorki kể khá rõ trong truyện " Người Mẹ " cho thời Nga Hoàng thì thời Sô viết cũng thế, thấy say rượu khắp nơi trong nhà máy, trong trường học và ngoài đường. Sau những ngày lễ ô tô Cảnh sát lại đi hót các cậu say khướt nằm lăn vỉa hè, dưới gốc cây, trên tuyết. Họ say để không nghĩ đến ngày mai của họ ra sao.

===

**THĂM BÍCH VỚI ĐỨC**

- Đúng là Tây thật. Hẹn 7h30 đến đón mình mà 7h15 Đức đã gọi điện thoại nhắc xuống đi, xe đang chờ dưới. Cũng còn 2 FB Friends nữa cũng rủ nhau đi thăm Cư sỹ này. Cũng toàn là những FB Ngưỡng mộ viên của Ông Hoàng Trường ca Việt. Đường vắng xe đi lên hướng Phúc yên. Bích giữ liên lạc với chúng tôi qua điện thoại và ra tận đường Quốc lộ đón. 6 năm rồi mới gặp nhau. Già đi nhiều. Chỉ cái nhìn và nụ cười vẫn thế.

- Triết gia và Cư sỹ trao đổi vài chiêu. Tôi nghe lõm bõm rôi không tham gia nữa. Cả hai đều giống nhau " cho Văn là Người ". Tác phẩm đi liền với tác giả. Chắc họ đúng, có lý. Mà như thế có ích hơn, con người còn biết phải làm gì chứ. Cứ lao động nghiêm túc nhiệt tình là sẽ có những sản phẩm tinh thần ra hồn. Bích còn nói là một tác phẩm cần thiết 2 điều: Ai đọc cũng hiểu và sau đó là phải có triết lý nữa. Thảo nào mình sợ văn thơ từ thời phổ thông. Bich lấy ví dụ câu thơ của Hàn Mặc Tử " Sao anh không về thăm thôn Vĩ...". Tôi ngơ ngác. Thơ ở đâu nhỉ. Những cũng bất ngờ, Thi sỹ Nguyễn Hoàng Đức cũng cùng suy nghĩ như tôi. Tôi ngại nói vì sợ xúc phạm đến thần tượng của Thi ca Việt, nhưng nếu về Hà Nội tôi nói với Lân là " Sao Lân không về thăm anh Bich " thì chắc nhà toán học này sẽ đưa ra một đống khả năng để trả lời. Nói chung cũng như tôi " Khả năng thưởng thức Thơ Việt của mấy nhà khoa học tự nhiên bằng không ". Chán quá. Cũng may là sau hai người chuyển sang các đề tài về Tâm linh, Triết học và gái. Không thấy nhắc đến cái ông họ Hàn làm thơ nữa. Hồi xưa học phổ thông cô Văn cũng giảng về " Thơ Trăng " của ông. Đêm ngủ toàn ác mộng. Trăng của tôi khác mà, cũng cô đơn nhưng hiền dịu và trong lắm.

Hai cô nàng rủ nhau đi chợ. Tôi ngắm sân, ngắm cơ ngơi. Có lẽ cái tôi thích nhất là cái cheminee' với cục than to tướng. Chắc để làm cảnh vì bếp giống như Hà Nội. Tí lại ăn lẩu. Tôi thèm nhớ cái bếp rạ xưa nhà quê để nướng sắn, nướng khoai, lau vết nhọ cho nhau. Rời khỏi HN mà không trốn được HN, FB và cả lẩu nữa.

- Lúc về tôi bảo người phụ nữ hàng xóm sang giúp việc bếp nước và đỡ đần, chăm lo cho Bích nhặt gói cho tôi một túi đầy rau sạch để về HN gọi là " Lập những chiến công lớn chuộc những khiếm khuyết nhỏ "

===

** HỌC BƠI 15 phút**

Để làm một việc cho dễ cần 3 yếu tố : a- Phương pháp...b-Phương tiện ...c-Kỹ năng mà thực chất là thói quen được lặp đi lặp lại. Cứ nhớ tới bạn học đi xe đạp hay xe máy thế nào thì sẽ dễ hiểu

- a- Phương pháp

Đấu tiên là hít thật nhiều hơi co người thăng bằng nổi thăng bằng càng lâu càng tốt và không sợ. Mọi cách giáo dục của Việt Nam đều đánh vào nỗi sợ hãi bất an bằng cách phá vỡ các bản năng trời cho vốn có của con người, ở đây đó là SỢ NỔI như tư thế trong bụng mẹ.

Nổi xong rồi thì lao tay lên phía trước căng duỗi toàn thân ( chân sẽ tự động duỗi ra theo bản năng ). Điều này thì các thày dạy bơi ghét lắm. Hoj sẽ dậy cho tay làm thì chân không và ngược lại rồi mới Connection như trong MT ấy. Con người bị phá mất tính đồng bộ bản năng từ đầu nhờ công các thầy

- b- Phương tiện 

Chọn bể bơi sâu 1m thôi cho đỡ sợ và đứng cách bờ 1, rồi tập lao vào bờ

- c- Kỹ năng

Mỗi lần lao se trôi dài hơn. 3 lần lao sau nữa tiếng sẽ đi được 2 m. Lặp lại sau 1 tiếng chắc sẽ được 6 m

Cứ nhịn thở lâu. Khi nào bơi được 10 m tự nhiên sẽ thở được.

CHÚ Ý : Phải tự tin và tránh các ông thầy. Các thầy sẽ đến dạy mình động tác cho ... Đúng. Các thầy không tiếc thời giờ, càng học lâu càng...Tốt mà. Có thể khi nào bơi được 10 m đã thì đến học thầy cũng không muộn. Thời giờ là vàng bạc, còn bao nhiêu việc phải làm chứ đâu như các thầy.

===

** THẾ THÔI **

- Lên chơi nhà Bích mọi người đi cùng hóng thơ Đức, thơ Bích nhưng đều tưng hửng. Không có ai đọc thơ cho ai cả. Triết gia Thi sỹ không đọc trường ca có lẽ vì một lý do hỏi ra là chủ nhà không làm thơ bao giờ, và hơn nữa có đọc sẽ rất vô duyên, Trường ca của Đức thì không hợp cảnh nhà quê, nó phải dành cho Salon, có nến thắp, có tiếng Piano đệm theo, có rượu vang và người đẹp, lại phảng phất mùi nước hoa Chanel chứ. Ôi giời, tôi lại quá viển vông rồi. Trở lại với cái máng lợn, với cái lý do đầu thôi.

Sao một thày giáo dạy văn ĐH tầm cỡ ấy lại không làm thơ nhỉ. Đâu chỉ Bích. Một ông bạn tôi nữa, cư sỹ Tạ Hùng ở NĐ cũng không làm thơ bao giờ. Vì sao nhỉ. Không phải họ không có cảm xúc vì nếu cảm xúc mà ra thơ thì hai quái nhân này ra nhiều nhất. Lại càng không phải họ không có trí tuệ thơ mà là ngược lại. Họ cũng giống như Hoài Thanh ấy, không làm được thơ nữa vì họ phê bình thơ nhiều quá, biết thơ Tây, Ta, Tàu nhiều quá. Hai nhà Hàn lâm Bách khoa toàn thư, hai chàng " Biết tuốt ", hai Kỳ nhân trên thông thiên văn dưới tường địa lý và cũng là hai người thày thơ văn của tôi. Tôi biết đôi chút đến bài thơ nọ bài thơ kia, nhà thơ nọ nhà thơ kia cũng nhờ hai người bạn đó.

-Chỉ có một lời giải thích. Đó là " Khoảng trống " cho thơ trong họ không còn nữa. Lần cuối về NĐ gặp Tạ Hùng, tôi có đọc cho Hùng nghe mấy câu thơ tâm đắc là lạ vừa lạc vào đầu, thế là Hùng đã nói luôn nó là của Verlaine. Thảo nào khi thấy tôi làm thơ em đã khuyên:

" Anh ơi thơ có từ lâu

Người ta làm hết còn đâu anh làm ".

Kệ. Người ta là chuyện người ta. Không có người ta trong tôi. Chỉ có những khoảng trống trong tôi, và đôi thi thơ nó rơi vào. Cũng có thể là cái ông Verlaine từ cõi nào đánh rơi thơ ông vào tôi chứ không phải mình cố ý. Đạo văn là ăn trộm. Tôi thích ăn vụng đôi khi, ngon, nhưng ăn trộm thì xấu hổ lắm. Mới đây tạp chí nước ngoài " Mechanica " phản biện không chấp nhận đăng một nghiên cứu của tôi vì nó nhiều chỗ giống một bài đã đăng rồi ở VN. Lại là bài của tôi. Tôi không chú ý, quên rồi vì cứ nghĩ đăng ở VN thì Tây nó không tính. Ai ngờ thế giới phẳng rồi. Đành phải sửa lại đôi chỗ và bổ xung gửi lại.

-Còn Bích xưa có kể cho tôi về thơ Tây Âu, không nhiều để lấp khoảng trống trong tôi nhưng cũng đủ để để lại ảnh hưởng trong nó

" Khi Mallarmé nói về một vật nào đó rằng nó “thuần túy” (pure) là ông nghĩ tới sự “thuần khiết” (pureté) của nó với tư cách là bản chất, điều này nghĩa là không có cái gì từ ngoài làm vẩn đục được nó” (Hugo Friedrich)

“Tất cả những đặc điểm khác của thơ hiện đại đều được quy tụ lại trong quan niệm này mà Mallarmé đã dùng và truyền lại cho hậu thế: bỏ qua kinh nghiệm thường ngày, những nội dung giáo huấn hay thực dụng, những chân lý thực tế, những tình cảm mỗi người thường có, những say sưa của con tim. Việc từ bỏ tất cả những yếu tố này cho phép thơ tha hồ thi thố sức mạnh ngôn từ ma thuật của mình.” (Hugo Freidrich).

Cứ phải điếc không sợ súng may mới làm được gì đó. Làm thơ đâu phải là cảm xúc như mấy ai hay nói, cũng không hẳn mơ mộng. Đúng rồi, làm thơ là phải " Ngây thơ " đã, nghĩ rằng thơ mình là Nhất... cho mình, chỉ cho riêng Mình nhé, trong thế giới của Mình. Thế thôi. Càng ít người hiểu càng hay vì thơ sẽ không bị Loãng

===

**NHỮNG TRIẾT LÝ NỬA VỜI **

-Có lẽ không đâu lắm triết lý như ở FB VN. Người ta khi chán nó thì mượn câu của Goether " Mọi triết lý đều là mầu xám chỉ có cây đời mới mãi xanh tươi " mà không biết là ông này là vua triết lý, triết lý để phục vụ vương triều Weimar. Ông ta có lý do của ông. Vương triều suy đồi. Vậy người tốt phải tìm cách vào đó phục vụ để pha loãng cái xấu đi chứ người tốt lại bộc lộ thái độ khinh bỉ rồi bỏ đi như cái ông Bethoven ở đó, Văn Thiên Tường ở Tàu hay Nguyễn Trãi ở ta thì mật độ xấu bộ máy lãnh đạo càng tăng, chết đất nước.

Lenin thì nói " Mọi sự so sánh là khập khiếng ... ". Câu đó ở VN nhiều người hay nói và dừng ở sau chữ " khiễng " và không đọc tiếp xem Lenin viết gì, ở đâu. Mọi thứ đều nửa vời. Thực ra ý câu ấy là không thể so sánh những thứ khác loại, không cùng thứ nguyên ví dụ quả cam và cái đĩa. Nhưng Mendeleve nói : " Trí tuệ và Khoa học bắt đầu thừ những phép đo " nghĩa là phải so sánh. Có cái gì mâu thuẫn với câu nói của Lenin không. Không, hồi SV thầy giáo tôi Ryzkov, GS Triết học và là PTS Vật lý nói : " Chỉ so sánh trong cùng một tập hợp, nghĩa là quy đổi vào cùng một sân ". Trong toán học gọi là làm mất thứ nguyên riêng đi. Quả cam và cái đĩa cần được quy đổi ra tiền và có thể so sánh.

-Người ta còn rất hay thích nhắc câu :" Mất tiền không là mất gì, mất lòng tin là mất tất cả ". Lại một câu nửa vời. Câu nói của vĩ nhân là :"Mất tiền không là mất gì, mất lòng tin là mất một nửa, mất lòng dũng cảm và danh dự là mất tất cả ".

Rồi tết này họ vin cả vào Đức Phật - Hiểu không quan trọng mà là Hành. Phật tổ dặn rất kỹ, phải chiêm nghiệm, phải thử. Nếu thấy điều đó không mang lại ích lợi sau một số lần thì phải từ bỏ dù nó nghe ra có hay đến mấy. Không biết có phải vì nghe lời Đức Phật dặn đó không mà các Phật Tử trên quê hương Đạo Phật đã rời bỏ Đạo Phật, rồi Indonesia cũng vậy . Họ đã thử và thấy không ổn. Đức Đạt Lai Lạt Ma thì giải thích sự suy thoái là do sự bao dung của Đạo Phật. Cũng là một cách giải thích. Tôi thì nghĩ là do người ta sáng tác ra lắm kinh kệ quá, cành lá che mất gốc. Tù mù.

-"Đám đông bị thuyết phục qua hình ảnh và ví dụ. Mọi con đường tác động và thức tỉnh lý trí của nó đều thất bại"- Gustave Lebon.

Nhưng tác động bằng những lý lẽ nửa vời đày cảm xúc thì đám đông lại đón nhận hồ hởi. Afganistan, Irak, Lybie rồi Ucraina tan nát. Trời.

====

** 8-3 ĐỌC LẠI ENSTEIN **

-Khi người ta hỏi Thiên tài này là ông biết gì về chính trị mà trong quyển sách này lại viết nhận xét về hệ thống bầu cử của nước Mỹ, của Châu Âu, viết về giáo dục, về quân đội và chiến tranh, về nghệ thuật ..., ông trả lời là ông đến với chính trị hơn các nhà chính trị vì ông biết Vật Lý, ông đến với các lĩnh vực khác cũng vậy.

Theo tôi ông còn hơn những người trong lĩnh vực đó là ông không bị mắc kẹt trong những dây dợ, rác rưởi trói buộc mà lĩnh vực đó đã tạo ra. Như Phạm Quỳnh viết trong " Thượng Chi Văn Tập " là trí tuệ, tư duy luôn bay xa về phía ánh sáng để từ đó nhìn thấu suốt mọi vấn đề.

-Người Do Thái muốn biết đến ông như một Người Do Thái, mong đón ông về làm tổng thống đầu tiên của nhà nước Israel lúc mới thành lập. Nhưng ông không. Ông trước hết là một Con Người và khái niệm Tổ Quốc cho ông có lẽ không chỉ giới hạn ở Trái Đất chúng ta mà là toàn Vũ Trụ . Ông nói: "Tôi không thể tưởng tượng một Thượng đế, kẻ tưởng thưởng và trừng phạt những tạo vật của mình, hay có môt ý chí mà chúng ta trãi nghiệm với chính mình. Tôi cũng không có thể cũng không muốn nghĩ đến việc một con người tồn tại sau cái chết thân thể của mình; hãy để những linh hồn yếu đuối, từ sự sợ hãi hay tự ngã ngớ ngẫn, yêu mến tư tưởng ấy. Tôi hài lòng với sự huyền bí của đời sống vô tận và với sự tỉnh thức và đại cương cấu trúc diệu kỳ của thế giới hiện hữu cùng với sự cố gắng cống hiến để lĩnh hội phần mình, bởi vì nó mãi mãi là quá bé nhỏ, của Chân Lý đã tự biểu hiện trong thiên nhiên".

- Hôm qua có người hỏi tôi về "điều kỳ diệu" hay "phép màu" hay những điều mà ta hay nói giờ như "linh". Chúng có khác nhau nhưng chắc cùng một cái nôi sinh ra đó là sự bí ẩn. Cái đó có viết trong quyển sách của Einstein rồi. Ông chia con người thành hai loại. Một loại thấy các điều là kỳ lạ. Một loại chẳng thấy kỳ lạ gì. Và trở về VN thấy bao nhiêu điều kỳ lạ hàng ngày để từ đó có những điều kỳ diệu mà.

====

**Các Vũ Điệu Của Con Người**

- Khiêu vũ là Ngôn ngữ của cơ thể, là chuyển động của của cơ thể theo dòng nhạc nhờ thay đổi vị trí trọng tâm ( Rốn ) liên tục để có được sự thăng bằng thân trên một chân trụ (*) nhờ đó có thể bộc lộ mong muốn bay lên thoát khỏi sức hút của mặt đất (**) và diễn tả đam mê của phần thân đứng theo phương ngang ( *** ) 

Thơ là Vũ điệu của Ngôn từ. ( Xem Thơ Kiều Thị An Giang )

Hội hoạ là Vũ điệu sắc mầu

Cả ba món ấy nó có thể nói hay bộc lộ được nhiều điều mà ngôn ngữ thường không hoặc khó diễn đạt được. Cái thứ ba, Hội hoạ ấy là cái tôi mù tịt. Chữ thì rõ xấu. Bức tranh tôi vẽ đẹp nhất là cái dây phơi và cái khăn mặt.

- Thôi, không tham. Chỉ cần hai món đầu là tha hồ viết rồi. Năm kia đã viết xong " Bức Tranh Thơ ". Nhân vật chính là Thi Sỹ Triết Gia Paul Nguyễn Hoàng Đức ( có trong tập truyện ngắn " Bản Tango Italiano NXB HNV 2014 " ). 

Tôi sẽ phải buông dần chuyên môn khoa học về các chuyển động của vật rắn để dành sự quan tâm về các chuyển động được coi là Vũ điệu của con người, cái mà đã nảy sinh từ tập truyện ngắn đầu tay đó. Có lẽ lại phải lựa chọn nhân vật nhà thơ nữa để bổ xung cho " Bức tranh thơ ". Sẽ không chọn các nhà Thơ nổi tiếng hay điển hình, các nhà thơ cái món VHHTXHCN không hợp tạng của mình. 

Nếu coi thơ là những gì thất lạc trong quá trình suy nghĩ thì nhân vật của mình cũng vậy, một con người không đại diện cho ai, chỉ cho chính anh ta, giống Paul Đức ấy, một sự thất lạc hay lãng quên trong cuộc sống. Có mà, ít nhất là một. Nhân vật đó lại rất gần tôi, cùng chuyên môn Vật lý. Có lẽ hôm nay gọi hắn đi ăn và nghe hắn kể rồi nhớ, rồi thêm thắt là có truyện ngắn " Bức tranh Thơ II " về một Hồ Đồ Thi Nhân, một cái gì lạ hoắc đối với các nhà Thơ các trường phái Mậu dịch, Minh hoạ, Cảm xúc, Trải lòng, Nỗi niềm...của cường quốc Thơ Việt này.

- Còn món đầu, Khiêu vũ ấy. Trong tập truyện ngắn " Bản Tango Italiano " tôi có nhân vật Loan, cầu thang có tay vịn treo các nốt nhạc Valse để cô nàng chạy lên chạy xuống đỡ cuồng chân. Trong truyện tôi vẫn để cô vũ nữ tốt nghiệp trường Khiêu vũ Moscow trở lại Ba Lan. Có lẽ đến lúc nhân vật Loan phải về rồi. Ở VN đang cuồng KV. Nghe đâu sự kiên đáng nhớ số 1 tháng 9 này không chỉ lũ trẻ mà cả các quý ông quý bà ngoài Ngũ tuần lại là đám cưới của một Vũ sư với học trò mình. Vũ sư này là Kiện tướng món Dance Sport

Lại phải nói thêm về DanceSport-KVTT. Đó thực chất là KV thi đấu. Một đôi cặp nhảy với nhau theo một bài dựng sẵn và vì thế muốn hay không đành sở hữu nhau. Nó cần sự ăn khớp chính xác của hai cơ thể và kết nối ( Connect ) cứng để biến 2 thành 1. Mục đích của nó là thoả mãn đánh giá của giám khảo. Biểu hiện của nó là trên sàn vắng tanh, nhiều lắm chỉ có 6 đôi và... hai người nhảy không nhìn nhau mà ngoái cổ nhìn...giám khảo.

Bên cạnh đó có Social Dance-KVXH. Đó thực chất là một văn hoá vui chơi. Một loại Khiêu vũ Cảm xúc ( Emotion ). Ngôn ngữ cơ thể bộc lộ rất rõ, cả tính cách và vị trí người đó trong XH cũng vậy. Sẽ không có giám khảo, sẽ nhìn nhau, nói chuyện với nhau vì thế cần lưu ý:

a- Nhìn qua vai nhau để xem đằng sau bạn nhảy có chướng ngại vật không. Trên sàn đông người, mỗi người một kiểu nên phải biết giữ thăng bằng trên một chân để một chân kia buông che chắn khi có sự cố.

b- Về chuyển động theo sàn cho các điệu Standart thì Sàn có hai vòng, phải tuân thủ giao thông sàn. Luôn tiến về phía trước theo đường nhảy thẳng. Vòng ngoài đi nhanh, vòng trong chậm hơn. Múa may ngả ngốn thì vào giữa. Nếu có bước đi giật lùi hay Te Đổ thì chịu khó đến góc hãy dở ra. Sợ nhất là các Cụ, các Thầy cứ gữa đường tiện dừng lại biểu diễn thể hiện. Chủ yếu đấy là hội đi học KVTT lại tràn lên sàn. Lại còn biểu diễn tổ hợp duỗi ngáng chân mới khổ chứ.

c- Vì vướng víu nên không nên Connect cứng trên sàn để có thể buông nhau linh hoạt trong các bất ngờ. Dân mình thì cảm xúc, các quý ông quý bà ra sàn thì sỹ diện, có chuyện va chạm, dẫm phải chân là nổi máu anh hùng ngày. Phụ nữ Việt thì khỏi nói là không anh hùng nhá

d- Văn hoá KVXH là tính Xã hội của nó vì thế không nên nhảy với ai đó quá ba điệu liên tục, cũng không nên chỉ nhảy với một người. Nếu có ai đó ế, một mình hãy ra mời, sẽ có một câu cảm ơn lúc chia tay và lời chúc trong ánh mắt đấy, những cái hiếm hoi trong làng KV Việt. 

e- Yếu lĩnh để có KVXH bước CHỜ ( rốn rơi thẳng xuống bàn chân trụ, chân kia thả treo bên cạnh ). Ở tư thế đó nam kéo đi đâu nữ thả chân theo ngay. Cũng ở tư thế đó nếu nữ mất thăng bằng hay chuyển động thái quá, chuyển động sai nam cũng sẽ chuyển động thân theo, không làm nữ đau, vẫn bao dung và đẹp.

h- Bước quan trọng trên sàn là quay nhanh một mình. Gặp cái gì khó xử, lúng túng, chướng ngại, sai nhạc thì thả nhau ra mà quay rồi làm lại.

k- Có người ra sàn chỉ ngồi xem không nhảy, có thể làm hẫng hụt người mời. Cách từ chối cũng rất cần thiết, có thể bằng nụ cười chứ đừng với con mắt hình viên đạn. Tốt nhất là nên quan sát, nếu ngồi bắt chân chéo là một dấu hiệu không sẵn sàng nhảy mà người Việt thường không để ý thì nên dùng điện thoại. Khi nhạc nổi một bài lên nên giơ điện thoại lên mà bấm vuốt sẽ không có ai làm phiền. Khi họ đã nhảy rồi hãy cất đi và xem.

l- Nhớ là trên sàn đông người thường lại có bàn Cafe nước, nên không có tính Vận Động mạnh. Các vận động viên nên biết kiềm chế. Thực ra ở đây là " Nhảy như không nhảy nhưng mà nhảy ". Hai người nhảy nhưng như là ngôi chơi với nhau. Cái ghế ẢO có một chân là chân trụ, các bước nhảy được thực hiên như là đẩy cái ghế đó và buông thả hay trượt chân thôi.

m- Còn một cái Ảo nữa. Đó là cái chân Ảo là hai cơ vai ở đằng sau lưng. Hãy đếm nhịp ở đó.

h- Nếu nhà bạn nuôi mèo thì hãy quan sát chuyển động của nó. Nó nhấc khẽ chân lên rồi đẩy toàn thân tiếp và buông hạ chân

===

** Người Tàu**

1.

Tôi có nhiều bạn yêu thích truyện Kiều, thơ Đường lẫn Khổng Tử, những thứ rất xa lạ đối với tôi, một người yêu thích Văn hóa Âu. Các ông ấy bảo tôi ở Tây lâu nên mất GỐC. Tôi nghe thấy buồn và hỏi lại là GỐC GÌ, TÀU hay là VIỆT. Có ông bảo tôi sao học nhiều mà NGU thế. Gốc chung, gốc Á Đông mà không biết, Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ chắc quên hết, ăn cơm Tây lắm vào lú hết.

2.

Thấy bài viết về cái GỐC CHUNG ĐÓ . Dài quá, giữ lại 3 ý cho dễ hấp thụ 

- Về năng lực tư duy logic của người Trung Quốc, ông Lexus nói, tư duy logic của người Trung Quốc có vấn đề. Đừng nói học trò và nhà giáo, ngay cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhiều khi cũng cứ như thiếu những hiểu biết thông thường. Ví dụ có người hỏi người phát ngôn Bộ Ngoại giao, điều luật nào của quốc gia cấm phóng viên nước ngoài đến khu vực nhạy cảm săn tin? Người phát ngôn kia đã đáp lại rằng “Đừng lấy luật pháp ra làm lá chắn”. Câu trả lời này không chỉ thể hiện ý thức kém cỏi về pháp luật, còn cho thấy thứ văn hóa không màng gì đến lý lẽ, thích dùng quyền lực thay cho lý lẽ.

- Ngoài ra, người Trung Quốc còn có logic kiểu “biện chứng”, loại này thường hay xuất hiện trong ngôn từ của những dư luận viên trên mạng, ví như khi họ vừa thấy có ai đó ca ngợi nước Mỹ hoặc tán thành di dân ra nước ngoài là họ hét lên “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Hoặc những phát ngôn như, “xã hội chuyên chế dĩ nhiên không tốt, nhưng xã hội dân chủ cũng không thấy có điểm nào hay ho”.

-Khi cho rằng cái gì cũng có ưu có khuyết thì cũng có nghĩa không còn phân biệt vấn đề tốt hay xấu nữa. Tư duy này rất phổ biến ở Trung Quốc hiện nay, đây là kiểu tư duy không phân biệt đâu là nặng hay nhẹ, là chủ yếu hay thứ yếu. Loại người tư duy kiểu này thường nói: trên thế giới này không có gì tuyệt đối, vì thế không có gì là quan trọng. Những dẫn chứng cho trường hợp này đếm không xuể. Nhiều người Trung Quốc không tập trung vào logic của vấn đề tranh luận mà bắt đầu từ lập trường cố hữu (định kiến) của mình và kết thúc bằng việc công kích cá nhân người kia, hệ quả là từ tranh luận lý lẽ biến thành hai bên chửi rủa nhau.

3. 

Vừa qua tôi có làm một thí nghiệm, đi du lịch một số Trang FB nhóm khác nhau Tôi có Post một cùng một số bài ở các trang khác nhau thì thấy phản ứng rất khác nhau. Ở một số trang thay vì xem tôi viết gì, đúng và sai ở đâu thì họ hay " Bỏ bóng đá người ". Cũng chẳng đọc kỹ nhưng gì tôi viết, hay phê là tôi " viết rất chủ quan ". Đối với tôi thì câu phê đó lại là đúng nhất, tôi luôn nói những chủ quan của mình, riêng của mình mà. 

===

** Thành Công và Thất Bại **

- Truyền thông hay đưa nhiều tấm gương Thành công để mọi người học theo. Những người Thành công cũng hay chia sẻ kinh nghiệm của mình cho người khác.

Thực ra mỗi anh có một cái TẠNG riêng. Bắt chước hay học theo Thành công của người khác khó lắm.

Năm 1999 Gate nói chuyện ở Pháp cho 200 bạn trẻ. Họ nghe xong nói là cái đó đúng cho Gate thôi. Bắt chước bỏ học là toi. Trong Thành công còn có yếu tố Đúng Lúc, Đúng chỗ và cả May mắn nữa.

-Học qua Thành công của người khác có thể là điều viển vông nhưng học qua Thất bại ( của mình hay của người ) lại là một điều rất khả dụng. Ai đó nói Thất bại là Mẹ Thành công thực chất là câu nói vàng đối với tôi.

- Con người thậm chí một dân tộc luôn Hoài niệm về quá khứ những thành công, những vinh quang sẽ chẳng học được gì, chẳng bớt dại đi bao giờ cả, chẳng lớn lên được. Hãy về với Quá khứ và nhặt nhạnh nhưng Thất bại để học, để tránh lặp lại trong Hiện tại là cách dẫn đến Thành công trong Tương lai.

Nhưng điều đó quả thật khó đối với người Cảm xúc dù Ts Lê Thẩm Dương có cảnh báo là " Cảm xúc là người bạn của Thất bại ".

====

** Nghĩ về Thơ **

- " Có hai cách sống: Một là thấy mọi vật đều kỳ lạ, cách còn lại là không thấy gì lạ cả " - Albert Einstein

Cách sống thứ nhất là khởi nguồn chung của Khoa học và Nghệ thuật ( trong đó có Thi ca ). 

- Nghệ Thuật khi đạt một cái ngưỡng nào đó thì nó lạ lắm, có có được cái Rùng Mình ( Frisson ) của Charles Baudelaire , nó không làm cho đám đông người ta bật tiếng khen hay, vỗ tay nữa mà làm cho chỉ một số người lặng đi, làm cho ai đó cười, ai đó khóc, ai lại say thôi. Không nhiều.

- Không có gì chủ quan như Thơ

và cũng vì thế nó cũng là nơi an trú cuối cùng cho một số người

===

** Nước Mỹ **

Theo điều bổ sung sửa đổi Hiến pháp được thông qua ngày 27-2-1951, mỗi Tổng thống chỉ có thể được đảm nhiệm chức vụ này không quá hai nhiệm kỳ. 

Từ đâu ra chuyện đó ?

Bố của John Kennedy là Joseph P. Kennedy Sr., Đại sứ Hoa Kỳ tại Anh quốc trong những năm trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ hai là người đã đưa ra cái đề nghị ( Decree ) đó. 

Trước đó Tổng thống 3 nhiệm kỳ liền là Franklin Roosevelt làm Tổng thống 12 năm liên tiếp từ 1933 đến 1945

Theo ý ông thì khi tổng thống đã làm 2 nhiệm kỳ rồi thì cả Bộ máy nhà nước trong đó có Bộ máy tuyên truyền đã nằm trong tay ông ta. Nếu sức khoẻ và tuổi tác của ông ta còn ngon thì cuộc tranh cử tiếp với ông chỉ là trò hề, và đất nước dễ bị những kẻ thao túng.

4 người đắc cử 2 nhiệm kỳ là Dwight D.Eisenhower (1952-1959), Richard Nixon (1969-1975), Ronald Reagan (1980-1987), Bill Clinton (1992-2001), George Walker Bush (2001-2009).

===

** Tây gọi học ở VN bằng cụ**

-Hồi con gái học ĐHXHNV Hà Nội năm thứ 3 lớp có 4 SV Mỹ sang học trao đổi thay cho 4 SV Việt của lớp sang Mỹ.

-4 SV Việt sang đó tuần đầu thấy khó quá cố trụ lạ được 1 tháng thì thấy dễ dần và sau 4 tháng thì đâu vào đó 

4 SV Mỹ sang học thì hoảng, về Mỹ nghĩ mà sợ học ở VN. Chương trình trao đổi vì thế không được tiếp tục.

-Vì sao chúng sợ? Vì a-không theo Logic như chúng nghĩ, b-luẩn quẩn ngôn từ, c-hay khẳng định

====

** Người Nam Định **

Người Nam Định có thể chia ra 3 loại:

a- Nổ rất kinh. Đó là những con người của hành động với triết lý " Cứ đi là đến ". 10 phần chỉ cần tính đến 2, 3 là xong, là làm. Loại này trong những thời điểm nhất định thường Loé sáng, Thăng hoa trở thành người của công chúng hoặc khi hết may thì thành Xuân Tóc Đỏ. 

b-Nghĩ quá nhiều, đọc quá nhiều và tính quá kỹ, lây tính dân Hà Nội là hay cầu toàn, nói chữ và làm thơ nữa mới chết.

c-Loại còn lại và rất đông, quen xem đám đông xung quanh thế nào thì như thế để đám đông càng đông hơn

===

**ELSIN và PUTIN**

Như Putin có không. Tôi tin rằng nước Nga có

Như Elsin có không. Chắc khó. 

Những lời chỉ trích của Yeltsin nhắm vào Bộ chính trị và Gorbachev khiến ông phải chịu một chiến dịch bôi nhọ chống lại mình. Những người tổ chức chiến dịch bôi nhọ đó chắc chắn đã tin rằng việc tống khứ Yeltsin quá dễ dàng để thực hiện với những vụ scandal gây bởi cách cư xử vụng về của ông. Một bài báo trong tờ Pravda đã miêu tả ông say rượu tại một buổi thuyết trình trong chuyến thăm Hoa Kỳ, và một chương trình TV bình luận về bài diễn văn của ông dường như đã xác nhận thông tin này. Tuy nhiên, tình cảm bất mãn của dân chúng với chế độ đang rất mạnh mẽ, và bất kỳ một nỗ lực nào nhằm bôi nhọ Yeltsin chỉ càng khiến ông nổi tiếng hơn. 

Trong chuyến thăm HK của ông, hai tờ báo lớn Pravda và Izveschia đã chống nhau. Thời đó tôi đọc cả hai còn trong quần chúng nổi lên phong trào tảy chay Pravda ( Sự Thật ) vì nói những điều Không Thật về ông khi ở Mỹ.

Ông có một số câu nói đơn giản và ấn tượng. Ví dụ khi nói về Tham Nhũng ông nói " Không ai ăn cắp trong túi của mình "

Và câu nói làm tôi xúc động khi ông cầm tay Putin và nói với người kế nhiếm " Hãy giữ lấy nước Nga "

====

** Con Người và Tự Nhiên **

Đã rời trường ĐHBK HN hơn năm rồi, có lúc nhìn lại cuộc đời thày giáo của mình và tôi thấy HP. Ví sao. Có thể có 3 lý do :

-Về Vật chất thì nói chung là không có gì đâu. Cuộc sống vật chất của tôi được đảm bảo bằng các hoạt động khác không liên quan đến giáo dục, nhà và đất thì cũng tự mua ngoài, các lộc khác cũng không và đó là một điều làm tôi Hạnh Phúc trong lĩnh vực GD này nơi tôi không bị chi phối bởi đồng tiền, danh hiệu và lương.

- Rất nhiều sinh viên chia tay tôi như chưa bao giờ gặp. Tôi rất ít tiếp xúc với SV ngoài lớp học và 20-11 thường trốn. Nhưng tôi Hạnh Phúc là có những học trò và ba cái thứ tôi nói rồi tưởng vô bổ rồi quên trên lớp ấy lại có ích cho một số em nào đó. Tôi nhận được những lá thư và những CMT của SV rất xúc động về những bài viết chuyên môn của tôi trong các Blog của tôi và trong các trang nhóm FB ( Mỗi lớp tôi dạy học đều mở một FB nhóm kín ). Tôi coi đấy là những món quà vô giá cho cuộc đời làm thầy.

- Nhưng có lẽ HP nhất là trong BM Cơ Học Máy xưa và SBVL sau tôi được làm việc với các thày, những người anh mà tôi vô cùng quý trọng. Thầy Đinh Gia Tường, Thầy Bùi Trọng Lựu và Thầy Nguyễn Xuân Lạc

Hôm nay nhân đọc bài trong trang của cô giáo Nguyen Phuong Anh thấy nhắc đến cái Đập của Hà Lan tôi lại nhớ đến Thầy Lựu. 

Người ta nói Thầy đã bỏ dở cái đập xây dở ở Pháp " trốn " về VN để xây dựng trường ĐHBK Hà Nội năm 1956. Thầy có cái gì giống như VS Filipov dạy tôi xưa ở LX : Mọi thứ đều quy về đơn giản. Cơ bản chỉ có đến 3 điều. Mọi thứ đều phải thấy cái lý của tự nhiên, tránh khiên cưỡng.

Khi Thầy mất, một đám tang giản dị, không ồn ào theo ý Thầy. Trong điếu văn Thầy Thái Thanh Sơn có nói về Thầy Lựu, cũng chỉ ba điều " Trong sáng đến ngây thơ- Giản dị đến xuyền xoàng- Chân thành đến gay gắt ".

Ít người biết là Thầy gay gắt. Tôi biết vì có lần tôi hỏi Hương, con gái Thầy và là cô học trò tôi là Bác Viện có đến chơi nhà bao giờ không. Hương nói không vì bố không muốn gặp. Chẳng là khi lên làm lễ khu gang thép Thái Nguyên ông Nguyễn Khắc Viện có phát biểu ý nói là " Anh phải mất hàng trăm năm mới xây xong gang thép, Pháp sau đó cũng phải mấy chục năm, còn VN ta chỉ mấy năm ". Bố Hương không nghe nổi những câu loại đó.

Còn kiểu gì trái đất cũng quay, có gia tốc hướng tâm. Trong sự quay đó trên trái đất lại có các dòng chảy sẽ tạo nên nhưng lực phụ kiểu Coriolit và con người xây đập là đang cưỡng lại tự nhiên Cái giá phải trả rất lớn sau này đời con cháu phải chịu. 

Phải nương theo nó thôi, mọi khiên cưỡng chống lại định luật vật lý sẽ bị trả giá, có thể không sớm.Con người không thể phá vỡ định luật vật lý được đâu.

===

** Trường ĐH Thăng Long **

- Tôi để ý trường ĐHDL Thăng Long vì : 

a- Thầy Bùi Trọng Lựu BM SBVL của tôi ở ĐHBK HN là một trong những người sáng lập ra trường và có thể nói ý tưởng về trường đã được nảy sinh ở 34 Hàn Thuyên nhà thày. Khi thày xây cái nhà đẹp nhất Hàn Thuyên với nền cao vượt hẳn và tầng trên cũng có nhà vệ sinh làm tôi ngỡ ngàng. Anh Lựu bảo là không ai lại xây cái đạp nhốt nước cách HN 50 km cả, nếu có biến cố thì HN sẽ ngập cao 6m vì thế phải rút lên tầng trên. Tôi nói là đã tính cẩn thận rồi chứ. Anh bảo phải xây dựng Mô Hình tính toán đến tận cánh đồng CHUM bên Lào mà không ai làm và anh khuyên tôi nghiên cứu thêm về Lưu Biến - Rheologie. Sau này tôi dạy môn này. Bây giờ sau tôi thì bỏ luôn theo xu thế lo cái trước mắt, sau này kệ.

b-Cô giáo hiệu phó ĐHTL, TS Đặng Kim Nhung ( phu nhân của GS Nguyễn Xuân Lạc ), người đã giúp đỡ tôi nhiều trong cái nhìn thế giới đừng KH cứng nhắc sang lung linh ( cả tâm linh ) phần nào. Chị đã có phát ngôn gây sốc với ngành GD khi xưa, đại loại là : " Thi đua và thành tích khiến con người trở thành dối trá "

-Có thể nói khai sinh ra Đại học Thăng Long là từ bức thư GS Bùi Trọng Liễu gửi thư về cho anh Lựu và một số trí thức trong nước như Phan Đình Diệu, Nguyễn Đình Trí, Hoàng Xuân Sính Hoàng Tụy, kêu gọi cùng hợp tác để mở một trung tâm ĐH chất lượng quốc tế với sự giúp đỡ về tài chính của Việt kiều phía Pháp . Những dàn máy tính PC, máy in, bàn ghế cho lớp học vi tính, hầu hết có được là do sự đôn đáo ngược xuôi của những người như Giáo sư Liễu bên Paris.

- Tôi viết STT này dành cho một cô SV năm thứ nhất ĐH Thăng Long trong chung cư tôi sống. Gặp cháu ở thang máy, mới nhớ lại ngày nào trong thang máy cháu nên lưu ý ĐH Thăng Long vì ca sỹ Tuấn Hưng học ở đó. Thế rồi cháu nghiên cứu và vào ĐHTL thật. Hôm nay cháu nói là cháu đã rất HP vì sự lựa chọn đó. Tuấn Hưng chỉ là cái cớ để cháu tìm hiểu thêm trường ĐH TL

===

** Phạm Quỳnh**

Bài tiểu luận có tựa đề "Tinh thần bất ổn" trích từ ấn phẩm Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 của nhà văn hóa Phạm Quỳnh.

Sự phát triển kinh tế, sự thịnh vượng vật chất có thể dễ dàng đo đếm, đánh giá được: các chỉ số, các thống kê khéo léo, các biểu đồ dễ dàng hiển thị chúng thành các đường cong biểu diễn. Nhưng một trạng thái bất ổn về tinh thần biểu lộ trong những lĩnh vực không cân đong đo đếm được thì khó nắm bắt hơn nhiều.

Ở nhiều nước khác, văn chương, báo chí cho biết tình hình các chuyển động và dao động của công luận, phản ánh thái độ hay miêu tả các tâm trạng, cung cấp các dấu hiệu quý giá về cuộc sống sâu kín của dân chúng, nhưng ở đất nước này, vì nhiều lý do mà nói ra sẽ rất dài, những phương tiện đó gần như không có.

Đến mức một nhà quan sát tò mò muốn tìm hiểu cuộc sống sâu kín của dân tộc này, đặc biệt nếu anh ta lại không nói được ngôn ngữ của nó, không hoà mình được vào cuộc sống bản địa, sẽ không biết mình phải dựa trên cái gì để mà quan sát. Thậm chí đôi khi anh ta còn không nắm bắt được những biểu lộ ra bên ngoài của người dân: hoặc anh ta không hiểu, hoặc anh ta hiểu sai. Và nếu anh ta hài lòng với các tài liệu chính thức, vốn rất dồi dào và dài dòng, anh ta sẽ chia sẻ một sự lạc quan giả tạo, rất ít thật và rất nhiều giả!

Phải chăng nói như thế có nghĩa là cảnh khủng hoảng mà chúng ta vừa nói ở trên và tình trạng tinh thần bất ổn sinh ra từ đó là điều một nhà quan sát sành sỏi không thể nắm bắt được? Bất kỳ ai chịu khó nghiên cứu cuộc sống của người dân nước Nam mà không dừng lại ở những khía cạnh hời hợt bên ngoài đều nhận ra rất nhiều dấu hiệu tố cáo cảnh lượng khủng hoảng và bất ổn đó. Và người ta sẽ ngạc nhiên khi thấy chỉ trong vài năm mà đã có những biến đổi sâu sắc trong ý thức, tập tục và tâm trạng của các tầng lớp dân chúng khác nhau.

Một sự tiến hóa đang trở thành hiện thực không diễn ra theo đường thẳng mà người ta muốn gán cho nó theo những dấu hiệu bề ngoài, mà đó là một cuộc tiến hóa lộ ra rất nhiều khó khăn và trắc trở, nhiều sóng gió, gian truân, đau đớn.

Làm thế nào để thoát khỏi nó? Đó là bí mật của tương lai.

Giờ đây, một trạng thái tinh thần bất ổn đang trùm lên đất nước này, nó có thực và khó sờ thấy được như khí quyển, một khí quyển tích đầy điện dông bão.

Trạng thái tinh thần bất ổn này là do các nguyên nhân về đạo đức, xã hội và chính trị.

Trên phương diện đạo đức, các giáo huấn xưa đã làm nên sức mạnh và sự bền chặt của gia đình và xã hội nước Nam, nay đang tan vỡ và sụp đổ từng ngày. Không có gì để thay thế chúng cả. Ở các nước khác, các niềm tin tôn giáo, ngay cả khi đã biến mất, vẫn để lại trong tâm trí con người một nếp nhăn rất khó xóa nhòa. Ở đây, nơi giới trí thức chỉ biết hoài nghi còn quần chúng thì mê tín nơi mà tình cảm tôn giáo không có gì sâu sắc, các định đề thuộc phạm trù đạo đức, như lòng hiếu thảo, tôn kính tổ tiên, thờ cúng người chết, khi không còn được nuôi dưỡng và gìn giữ bằng một tổ chức gia trưởng và các quy định lễ nghi, có thể nói là không còn lý do tồn tại nữa, chúng hoàn toàn rơi vào quên lãng, để lại trong tâm trí và ý thức một khoảng trống rỗng không dễ khỏa lấp. Mọi người cảm thấy cuộc sống thiếu vắng một cái gì đó, một có gì đó phải là nguyên tắc chuẩn mực của cuộc sống.

Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến.

===

** Bằng Cấp và Danh Hiệu **

- Dạo này đang rộ lên chuyện bằng rởm của các quan chức. Đây có lẽ chưa là Bệnh-Malady mà mới chỉ là Hội chứng-Syndrome thôi. Tại vì ở ta ham danh hão quá nên mới ra nông nỗi này. Ai đời ở ta các lãnh đạo, các Chính khách, Sep lớn Sép nhỏ cứ phải giới thiệu thêm nào là GS, nào là TS, rồi NSUT, NGUT mới có vẻ hoàn hảo, dân mới nể. Lỗi tại dân, dân không chuộng danh hão thế thì ai khai man làm gì. 

- Lại nhớ cái hồi Ba Lan bầu tổng thống xưa. Ông Kvashnevski thắng ông Valensa vì giới trẻ đọc hồ sơ thấy nói là một đằng theo học ĐH ở Gdansk, đằng kia chỉ là công nhân mỏ nên bỏ cho ông ĐH ấy. Xong rồi có ai đó lại lôi lên báo là ông ĐH gian lận vì chỉ học dở năm thứ 3 hay thứ tư chứ có tốt nghiệp đâu và phe kia đòi bầu lại. Ông TT mới nói rằng ông ấy không gian lận vì chỉ khai là có học chứ có khai tốt nghiệp đâu. Cãi nhau.

- Thế rồi TV truyền cảnh ông TT mới trao đổi bằng tiếng Anh trên cầu truyền hình với TT Clinton hơn tiếng đồng hồ về các vấn TG và Châu Âu. Có lẽ bằng cấp là thừa đối với vị TT này và SV cũng như người dân Ba Lan đã hiểu rằng họ chọn không nhầm.

Thế thì chỉ cần BT lên nói tiếng Anh trao đổi với ai đó bên trường Mỹ đã học là xong cho yên lòng bà con.

===

**Thế Giới Với Những khoảng Trống**

- Có bao nhiêu con người có từng ấy thế giới. Thế giới của mỗi người do nhìn thấy, nghe, sờ thất, suy luận ra hay bằng cảm nhận cũng chỉ là thế giới chủ quan. Mọi thứ đều chủ quan, chỉ có " con người quen nói dối và nghe nói dối mãi thành quen " nên quên mất điều đó. Tiếng Anh nó đỡ hơn. I love còn He loves là tất nhiên. Tiếng Nga, Pháp, Đức, Ba Lan còn rõ điều đó hơn và không chỉ với hành động của con người mà là chính con người như trong tiếng Nga " хорошая женщина " khác " хороший человек " chứ ( người đàn bà tốt khác người đàn ông tốt ). Giải thích bằng tiếng Việt sao được. " Tôi yêu " và " Anh Ta yêu " cũng giống nhau là " Yêu " mà. Cái chủ quan dễ bị khuất đi. Và cứ có ý kiến gì là hãy bắt đầu bằng " mọi người đều thấy .... " rất khách quan tính

Như vậy thực chất Thế giới của mỗi người quay quanh cái trục " riêng - local ". Con người với bản năng của động vật có vú muốn tự do trong đó và sở hữu những gì trong đó. Cái sau " Sở hữu " đó con người gọi bằng một từ đầy cảm xúc " Yêu "

- Nhưng không dừng ở đó, các thế giới con đó va đập nhau, ảo tưởng như có một trục chung khách quan để xếp sắp, một trục tổng thể - global. Ảo tưởng thôi. Anh nào cũng muốn lấy cái trục local của mình thành global cho tất cả, muốn tự do cho mình, muốn sở hữu, muốn " khách quan ". Trong những thứ họ thích sở hữu nhất đó là sở hữu cái " Đúng-Chân lý ".

Tôi thấy điều đó khắp nơi, mọi lúc, với mọi con người, mọi sự kiện, mọi tôn giáo...và mọi cmt..

Thực ra đấy chỉ là một cách tiếp cận, một kiểu Logic thôi mà Logic không phải là Chân lý, cũng không duy nhất mà chỉ là một sự chấp nhận thôi. Ta cần đến Logic đó như một cách để giải quyết một bài toán ta đặt ra

Trong bài toán nhiều phần tử người ta có thể mô tả mỗi phần tử trong hệ trục địa phương và sau đó chuyển các thông tin đó vào trong một hệ trục tổng thể ( phưong pháp FEM cho Cơ học hay phương pháp DH cho động học cơ cấu ). Có thể lấy nhiều ví dụ khác nữa trong khoa học.

Khi có nhiều cái riêng người ta hay định chuẩn để quy về một. Có nhiều chuẩn khác nhau nhưng có lẽ là ít người phản đối nhất là chuẩn theo " Đa số ". Kiểu này dễ thao tác, lượng hoá đơn giản, và là dễ hỏng nhất.

- Quy đổi về một, kết nhập, thôn tính, sở hữu, kết nối, thống nhất,..., luôn là xu thế vận động của thế giới này và luôn dẫn tới các trạng thái mắc kẹt, bế tắc. Các khoảng trống giữa các sự vật, các con người, các thế giới chủ quan luôn có. Cái mô liên kết các thế giới chủ quan đó là cái gì. Connect by Heart

===

**Cách Mạng Tháng 10 Nga**

- " Hôm nay CLB bóng bàn Bách Khoa tìm được cớ liên hoan. Đó là Cách Mạng Tháng 10 Nga ngày mai, lại là 100 năm tròn. Cảm ơn Lenin, Stalin và nhiều Tovarish khác nữa đã làm ra cuộc CM có một không hai này. Công Xã Paris cũng là Sự kiện lịch sử tầm Thế giới nhưng sụp đổ nhanh quá. Nước Pháp nhỏ, ít tài nguyên. Lại có Napoleon. Ở nước Nga thì thì chỉ có các tướng Bạch vệ cỡ Conchac hay Denikin, không ăn thua. Ở LX thì CM tồn tại được hơn 70 năm, " Đất rộng, Rừng Vàng, Biển bạc giầu tài nguyên " như trong bài hát CM ấy. Nhưng miệng ăn núi lở. Rồi thì đói kém, nợ nần, dân nghèo khốn khổ, lo xếp hàng khắp nơi ... và sụp đổ.

Tông thống Mỹ Reagan nói " Người Nga quen đón khách với bánh mì và muối. Nhưng khi bàn ăn của họ chỉ có bánh mì và muối thì họ sẽ có chuyện đấy ". 

-Khi tôi sang học LX, tôi có quan tâm tới Khrushchev và Breznev. Tôi có hỏi, các thày giáo Nga đều lờ đi. Nhưng bọn SV thì nhiều đứa thích ông ấy. Vova kể cho tôi là khi ông này đến nằm BV ở Leningrad thì SV mang hoa đến. 

Thực ra ông này làm lãnh tụ ở nước Nga thì không hợp. Vova nói là nếu có ai trước mặt ông ấy mà chê ông ấy thì cũng chẳng sao. Cái kiểu này hợp với Mỹ hơn.

Thời ông ấy Khoa Học của LX phát triển rất kinh như Tên lửa, Hạt nhân, Vũ trụ. Thể thao, bóng đá cũng vậy. Đội bóng đá LX vô địch TVH nhưng. Kinh tế thì phiêu lưu. Ông ấy bảo là LX đã xây xong CNXH, bánh mì cho không. Lúc tôi mới sang quả thật trong nhà ăn bánh mì cho không. Cũng chỉ được mấy tháng thôi vì CNXH đó cũng chỉ là không tưởng.

Cuộc đời là một vở diễn. Mỗi người đã có vai diễn của mình, cho riêng mình, hợp với tạng của mình, không đổi được, lộ ngay. Nhưng mình cũng chính là khán giả của vở diễn, hãy tận dụng thưởng thức vở diễn của đời mình. Hơn thế nữa mình cũng là đạo diễn đấy. Có thể chúng ta chỉ có cơ hội làm người một lần, lấy đâu ra kiếp sau. Hãy có được vở diễn đừng tồi quá.

-Khổng Tử cùng học trò ngồi dưới gốc cây nghỉ trưa. Ngài hỏi học trò vì sao cái cây này sống đựợc tới mấy trăm năm. Đáp án của Thánh nhân là: vì nó vô tích sự, gỗ nó chẳng dùng vào được vệc gì. Thế đấy, thịt Đường Tăng nghe đồn ăn được là thọ lâu nên kẻ xấu săn ông để ăn. Ông thoát được là do Tôn Ngộ Không có phép thần thông biến hoá, khi bí thì chui vào bụng đối phương khuấy đảo, ai mà chịu được.

Có rất nhiều người yêu nước Nga, yêu bài ca Nga, yêu văn thơ Nga mà chưa một lần đến nước Nga. Trong tình yêu đó có ước mơ Nga ngày nào. Khác tôi. Tình yêu của tôi với nước Nga trĩu nặng bao xót xa. Tôi nhìn thấy những con người say khướt khắp nơi hồi đó. Say để trốn những câu hỏi, để không nghĩ ngợi, để tồn tại chứ không phải để sống.

===

**BOLERO**

-Đừng quan trọng quá bản thân và sự việc. Hãy lùi ra xa để nhìn thế giới lờ mờ, lung linh một chút, nó sẽ rất đẹp và cái đẹp sẽ rất riêng cho mỗi người (BCHM 2013)

-Nước Đức nghĩ ra công nghệ chính xác để xác định bóng đã vào khung thành. Nước Anh áp dụng. Nước Đức cho đến nay vẫn chưa. Có cần thiết cái đúng đó không. Tượng thần sắc đẹp vỡ một tay, và chúng ta vẫn say mê ngắm nó và tiếc nữa. Không có gì chán hơn sự hoàn thiện tuyệt đối. Thiên đường nếu có, hãy lờ mờ, lung linh không rõ như trong giấc mơ, như những bức ảnh đen trắng xưa, ...như trong thơ thời học trò ấy.

-T. mời tôi nghe bản nhạc Bolero của Raven. Nghe xong một khúc tôi xin phép về. Nó lặp đi lặp lại một giai điệu mà. T. cười, nói phải nghe tiếp, tí nữa các bóng điện tử nóng lên sẽ thấy hay hơn nhiều đấy. Có phải công nghệ số đâu.

Năm 1934, trong cuốn Âm nhạc Lambert viết: "Có một giới hạn nhất định của thời gian để một nhà soạn nhạc có thể thổ lộ trong một nhịp điệu nhảy, đó là Ravel với Boléro “.

Nhà triết học Allan Bloom nhận xét vào năm 1987 trong cuộn sách bán chạy nhất của mình "Philosophy of Composition"- Những người trẻ tuổi biết đến nhịp đập của quan hệ tình dục. Đó là lý do tại sao " Bolero " của âm nhạc cổ điển thường được họ biết đến và yêu thích khi làm tình. Bộ phim sex-khiêu vũ nổi tiếng "Dance aux feu" thành công nhờ có giai điệu kỳ lạ này, nhịp dập của trái tim, tiếng thở, chuyển động lên xuống, chao đảo, da diết lặp đi lặp lại một một kiểu mà luôn mới, cứ như kéo dài vô tận.

 ===

**Nhanh Và Chậm **

- Tôi đọc hai tập Chingiskhan dày, giải thưởng QG của Liên Xô bằng tiếng Nga và nói chuyện với mấy đứa trong Group Ngiên cứu KH của bọn tôi khi tôi là mladshi Naychnui Sotrutnik. Trong truyên có nói đến Chingiskhan quan niệm thắng hay thua thì có mấy câu sau: 

a- " T thắng vì khi địch chưa nghĩ ta đến thì ngày mai sáng dậy đã thấy ta rồi, khi nghĩ ngày mai ta còn đánh thì đi ra chẳng thấy ta- Nghĩa là rất bất ngờ nhờ tốc độ của loại ngựa Mông Cổ được lựa chọn đặc biệt "....

b-" Chingiskhan đánh đến Irak và không thắng nổi, không vượt sông và thu quân về Ấn Độ....c-Bão tố làm việc đánh Nhật bị hỏng....( Trong truyện rất nhiều trận đánh nhưng không có VN) ..... 

c- Đặc biệt có trận đánh với hoàng tử của Uzbec Djalai. Cậu này 18 tuổi, chiêu mộ được 6000 quân đánh nhau với 2 vạn quân của Hãn....Cậu ta kéo Hãn vào sa mạc Trung Á lúc bão cát chơi trò đuổi bắt. Cậu ta bắt một nửa dắt ngựa và hy sinh người. Sau một tuần quân cậu ta còn một nửa nhưng với những con ngựa khỏe còn Hãn thì còn đủ nhưng với những con ngựa yếu. Hoàng tử dùng tốc độ ngựa khỏe để tấn công vào đúng chỗ của Hãn, Hãn chạy thoát. Sau đó cậu ta sang làm phò mã vua Irak. Hãn nẻ phục. Cậu ta đã dùng đúng cái mạnh của Hãn để đánh Hãn....VN ta dùng đúng cái yếu của Hãn để đánh Hãn, không cho Hãn đánh nhanh thắng nhanh. Cái đó ta gọi là lấy chậm thắng nhanh đấy... khí hậu khắc nghiệt của phương nam cũng gây ra nhiều khó khăn cho quân kỵ binh Mông Cổ, vốn đã quen với thuỷ thổ, khí hậu phương bắc, nhất là Mông Cổ vốn lạnh, khô, không có mùa hè nóng ẩm, khó chịu như ở phương nam, quân Nguyên ngã bệnh rất nhiều. Kỵ binh Mông Cổ khét tiếng hầu như không còn đất diễn. Sinh lực giảm sút, tinh thần hoang mang, thua trận chỉ còn là chuyện trong sớm tối vậy. Quan trọng là ta không được đối đầu mà cứ chậm...chậm như vũ điệu Kizomba ấy là xong

===

**Vô thức**

- Platon :" Khi yêu ai cũng là thi sỹ ". Thơ sẽ trào ra từ miền vô thức, nó vội vàng, không câu cú rạch ròi, không kịp nghĩ ngợi đắn đo, chọn từ hay nói đúng hơn không kịp tìm hình ảnh von. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao thơ Puskin không có hình ảnh. Mấy ông Việt Nam đã dịch thơ Puskin ra tiếng Việt cho thêm bao ví von, hình ảnh vào để các cô giáo dạy văn còn có thể giảng bài, các học sinh còn có cái phân tích, bình giảng và đi thi.

-Cái nôi của Nghệ thuật và Thi Ca và Khoa Học hình như nó ở từ tầng sâu của Tâm Thức - Phần đáy chìm tối nhất của tảng băng (Aisberg). Phần ý thức nổi trên luôn đè nặng nó xuống, che lấp mất nó. Tiếc quá.

-Maiacovski đến đọc bài thơ về Cách Mạng, về Lenin trong nhà máy luyện thép giữa tiếng máy ồn ào. Đám đông công nhân vỗ tay để ông hùng hồn đọc tiếp những bài thơ bậc thang. Bỗng có một cô gái đến muộn, đầu còn đội khăn người thợ, má còn vệt dầu chưa kip lau, len lên để nhìn cho rõ nhà thơ. Nhìn thấy vẻ đẹp mộc của cô Maia bàng hoàng, quên hết những câu thơ định đọc, nhìn cô gái thốt to lên theo nhịp của tiếng máy dập

"Nếu tôi là Nga Hoàng

đầy quyền lực

Tôi sẽ ra lệnh đúc tiền

in khuôn mặt hình em"

Những bài thơ từ tầng vô thức không thể dùng lời để bình được, cũng không thể khen hay, khen giỏi được. Nhưng người ta có thể khóc khi nghe nó. Người ta có được cái ớn lạnh, hay một cảm giác frisson (rùng mình) của Baudlaire.

===

Sở trường của VN là không vội, vội nhanh là toi. Ông Tăng Minh Phụng xưa vội quá, được tung hô. Báo Hồng Kông phỏng vấn, mọi người nẻ phục như một tấm gương ...thế rồi ..trảm. 

Các cụ dạy rồi, chậm nhưng mà chắc. 

Chingiskhan đánh châu Âu 2 lần, lần sau đến bờ biển Nam tư, lần đầu là 3 vạn quân, lần sau hơn nhưng tôi không nhớ. Sử Việt Nam viết " 1285, có đến nửa triệu quân Mông Nguyên sang đánh ta ". Tôi kể cái đó cho bọn Tây. Hình như chúng không tin. Thắng Segeui bảo chắc là ngựa nó chạy đi chạy lại mọi người hoa mắt đếm nhầm ....

Thực ra người Việt rất khác nhau, có nhiều người không yêu. Họ nếm trái đắng với nước Nga. Và người Nga cũng rất khác nhau. Nhân hậu nhất cũng thấy ở đó và tàn bạo nhất cũng có. Chân thành nhất cũng có mà xảo quyệt nhất cũng không hiếm. Nhưng tôi có thể khẳng định là các thầy giáo Nga là những thật tuyệt với và chính họ là tấm gương soi cho tôi khi tôi làm nghề giảng dạy

- Còn lại khi nói " người Nga " thực chất là người Nga nào> bài hát " Người Nga  có muốn chiên tranh không " thực chất phải nói là " Con người có muốn chiến tranh không ", nhưng con người bình thường ấy

===

** CM Dạ Dày & CM Hoa**

- Trong 10 năm trời ngồi trong thư viện London với những chồng sách kiến thức của nhân loại Marx đã xây dựng một học thuyết xã hội dựa trên " mô hình một cuộc chơi có hai người là Tư Bản và Vô Sản " và sau đó là những suy luận về kết cục cuộc chơi là anh Vô Sản thắng.

" Mọi lý thuyết chỉ là mầu xám nhưng cây đời mãi xanh ". Không chờ hết 10 năm để có xong Học Thuyết " Hai đối thủ " ở Paris với CX Paris Vô Sản đã thắng, bao nhiêu lợi quyền về tay .... và rồi sụp đổ. Cuộc CM " DẠ DÀY " đã được Erebour kể lại, bắt đầu từ thợ thuyền đổ ra đường hô vang khẩu hiệu " Bánh Mì "

- Rồi sau đó không chờ để CM nổ ra ở Mỹ hay ở một nước TB phát triển như trong Học thuyết Marx, ở Petograd đói, một ngày mọi người CN chỉ có 100gr bánh mì và CMT10 bắt đầu với phá các cửa hiệu bánh mì và rồi LX sụp đổ ...lâu hơn rất nhiều khi dân chúng lại xếp hàng trước các cửa hàng. Không có bạo động vì bánh mì vẫn còn. Cần có Tư Bản, có thị trường CK, có người chủ và người làm thuê để " Có cuộc chơi ". Người Nga lại Chơi Lại. 

CMT8 phá các kho thóc của Nhật. Tất nhiên bây giờ ở ta cũng đang Chơi Lại. Lắm ông chủ, lắm tỉ phú lắm, chủ yếu là do Đất. Chắc cũng chẳng ai đói vì có từ thiện. Nghe đâu ở Sài Gòn còn có quán cơm 2000d

- Trong thời đại bây giờ ở nhiều nước người ta không đói nhưng lại vẫn có CM. CM Hoa

===

** Đi buôn và Gái**

- Năm đó tôi có việc đi từ Kharkov xuống Rostock trên sông Đông. Đến Lugansc có cái chợ mọi người xuống giải lao, đi VS. Thấy một em Nga bán hàng đong đưa mãi. Lấy địa chỉ em, hứa hẹn gọi là rồi trở về xe. Hóa ra là xe khác. Xe của tôi đã đi từ tám hoánh rồi. Trông thì cũng một kiểu xe. Đồ đạc thì trên đó.

Toi gọi ngay một cậu Lada bảo đuổi theo chiếc xe kia. Mất toi 25 rup nhưng được bài học " Không bắt chuyện với gái dọc đường "

- Lần khác tôi lên Mat. Hồi ở NCS và là CTV KH tôi hay làm Visa đi Mat đọc sách. Lúc về thanh toán công tác phí được tiền cũng kha khá. Tôi cũng tranh thủ mua phẩm cho mình và mấy cô ở BM. Có lần đi với một cậu SV. Chúng thích đi cùng tôi vì chúng không có Visa lại mang hàng. Tối ngủ trên tàu cậu SV bảo tôi là đi Toilet thấy có cái khăn bọc cục tiền to. Tôi bảo đút xuống gối rồi ngủ đi. Nhưng nó không ngủ. Một lúc sau thấy hai cô bé đi đi lại lại, nó gọi tôi bảo chắc của hai con này, anh gọi đi. Tôi gọi và đúng là của chúng. Chúng lên Mat mua đồ về cho trường liên hoan. Trả cho chúng và bảo cẩn thận. Sáng hôm sau tỉnh dậy tôi bảo cậu SV chuồn khi thấy hai đưa kia đợi ở sân ga. Cậu ấy có vẻ tiếc rẻ nhưng tôi nhớ bài học Lugansc " Đi đường không dính với gái, được cái nọ xui còn nhiều hơn "

===

**Cybernetics **

Chúng ta đang đối diện với CM 4.0, với Trí tuệ nhân tạo....Hãy nhớ lại chuyện xưa, đó là sau TC II, khoảng năm 1947 ở Mỹ nhà toán học Robert Winer và bác sỹ Rozenblat đã cho ra đời Cybernetics-Điều khiển học với quan niệm mọi đối tượng như " Một Cơ Thể Sống " và thêm nữa là khái niệm " Hộp Đen - Black Box ". Lập tức chính quyền Soviet xếp cái món đó cùng với " Thuyết Di Truyền " của Mendel Morgan là " Khoa học Tư sản " và khoa học Cybernetics đó bị chậm hơn ở phương Tây khoảng chục năm.

Nhưng sau bom nguyên tử thì đến cuộc chạy đua tên lửa ( để mang bom kiểu như Triều tiên làm bây giờ ) và bài toán đặt ra là bài toán " Điều Khiển tên lửa bắn trúng với thời gian nhanh nhất T = Min vào tên- lửa- đối- phương ". Bài toán đó mang tên " Bài toán tác động nhanh - Быстрое действие". Cái khó ở đây là đại lượng điều khiển bị hạn chế trong một miền đóng khiến phương pháp biến phân cổ điển bị bó tay. Và cuộc chạy đua tên lửa LX-Mỹ buộc các nhà lãnh đạo LX phải cần đến cái loại " Khoa học Tư sản " này.

Và Pontryagin đã đưa ra cách giải bài toán đó dựa trên nguyên lý mang tên ông ( thực chất là một giả thuyết ). Có thể giải thích nôm na như sau : " chuyển động của tên lửa tuân theo quy luật vật lý được mô tả bởi một hệ phương trình 

trạng thái ( hệ thực ) của nó tạm gọi là A. Tưởng tượng ra một hệ phương trình trạng thái khác ( hệ ảo ) đi kèm tạm gọi là B. Tương tác thực- A và ảo-B cho một hàm số của đại lượng điều khiển H (D) với D là điều khiển. Và điều kiện cần cho T= min là H ( D ) = max tại mọi thời điểm hiện tại đang xét "

Nói nôm na theo ngôn ngữ nhà Phật thì đối tượng luôn sống sâu trong hiện tại, hết mình, buông bỏ quá khứ cho nhẹ, không bất an tương lai cho rối .... Sự sống chỉ có mặt trong phút giây hiện tại.

Bên Mỹ thì nhà toán học Belman đưa ra Quy Hoạch Động - Dinamic Programming với thuật toán truy hồi cũng theo triết lý trên.

Giải cả A và B là phức tạp. Có thể có những trường hợp A và B tỉ lệ với nhau kiểu như Hình-A trùng với Bóng - B giữa trưa...và đó là những nghiên cứu mà tôi dành ra trong cuộc đời KH của mình

===

** Nhiệt Động Học và LX **

Các nguyên lý nhiệt động học áp dụng khi chỉ cần biết sự trao đổi năng lượng với môi trường mà không phụ thuộc vào chi tiết tương tác trong các hệ ấy. Chỉ có tương tác bên trong Entropy của hệ sẽ tăng, hệ tha hóa 

" Nhiệt động học là lý thuyết vật lý duy nhất tổng quát, trong khả năng ứng dụng và trong các cơ sở lý thuyết của nó, mà tôi tin rằng sẽ không bao giờ bị lật đổ. " — Albert Einstein

- Loanh quanh Con người và Thế Giới này cũng chỉ có 3 thứ : Lời - L, Số -S và Hình - H. Đám đông thì bị cảm xúc chi phối nên bị tác động bởi H và L ( hai tập Fuzzy -Mờ ) . KHKT thì cần đến tập nền S ( tập rõ ) cho thao tác mạch lạc....Đám đông không thích lý lẽ, con đường tác động đến đám đông là thông qua công cụ hình ảnh và ví dụ vẽ ra

Học môn môn học để lấy cách nhìn. FEM cho ta một cách nhìn : a- Chia hệ thống ra hữu hạn các phần tử..b- Thay vì kết nối các PT ở biên là kết nối ở một số nút...c- Thỏa mãn ĐK cân bằng và liên tục ở mọi nút và còn lại là việc của MTĐT

-Trần Sỹ Kháng: .... két nối giữa các PT bằng ĐIỂM. Trong vật lý, đấy là TÂM MẦM SINH RA PHA MỚI. Nó chính là PT Hữu Hạn mới. Ở đấy entropy khác thể hiện TRẠNG THÁI NĂNG LƯỢNG CỦA HỆ MỚI. Đấy chính là THỂ HIỆN CỦA SỰ SỐNG. XH sẽ CHẾT nếu kg thay đổi entropy. Chống TỰ CHUYỂN BIẾN LÀ XH CHẾT. 

-Đỗ Xuân Trường @Thầy Trần Sỹ Kháng: Khi học Nhiệt động học, con cũng biết mỗi hạt/phần tử/hệ thống... luôn vận động biến đổi không ngừng quan điểm cân bằng một cách... hỗn loạn bởi năng lượng của nó. Sự vận động này chỉ ngưng khi hệ thống hết năng lượng, và thông thường trong quá trình vận động nếu năng lượng được cấp thêm tăng vọt, nó sẽ phá vỡ điểm cân bằng tạm thời đó chuyển sang trạng thái cân bằng mới ở mức cao hơn, hoặc ngược lại khi bị mất năng lượng nó sẽ chuyển xuống trạng thái ở mức năng lượng thấp hơn. Một hệ thống không có sự vận động, là hệ thống chết, xã hội cũng vậy.

Trung Tran: Cái món này cũng như Động Cơ Vĩnh cửu vậy. Nhiệt động học chia vũ trụ ra thành các hệ ngăn cách bởi biên giới (có thật hay tưởng tượng). Và như vậy có khái niệm ngoài và trong hệ. Trong thuyết tiến hóa cho một hệ ( quần thể ) thì Mục tiêu là ở bên ngoài ( môi trường ) và tác động trở lại hệ thông qua mạch hồi tiếp để đào thải những yếu tố hay cá thể nào đó ( giống như khi nhiệt độ môi trường tăng thì cơ thể toát mồ hôi để nhiệt độ cơ thể không tăng )...Nếu không so sánh với bên ngoài ( mất cảm biến ) thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng, Entropy tăng và hệ bị ốm, toi. XHLX bị ốm vì không so sánh Năng Suất LĐ với Mỹ ( Bên ngoài )... Cứ bỏ qua bên ngoài mà lo phê bình và tự phê bình thì Hệ Thống đó tha hóa. Có một quyển truyện của LX in thời Gorbachev tên là " trò chơi ". Trong nước họ rất muốn phê bình và loại bỏ một Đạo Diễn vì ông ta có suy nghĩ khác. Nhưng nếu loại ông thì lấy ai làm phim đi so đo với phương Tây . Đành dùng nhưng dùng xong lại chèn ép. Vova có kể cho tôi là năm 43 bí quá LX thả các sỹ quan trong nhà tù Siberie và cũng nhờ đó đánh thắng Đức.... XHXHCN giống như những con người trên cái tàu to có nhiều dự trữ lương thực tài nguyên và lo đánh đấm nhau, chỉ khi có con cá mập to đến hay dự trữ cạn kiệt thì mới chịu thay đổi để khỏi chết

===

**Học, Học, Học - Lenin **

Hôm nay Anh tặng tôi quyển sách về " Lý Luận và Công Nghệ dạy học hiện đại " mới viết xong. Tôi đã chờ nó 10 năm rồi. Được làm việc cùng Anh là hạnh phúc và tôi luôn ngạc nhiên. Anh học lúc nào nhỉ, không phải là cái khả năng tiếng Nga, Anh, Pháp, Đức, Tàu và Nhật của Anh vì tôi biết một số người cũng có mà là cách nhìn vấn đề thật đơn giản, luôn quy mọi thứ về đơn giản...như nó đáng lẽ nên phải như vậy trong dạy và học.

Tôi luôn nhớ Anh thích câu nói của Enstein :" nếu bạn nói cho đứa trẻ lên 6 điều gì đó mà nó không hiểu nghĩa là bạn chẳng hiểu gì cả ". Bên cạnh Anh tôi luôn là đứa trẻ lên 6 để nghe Anh nói về Topo, Hình học vi phân, về Nguyên lý máy, cả về Tâm Linh nữa.

Ghi lại 3 điều  Anh nói hôm nay

- Nghe thì quên, nhìn thì nhớ, làm thì hiểu

- Học như không học nhưng mà học

- Thế giới ngày nay là Thực tại -Ảo. Ảo nó nối dài cái đầu và cánh tay của ta

Tôi sướng quá hỏi Anh :" Nó còn nối dài trái tim nữa chứ ". Anh không trả lời chỉ bật TV. Anh thích xem Tenis. Chị đang ở trên gác đi xuống

===

** ĐÚNG NGHĨA **

- Broker là người thay mặt cho khách hàng đóng vai trò là trung gian giữa người bán và người mua chứng khoán. Khách hàng sẽ phải trả phí cho các công việc của nhà môi giới thường là dưới hình thức phí hoa hồng cho các giao dịch.

Một nguyên tắc đặt ra là họ không được tham gia mua bán chứng khoán...nếu không họ không còn là Broker theo đúng nghĩa

- Bác sĩ còn gọi là Thầy thuốc là người duy trì, phục hồi sức khỏe con người bằng cách nghiên cứu, chẩn đoán và chữa trị bệnh tật và thương tật dựa trên kiến thức về cơ thể con người. ... 

Một nguyên tắc đặt ra là không được tham gia về Kinh doanh : Thuốc men và Thiết bị y tế..nếu không họ không còn là BS theo đúng nghĩa

- Giáo viên là người giảng dạy, giáo dục cho học viên, lên kế hoạch, tiến hành các tiết dạy học, thực hành và phát triển các khóa học nằm trong chương trình giảng dạy của nhà trường đồng thời cũng là người kiểm tra, ra đề, chấm điểm thi cho học sinh để đánh gia chất lượng từng học trò. 

Một nguyên tắc đặt ra là không được tham gia về Kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục..nếu không họ không còn là BV theo đúng nghĩa

- Cán bộ là Đày tớ của Dân nhà giàu.

Một nguyên tắc đặt ra là không được là Đày tớ của Dân nghèo ..nếu không họ không còn là CB theo đúng nghĩa

 ====

** Hoài Niệm Nga **

- Ở Việt Nam có chiếu bộ phim " Duy Nhất - Единственная " mà Vysotsky đóng vai ca sỹ bế tắc tìm đến rượu và tình yêu. Một góc nước Nga được thấy qua hình ảnh " chai rượu Vodka và chiếc đàn ghi ta ". Khi Liên hoan phim ở Liên Xô năm 1970, Vysotsky đã lên tặng hoa và tỏ tình luôn với một cô giảm khảo người Pháp Marina. Họ lấy nhau và nhờ đó Vysotsky được đi sang phương Tây. Mỗi lần anh trở về Nga là các nghệ sỹ Nga chờ đợi để nghe anh hát và kể về thế giới. 

- Những năm cuối đời ông trở thành thần tượng của giới trẻ Xô Viết, đặc biệt nổi tiếng ở thập niên cuối cùng. Vladimir Vysotsky mất ngày 25 tháng 7 năm 1980 ở Moskva. Khi anh chết Marina có viết một quyển sách về anh tên là " Le Vol Arrete' - Chuyến bay bị dừng ". Cả nước khóc cái chết của ông. Đám tang của ông có hàng chục nghìn người tham dự. Đám tang rất dài ở Moscow về nghĩa trang Wagankowskim. Ông giám đốc nghĩa trang không cho chôn vì anh không đủ tiêu chuẩn. May có ông Kobzon dẫn đầu đám tang nói rằng chôn vào tiêu chuẩn Nghệ sỹ nhân dân của ông. Ông giám đốc biết đó là Vysotki, ông đã quỳ xuống khóc nói nước Nga tội nghiệp lại mất đi một người con và ông đòi chôn vào tiêu chuẩn của ông ta. 

" Bласти хотели его тихо, быстро похоронить. Закрытый тогда город, Олимпиада, а получилась довольно для них неприятная картина. Когда они наврали, сказали, что привезут гроб, чтобы проститься с ним, а очередь шла от самого Кремля…Стали выламывать его портрет, который мы выставили в окно второго этажа театра… Поливочные машины стали сметать цветы, которые люди берегли зонтиками, потому что была страшная жара… И вот эта толпа огромная, которая вела себя просто идеально, начала кричать на всю площадь: «Фашисты! Фашисты!». Этот кадр обошёл весь мир…

— из воспоминаний Ю. Любимова "

" Chính quyền muốn lặng lẽ, nhanh chóng chôn nó. Thành phố bị đóng cửa-Thế vận hội 80, nhưng hóa ra lễ tang ông là một hình ảnh khá khó chịu cho họ. Khi họ nói dối, họ nói rằng họ đã mang quan tài để nói lời tạm biệt với anh ta, thì đến lượt từ Kremlin, một đoàn người xuất hiện ... Bắt đầu gỡ những bức ảnh của ông, mà chúng tôi đặt tại tầng hai của nhà hát ... Máy phun nước bắt đầu phá sạch những bó hoa mà mọi người đã đặt cho ông ... Và đám đông này là rất lớn, mà cư xử hoàn hảo, tôi bắt đầu hét lên cho toàn bộ khu vực " Phát xít! Phát xít! ". Khung cảnh này đã đi khắp thế giới ...

- từ hồi ký của Y. Lyubimov "

" Высоцкого хоронила, казалось, вся Москва. Марина Влади уже в автобусе, направившемся в сторону Ваганькова, сказала одному из друзей мужа — Вадиму Туманову: «Вадим, я видела, как хоронили принцев, королей, но ничего подобного не видела!…»

" Đi tiễn Vysotsky , hình như cả Moscow. Người vợ góa Marina Vladi khi đã lên xe buýt còn hướng về phía nghĩa trang Vagankov, nói với một trong những người bạn của chồng cô: Vadim " tôi đã thấy lễ tang những hoàng tử, những vị vua, nhưng tôi chưa thấy cái gì như hôm nay ... "

Ai qua Mat có thể đến thăm mộ anh. Trên đó thường có chai rượu, có lúc ai đó mang đặt cả một chiếc đàn ghita lên mộ. Tôi đã từng qua Mat không chỉ một lần nhưng tòan vội, chai votka nhỏ luôn trong túi, để rồi lại chỉ uống một mình. 

- Hôm nay đi qua ngõ bỗng dưng nghe tiếng ghita bập bùng, lại nhớ cái giọng khàn say rượu xưa

===

**Những con Kền Kền**

-Tôi bất ngờ vì sự thành công của người bạn tôi. Có thể nói ở một nước Đông Âu nhỏ mà có được lượng Đô la hồi đó là một sự kỳ diệu.

Chúng tôi leo lên đồi, ngồi uống bia trong nhà, ngắm những hàng cây xanh rung rinh táo ngoài vườn. Tôi hỏi : " Thế hãy nói một câu thôi, sự Thành Công nằm ở đâu ".

-Chữ Hiếu ông ạ-Cậu ta trả lời-Tôi về thăm nhà năm đó. Lúc đi mẹ lại bỗng dưng ốm nặng. Mẹ cầm tay tôi. Tôi bỗng dưng thấy không thể khác được. Hủy vé. Các phi vụ đánh thuốc lá sang Đức, đánh thuốc về nước, thây kệ. Mẹ đang ốm.

Khi tôi sang, các nhóm khác, cả lũ đã bị CA nước đó quây bắt. Một chiến dịch. Còn lại tôi thoát. Rồi lại một chợ, kho bị cháy. Giá lên, cháy hàng. Mọi thứ như về tay tôi. 

- Chúng tôi nói chuyện vì sự giàu lên của nhóm Đại Gia Nga mà Trần Quốc Quân đang viết. Đơn giản vì ở Nga chết nhiều quá, các nước khác đỡ hơn. Kẻ sống sót sẽ được hưởng. Cũng như trên Sàn Chứng Khoán ấy-Biểu tưởng của Người thành đạt là " Những con kền kền ăn xác chết "

===

**Con Người, Công Nghệ và Mục Đích **

- Internet nói chung và mạng XH nói riêng thay đổi thay đổi TG chúng ta. Thời gian và không gian mà chúng ta sống đã thay đổi. Thế giới trở nên PHẢNG.

Chúng ta có Hạnh Phúc hơn không hay Bất An hơn.

Cũng như Gió ấy, nó có thể đưa thuyền, có thể lật thuyền. Tính hai mặt của sự vật

- Một SV của tôi muốn kết bạn với thầy. Tôi hỏi cậu đó : Hãy đưa 3 lý do cho việc đó.

Cậu ấy nói vì FB tương tác mạnh. Cậu ấy không trả lời vào MỤC ĐÍCH dùng FB. Có thể vì thế trong List của tôi hầu như không có SV

Với tôi Mục Đích trong cuộc sống thế nào thì vào FB vẫn thế. Nhưng cánh tay và trí óc sẽ được nối dài hơn.

- Trong các Biến đổi háy Chuyển hóa thường có một Đại lượng nào đó được bảo toàn ( Invariant ). Kiểu như cái tấm có lỗ hình vuông, có góc khó tính toán, ta có thể làm biến dạng không gian T- Thực của nó để trong không gian A- Ảo cái lỗ thành tròn, dễ tính toán hơn với các phương tiện giải tích. Có kết quả trong A xong ta lại chuyển ngược về không gian thực T.

Thế giới Số ( Rõ ) đôi khi làm Toán khó, chuyển sang Thế giới Lời ( Mờ ) dễ hơn rồi được kết quả ở đó ta chuyển ngược lại. Đó là những gì có thể làm được trong Fuzzy Control và trong Hedge Algebra

Thế giới Ảo trong Facebook hay trong các truyện, thơ siêu thực nó lung linh tự do hơn và có thể đạt cái Mục đích mà trong Thế giới thực khó hơn. Tuy nhiên loanh quanh vẫn cái từ Mục Đich. Đôi khi vào Thế giới khác người ta quên hoặc đánh mất Mục Đích, không có cái Invariant để trở về, LẠC trong Thế giới ảo.

Đọc Thơ hay Văn chương cũng vậy. Ở VN quen đọc luôn trong Thế Giới Thực, quen đọc báo nhiều hơn. Cái khen của người Việt là " giống ý thực ". Nói chung là cái Cyber hay Virtual Space xa lạ với chúng ta. 

====

**VI HÀNH_ THĂM HỎI Và Iceberg **

-Sự gần gũi giữa quan và dân có thể thực hiện qua những chuyến thăm hỏi được tổ chức cẩn thận, có cố vấn, nhà báo đi kèm. Điều đó không chỉ xảy ra giữa quan và dân một nước mà cả giữa TT Obama và quán Bún chả, TT Trudeau và Quán cà phê Việt. Ở ta thì chuyện đi ăn quà đó hiếm, thường là những chuyến thăm hỏi, nói chuyện.

- Hồi đoàn cán bộ cao cấp VN sang AOH năm 1980 tôi có lên ở đó 10 ngày. Các bác ấy được nhà trường cho đi thăm các nơi, trường học, nông trường, nhà máy...về kể cho tôi. Ban ngày tôi lên thư viện, tối về ngủ và ăn cơm nói chuyện với các bác ấy. Tôi có đưa bác Vũ Cao và mấy bác khác đi ra ngoại ô Moscow, ra chợ, ra ga để thấy một chút cái Tảng Băng Chìm của XH LX, cái mà không có trong sách giáo khoa, những lại có nhiều trong thơ, bài hát

" Có con sông mặt đóng băng

Mà dòng lũ vẫn dưới lòng chảy trôi ". -thơ Evtushenko

Đi thăm dân là tốt, để thấy được phần trên của tẳng băng trôi. Còn muốn thấy phần chìm thì chắc không thể. Phải lặn xuống chứ.

- Có một hành xử khác của Vua Quan xưa để tiếp xúc với dân. Đó là VI HÀNH. Ở Tàu có Khang Hy, Càn Long hay đi. Ở Nga thì có Pie đệ nhất hay lang thang các quán rượu, có khi vua giả làm hoa tiêu xuống tàu thủy- ấy là tôi xem phim thấy vậy. Nhưng chuyện Lenin cải trang đi xuống với công nhân trước CMT 10 để nắm tình hình ( rất liều ) và cải trang vào hiệu cắt tóc ( ở đó họ ngồi chờ hay tán gẫu và hay ca thán chính quyền )- thì tôi học trong SGK LX.

Vậy nên hiểu thêm chút về VI HÀNH 

" VI Hành là gì ? "Vi hành chính là giấu mặt", giấu thận phận cao sang, quyền quý của mình trà trộn vào dân chúng mà không ai phát hiện ra để được tận “mắt thấy, tai nghe” mọi điều, mọi việc đáo mọi đúng như nó đang diễn ra trong cuộc sống mà không bị nhiễu, bị khúc xạ qua lăng kính tâu bẩm, tấu trình của các quan lại, bộ phận giúp việc ở dưới mà nay ta gọi là báo cáo.

Vấn đề đặt ra là vì sao lại phải vi hành? Vì lẽ, mọi việc khi được nghe qua bẩm báo hay tấu chương thường không sát hợp với thực tế cuộc sống và bị bẻ đi theo hướng của người bẩm báo, tấu trình. Bởi ngày xưa quan lại cũng sinh bệnh thành tích theo kiểu “xấu che, tốt khoe”. Thậm chí là bịa đặt, xuyên tạc để lợi mình hại người. Thế nên, nhà vua đôi khi phải cải trang để nắm bắt tình hình và có những chỉ dụ xử lý sát hợp thực tế và đúng lòng dân để giữ yên sơn hà, xã tắc.

Còn đi xuống dân mà võng giá xênh xang, cờ xí rợp trời, tiền hô hậu ủng, cờ, đèn, kèn, trống giăng khắp nơi thì không ai gọi là "vi hành" cả mà chỉ là phô trương thanh thế mà thôi. Và đi như thế thì thường là không được nhìn thấy thấy cảnh thật, việc thật và nhất là không được nghe những lời nói thật. Và những cảnh, người, việc và lời nói nghe được đều phần lớn là trình diễn.

Từ đấy đối chiếu với việc các cán bộ lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương của ta đi thăm thú nơi này, nơi nọ hoặc gặp gỡ trực tiếp đối thoại với dân thì không thể gọi là "vi hành" được mà đó là một hành vi đi thực tế. Vì đi công khai, thành đoàn công tác. Trước khi đi đã có công văn gửi xuống hay điện thoại thông báo là sẽ có người này, người nọ, đến chỗ này, chỗ kia để tìm hiểu, giải quyết việc này, việc nọ...

Vậy là đã lộ diện, lộ mục đích rồi không phải là hành vi “cải trang đi ra khỏi nơi ở, không cho ai biết” . Vì lộ cho nên khó mà “bí mật, bất ngờ” tiếp cận, hiểu rõ, nắm đúng sự việc đang diễn ra trong cuộc sống. Vì những nơi đã được chuẩn bị, đã được dọn dẹp sạch sẽ và luôn thấy “đường thông, hè thoáng” không gặp “ách tắc, cản trở” hay “bụi bặm, rác rến” ở đâu cả. "

===

**Tiếng Việt Fuzzy **

"Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ” - thơ Lưu Quang Vũ

- Chữ Tàu là Tượng Hình. Nhìn hình bắt ý. Tôi dốt tiếng Tàu nhưng thấy bảo chữ một là một gạch, hai là hai gạch, coi như vừa đọc vừa xem hình

- Chữ tiếng Việt bỏ Nôm sang Latin là chữ tượng thanh, tức là không tượng ý và tượng hình, tức không biểu đạt âm và chữ mà chỉ là một quy ước ký hiệu không liên hệ với nhau về mặt ý nghĩa.

Ký hiệu ngôn ngữ về tượng thanh thì ưu việt nhất là mỗi chữ một âm và ngược lại, mỗi âm một chữ. Và tiếng Việt ta không như vậy. Nói vậy, viết vậy nhưng không nghĩ vậy, một âm vị được biểu đạt bằng hai hoặc ba chữ cái ghép lại, cùng là một âm nhưng được thể hiện bằng nhiều chữ cái hoặc tổ hợp chữ cái khác nhau (như i/y, tr/ch/gi...).

Cho Khoa học, cho Hành chính, cho Kinh tế ... nhưng thứ cần hiểu giống nhau không phụ thuộc vào tâm lý, tâm trạng con người thì khó. Cho Thơ thì tuyệt vì chất Thơ là Fuzzy mà 

- Thực ra mọi thứ phụ thuộc vào lớp trẻ, chúng nhanh lắm. Hiện nay chúng đang quan tâm đến ShowBiz và Chat Chít. Chúng cũng tự cải tiến chữ tiếng Việt nhiều rồi. Biết đâu một năm sau vào trang của giới trẻ lại toàn thấy viết cữ t'eo kiểu Tiếg Vịt Này

===

**Cái TẠNG nó thế **

Nghe tin một trong Hồ Đồ xứ Phuống, thi sỹ Huy Mau Le dừng FB mà tôi hụt hẫng quá. Đang theo dõi các bài Thơ Văn Xuôi bác ấy post.

Sợ nhất là phản ứng dây chuyền lây nhiễm. Rồi Tam Đại Hồ Đồ Trần Sỹ Kháng, Thanh Chương Phan, Đoàn Xuân Hoà với Mỹ Nhân Tây Hồ Ngọc Nữ cũng bỏ đi thì FB còn lại gì, Thơ còn lại gì.

Có chuyện gì nhỉ. Có phải rồi mình cũng thế không. Đã mấy lần rồi. Lần đầu có anh Lê Đạt khuyên tôi ở lại. Bây giờ cũng chẳng thấy anh ấy đâu. Lần sau định rời Thơ thì Hà Kim Thu khuyên tôi ở lại và thế là có được tập thơ " Trời Đùa."

Lần tới có ai sẽ khuyên mình ... ?

“Mỗi lần rời khỏi một nơi nào đó, thật khó để phân biệt, chúng tôi bỏ đi hay chạy trốn.” - Nguyễn Ngọc Tư.

===

**CÁI TẠNG**

- Hôm nay lại phải trả lời bố con một cậu bé là có nên cho cháu đi du học sớm không, học từ phổ thông. Tôi trả lời là nếu có ý định học ĐH ở Mỹ thì nên đi học PT từ lớp 11. Chính một hai năm học PT ở Mỹ thì có thể giúp xác định được " Sở Trường & Sở Thích " của cháu để chọn vào ĐH nào, học gì tiếp. Nếu ở VN học mà cũng xác định được " Sở Trường & Sở Thích " thì khỏi phải đi. Đó cũng chính là cái Tạng của con người, cũng chẳng mấy ai giống ai

- " Thế người Việt mình kiểu gì cũng phải có cái Tạng chung chứ " - Cậu bé hỏi tôi.

- Kể ra cũng có. Người Việt có " Sở Trường & Sở Thích " trong một số lĩnh vực đặc biệt là KInh Doanh-KD. Những người thành đạt nhất thường là do KD đất, KD dự án, KD quan hệ. Tất nhiên đi kèm với BĐS là các khu Du lịch kiểu VinPearl, Phú Quốc ...rồi ngành CN Vui chơi giải trí, Hoa hậu,... rồi từ đó cũng kéo theo ngành Thời trang, Dịch vụ, Phim ảnh, Xây dựng, Nội thất, Điện đóm các màu phát triển.

Mỗi nước hình như Tạng cũng khác nhau. Anh Bắc Triều thì " " Sở Trường & Sở Thích " là Tàu ngầm, Tên lửa, Bom H và Vệ tinh. Chắc cái đó sẽ kéo theo KHKT như Điện tử, Cơ Khí, Vật liệu....

Thôi làm cái gì hợp với cái Tạng của mình. Học cái gì hợp với cái Tạng của mình.

Ông bố cậu bé ngồi yên mãi rồi cũng hỏi " Nghe nói là người Việt ở nước ngoài sở trường và sở thích là Mở quán phở, Làm Nail và bán hàng ở chợ. Các Đại Gia đều vậy. Cái Tạng Việt là vậy "

===

**CÃI NHAU**

- Vấn đề cơ bản của triết học gắn liền với việc cãi nhau của hai anh duy vật và duy tâm.

1. Chủ nghĩa duy vật khẳng định vật chất có trước, ý thức có sau; thế giới vật chất tồn tại một cách khách quan, độc lập với ý thức con người và không do ai sáng tạo ra; còn ý thức là sự phản ánh thế giới khách quan vào trong bộ óc con người; không thể có tinh thần, ý thức nếu không có vật chất.

2. Chủ nghĩa duy tâm cho rằng ý thức, tinh thần có trước và quyết định giới tự nhiên. Giới tự nhiên chỉ là một dạng tồn tại khác của tinh thần, ý thức.

3. Bên cạnh các nhà triết học nhất nguyên luận(duy vật hoặc duy tâm) giải thích thế giới từ một nguyên thể hoặc vật chất hoặc tinh thần, còn có các nhà triết học nhị nguyên luận- thế giới vật chất sinh ra từ nguyên thể vật chất, thế giới tinh thần sinh ra từ nguyên thể tinh thần. Đỡ cãi nhau

- Lenin nói ( chắc cho nước Nga hồi đó )

Chủ nghĩa Cộng Sản = Chính quyền về tay Soviet + Điện khí hoá TQ

Sống cùng phòng với tôi thằng Vova nói là cần bổ xung cái công thức đó một số hạng nữa, cái có trong bài hát Nga : Đất rộng, nhiều rừng, cánh đông, sông ...với mỏ vàng, mỏ dầu

Chủ nghĩa Cộng Sản = Chính quyền về tay Soviet + Điện khí hoá TQ + Tài nguyên ( Đất rộng, nhiều rừng, cánh đồng, sông ...với mỏ vàng, mỏ dầu )

Cãi nhau với nó mãi, giờ chẳng biết nó ở đâu nữa đề ...cãi.

-Ông PGS TS BH bị ném đá dữ quá. Rồi TV với bà TSKH ĐH vào cuộc, thế là cãi nhau to thêm.

Nếu ông ấy viết về công trình nghiên cứu của ông là:

" Một giải pháp chữ tiếng Việt để giảm bớt ký tự và Nuance phát âm ( chưa xét tới các yếu tố khác như Văn hoá, Tâm lý...Việt "

thì chẳng có gì cãi nhau hay ném đá. Nhưng cũng phải công nhận là học viết theo cách của ông ấy nhanh thật. Nhiều người ném đá, tranh luận dùng ngay được loại chữ Vịt đó

===

-Khoảng trống & Bí ẩn

“ Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng ngạc nhiên hay kinh ngạc, kẻ đó coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình ” - Albert Einstein.

-Cái sự bí ẩn đó là khoảng trống kỳ diệu để con người có thể tự do mơ ước, cho là thế nọ thế kia. Các Giả thuyết, Tiên đề, Học thuyết, Lòng tin Tôn giáo cũng nhờ nó mà có. Đó là những cái Thứ Nhất. Những cái đó có thể được kiểm chứng với những điều kiện, phạm vi phụ thuộc vào mục tiêu chủ quan con người muốn chứ không bao giờ có thể được kiểm chứng đến cùng và vô điều kiện.

-Sang cái Thứ Hai. Sau những thứ đặt ra không thể kiểm chứng hoàn toàn, thì con người sẽ dùng đến lập luận ( Logic ) để từ cái nọ ra tiếp cái kia và quên mất cái đó lại cũng hoàn toàn chủ quan

- Vậy Chân lý là gì, có không. Đó là những gì ta chiêm nghiệm thấy được cho ta và cho những người gần gũi.

Chân lý ở một mức độ nào cũng có thể là những suy nghĩ chủ quan độc lập với nhau lại trùng hợp giống nhau. Đành vậy

===

** NGƯỜI MÙ SỜ VOI**

- Người mù sờ voi có lý, hòan tòan có lý khi nói " Đây là cái cột " hoặc là " trong con voi có cái giống cái cột ".

Nhưng nếu họ nói " Có khả năng con voi là cái cột " thì cũng không phải là vô lý vì khỏang trống vẫn còn, vẫn còn sờ tiếp voi mà.

Họ sẽ không có lý khi khẳng định " Con voi là cái cột "

- Chuyện " Người mù sờ voi " nói rằng, không thể nhìn thấy hết một sự vật. Khỏang trống luôn có. Mọi suy luận đều là chủ quan cho dù suy luận từ những giả định tiếp mà ngay cả từ những quan sát, thực nghiệm.

Nhưng người ta hay lái sang điều khác như “Một phần sự thật không phải là sự thật”, nghe rất kêu, xuôi tai mà thực ra là nhằm phủ định một cách kín đáo cái “Một phần”.

- Sự suy luận nhập nhằng lượng chất, dùng cái nọ che cái kia hay gặp trong đời sống một cách vô ý thức hoặc có ý thức nhằm một mục tiêu ẩn. Sự suy luận lượng chất bóc tách, cái nọ làm sáng cái kia thấy trong khoa học. Trong " Logic mờ " cái đó lại rõ nhất.

Một phần sự thật, không phải là toàn bộ sự thật, nhưng nó vẫn là một phần sự thật.

Một nửa quả táo không phải tòan quả táo nhưng không phải nửa quả lê. Nó là chính nó : " Nửa quả táo ". 

Một chút yêu thương cũng vậy.

(1)- Khỏang trống bất định, không bao giờ đủ thông tin.

(2)- Mọi suy luận là chủ quan.

(3)- Tính mục đích của suy luận

====

**ĐÁM ĐÔNG BITCOIN**

Cứ thấy nói đến từ Đám-Đông là nhiều người đã chuẩn bị ngay gạch đá. Phải xin lỗi trước các ACE là đây là thuật ngữ Crowd thôi, có thể dùng từ Quần -Thể ( Population ). 

Cái đầu thì thiên về Cảm Xúc, Lây Nhiễm...Cái sau thì thiên về Tiến Hoá, Tha hoá....

Cái đầu thì dị ứng với Tư duy và phấn khích hay hoảng loạn bởi những hình ảnh, vị dụ với ngôn từ có cánh....Cái sau thì luôn bổ xung và đào thải để kháng cự lại tác động của bên ngoài

Còn một thuật ngữ nữa: Cộng-Đồng ( Community ) nhưng sẽ không bàn ở đây "

Thấy người ta nói Bitcon có chất Ponzi, rồi người ta còn nói nó có tính KD Đa Cấp Multi-Level Marketing ( MLM ). Vậy Ponzi và Multi-Level Marketing là gì ?

" Mô hình Ponzi là có một Đối-Tượng (ĐT) thu hút đầu tư là lấy tiền người sau trả lãi cho người trước. Nếu nó sống được lâu ( bạn có Lòng-Tin là vậy ) thì sao bạn không đầu tư khi lãi suất nó cao, chẳng mấy chốc mà thu được vốn, sau đó là ăn lãi ". Nhưng bạn sợ, e dè cái anh ĐT đó. Nó là lừa đảo và bạn phải ra sớm hơn trước khi nó sập nếu đã tham gia " 

" Còn tham gia MLM là trở thành người bán hàng đa cấp mặc dù vẫn bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng bán lẻ cuối cùng bằng cách giới thiệu sản phẩm và tiếp thị truyền miệng nhưng điều quan trọng nhất là bạn cần tuyển dụng người khác tham gia bán hàng để những người này có thể trở thành nhà phân phối cấp dưới của bạn và bạn có tiền từ việc đó - Bán giấc mơ trước, sau đó mới bán sản phẩm. Nó dễ bị thao túng nhờ lây nhiễm Hiệu Ứng Đám Đông. Nếu bạn tham gia muộn thì bạn là người đổ vỏ cho những người ăn ốc trên bạn trong cái cấu trúc kim tự tháp MLM "

- Thế thì không phải rồi. Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp, có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào

Không thấy ở sân chơi này chuyện lãi suất, cũng không có ĐT. Nếu nó sống được lâu ( bạn có Lòng-Tin là vậy ) thì sao bạn không đầu tư khi nó có cái giống vàng là không có ĐT ( có thể là bạn-người tham gia ) lại có thể tự tạo ra Bitcoin, nhưng có thể khai thác được Bitcoin và vì có những tính chất sau của tiền tệ: Đáng giá, lưu thông, dự trữ, thanh toán.

- Để hiểu rõ và cân nhắc Bitcoin có quý không ta hãy đối chiếu với Vàng vì đã quen rồi câu nói " Quý như Vàng "

Nhắc đến Vàng, cái Kim loại quý này là quý thật, nó : 1-Dễ phân biệt,..2-Bền vững..3-Ổn định về lượng sẵn có..4-Giá trị nội tại không bị biến động. 

Người ta hay quy mọi thứ có giá trị ra Vàng với Lòng-Tin giá trị Vàng là một thước đo. USD xưa được quy ra Vàng, có bản vị Vàng nên người ta coi nó như Vàng, như một Thước-Đo để mọi giá trị khác quy về nó, USD ấy. Dưới chế độ bản vị vàng, tổ chức phát hành tiền mặt (ở dạng giấy bạc hay tiền xu) cam kết sẵn sàng nhận lại tiền mặt và trả vàng nếu được yêu cầu. Các chính phủ sử dụng thước đo giá trị cố định này nếu chấp nhận thanh toán cả tiền mặt của chính phủ nước khác bằng vàng sẽ có liên hệ tiền tệ ấn định (lượng tiền mặt lưu hành, tỷ giá quy đổi, v.v..)

Có điều là USD bị nước Mỹ in ra lắm quá. Cả một thời gian dài người ta vẫn tin ở cái thước đo USD vì nghĩ nó là có bản vị vàng hay nói cách khác lúc cần có thể vào ngân hàng ở Mỹ để chuyển nó ra Vàng ( Từ 1934 Chính phủ Mỹ giữ mức giá 35 USD một ounce cho ..cho đến khi TT Pháp De Gaulle doạ cho một tàu chở USD sang Mỹ đổi lấy vàng thì Lòng-Tin vào thước đo USD mới chấm dứt. Ngày 15 tháng 8 năm 1971, khi Tổng thống Richard Nixon tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không còn chuyển đồng đô la sang vàng ở một tỉ giá cố định..Tuy vậy Vàng lại là cái mà các nhà đầu tư, nhà giàu trú ẩn trước sự biến động bất thường của thế giới tài chính. Cho đến nay, nó vẫn là đối tượng dự trữ quan trọng ở các ngân hàng trung ương và chính phủ, là phương tiện duy trì khả năng thanh khoản và thực hiện chức năng bảo toàn giá trị ).

- Trở lại với Bitcoin. Nó, Bitcoin, có khả năng cạnh tranh trực tiếp với vàng do có đầy đủ các tính chất của kim loại này và vượt qua được sự kiểm soát của chính phủ. Nếu so với những đồng tiền được ban hành bởi chính phủ (tiền pháp định), Bitcoin có thêm những ưu điểm sau: 

Không có ngân hàng trung ương: Tránh được tình trạng lạm phát khi ngân hàng trung ương in tiền cho các tổ chức tài chính và các tập đoàn vay khi làm ăn thua lỗ. 

Không cần giao dịch qua kênh trung gian: Giảm thiểu chi phí ngân hàng và các kênh tài chính trung gian. Giao dịch tại bất kỳ thời điểm nào kể cả ngày nghỉ. 

Không ai có quyền đóng băng tài khoản hay ngừng giao dịch.

Không thể bị làm giả. Chi phí kiểm định chất lượng vàng rất cao, còn việc kiểm định Bitcoin không hề tốn chi phí nào.

Đơn vị tiền tệ có thể chia nhỏ ra tới mức gần như vô hạn, giúp cho việc thanh toán chính xác rất dễ dàng.

Ít nguy hiểm cho các cửa hàng chấp nhận giao dịch Bitcoin hơn vì giao dịch không thể bị bồi hoàn.

Là đồng tiền thông minh: Có khả năng lập trình vào từng satoshi mục đích tiêu tiền hoặc tự kích hoạt với hợp đồng thông minh để tránh tham nhũng hoặc lừa đảo.

Số lượng Bitcoin là có hạn. Sẽ không thể phát hành thêm như kiểu VND nghĩa là không thể có lạm phát và phụ thuộc vào nền kinh tế lúc lên lúc xuống của Quốc Gia ấy.

- Vậy còn lại mỗi điều bạn cần lưu ý là .... Lòng-Tin. Không phải là chỉ là Lòng-Tin của bạn mà là của Đám-Đông. Không phải của Đám-Đông Ponzi ( lãi suất ) hay Đám-Đông MLM ( ước mơ ).

===

** HỒ ĐỒ THI NHÂN **

" Nhân đọc một bài của một ông viết về Hiện Tượng Trần Sỹ Kháng trong Văn Học Thi Ca Việt đâm ra lại suy nghĩ.

Với tôi TSK là một sự quá khác biệt đến khác lạ. Lâu lắm mới xuất hiện một người như thế. Như xưa ấy, và Ngài còn trẻ nữa thì thảo nào TS Vật Lý này cũng đi học thêm ĐH Tại Chức khoa ngành Văn hay ít ra qua lớp đào tạo cấp tốc của trường Viết Văn Nguyễn Du cho nó " đỡ KHÁC NGƯỜI "

Thôi, chuyện Văn Chương của Ngài có thể tôi sẽ viết. Đã viết về một hiện tượng của Văn Chương Thi Ca Việt là " Paul Nguyễn Hoàng Đức " trong ( Bức Tranh Thơ -Bản Tango Italiano NXB HNV 2014 " ). Lúc nào đó có hứng, về anh bạn đáng yêu này. Cũng không hứa trước. Biết đâu lại tòi ra một chàng Kháng Phảy nào nữa còn khác lạ hơn và hấp dẫn tôi hơn. Mà có khi chỉ cần kém hơn cũng được nhưng là ... Nữ.

Cái đặc biệt của Trần Sỹ Kháng là luôn nhắc tới giào lý Nhân Quả và Tướng Không của Đạo Phật. Mà Đạo Phật thì không phải ai cũng nhìn thấy như nhau. Tôi hiểu Đạo Phật qua đọc Tụng Giới của Thích Nhất Hạnh, rồi Làng Mai, Nguyễn Tường Bách, và Phạm Quỳnh.

Tôi cũng lười, nhiều khi ngại đọc mượn cớ đến thăm bạn rồi gợi chuyện. Bích có dặn tôi là " Đúng Sai không quan trọng bằng Rõ hay Mờ ". Với Bích thì Sai đó là do cách nhìn, cách nghĩ còn Lơ mơ thì anh không chịu được.

===

Ghi chép lại từ " Tiểu Luận " của Phạm Quỳnh Tiên Sinh

-Nếu không ai có tính tham của và tham danh mọi người đều thuộc hiền nhân quân tử cả, thì còn gì chán bằng vì còn có công vịệc chi nữa.

-Sách phật nhiều, kinh bề bộn, lời lẽ rắc rối khó định đến nhà khảo cứu cũng phát chán không thể suy xét đến cùng. Nhiều người tin, ít người hiểu biết. ĐẠO Phật chỉ còn bóng không còn hình, chỉ còn cúng bái cầu xin nhưng không tu niệm.

-Có hai điều chắc tự Phật xướng ra . Đó là “1- Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo” và “Thập Nhị Nhân Duyên” còn lại chỉ là suy diễn thêm ra thôi.

1.

Khổ từ đâu. Con đường diệt khổ

2.

"Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không". Thập Nhị Nhân Duyên lấy con người, chúng sanh làm trọng tâm, nhưng con người, chúng sanh ấy không có đàn ông, đàn bà, ngựa, heo, a-tu-la, ngạ quỷ mà tất cả chỉ có... hành, thức, danh, sắc...căn, trần, thức...; nó không bàn đến gia đình, xã hội, giáo dục hay an ninh, an toàn, môi sinh, văn hóa. Sự tương quan giữa chúng là tất yếu, nhưng giải quyết các vấn đề ấy, chỉ là cách giải quyết phần ngọn chứ không phải giải quyết phần gốc, giải quyết phần quả chứ không phải giải quyết phần nhân. Đức Phật là bậc Toàn Tri Diệu Giác, Ngài giải quyết tận căn nguyên đau khổ chứ không bao giờ giải quyết những kết quả của đau khổ.

Muốn thấy rõ, biết rõ (tuệ tri) Thập Nhị Nhân Duyên, chúng ta phải tu tập thiền tuệ, phải hiện quán, thực chứng tiến trình tâm đang sinh khởi, đang vận hành trong thế giới căn-trần-thức tương quan, chứ không phải qua mớ kiến thức chữ nghĩa. Kiến thức, chữ nghĩa, kinh điển chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải là mặt trăng. Đức Phật dạy: "Ai thấy Thập Nhị Nhân Duyên tức thấy pháp. Ai thấy pháp tức thấy Như Lai".

Nhớ năm nào Paul Đức và tôi lên thăm và trò chuyện với Phan Quý Bích ở Sóc Sơn chủ yếu về đối chiếu hai cách Tư Duy Đông và Tây. Lúc về phát hiện ra là chúng tôi cùng có một điểm chung đó là chữ Ngộ, chữ Nghệp và chữ Duyên mà người ta hay nói. Cả ba chúng tôi đều cho rằng cứ đến mốt trong ba chữ ấy là chạm cốc thối, hết chuyện để nói tiếp

===

**QUẦN THỂ **

- Không dám dùng từ Đám Đông-Crowd vì....Đám Đông dị ứng với từ đó. Tiếng Anh không sao, người ta nghe xong sẽ suy xét nhưng tiếng Việt, một thứ tiếng tràn đầy Cảm Xúc, thì từ Đám Đông sẽ tác động vào Crowd "qua con đường lây nhiễm cảm xúc " như ông Gustave Lebon đã nhận xét hồi nào từ quyển sách nối tiếng mà ít người chịu đọc, quyển " Tâm Lý Đám Đông "

- Có từ khác, từ Quần Thể - Population dịu hơn, cho các Bác Sỹ, các nhà Sinh Vật học, sẽ để Cảm xúc sang bên và có chút chỗ cho tư duy giống như nói tiêng Ạnh vậy.

- Hôm nay đi khám bệnh dạ dày ở BV Hồng Ngọc. Tôi giật mình vì BN trẻ tuổi nhiều quá, đôn quá. Họ đều ở tầng lớp khá giả mà đã vậy, thế còn những người đang vật lộn với miếng ăn, không có nhiều lựa chọn, cái Quần Thể VIệt - QTV nói chung ấy thì sao. Tôi ngồi nói chuyện với họ và quả thật băn khoăn về " Quần Thể Việt " trong đó có Cá Thể Tôi.

Băn khoăn cái QUALITY OF POPULATION ấy, về sự Tiến hóa và Tha hóa của nó.

Ông Nguyễn Trần Bạt có viết " Giới trí thức Việt Nam bị tha hóa , dấu hiệu đầu tiên là nó mất khả năng dự báo ".

Dự báo nghe xa xôi quá. Chắc là nó đang bị tha hóa, dấu hiệu đầu tiên là bị bệnh tiêu hóa, toàn ăn lại toàn đồ bẩn. — cùng với Bui Quoc Huy và 2 người khác.

Lại có đám cưới. Hai đứa trẻ quá, mới hơn 20. Một cô gái sẽ thành đàn bà. Một cuộc sống khác. Một Khỏang Trống bất định. Trong đó có hết. Người đàn bà tìm gì ở đó. Hạnh phúc ư. Trên FB nhiều người đang theo dõi phim “ Quyên “. Cuối cùng vẫn là về số phận người đàn bà. Và cái đó phụ thuộc rất nhiều vào hiểu biết và tính nết của họ. 

- Có không một người phụ nữ đủ mạnh mẽ trong cuộc đời, nhưng cũng đủ thông minh để biết “ bỏ cái nhỏ bắt cái to “ và biết “ nhường người đàn ông của mình? “ Có không? một chữ “ Anh hùng “ bên cạnh chữ “ Hiền dịu “. Có cái cá tính mạnh nào mà không hiếu chiến không. Đàn ông có. Đàn bà tôi không biết 

-Cá tính là mạnh mẽ, là nhạy cảm, là tự tin, là cứng rắn nhưng dễ vỡ. Nhưng đàn bà càng cá tính càng dễ bị cô độc, vì họ khó bằng lòng với những gì mình có. Họ quen biết rất nhiều nhưng không có được một người bạn cùng giới thật. Vì bai bà cá tính thì không chịu được nhau, còn những người đàn bà hiền dịu thì tránh và sợ. Một cuộc sống bình yên với một người chồng hiền lành ư? Không! Người cá tính luôn so sánh, luôn không muốn chấp nhận… luôn muốn bộc lộ cá tính của mình nhất là trong thời buổi truyền thông, FB này.

- Họ rất giỏi, chỉ không giỏi một điều là hiểu biết đàn ông. Đàn ông thích bình an, nghèo chút, vụng chút , thà nhạt một chút, nhưng dịu dàng, còn hơn một phụ nữ thú vị, nhưng cá tính. Bởi không ít đàn ông vẫn cho rằng, phụ nữ cá tính làm họ mệt nếu nhẹ, bất an nếu nặng!

Và các bà mẹ xưa khôn lắm, dạy con trai chọn con dâu là “ Vợ hiền, dâu thảo “, cho con mình và cho mình. Mấy ai bây giờ nhớ.

Và nhân vật Rotsin đã nói thay cho rất nhiều đàn ông: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét và sẽ còn lại bất diệt trái tim em nhẫn nại dịu hiề và chan chứa yêu thương…” Trích từ " Buổi sáng ảm đạm - Tolstoy "

===

**TRÊN PHỐ CỔ **

- Chưa Noel, thôi để lúc khác ghé qua thăm quán Cafe 36 Nhà Chung của ông bạn Nam Định cùng trường từ cấp hai đến cấp ba xưa, danh thủ bóng bàn Dương Đức Hiếu một thời với Hoàng Thế Vinh cũng Le Hồng Phong Nam Định và xem những câu thơ chàng viết trên bảng treo ở góc hàng tuần. Lần trước buổi chiều qua thì không gặp. Nhân viên bảo ông ấy đi khiêu vũ. Khiếp. Lên HN sống học đòi cái văn hóa HN từ khi nào vậy chứ NĐ mình thì truyền thống là đi hát chầu văn cơ mà.

Lên Hàng Buồm đến quán Cafe A-HA. Lác đác có Tây, chủ yếu là giới trẻ, thong dong, nhâm nhi, tâm sự, không có tiếng nhạc cũng không ồn ào, không có tiếng Gió Chém.

- Sau nhưng chuyện về Sức khỏe, cái chuyện tôi quan tâm nhất là sang các chuyện khác. Nhẩn nha cho mạch lạc, không vôi.

- Cuối cùng tôi có kể về Frederic Labarthe và Trung Tâm GD Quốc Tế về Nghệ Thuật Sống ( Nghệ thuật chứ không phải Kỹ Năng đâu nhá ) và có 3 điều để thay đổi Cuộc Sống của mình. Tôi bảo các bạn thử xem. Biết đâu hợp :

1.

Cơ Thể Sống có lẽ luôn phải lựa chọn cái gì đó... Cũng có thể chẳng cần chọn cho nhàn nếu vấn đề đặt ra là bé, còn nếu lớn thì nên chú ý chuyện lựa chọn, nghĩa là " Hãy quan tâm TO và NHỎ trước , còn ĐÚNG và SAI tính sau ". Nhỏ thì sai và đúng cũng có thể bỏ qua. To mới cần.

Nếu To thì trước mỗi hành động nên " ngầm " cho thêm từ LỰA CHỌN vào. Như trong câu thơ của Puskin ấy " Tôi Yêu Em " thực chất phải hiểu là " Tôi Lựa Chọn Yêu EM ".

Và nếu nghĩ được " Tôi Có Ba Lý Do Cho Lựa Chọn Yêu Em " thì thật tuyệt. Có điều cái đó nói cho mình thôi, chớ để cô nàng biết.

2.

Cái gì đã qua rồi chấp nhận trạng thái nó để lại và cảm ơn. Việc của ta là làm sao đi tiếp đến cái ĐÍCH. Còn trường hợp không có ĐÍCH hay cái Đích là những gì Cao Cả, Cao siêu thì là Đắc Đạo rồi, khỏi bàn

3. 

Cần phân biệt giức " Cái Nói Để Mà Nói "-a và " Nói Để Mà Làm "-b.

(a) thì thường là những lời định tính đẹp, sướng tai, chất thơ kiểu như " ƯỚC MƠ ", " TÌNH YÊU " hay " HẠNH PHÚC " ấy

(b) thường kèm với con số định lượng như " MỤC TIÊU " ... và chỉ với cái đó sẽ có thể có cả " ƯỚC MƠ ", " TÌNH YÊU " hay " HẠNH PHÚC " ấy. Có điều MỤC TIÊU đặt ra phải khả thi, kỹ tính quá hay cầu toàn quá thì cũng tốt, may ra trở thành các nhà thơ, diễn giả hay các tác giả thôi.

" Đừng theo đuổi những gì ngoài tầm với

Mây của trời hãy để gió mang đi "

===

**HÔI KÝ**

- Lâu qua mới lại gặp ông bạn Người Nam Định ở CLB . Cả đoạn vừa rồi tưởng ông đi chơi đâu nước ngoài hay về nghỉ ở quê Quất Lâm để viết tiếp cuốn tiểu thuyết lịch sử diễm tình mà ông đã kể cho tôi từng mẩu lúc gặp nhau CLB. Phải nói là hay thật, có điều nó bao la quá. Cũng có lúc tôi góp ý ông là nên cho nhân vật chính ấy tập trung vào một cô thôi chứ lan man quá, ông ấy lại mắng tôi là làm như thế mất cái chất Nam Định đi. Hình như lần gặp trước ông nói bỏ ý định xuất bản tập Thơ Tình mà cho luôn thơ vào tiểu thuyết ý, cái nhân vật chính trong ấy lại làm thơ. Chất Nam Định mà, giống ông bạn tôi quá.

- Dù sao gặp lại ông tôi mừng lắm chứ thú thực tôi cũng hơi lo lo cho ông...có sao không. Cái quý nhất của Người Nam Định là biết bảo nhau hạ cánh an toàn. Nhưng không phải Nam Định đứa nào cũng thế, cũng chịu nghe. Lúc chúng nó đang Oai phong, có nói chúng nó lại kêu là Hèn, là Ghen tị ...là Vô tích sự. Khi chuyện đã xảy ra chúng lại bảo là không có lỗi, lỗi là tại cái ông nhà thơ nào đó viết 

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt 

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”

- Trở lại cái ông bạn này. Cuối giờ trước khi chia tay ông ấy bật mí là vừa qua đang bận viết " HỒI KÝ ". Khiếp. 

Tôi sực nhớ là tôi có đọc xưa, thời SV một cuốn HỒI KÝ ( lần đầu và cũng là lần cuối ). Tôi bỏ tiền mua hẳn hoi nhé. Cuốn "Воспоминания и размышления", tiếng Anh: "Memories and thoughts"...là của Zhukov. Cũng thích nhưng sau khi biết là nhiều đoạn là sáng tác tôi không muốn đọc lại nữa . Tôi cũng không thể hiểu được câu người ta viết để thông cảm cho ông " Zhukov đau lòng nhất là chuyện ông bị ép buộc phải thêm những đoạn viết không có thật về Brezhnev nhằm thổi phồng vai trò của ông ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đạị ". Hóa ra Nguyên Soái cũng bẻ cong ngòi bút. Chán thật cho một vị Tướng.

Tôi thích sáng tác nhưng là sáng tác trong Văn Chương hơn

===

**CUNG-CẦU **

" bữa nay qua lại con đường mang tên một nhà thơ lớn có nhiều bài được chọn giảng trong SGK phổ thông & được hok ít người coi là "ông hoàng thơ tình" của VN.. thú dzị là "ông hoàng thơ tình" này lại hok hề bít mần tình.. thành ra trình huyễn tưởng phải nói là đỉnh cao " - trích từ STT Vu Le Hoang

-Không hiểu sao người NĐ lại lăn tăn là Xuân Diệu ngoài đời không có khả năng Yêu mà lại làm Thơ tÌnh được nhiều ACE thích. Người ta mới nói VĂN LÀ NGƯỜI ( mà không phải ai cũng tin vậy, xuôi tai thì có ) chứ có ai nói THƠ LÀ NGƯỜI đâu. Đúng ra Thơ là một cái rất đáng NGỜ.

-Quy luật cung cầu thôi mà, hồi đó VH Pháp rất mạnh, các cô Tân thời nói tiếng Pháp, đọc truyện tình, thơ dịch từ tiếng Pháp hàng ngày đắm đuối rồi mơ mơ màng màng " Tiểu thuyết thứ bảy ", " Chuyện tình Lan và Điệp ", các ông kiểu Xuân Diệu thì là những người chịu ảnh hưởng Văn hóa Pháp, thơ Pháp và Cung-Cầu gặp nhau trên cái nền tảng mơ mơ màng màng, cũng là một cái thế giới ảo xưa....

-Sau này theo quy luật cung cầu thì ông Xuân Diệu lại cho ra Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau - Cầm tay (1962), đại loại như vậy.

Ông cũng có viết Trường ca (1945 ) nhưng không phải là thơ như Paul Nguyễn Hoàng Đức làm mà là bút ký. Trường ca thơ thì Cầu ít lắm. Chớ dại. — cùng với Trần Sỹ Kháng và 4 người khác.

===

**THỜI GIAN**

Cách đây một vài năm, một nhà Trung Quốc học có danh tiếng của Pháp sang Việt Nam có nói trước thính giả trong một buổi thuyết trình của ông rằng, người Việt trước đây không có khái niệm thời gian. Nhận xét ấy có phần đúng. Bởi vì, khái niệm thời gian mà ông ấy bảo là chúng ta không có là khái niệm thời gian tịnh tiến. Nó in vào thì, vào thức trong hệ thống động từ của họ. Bất kỳ ai nói tiếng Tây, khi nhắc đến một sự kiện, cũng phải chỉ ra là sự kiện ấy đã xảy ra hay đang xảy ra, chỉ xảy ra một lần hay sẽ lặp lại, đã xảy ra nhưng còn tiếp diễn hay đã kết thúc. Khi nói đến một điều chưa xảy ra thì cũng phải chỉ rõ là điều ấy chỉ là giả định mà không bao giờ là sự thực hay điều ấy là một khả năng sẽ thành hiện thực, điều ấy là khách quan hay là nguyện ước riêng. Vậy thì cái cảm thức chủ đạo về thời gian của họ là thời gian một đi không trở lại, mỗi thời khắc của cuộc đời chỉ là chính nó mà không bao giờ có dị bản của nó, cái cảm thức về thời gian được phát biểu trong một câu nói nổi tiếng: không ai tắm hai lần trên một dòng sông từ lâu. Thời gian ấy bắt vũ trụ cũng có một khởi đầu duy nhất (Sáng thế), và một kết thúc duy nhất (Ngày phán xử cuối cùng). Đời người cũng có chỉ một khởi đầu duy nhất (sinh ra) và kết thúc mãi mãi (linh hồn đi sang thế giới khác và không bao giờ trở lại). Không phải người Phương Đông không biết đến thời gian tịnh tiến như tôi đã nói, cũng không phải người Phương Tây không biết là một năm cứ có bốn mùa, trăng tròn rồi trăng lại khuyết, hết đêm sẽ lại đến ngày, nhưng việc xác định trục nào của thời gian là trục chính sẽ làm thay đổi diện mạo của toàn bộ một nền văn hoá.

Cảm thức thời gian của người Phương Đông in dấu vào cách mà con người Phương Đông nhìn sự vật... Hết mưa là nắng hửng lên thôi.

...Sự vật trong sự biến đổi không ngừng. ...Người Phương Tây xem thời khắc là đứng yên tương đối (không có dị bản, một đi không trở lại) nhưng xem sự biến đổi là tịnh tiến, liên tục, không ngắt thành chu kỳ thịnh-suy, hưng-vong. Nếu tôi là người Phương Tây thì tôi nhạy cảm với ý nghĩ rằng, tôi không bao giờ sống lại cái giờ khắc mà tôi đang viết những dòng này nữa, chứ không nhạy cảm với ý nghĩ rằng, tôi còn có thể viết vì tôi vẫn đang có sức lực. Cho nên, tôi định làm gì, nếu tôi là người Phương Tây, thì tôi cứ việc làm vào lúc thôi thích chứ không chờ ngày, đợi tháng.

- THƠ VÀ KHOẢNG TRỐNG 

Đó là hiệu ứng văn bản.... đã không xuất phát từ các lý lẽ về thanh âm mà đã xuất phát từ cách chấm câu, xuống dòng, tức là xuất phát từ cách nhìn bài thơ như một văn bản chứ không phải như là một diễn từ chỉ vận dụng các ưu thế của lời nói. Đây cũng là chỗ khác nhau giữa thơ dân gian và thơ bác học. ....Nó tạo cho câu thơ một hàm nghĩa mới, ngoài hàm nghĩa của dòng lời nói, mặc dù đôi khi chính tác giả hay người đọc cũng không biết chính xác đó là hàm nghĩa gì. Nhưng nó cần thiết như sự cần thiết của khoảng lặng giữa hai giai điệu của một bản đàn, như thoáng lặng im sau một trận đánh. Nó mời gọi sự suy tưởng. Không có nó, những gì diễn ra trước đấy sẽ không có sức nhấn, thậm chí là nhạt nhẽo và vô hồn. Thủ pháp này tạo cho thơ khả năng “nói” bằng sự vắng mặt của ngôn từ. Thứ hai, đây chính là cái mà lý luận thi ca hiện đại gọi là các khoảng trắng trong thơ. 

Xét về mặt văn tự thì các khoảng trắng là các khoảng không có chữ, tạo ra từ sự giản lược, xuống hàng, sang trang. Xét về mặt thanh âm thì các khoảng trắng là các khoảng lặng. Nhưng không có chữ thì không có phương tiện gì biểu diễn được các khoảng lặng bất thường cho độc giả, trừ phi thơ chỉ xuất bản miệng. Cho nên, sự phát hiện ra khoảng trắng .....Đó là một cách nghĩ bằng văn tự, hình nét. ...... là sự dùng thủ pháp của hội hoạ để can thiệp vào nhạc của lời nói trong thơ. Nó ngược với phép “thôi, sao” trong sáng tác thơ cổ là đi tìm nhạc cho hình nét. 

....Vì con mắt chỉ là một biểu tượng cho nên, ta phải nhắm mắt để hình dung nó. Văn chương trở thành phương tiện ẩn dụ để nói về cuộc đời. Nhà văn, nhà thơ nói A nhưng chính là để nói A’. Các sách giáo khoa về văn học của ta thường viết rằng, ẩn dụ là so sánh ngầm, người ta nói A thì ta phải hiểu là A’ và mối liên hệ giữa A và A’ không được chỉ ra. Nói về ẩn dụ như vậy là chưa đủ. Tuy mối liên hệ giữa A và A’ không được xác lập bằng những từ chỉ sự so sánh nhưng trong A bao giờ cũng bao hàm những yếu tố để chúng ta hình dung ra A’. Dĩ nhiên, con đường đi tìm A’ là con đường của sự hình dung liên tưởng cho nên giữa cái mà tác giả định nói (bằng cách xác lập A như thế nào đó) và cái mà bạn đọc hiểu (là kết quả hình dung như thế nào đó từ A) không phải bao giờ cũng trùng khớp, khiến việc độc giả hiểu một tác phẩm khác với ý đồ của tác giả là chuyện thường xảy ra nhưng sự sai khác này không phải là tuyệt đối vì A’ đã được chỉ ra trong A. Độc giả và tác giả nhờ đó mà hiểu nhau. Thơ nhờ đó mà đi từ một tấm lòng đến với một tấm lòng. 

- THƠ TÂY 

Trong thơ Pháp, mô hình thơ-lời nói đạt đến đỉnh cao với Hugo (1802-1885) và cũng khiến độc giả chán ngay khi Hugo còn sống: thơ ca nói gì cũng là nói về tôi, như thể tôi là chúa tể của thế giới. Nhà thơ chi cần đọc những suy nghĩ trong lòng mình là đã có thể nói hộ được nỗi lòng của độc giả. Vì thế, Hugo mới trách một độc giả dại khờ, không biết rằng nhà thơ nói về nhà thơ cũng là nói về chính anh ta. Để hiểu quan niệm thi ca của Hugo, chúng ta cũng cần biết một chút về quan niệm vũ trụ của người Phương Tây. Với họ, vũ trụ là do Thượng đế bày đặt. Và người đã bày đặt ra vũ trụ, trong đó có thế giới của con người bằng Lời nói. Vì thế, lời nói, trong đó có thi ca, là phương tiện truyền tải chân lý. Nhưng Lời nói của Thượng đế đã biến thành muôn vật câm lặng. Muôn vật trở thành một cuốn sách (vì có sự sắp đặt bên trong) không lời. Hugo xem mình là có sứ mạng “đọc” cuốn sách ấy, tức là cấp lại cho muôn vật ngôn từ của chúng, để cứu chúng ra khỏi sự huỷ hoại. Vì thế, tiếng nói thi ca với Hugo chỉ cần nói về mình, thơ ca chỉ bám lấy tiểu sử của nhà thơ, cũng đủ để nói về nhân loại. Với Hugo, nhà thơ là Chúa-ngôn từ. Nhà thơ nhân danh sứ mạng tối cao đó để mà phán xét. 

Nhưng cũng theo Cựu ước, thế giới trần tục đã qua một sự biến đổi. Khi thế giới này chỉ có Adam và Eve thì nó là thiên đường trần gian. Do tội lỗi mà Adam và Eve gây ra (ăn trái cấm) mà loài người xuất hiện, nhưng loài người không biết vâng theo luật lệ mà Thượng đế phán bảo, cho nên Thượng đế đã biến thiên đường trần gian thành thế giới trần tục mà chúng ta đang sống, tức là thành một thế giới đã biến chất. Baudelaire (1821-1867) quan niệm như thế về thế giới và con người trần tục. Cho nên, mặc dù coi Hugo là thần tượng về thiên tài thi ca, ông cực lực phản đối quan niệm thơ của Hugo. Theo ông, loài người đang sống trong địa ngục trần gian, từ khi tổ tông của loài người mắc tội với Thượng đế. Mọi vật đều không ở đúng vị trí của nó, thế giới mà con người đang sống là thế giới của cái ác. Từ đó, hoàn toàn đối lập với Hugo, ông cho rằng, giữa tôi (thi sĩ) và anh (độc giả) muôn đời không hiểu nhau được, vì thói đạo đức giả bao giờ cũng chắn giữa cuộc giao tiếp (bằng ngôn từ) của chúng ta. Từ đó, thi ca cần tránh đồng nhất cái tôi và với tự nhiên, cần tránh đồng nhất thi sĩ với độc giả. Vì thế, từ Baudelaire thơ Pháp đã biến đổi. 

====

**THƠ VÀ TOÁN**

- “Không thể là một nhà toán học mà không có tâm hồn thơ.......nếu một nhà toán học không phải là nhà thơ theo nghĩa nào đấy thì đó không bao giờ là một nhà toán học hoàn hảo”. - Sofia Kovalevskaya

- " Votaire cho tôi nhiều ý tưởng toán học hơn là Pascal " - Carl Friedrich Gauss

- Còn " Nếu Thơ là những gì thất lạc trong quá trình suy nghĩ -Robert Frost " - thì Toán là sự hoàn hảo của quá trính suy nghĩ T

P/S

Nếu như Khời Thủy là lời ( Au commencement était la Parole-Louis Segond Bible) thì Toán học là Lời của Chúa

Toán Học tồn tại trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các qui luật của tư duy Logíc Hình thức và nhà Logic học Bertrand Russell sau sự cáo chung của Hilbert Program đã quay sang viết Văn và nhận giải Nobel Văn học

Và nữ thi sỹ giải Nobel Wisla Szimborska luôn khác biệt với những bài thơ xen kẽ Logic và phản Logic đến bất ngờ ( Trong các nhà thơ Việt thì Việt Phương cũng có Style đó )

===

**THƠ VÀ VẬT LÝ**

- Vào trang Nguyen Phuong Anh thấy mọi người nói bàn chuyện TOÁN VÀ THƠ, hai thứ mà ở VN ta cho rằng đối ngược nhau cứ như mặt trăng mặt trời, một anh là SỐ, khô khan, cứng nhắc, trí tuệ, anh kia thì là LỜI, ướt át, mếm mại, cảm xúc. Chẳng thế mà ở ta từ phổ thông đã chia ra CHUYÊN VĂN, CHUYÊN TOÁN để hai anh đỡ dòm ngó làm phiền nhau. Các trường ĐH thì khỏi nói. TH Văn thì không hề biết TH Toán nằm đâu, đỡ liên quan. Tôi học ở LX, họ chưa theo kịp ta nên không biết tách ra, khoa văn khoa toán ra lại cứ để cùng một tòa nhà. Anh học Văn đến ngó anh Toán thì ít nhưng anh Toán thì hay ghé vào Văn lắm, nhiều em xinh, cũng là tiện chân là chính và cũng một phần họ vào đấy để biết đâu tìm được gì nữa cho Toán, cho mình. Con số không thôi, nó chông chênh lắm, có cái mô liên kết bằng Lời vẫn hơn. Rồi cả các thầy cũng thế. Tôi học ở ĐHBK mà cũng hay mò sang ĐHTH để nghe giảng toán và cái ông GS tôi quên tên giảng về thuyết toán tử của Glazman cứ ngâm nga thơ mới chết. 

Và Không chỉ Toán nhé. Có cả mấy anh học Vật lý nữa. Hồi ấy tôi không chơi với Kháng, cái anh chàng hay văn thơ, tôi cảnh giác với Thơ mà. Học Vật lý đã xong đâu mà Thơ với Thẩn rồi chẳng may lại sa vào yêu đương sớm thì là xong cuộc đời khoa học. Mẹ đã dặn rồi.

" Con ơi nhà vốn đã nghèo

Lớn lên đừng có dây vào với thơ " - trích từ " Trời Đùa "

Năm 2000 về VN gặp Đại Tá-Không Đảng Phái-PGS TS Trần Sỹ Kháng-Nhà Thơ-HỌi Viên HNV VN ( đấy là theo cái Card Visit ) mà tôi ngẩn người và lại phải suy nghĩ. 

- Từ đâu ra cái món Vật lý-Thơ Trần Sỹ Khang nhỉ. Chết rồi. Có lẽ Ngài nghiên cứu về Nano, cái đối tượng siêu nhỏ ( kích thước 1/80.000 so với bề dày của một sợi tóc ). Nghĩ lại thì cũng chưa chắc, trên FB có bạn Léon Vũ không là nhà Nano những cung không bỏ sót cái gì dù nhỏ.

Tính Vật lý trong Thi Ca của TSK là tính Toàn Ảnh của Vật lý học Hiện Đại ( Holography có gốc từ tiếng Hy Lạp - whole, toàn thể + graphe - writing, ghi ảnh ) được mô tả qua bài thơ của William Blake

" Để thấy Vũ trụ trong một Hạt cát 

Và Bầu trời trong một Đóa hoa Rừng, 

Hãy giữ Vô cùng trong lòng tay bạn

Và Thiên thu trong một khắc đồng hồ. "

===

**HÔI KÝ**

- Lâu qua mới lại gặp ông bạn Người Nam Định ở CLB . Cả đoạn vừa rồi tưởng ông đi chơi đâu nước ngoài hay về nghỉ ở quê Quất Lâm để viết tiếp cuốn tiểu thuyết lịch sử diễm tình mà ông đã kể cho tôi từng mẩu lúc gặp nhau CLB. Phải nói là hay thật, có điều nó bao la quá. Cũng có lúc tôi góp ý ông là nên cho nhân vật chính ấy tập trung vào một cô thôi chứ lan man quá, ông ấy lại mắng tôi là làm như thế mất cái chất Nam Định đi. Hình như lần gặp trước ông nói bỏ ý định xuất bản tập Thơ Tình mà cho luôn thơ vào tiểu thuyết ý, cái nhân vật chính trong ấy lại làm thơ. Chất Nam Định mà, giống ông bạn tôi quá.

- Dù sao gặp lại ông tôi mừng lắm chứ thú thực tôi cũng hơi lo lo cho ông...có sao không. Cái quý nhất của Người Nam Định là biết bảo nhau hạ cánh an toàn. Nhưng không phải Nam Định đứa nào cũng thế, cũng chịu nghe. Lúc chúng nó đang Oai phong, có nói chúng nó lại kêu là Hèn, là Ghen tị ...là Vô tích sự. Khi chuyện đã xảy ra chúng lại bảo là không có lỗi, lỗi là tại cái ông nhà thơ nào đó viết 

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt 

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”

- Trở lại cái ông bạn này. Cuối giờ trước khi chia tay ông ấy bật mí là vừa qua đang bận viết " HỒI KÝ ". Khiếp. 

Tôi sực nhớ là tôi có đọc xưa, thời SV một cuốn HỒI KÝ ( lần đầu và cũng là lần cuối ). Tôi bỏ tiền mua hẳn hoi nhé. Cuốn "Воспоминания и размышления", tiếng Anh: "Memories and thoughts"...là của Zhukov. Cũng thích nhưng sau khi biết là nhiều đoạn là sáng tác tôi không muốn đọc lại nữa . Tôi cũng không thể hiểu được câu người ta viết để thông cảm cho ông " Zhukov đau lòng nhất là chuyện ông bị ép buộc phải thêm những đoạn viết không có thật về Brezhnev nhằm thổi phồng vai trò của ông ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đạị ". Hóa ra Nguyên Soái cũng bẻ cong ngòi bút. Chán thật cho một vị Tướng.

Tôi thích sáng tác nhưng là sáng tác trong Văn Chương hơn

===

 ===

**Những con Kền Kền**

-Tôi bất ngờ vì sự thành công của người bạn tôi. Có thể nói ở một nước Đông Âu nhỏ mà có được lượng Đô la hồi đó là một sự kỳ diệu.

Chúng tôi leo lên đồi, ngồi uống bia trong nhà, ngắm những hàng cây xanh rung rinh táo ngoài vườn. Tôi hỏi : " Thế hãy nói một câu thôi, sự Thành Công nằm ở đâu ".

-Chữ Hiếu ông ạ-Cậu ta trả lời-Tôi về thăm nhà năm đó. Lúc đi mẹ lại bỗng dưng ốm nặng. Mẹ cầm tay tôi. Tôi bỗng dưng thấy không thể khác được. Hủy vé. Các phi vụ đánh thuốc lá sang Đức, đánh thuốc về nước, thây kệ. Mẹ đang ốm.

Khi tôi sang, các nhóm khác, cả lũ đã bị CA nước đó quây bắt. Một chiến dịch. Còn lại tôi thoát. Rồi lại một chợ, kho bị cháy. Giá lên, cháy hàng. Mọi thứ như về tay tôi. 

- Chúng tôi nói chuyện vì sự giàu lên của nhóm Đại Gia Nga mà Trần Quốc Quân đang viết. Đơn giản vì ở Nga chết nhiều quá, các nước khác đỡ hơn. Kẻ sống sót sẽ được hưởng. Cũng như trên Sàn Chứng Khoán ấy-Biểu tưởng của Người thành đạt là " Những con kền kền ăn xác chết "

===

Vừa qua trên FB có rộ lên một chuyện với những từ khoá :  SGK tiểu học, Kỹ năng sống, Tâm Việt. Cái này bên Phương Tây đầy. Nó chỉ khác ta là ai chi tiền. Và nói gì thì nói cũng là nói để mà nói. 

Tôi lại nhớ khi TT Elsin lần đầu sang Mỹ trong đoàn Nghị sỹ Nga mang về hai bài học để chia sẻ trên tờ báo Izveschia : a-Nước Mỹ không có Doanh nhân Tồi & a-Nước Mỹ không có Chính khách Tồi.


Lý do thật lạ. Ngôn ngữ của Mỹ mà. Chữ Tồi không được đứng cạnh hai Khái niệm nêu trên. Quả là quá xa lạ với XH Soviet nơi đầy các Doanh nhân Tốt, các Anh hùng lao động, các bằng cấp và trong QH cũng đầy các Nghị sỹ Tốt vỗ tay và chưa thuộc hết tên của các nước trên bản đồ thế giới.

Và xa lạ hơn là Dân Mỹ. Họ biết rằng Chính phủ Mỹ có việc làm nhờ tiền của họ. 

===

 The Beatles 

- Đáng lẽ với tính cách và công việc của tôi, tôi phải Prefer cái anh Jaul hơn anh Paul. Nhưng không.

- Có lẽ vì cái mở đầu của " Yersterday ", nó như một tiếng thở dài. Cái đó " Imagine " không có. Có lẽ vì tôi trót xem bộ phim cùng tên bài hát đó. Phim Ba lan

- Những có lẽ vì người bạn học thời SV của tôi, Nguyễn Bỉnh Quân rất hay hát bài này với ghi ta. Trông cậu ta lúc đó tôi thèm muốn và Imagine " If... ". Nôm na là nếu mình có thêm cái món này thì khối em chết

===

 Sign and Symbolism

- Nhân quan tâm những bài viết của  Pham Nguyen Truong​ và Vu Le Hoang​ về dịch thuật vì ông bạn cùng học Bùi Việt Bắc hay kêu ca về chuyện dịch với tôi. Ông ấy bức xúc viết cả một bài về nạn dịch sai. Nhưng thôi kệ các dịch giả. Thử nhìn bài viết theo con mắt khác

- Từ Voltaire đến Baudelaire Thơ đã có những ngã rẽ. Con đường Thơ Sứ mạng, Thơ Dấn thân, Thơ Thuyết giảng vẫn cứ thẳng tiến với những tiếng kèn đồng, Violin, Piano của dàn nhạc " Đi đều bước " trước sự ngưỡng mộ vỗ tay của đám đông. Đúng nhịp, đồng bộ, rõ ràng...

Sự phân nhánh ( Bifurcation ), cái chuyện luôn xảy ra trong giới tự nhiên, điểm suy biến, đột biến tạo ra dòng thơ  Sign and Symbolism. Thơ như không vị nhân sinh, buông bỏ rất nhiều để trở về với chính nó, với những " Cấu trúc nội tại của Thơ ". Nó lung linh, mờ không rõ. Nó chỉ " Gợi "

- Lolita cũng chỉ " Gợi ". Có lẽ cái kịch tính là ở đây vì mỗi người đọc sẽ nghĩ khác nhau. Hồi xưa truyện ngắn Nguyễn Quang Thiệp " Phẩm tiết " là thế. Mỗi lần đọc lại nghĩ một cách khác. Hôm xưa, lâu lắm rồi đến chơi nhà Nguyễn Huy Thiệp định hỏi cho rõ cái Message của truyện, nhưng thôi. Gợi thôi mà. Có thể nhà văn cũng chẳng rõ lúc viết ấy

"... Những người tốt chịu đựng sự bất hạnh, Cái Ác không tha cho họ, không phải vì họ chống nó mà vì họ khác nó. Nhưng sự thất bại của họ " Gợi " cho người đời xót thương, ca ngợi họ, vẽ chân dung họ “đẹp hơn thực” để treo trước cuộc đời một tấm gương... " - Trích từ " Bức Tranh Thơ - Bản Tango Italiano _ NXB HNV 2014 "

Và các sản phẩm, sáng tác hay bản dịch nó " gợi " cho người ta nghĩ về tác giả với thiện chí hoặc không. Hình như người ta quan tâm truyện thì ít mà quan tâm Người nhiều hơn. Nghệ Thuật vị nhân sinh mà

===

Thi Nhân giảng cho tôi về " Tướng Không ". Tôi nghe Kháng nhắc đến mấy lần trước nhưng hình như không giống như tôi nghĩ. Với tôi mọi thứ là Khoảng Trống " Không - Empty " , Con người muốn gì thì cái đó được gọi ra thành " Sắc - Form ". Một Sắc không trở về Không được nhưng hoà nhau các đơn sắc đó lại thành " Không Trắng ". Điều này có ích cho tôi : a- Tôn trọng cái khác biệt đơn sắc khác ; b- Trong tiếp cận KH đến các bài toán riêng ; c- Cẩn thận với những thói quen khái quát và suy luận nhất là trong Văn chương, từ Văn suy ra Người.

Kháng giảng cho tôi 4 ý chính về Tướng Không : Trạng Thái, Tọa Độ, Tâm lý và Nghiệp. Cái cuối thì tôi không chắc lắm vì tôi hay nhớ mọi thứ đến 3. Cứ sang 4 là quên hay lẫn. Bây giờ nhớ lại những ví dụ trong Vật lý mà Kháng nói thì có lẽ cái thứ 4 đó là Thời gian, kiểu kiếp nọ kiếp kia. Chắc thế.

Kháng giống tôi là không chia sự vật ra Đúng-Sai. Khác tôi là chia ra Tà - Chính còn tôi thì To - Nhỏ

Người thứ ba đến. Cũng học ở Nga. Chuyện chuyển sang đề tài sức khoẻ.

- Chúng tôi khi học ĐH cùng nhau xưa được trang bị rất kỹ cái Logic Aristot. Sau này Nghiên cứu ĐKH tôi có chuyên sang dùng Logic Mờ của Jadhe ( Đó là loại Logic đan xen, kiểu như trong tháng 8 này có chút hè, có cả Thu ). Nếu như Logic Aristot là Logic của Khẳng định thì Logic Mờ là Logic của các khả năng. Kháng nghiên cứu về Nano lại có vẻ hợp với Logic 4 chiều-Logic Phật

Thực ra cái Tạng của tôi hợp với Logic Aristote : " Bất cứ một vật gì cũng thế, có hoặc là không có; không có cách thứ ba nào khác ". Sự suy diễn là cách rút tỉa từ một hay nhiều định đề (mệnh đề) đã được biết trước là đúng hay là sai (gọi chung là tiền đề) để mang lại một hay nhiều định đề hay mệnh đề mới được đánh giá là đúng hay là sai tùy theo sự tương quan lôgic của chúng đối với các tiền đề đã được đưa ra từ trước. Nguyên tắc này được cụ thể hoá bằng sự suy diễn gọi là Tam Đoạn Luận-TĐL.

TĐL là cách đưa ra hai mệnh đề mang tính cách dứt khoát và khẳng định và mệnh đề thứ ba dùng làm kết luận. Aristote trình bày về tam đoạn luận như sau: "Nếu a được xác định bởi b, và c được xác định bởi b, thì nhất thiết a phải được xác định bởi c". Người ta có thể gọi a (thuộc tính chỉ định cho kết luận) là mệnh đề chính, và c (chủ thể của kết luận) là mệnh đề thứ yếu.

Sau đây là một thí dụ điển hình về tam đoạn luận thường thấy:

Tất cả mọi người đều chết & Tất cả những người Hy lạp đều là người ==> Tất cả những người Hy lạp đều chết

Tóm lại lôgic của Aristote mang tính cách khẳng định (có hay là không có, đúng hay là sai, không chấp nhận sự "lưng chừng").

Lôgic của Aristote có vẻ rất phù hợp với sự cảm nhận của con người trước mọi hiện tượng và có thể đã chi phối sự nhận thức nói chung của con người từ phương Tây cho đến phương Đông.

Tuy nhiên một số học phái lôgic ngày nay đã bác bỏ nguyên tắc này, vì theo các học phái ấy thì không nhất thiết chỉ có hai trường hợp khẳng định như thế mà còn có một trường hợp thứ ba thuộc vào loại "không quyết đoán được" (indécidable), có nghĩa không rõ ràng, không dứt khoát, không xác định rõ được.

- Phật giáo đã đưa ra một phương pháp lý luận ngược chiều với quá trình khẳng định của Aristote, chẳng hạn như trường hợp điển hình sau đây:

Con ông A biết nói tiếng Anh 

Con ông A không biết nói tiếng Anh 

Ông A là người không có con

Trong trường hợp trên đây, mệnh đề thứ ba phủ nhận hoàn toàn hai mệnh đề trước, và mục đích của sự phủ nhận đó là tạo ra một sự phi lý để hóa giải trở lại mọi sự khẳng định.

Nếu lôgic Aristote hướng vào việc tìm kiếm cái cần Tìm thì lôgic Phật là loại bỏ cái không thích hợp - Scrapping. Chỗ này có cái gì giống thuyết tiến hoá áp dụng trong tối ưu hoá : Thay vì tìm cái tốt nhất ta bỏ đi những cái dở nhất. Đó là Tánh không - Tứ đoạn luận trong Phật giáo

"Có (ati) 

Không có (neti) 

Có và không có (ati ca natica) 

Không phải có cũng không phải không có (nevati na neti):

Ý nghĩa của tứ đoạn luận Phật giáo

Mục đích của tứ đoạn luận Phật giáo là đưa sự biện luận lôgic ra thoát và vượt lên trên sự thực quy ước, có nghĩa là bước vào một thế giới mà nơi đó tất cả đều có thể xảy ra được mà cũng không có thể xảy ra được, đó là cái thế giới của Tánh không. Trong cái Tánh không hay sự trống không của hiện thực thì tất cả đều "có thể" và đồng thời cũng lại vừa "không có thể". Tóm lại hai mệnh đề thứ nhất của tứ đoạn luận thuộc vào thế giới của sự thực quy ước, và hai mệnh đề sau thuộc vào thế giới của sự thực tối hậu của mọi hiện tượng, vượt thoát ra khỏi mọi quy ước. Bốn mệnh đề của tứ đoạn luận là :

* mệnh đề thứ nhất nêu lên một sự khẳng định. 

*mệnh đề thứ hai nêu lên một sự đối nghịch (phản biện) lại với mệnh đề thứ nhất. 

*mệnh đề thứ ba là một sự kết hợp giữa hai mệnh đề trên đây (có nghĩa là vừa khẳng định lại vừa phản biện lại sự khẳng định ấy). 

*mệnh đề thứ tư là một sự hủy bỏ (hay vô hiệu hóa) cả hai mệnh đề thứ nhất và thứ hai.

Thật ra thì tứ đoạn luận của lôgic Phật giáo vẫn tôn trọng nguyên tắc không-mâu-thuẫn (non-contradictoire) tượng trưng bởi hai mệnh đề đầu tiên, và đồng thời nguyên tắc ấy cũng tôn trọng cả lãnh vực của sự thực tuyệt đối, tuợng trưng bởi hai mệnh đề sau cùng. Do đó lôgic Phật giáo đã phân chia sự hiểu biết thành ra hai lãnh vực khác biệt nhau: lãnh vực thứ nhất là sự nhận thức (pratyaksa) và lãnh vực thứ hai là sự suy diễn (anumana).

Nhận thức là một sự "hiểu biết" thuộc tri thức trực cảm, tức là một sự cảm nhận trực tiếp bằng trực giác khi tiếp xúc với một hiện tượng (một vật thể hay một biến cố). Sự nhận thức đó "dừng lại" trong lãnh vực của " hiện tượng " mà thôi.

Sự suy diễn thuộc vào lãnh vực thứ hai của sự hiểu biết, có nghĩa là một sự hiểu biết dựa vào sự tương quan giữa hai hiện tượng (hai vật thể hay hai biến cố), đó là sự hiểu biết suy lý (connaissance discursive) liên quan với lôgic học. Nếu nói một cách khác thì sự suy diễn là một cách lập luận bằng tam hay tứ đoạn luận trong chủ đích mang lại một sự hiểu biết nào đó.

****

Trong KH ĐKH cần 3 phần : a- Chấp nhận ; b - Suy luận ; c- Mục tiêu. Vì chỉ a, b sẽ có nhiều khả năng, nhờ có c mới diệt được sự bất định.

===

- Eulide phát biểu từ thời xa xưa: - "Từ một điểm ngoài đường thẳng, ta chỉ vẽ được một và chỉ một đường thằng song song với đường thẳng đã cho". Vì đây là một điều chúng ta thấy hiển nhiên và chúng ta coi như là một chân lý tuyệt đối.

Thực ra đây là một Tiên đề ( Cho rằng ), thế thôi. Có nghĩa là Chân lý đó mang tính chủ quan, phụ thuộc con người.

Sau đó Remann lại phát biểu: - "Từ một điểm ngoài đường thẳng, ta không vẽ được một đường thẳng nào song song với đường thẳng cho trước"!

Nhà toán học Laubatchewsky lại cho là: - "Từ một điểm nằm ngoài đường thẳng, ta có thể vẽ được vô số đường thẳng song song với đường thẳng cho trước"!

-Thế có trái ngược không? Không, nó bổ sung cho nhau như hai bờ sông "chân lý ở bên này Pyrréneés, sang bên kia trở thành nghịch lý". Những khả năng khác nhau đều có thể tồn tại trong " khoảng trống của nó ". Logic mờ còn đi xa hơn cho thấy những khả năng đó có thể đan xen.

- Và cái gọi là " Mâu thuẫn nội tại " sẽ được xem theo khái niệm " Mục Tiêu "

***

- Khi con gái sang học bên Mỹ, tôi dặn là gọi điện về thì cho tôi ba nhận xét về sự khác biệt của Mỹ và VN.

Sự khác biệt đầu tiên tôi nghe được là " Mỹ hay nói về khả năng, Việt thì Khẳng định "

- Nhớ chuyện xưa Khổng Tử hỏi :" Thế nào nhân, thế nào là trí? "

a- Tử Cống đáp:

- Thưa thầy, nhân là biết thương người khác; trí là hiểu người khác.

b- Tăng Tử đáp:

- Nhân là tự biết thương mình; trí là tự biết mình.

c- Tử Lộ thưa:

- Nhân để cho người khác thương được mình; còn người trí là để người khác hiểu mình

Cùng một cân hỏi nhưng ba câu trả lời hoàn toàn khác nhau. Cùng một phương trình ( sin (x) = 0 ) nhưng có vô số nghiệm

- Có rất nhiều khả năng xảy ra, tùy hoàn cảnh. Thế giới là như vậy. Hãy chấp nhận tất cả rồi học đánh giá theo một chuẩn xem các điều kiện để các khả năng xuất hiện

*** 

Ứng dụng:

 Thực ra có chữ " dễ bộc lộ " đã ngầm định chữ " Khả năng " rồi. Và như vậy 

a- nên lưu ý trong kinh doanh, khách hàng sẽ tin tưởng mình. Trong GD hay Y hay trong mọi ngành dịch vụ cũng vậy....

b- Đặc biệt cần trong Ngoại giao .... 

b - dành cho người Quân Tử , đứng tách ra khỏi đám đông để khỏi mất mình ( Làm vì mình thấy đúng, không thẹn với lòng mình chứ không phải vì người khác thấy đúng, không còn chữ oai hay ghen tức ...thoát )

===

(Cảm xúc – A và Lý trí-B 

Ông Paul có đạt cho tôi một câu hỏi : “ 1- nếu anh duy ý chí anh là ông chủ. 2- anh duy cảm xúc anh là nô tài. 3- anh duy cả 2, anh dở ông dở thằng. Mời anh trả lời 3 câu test này. Không thể có cơ hội loanh quanh được.”

Trước hết xin cảm ơn ông đã có đặt ra một câu hỏi rất hay và bổ ích cho người Việt. Cá nhân tôi cũng đã bị ám ảnh về câu hỏi đó nhiều, tự đặt ra cho mình, tự vấn mình. Mà ai cũng thế thôi. Evtushenko cũng

“ Cứ day dứt mãi không ra 

Mình là ai đã là ai chính mình

Đẫ yêu gì đã nặng tình…”

Có điều trong câu hỏi của ông có các nhận định vế A – Nô tài, B- Chủ nô và AB – là Dở ông Dở thằng thì đó là nhận định riêng. Để đến được kết quả đó cần những nghiên cứu XH học được trang bị bằng các phương pháp luận KH nghiêm túc, đo các chỉ số IQ, EQ và làm thống kê quy hoạch thực nghiệm có thể đến với  “ Các kết quả Định tính thông qua Định lượng “.  

Trời sinh ra con người có cả A và B. Tôi cũng vậy. Cả hai đều cần. Nếu nó đúng lúc, đúng chỗ và đúng độ thì sẽ có lợi. Còn nếu không thì có hại. Hoàng tử Ham let với lý trí “ To be or not to be “ nhưng khi hành động thì lại theo cảm xúc. Bi kịch.

Tôi sống và NC ở Nga hơn 10 năm, sau đó ở các nước khác thì có nhiều điều kiện tiếp xúc  với các người các dân tộc khác kể cả dân Bắc Phi. Đúng là có các dân tộc khác nhau có xu hướng thiên về A hoặc về B. Nhưng đấy là những người dân bình thường còn tầng lớp có học thì họ học được điều “ Biết kiểm soát, làm chủ  A, B “ để sống cho tốt và có ich. Cái đó chính là nhiệm vụ của các trường PT và ĐH ở Việt nam  

Nói thêm chút về Nước Nga và Puskin. Có hai nhà thơ lớn của Nga mà tôi quan tâm : “ Puskin và Vusotsky “ . Ông sau có đóng trong bộ phim “ Duy nhất “ có chiếu ở VN xưa. Tất nhiên là mọi người sẽ nhớ lại cảnh anh chàng rên rỉ bệ rạc  với chai rượu và… thơ ra. Tất nhiên là họ có tài nhưng mong manh, hay gây gổ, thách đấu, bệnh hoạn và bế tắc. Tất nhiên tôi ngưỡng mộ tài năng của Puskin hơn nhưng quý Vusotsky hơn vì Puskin hay ghen quá. Cái đức tính mà tôi ghét nhất

“ Đần bà ghen cái nhìn không giấu được

Đàn ông ghen, phút chốc hoá đàn bà “

Hoá Đàn bà, lại thêm tí Vodka vào thế là Puskin thách đấu đến 21 lần. May mấy anh không uống rượu can được. 

===

 Stt của Pau: “ … Cây nào ra trái nấy. Tác giả không trọng danh dự thì làm sao có thể hạ sinh tác phẩm “quằn quại” trong danh dự? Có một bản mẫu kinh điển cho chúng ta, đại văn hào – thi hào Puskin do tư tưởng cấp tiến cách mạng đã từng bị đày đi Sibir, ông đã viết nhiều tác phẩm có cảnh đấu súng cao thượng và dũng cảm, đến lượt chính bản thân ông đã thách đấu súng với viên sĩ quan kỵ binh Georges d'Anthès, rồi mất mạng. Puskin không chỉ là tác giả vĩ đại mà còn là nhân vật kiểu mẫu vĩ đại cho chính sách vở của mình. Vậy mà khi tôi khen Puskin, có một nhà thơ Việt nói: Puskin cũng là nhà thơ, thì Nguyễn Du cũng là nhà thơ, hai người đó ngang ngửa nhau thôi. Một lần khác tôi nói: dân tộc Thụy Sĩ khác hẳn Việt Nam vì họ làm ra đồng hồ từ nhiều thế kỷ rồi, còn Việt Nam mới chỉ có rổ rá. Liền nghe một anh trình độ kỹ sư nói “đồng hồ cũng là phương tiện, rổ rá cũng là phương tiện, nên chúng giống nhau”.

Làm sao chúng ta có thể đàm luận với những người không có khả năng phân biệt, hoặc cố tình không phân biệt. Tôi có nói: so Nguyễn Du với Puskin chẳng khác gì đem quả pháo Bình Đà ra so với tầu vũ trụ của Nga. Danh dự là đề tài tột đỉnh, vậy xin bàn tiếp về nó trong bài sau…”

Trung Tran : Bài viết hay nhưng riêng về Puskin thì TG hơi quá đấy. Theo thống kê của các nhà Puskin học, cuộc đụng độ với Dantes ít nhất cũng là lần thách đấu thứ 21 trong cuộc đời của nhà thơ. Dantes là anh em đồng hao với Puskin. Trong 15 lần nhà thơ chủ động thách đấu có 4 lần đã xảy ra đấu súng, còn những lần khác không xảy ra do hai bên đã được bạn bè hòa giải; 6 trường hợp Puskin nhận lời thách đấu của đối phương. Lần thách đấu đầu tiên của nhà thơ xảy ra ở trường trung học hoàng gia....Nhiều khi nguyên nhân chỉ từ những tranh cãi nhỏ nhặt, Puskin gọi đối phương là kẻ đểu cáng, vậy là xảy ra thách đấu. 

Thách đấu là một nét tính cách đáng sợ. Tên của nhà thơ Puskin từng bị cảnh sát ghi trong danh sách “đen” những người không thích hợp với bình yên của xã hội. Lịch sử các lần thách đấu của Puskin cũng chính là lịch sử cuộc đời ông. Chúng cho thấy đầy đủ tính khí của nhà thơ – nôn nóng, nhẹ dạ, quyết liệt, dễ bị kích động, hay khiêu khích…và bệnh hoạn... Cái chết của ông là do ông và người anh em đồng hao cùng yêu cô em út của hai bà vợ... Ông này thơ hay nhưng nhân cách sao theo được cụ Nguyễn Du mình... Cũng vì ông ta viết bài thơ về " Những người tháng chạp " nên những người chống Nga Hoàng thích và coi ông là thần tượng. Lermontov là một ví dụ.

Thách đấu không phải lúc nào cũng là bảo vệ danh dự. Nhiều trường hợp nó là vô văn hoá, không có khả năng kiểm soát hoặc bị lợi dụng. Nhiều thiên tài đã bị hại vì chuyện đó như Galoa, Li…     

Trong bài của ông Paul ,tôi cũng lần đầu tiên được thấy nói Puskin bị đày đi Syberie. Tôi chỉ biết sau khi rời Sankt-Peterburg, Pushkin đã đi xuống miền nam nước Nga, tới Kavkaz và Krym, Moldova, Kiev.

===

HNLX

(Vì sao LX tan ra )

Thời Stalin mọi thứ đổ cho Beria. Cái này thì là một truyền thống rồi. Có điều ngay từ khi tôi là SV, khi học sử lớp tôi đã chẳng thấy ai tin. Đi thi thì cứ phải nói theo thầy thôi để được điểm cao. Thầy cũng không tin. Một xã hội mọi người đều giả vờ với nhau. Hồi năm 87 tôi làm chuyên gia GD ở sa mạc Sahara với 31 chuyên gia khác từ các nước CH Liên Xô. Cũng có một cậu là Bakhaev, là zamzaveđusi BM SBVL của trường Mici ( XD Moscow ) cậu ta cũng hay nói như vậy. Một lần đi dạo với Fedia PGS ở Minsc, cậu ta nói với tôi về Bakhaev : " LX sụp đổ vì những người như vậy, giả dối và giả vờ ". Một đất nước chỉ xuất khẩu tài nguyên để XDCNXH, hàng hóa không có sực cạnh tranh, khan hiếm đổ cho là người nước ngoài sang mua hết. Cái gì không bình thường thì rất khó bền

===

- Vừa nghe đến Thuyết Tiến Hoá là bao người giãy nảy lên nghĩ ngay đến chuyện phải làm hậu duệ của con khỉ Tôn Ngộ Không mà .... không muốn nghĩ gì thêm nữa nói chi đến việc tìm hiểu GA hay ET.

- Mà lại còn vin vào Chúa nữa rồi " Khoa học đã phải cần đến Chúa ", đại loại như thế. Trời ạ. Khoa học là cái Anh nào mà tìm Chúa dữ vậy. Nếu là các nhà Khoa học thì họ lại mỗi người một ý. 5 Anh ( có Einstein ) tin ở Chúa thì cũng 5 Anh khác chẳng cần đến Chúa, lại tin cái con khỉ

- Thôi dùng " Thuật giải bày đàn tối ưu - Particle swarm optimization " cho nó đỡ lăn tăn vậy. Cứ xem đàn chim nó bay đi kiếm ăn sao thì bắt chước vậy.

>Đàn chim nó chẳng quan tâm gì quá khứ . Những cái đã qua luôn buông bỏ cho nhẹ đôi cánh.

Nó chỉ quan tâm : a-Đang ở đâu trong cái thế giới này, b- Đi về đâu để có thức ăn mà sống sót.

Điều Khiển Học mà, chỉ có trong giây phút hiện tại. Cái này mấy bác truyền thông, mấy cô nhà thơ gọi là SỐNG TẬN, SỐNG SÂU rồi bao nhiêu thuyết trình, hội thảo. Khiếp. Chim nó nghĩ và làm từ tám hoánh rồi, cũng chẳng mất thời giờ với những quyển sách dày cộp lắm chữ, những hội thảo chật nich vỗ tay.

> Và mỗi cá thể phải ra quyết định bay hay nói cách khác từ trạng thái i xác lập trạng thái i+ 1.

Muốn thế : a- phải so mình với mình trước ( Loacal ), b : So với cái ngoài mình ( Global ) rồi kết nhập thành một c nhờ trọng số k : c = k*a + ( 1-k)*b

> Cũng không cần trả lời câu hỏi về thông tin giữa các con chim trong đàn, từ đâu ra, có phải có trường thông tin nọ kia, có Chúa không, lại luẩn quẩn rối mù. 

===

Hãy ngắm một đàn chim hay cá chuyển động, cả một quần thể nhưng có một sợi dây vô hình tạp một chuyển động như một vũ điệu Tự Nhiên kỳ diệu

===

Ba người bạn học Trung Tran 


- Năm xưa trở về VN đến chơi nhà Hùng hỏi về Văn chương. Cái thì Hùng nói, cái thì Hùng leo lên gác mang xuống, vở ghi, chữ nhỏ ly ti.

Hỏi Hùng có viết lách gì không. Hùng nói chỉ ghi lại. Viết gì nữa, người xưa viết hết rồi. Cứ nghĩ đi một cái gì định viết, nghĩ lại đã thấy ai đó viết rồi. Không Ta thì Tàu, không thì Tây, các cụ nó ăn hết chẳng để lại gì cho con cháu cả.

May quá, mình ít đọc các cụ, mà có đọc cũng hay quên. Thế là lúc rỗi cứ viết đại đi. In xong tập truyện ngắn tặng Hùng đầu tiên. Không thấy Hùng đọc xong chỉ nói " Người chẳng giống ai, Văn cũng vậy ".

- Gặp Quý, thấy GSTSKH viện trưởng viện DT say sưa với di truyền biến đổi gen. " Chết thật, ăn xong những thứ này con người có bị đột biến không " tôi hỏi. Quý không trả lời. Sau thấy Quý chuyển sang cây cảnh. Thứ này chỉ ngắm chơi, không ăn, không sợ.

-Lại gặp Tiến. Anh bạn GĐ xưởng phim, Đạo diễn kiêm Nhạc sỹ đang cho ra một loạt bộ phim phong trào. Tôi hỏi Tiến bộ phim nào giá trị nhất của VN . Tiến nói chưa có. Vấn đề té ra là cần tác phẩm văn học giá trị đã kiểu như " Những người khốn khổ " , " Tiếng chim trong bụi mận gai " hay " Chiến tranh và Hoà Bình " ấy.

" Truyện Kiều ấy, vĩ đại nhất còn gì " - Tôi nói. Tiến lắc đầu :" Hay thì Tầu nó đã làm, mà nó làm thì hay gấp mấy lần mình, truyện của nó, đỡi Minh năm Gia Tĩnh "

Thôi, tôi thử viết tặng Tiến một kịch bản vậy, về sự ra đời của phim ảnh VN dựa theo một ý trong truyện ngắn " Không có nổi bộ phim - Bản Tango Italiano NXB HNV 2014 "

Và luôn luôn trong đầu tôi một câu hỏi : " Sao có những con người tôi đã gặp, đang gặp. Họ cũng tốt, không kém những người Tây. Thế mà Đất Nước tôi như vậy, toàn tham nhũng, tha hoá, đến bữa cơm ăn cũng sợ có bao chất độc trong đồ ăn, đồ uống. Bệnh viện thì chật ních người. Sao có những nhân vật mà không có nổi bộ phim "

===

- Năm ấy trở về VN có gặp mấy bác nhà Thơ. Có bác yêu cầu tôi đọc Thơ. Tôi chọn bài " Ru Con " cho lành. Không may trong bài lại có câu:

" Lớn lên còn có bao điều

Mấy ai ru lại truyện Kiều nữa đâu "

Trời, thế là có bác Cảm xúc trào dâng xừng xộ luôn, rồi chuyện lại lan cả sang xỉ vả cái nước Ba Lan mà từ đó tôi trở về. Khiếp. Tôi chào các bác ấy và trước khi về tôi đã nói là các bác bớt Cảm Xúc đi, Tư duy nghiêm túc hơn đi thì Thơ Việt mới khá được. Để có câu đó tôi đã hỏi khoảng 10 bà mẹ. Câu trả lời là chẳng có ai ru con bằng truyện Kiều cả. Nó xưa rồi.

- Chắc các bác Thơ Văn tưởng ai cũng thích truyện Kiều cả. Con người nhiều khi đến với Văn Chương vì họ cần tìm một Tấm gương để noi theo, để sống sót trong cái Thế giới đầy gian trá này chứ đâu kiểu " Nhắm mắt đưa chân ". Cụ Ngô Đức Kế, cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng nói tác hại của truyện Kiều mà. Chắc các bác ấy chưa hề đọc.

Và chắc là các bác ấy tiếp tục lẩy Kiều và mặc kệ Paul Duc kêu.

- Nguyễn Hoàng Đức: Ở Việt Nam tác phẩm đỉnh cao lại là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhưng, đáng tiếc thay đây là phó sản của văn học Tầu, mà có Hội nghị văn học Trung Quốc đã xác định: Truyện Kiều của Nguyễn Du được phái sinh từ “Đoạn trường tân thanh” của Thanh Tâm Tài Nhân, chỉ là tác phẩm hạng hai của Tầu. Và họ còn khẳng định: Truyện Kiều không thể hay hơn bản chính về mọi góc độ.

===

** Cơ Hội Việt – ST trên FB “  


Sau Thời săn bắn hái lượm ... kể từ khi được học chữ viết tới khi được Tây Lông khai Sáng xứ này hoàn toàn không có khái niệm về các môn khoa học, toán học ... => không có tư duy logic; không có khả năng tiếp cận, không hiểu và cọi nhẹ mọi sự việc, hiện tượng thuộc về bản chất của nó; mọi triết lý, lẽ sống ... tóm gọn trong cái hũ "sách thánh hiền"; thứ văn hóa vay mượn đã "hóa thạch" từ hàng ngàn năm ...


Lẽ ra khi cái "hũ" được Tây Lông khui ra mà biết nắm bắt cơ hội thì cũng đã có thể "rũ bùn đứng dậy chói lòa" như Nhật Pủn; đó là lần một.


Lần hai: Một anh nhảy tàu đi học nghề làm bánh Tây bất thành bị đày xúc than phẫn chí đã dày công đánh đuổi một nền văn minh nhớn với những tinh hoa khoa học; văn hóa, nhân văn và lãng mạn (tất nhiên phải cậy nhờ ngoại bang đùn đít, bảo kê).


Lần ba: Thừa thắng xông lên bởi sự cổ vũ của bọn "xuỵt chó bụi rậm" ảnh và đại đệ của ảnh đuổi luôn một nền văn minh mới; tổng hợp của các nền văn minh nhân loại, thiết thực và hùng cường.


Lần 4: Lại có thêm một cơ hội hi hữu để "rũ bùn đứng dậy" thều thào thêm lần nữa khi bức tường Bá-Ling sụp đổ nhưng đau quá; một cái gen gì khí đó nó trội lên nên "lại giống", lẽ ra phải đứng lên thì tiểu đệ của ảnh lại đi hấp mặt vào lùn; "ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn" ...


Có điều "ao" nhà ảnh" lại chưa xứng gọi là ao; dù có tát đi, vét lại, "Đổi mới", nâng cấp ... gì gì thì thực ra cũng vẫn chỉ là cái vũng trâu đầm mà thôi!!!

===

** ƯỚC MƠ MỸ_NGA VÀ SỰ HỤT HẪNG **

Có 2 ƯỚC MƠ : Ước Mơ Nước Nga ( đã đi vào quá khứ ) và Ước Mơ MỸ - American Dream ( Hình như cũng đang đi vào quá khứ ). Vì đâu đến nỗi này, Nhân Loại ??? Thử tìm ra 3 lý do.

- Theo cái gọi là Văn Hóa Bản Địa của HĐTN có trong Siêu Phẩm " Mỹ Nhân Và Tiếng Thở Dài Thi Ca " đang làm hoang mang những cái đầu Thơ Việt thì tôi nghĩ Ước Mơ cũng là một dạng Nằm Mơ. Nó mang tính Bản Địa và nếu nghe THi NHân giảng giải thêm thì ta càng rối. Tóm lại nó là của riêng, không thể vay mượn được. Nếu cứ vay mượn thì sẽ chỉ méo mó. Con người cũng vậy mà quốc gia cũng vậy.

- Và Cảnh giác với những cái Mỹ Từ đang tràn ngập đánh vào Cảm xúc con người. Ước Mơ không thể cho, biếu, xuất cảng.

Ước Mơ Mỹ là của nước Mỹ, nó chỉ là Tấm Gương viết Hoa và để Xa, nước Mỹ chỉ là hàng mẫu bày trong tủ kính để chúng ta tham khảo, học tập Ý Chí còn ta phải tự làm Ước Mơ của ta.

Cái gọi là Chia sẻ Ước Mơ, cái gọi là Trách Nhiệm hay Sứ Mạng lo cho toàn Thề Giới, Giải Phóng loài người của Nga, Mỹ làm loạn TG, loài người. Hãy lo cho mình, ích kỷ cũng được nhưng không giả dối.

- Và hãy trở về với Phật Giáo Nguyên Thủy, Tiểu Thừa. Hãy tự giác ngộ, hãy tự học bình an, hãy soi đúng cái từ BẢN ĐỊA mà HĐTN viết, không bấu víu ở bên ngoài, không thêu dệt hỏng hết.

Hãy cho mình thật tốt, là tấm gương thôi, không rao giảng phí công. Ai Noi Theo được để Tự Mình thì tốt. Trong kinh điển Pali, Đức Phật tuy trải qua 45 năm đi giảng dạy (có tài liệu nói là 49 năm), ông tuyên bố chưa từng nói lời nào.

Loài người trong Thế Giới Phẳng nhờ Công Nghê đang như những chiến thuyền Tào Tháo xích với nhau. Trận Xích Bích bắt đầu, lửa cháy. Có kịp tháo các dây xích ra không để khỏi lây lan, chết cả lũ.

Cũng không cần đọc Tam Quốc để hiểu điều đó. Chỉ cần bớt Mỹ Từ đi thôi, bớt thơ đi. Chắc Trump không đọc thơ, không LÚ như Obama

===

** LÒNG TIN VÀ ĐỨC TIN**

" Từ Stt năm xưa "

- Tôi quê ở Nam Định, bà ngoại lại ở Vụ Bản nơi có ông Nguyễn Bính. Dân vùng này thiên về Chữ. Có điều ông nội tôi, một nhà giáo Tây học thì rất dè chừng với cái truyền thống đó. Ông muốn tôi theo Khoa Học Phương Tây, hay lấy nước Nhật làm gương cho khỏi nhục. Ông dị ứng với chữ vuông vì theo ông từ đó đến hủ nho là một khoảng cách rất gần, lẫn lộn. Sau này tôi biết ông chịu ảnh hưởng của NAM PHONG. Tất nhiên vì ông dậy học nên nhiều sách nhưng có thể do gần nhà tôi có lò võ và tôi chúi vào chủ yếu là những truyện kiếm hiệp, Anh hùng Mỹ nhân như " Giao Trì Hiệp Nữ ", " Mắt Thần ", " Long Hình Quái Khách " và như câu thơ của Hoàng Tố Nguyên viết " Đêm nằm mơ đôi chùy Nguyên Bá ".

Cái dở nhất là sau đó tôi không học được Văn Học Việt Nam nữa. Nó cứ là lạ với tôi và tôi vật vã với môn Văn, truyện Kiều, thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên...

May quá tôi thoát. Tôi đi sang Liên Xô học Vật lý Kỹ Thuật. Rồi số phận tôi thế nào ấy. Hầu hết các thầy dậy tôi là người Do Thái. Ai đã đọc " Thép đã tôi thế đấy " thì biết trận càn Do Thái trong truyện là ở thành phố Kharkov.

Và người Do Thái cũng không dễ dàng gì với chính quyền Soviet. Lại thêm hai thằng sống cùng phòng tôi Iura và Vova cũng vậy. Chúng cho tôi thấy một nước Nga khác như trong câu thơ của Evtushenko :

" Những con sông mặt đóng băng

Mà dòng lũ vẫn dưới lòng chảy xuôi ".

- Năm 80 tôi có ở AON 10 ngày trước khi đi Tiệp, sống trong phòng với bác Vũ Cao. Các bác nhà văn VN do bác Trần Độ sang học 4 tháng ở đó. Nghe các bác ấy nói chuyện, trăn trở, tôi hiểu phần nào về bức tranh Văn Học Việt Nam.

Nó giống như cái bìa quyển " Miền Nhớ " của Châu Đoàn ấy. Đen kịt, nhưng có những đốm sáng, những điểm sáng. Và tôi bắt đầu chú ý Văn Học quê tôi, đi tìm các đốm sáng đó.

- Hôm nghe một bà hỏi Châu ở quán Cafe : " Sao là Kỹ sư, Võ sư lại đi viết Văn ". Nếu hỏi tôi, tôi sẽ trả lời : " Vì tôi thấy những đốm sáng đó, lại muốn cho mọi người biết ".

Chắc bà này chưa đọc " Những Vì Sao của Dode ", chưa nghe anh chăn cừu trả lời câu hỏi " Vì sao một thân phận anh chăn cừu trên núi lại để ý cô tiểu thư con ông chủ thì tôi sẽ trả lời rằng tôi đã 20 tuổi rồi, và với tôi nàng là đẹp nhất, Stéphanette. "

Và thêm nữa, loài người giống như bầy đàn trong cái hang Plato. Loài người cũng như trong Vũ Điệu Tango, một Vũ Điệu kỳ lạ, dò dẫm, bơ vơ, lạc lõng, bấu víu ghì chặt nhau sợ bỏ ra thì tuột mất, sợ một mình rồi bế tắ, có những thời điểm như bừng tỉnh, quyết liệt rồi lại đổi hướng... bơ vơ.

"Võ cho tôi mạnh về thể chất, văn cho tôi mạnh về tinh thần. Khi đủ mạnh dẫu có bơi ngược dòng bạn sẽ bình thản để ngắm nhìn cảnh đẹp của hoa lá đôi bờ...Trong cuộc đời mọi thứ hiện hữu đều như làn KHÓI. Mới đây rồi lại tan biến.... Hạnh phúc là chính những khoảnh khắc. Sống hết mình với hiện tại " Châu nói.

Nhưng rồi với anh đến nay chưa đủ. Con người mà, dù mạnh đến bao nhiêu vẫn hữu hạn và dù đã có LÒNG TIN vào chính mình nhưng cũng cần ĐỨC TIN. Cảm ơn anh Châu Đoàn đã rất thành thật nói ra *Cái Điều Đó*. Năm mới chúc anh tìm được. Có thể nó ngay bên, rất gần. Chỉ cần nhận ra và mở cửa

===

**Toán học & Thơ Ecenin **

- Đã thôi không động đến thơ thì lại gặp mấy bài thơ dịch của Ecenin trên dòng thời gian FB. Và khoảng đời sinh viên xưa, những bài ca Nga lại như ùa về.

- Nhớ tới Sứ. Anh bạn người Lý Nhân này mơ giải Nobel vật lý, mơ âm nhạc, đi học Piano, mơ thơ nữa. Hắn dịch bao nhiêu thơ của Bloc, Ecenin. Hắn không thích Puskin, nói truyện của ông ta viết khá hơn. Kiêu thế mà mình chịu được, vẫn thân.

Năm thứ hai thế nào Sứ lọt vào mắt xanh của GS Glazman. Ông đưa cho Sứ quyển bài tập " Lý thuyết Toán Tử " bảo sau 1 tuần đến gặp ông nếu giải hết 1000 bài trong đó. Thế là Sứ bỏ học ngồi nhà đọc sách để giải. Tôi tranh thủ nấu ăn cho hắn rồi thỉnh thoảng nghe hắn chia sẻ cách giải. Bài dễ thì tôi giải cũng được, khó thì chịu còn hắn thì khó dễ giải được gần hết trừ 7 bài loay hoay rồi cũng tịt. Xách dép cho đàn bà. Xưa Kovalevskaia chỉ cần 3 hôm đã xong trọn vẹn những gì Weierstrass giao. Nhưng cũng không phải đến gặp lại ông Glazman nữa. Ông GS người Do Thái nhảy từ tầng 7 xuống tự tử. Sứ bỏ học đi đưa tiễn ông với quyển sách trong tay.

Về sau trong khi đọc sách lại bắt gặp cái tên Glazman, tôi thấy một nỗi buồn vô hạn.

- Còn Sứ về dạy học ở ĐHBK Hà Nội. Nghỉ rồi, hình như vẫn chưa được là giảng viên chính. Ốm, không đi lại được. Bao nhiêu dự định, lý thuyết điên rồ và cả những bài thơ của Sứ, cả những bài thơ dịch nữa đâu rồi. Chỉ để lại một sự tiếc nuối cho những ai đã học cùng Sứ.

Và như bài thơ này vậy. Ecenin cũng đã viết : đừng gọi, đừng tiếc thương, đừng khóc nữa...

===

**ĐƠN ĐỘC**

" Bài Viết dàng tặng Paul Nguyễn Hoàng Đức, Trần Sỹ Kháng và Chau Doan. "

- Ba người Đàn Ông thực thụ, ba cây viết không giống ai, không được đào tạo theo cái Chuẩn của Hội Nhà Văn hay trường Viết Văn Nguyễn Du gì đấy. Nói tóm lại là IRREGULAR hay NONSTANDART.

Thực ra hiện tượng không mới. Xưa Văn thì đã có một Nguyễn Huy Thiệp rồi, sau lại có Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu. Thơ thì có Dư Thị Hoàn. Các nhà phê bình hay ban giám khảo Văn Học thì chỉ biết ngơ ngác.

- Phải làm gì chứ. Xưa khi Thiệp ra truyện đã có ý kiến cho anh chàng này đi học trường viết văn Nguyễn Du. Ông Nguyễn Minh Châu ngăn " không được, đừng biến Thiệp thành chúng ta ".

Mà có đi học thì cũng chưa chắc đã được. Sản phẩm vẫn có thể HỎNG. Trường viết văn Gorki cẩn thận thế mà lại để lọt ra cái ông Aimatov với " Cây phong Non Trùm Khăn Đỏ ". Trong xã hội Soviet tươi đẹp thế mà lại viết về Những Số Phận Đơn Độc, Những Bi Kịch Cá Nhân, Những Gì không có trong giáo trình, những nhân vật không điển hình. Khổ.

- Tôi may mắn được gặp Paul Duc không chỉ một lần. Anh ta có Đức Tin ở Chúa, lâu không gặp nhưng anh đã đi vào " Bức Tranh Thơ - Bản Tango Italiano NXB HNV 2014 " như một nhân vật. Qua lại Cafe với ông bạn học Trần Sỹ Kháng thì hàng tuần. Hồ Đồ Thi Nhân có Đức Tin ở Phật và cũng đã có mặt với tên Trần Sỹ Kháng trong Tiểu thuyết sắp in " Những Ngọn Sóng đơn Độc ". Gặp Chau Doan một lần. Anh đang đi tìm Đức Tin. Sự Hữu hạn, cũng có thể là sự Đơn độc thì Đức Tin chính là chỗ dựa. Không phải là Đám Đông đâu

===

**NHÂN CÁCH LỚN**

Hồi sống ở Ba Lan có lần tôi đi xe từ Warsawa về Crakow, nửa đường vào một Quán ăn nghỉ. Có một chiếc xe đi qua và người trên xe xuống hỏi tôi gì đó về địa chỉ. Tôi bảo vào hỏi cô chủ quán vì tôi cũng là người đi qua. Ông ấy vào hỏi xong lúc ra chào tôi thân thiện. Tôi trông thấy quen quen. Lúc trả tiền tôi nói điều đó với cô chủ quán. Cô ấy bảo đó là cựu thủ tướng Mazowiecki xưa. Tôi có thấy ông ấy trên TV tuần trước nhưng không để ý là ai, bật sang Pro7 để xem các cô gái Florida. .

Người ta nói về ông sau này, một lời khen ít dành cho các nhà chính trị như ông Wujec (lãnh tụ của CĐĐK) tưởng nhớ Mazowiecki. "Một nhân cách lớn”.

Muốn hiểu họ lấy đâu ra sức mạnh để trở nên nhân từ và dũng cảm, xin mượn lời Franz Kafka cho lời kết:

"Bằng cách tin nồng nhiệt vào điều chưa hề tồn tại, chúng ta tạo ra nó. Và điều gì đó chưa tồn tại chỉ là vì chúng ta ham muốn nó chưa đủ."

Khi làm Thủ tướng ông Mazowiecki hiện thân cho tinh thần 'xóa bỏ quá khứ' gác lại các vụ dùng hồ sơ mật vụ cộng sản mà chế độ mới tìm thấy để quy tội và truy xét bất cứ ai có cộng tác thật hoặc bị đặt điều, vu cáo là cộng tác với an ninh thời trước.

Trong diễn văn nhậm chức ngày 12/9/1989 ông nói:

"Chúng ta đặt quá khứ lại phía sau một vạch đậm và từ nay, chúng ta chỉ chịu trách nhiệm về hành vi cho tương lai, cho việc làm sao Ba Lan tốt đẹp hơn ngày hôm nay."

Tadeusz Mazowiecki đã được mai táng tại một nghĩa trang bình thường tại ngoại ô Warsaw, bên cạnh người vợ thân yêu của ông, bên cạnh những người bình thường.

THÊM

Sau khi những người cộng sản thua trong cuộc bầu cử năm 1989, theo lời tiến cử của Lech Walesa, Mazowiecki được chọn làm Thủ tướng không cộng sản đầu tiên của Ba Lan. Ông chịu trách nhiệm công cuộc chuyển đổi từ chế độ cộng sản qua chế độ dân chủ đa đảng, cho các cải cách kinh tế cần thiết để thiết lập kinh tế thị trường tự do để loại bỏ loại kinh tế kế hoạch mà thực chất là phân phối duy ý chí gắn liền với tệ nạn chợ đen, tiến hành những cải cách đầu tiên về định chế chính trị.

Ông thiết kế và điều hành nội các theo cách thu hút đại diện mọi phe nhóm có ghế sau bầu cử 1989, ông thu hút tất cả, từ những bộ trưởng thuộc Đảng Cộng sản là Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Giao thông, đến các bộ trưởng thuộc Công đoàn Đoàn kết, vốn là những nhà hoạt động phản kháng trước kia, và các chuyên gia. Ông yêu cầu ở họ đầu tiên là tính chuyên nghiệp, biết lắng nghe với sự tôn trọng mọi ý kiến trái chiều, và đưa ra được những quyết định khó khăn.

Niềm tin và quyết tâm “vạch đường ranh đậm” ngăn quá khứ với hiện tại, thay vì trừng trị ngay người của chế độ cũ, đã góp phần đáng kể vào cuộc chuyển đổi dân chủ đầu tiên trong khối Xô-viết, dù điều này cũng có nghĩa việc mở lại những hồ sơ tội ác trước kia sẽ tiếp tục ám ảnh sinh hoạt chính trị Ba Lan trong nhiều năm sau.

Thầy giáo hướng dẫn NCS của tôi, GS V.B. Grinev ( sau làm PCT QH Ucraina ) có những suy nghĩ rất giống Mazoweski, đó là đề cao tính chuyên nghiệp và biết tôn trọng lắng nghe kể cả đối thủ. Có những lĩnh vực KH ông ấy không biết rõ và hay đòi hỏi học trò tìm hiểu rồi kể lại cho ông ấy, ông ấy học khôn như vậy. Rất tiếc là Ucraina hay Nga không phải là Ba Lan. Dân cũng vậy.

Và các nhà thơ cũng vậy.

====

**CÁI ĐẸP CỨU RỖI THẾ GIỚI**

- Tháng Tết năm ngoái Kiều Thị An Giang nghe đâu được cai thơ cả tháng ấy. Không tin nổi.

- Người đọc thơ cũng lập tức chia ra làm hai loại : a-Bình an...b-Sốt ruột

- Trong khi đó thì các Đại-gia-thơ Giao Trần, Huy Pham Quang, Lê Vĩnh Tài, Viet Ha Tran, Nga Vu, Trúc Vàng, Tầm Thường Hạ Thi thơ lại gia tăng để bù lại khoảng trống mà KA để lại.

Hồ Đồ thi nhân Trần Sỹ Kháng thì cứ từ-từ-thủng-thẳng-thả-thơ-theo-trạng-thái-tinh-thần-tự-tưởng-tượng-tuy-tỉnh-táo-từ-tận-trăm-triệu-tinh-tú-tới-tận Hạ Giới của chúng ta từ nào ấy, chốn Huyền Giới của Ngài và Tây Hồ Ngọc Nữ. Nghe đâu là một số bài nhằm các Thiên thạch đang rơi về trái đất và thay đổi quỹ đạo của chúng. Trái đất bình an. Nhân loại được cứu xong lại tiếp tục sống, lại ra nghị quyết, lại giơ tay, lại đi Lễ Hội, lại ăn cả sạch, cả bẩn- On Mange Tout, lại đi nhảy, lại xem Trấn Thành, Thanh Bạch, Like Ngọc Trinh, lại khủng bố, lại làm giàu, lại chiến tranh, lại yêu, lại ghen... và lại làm Thơ.

Cái câu nói mà ai làm Nghệ Thuật cũng biết của ông Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky " Cái Đẹp Cứu Rỗi Thế Giới " nhưng chưa chắc mấy ai hiểu.

Thực chất là :

THƠ HUYỀN GIỚI CỨU RỖI THẾ GIỚI CHÚNG TA.

“Giữa những gì tôi thấy và nói, giữa những gì tôi nói và im, giữa những gì tôi im và mơ, giữa những gì tôi mơ và quên, là thơ. Thơ len vào giữa có và không; thơ nói những gì tôi im, thơ im những gì tôi nói, thơ mơ những gì tôi quên” - Octavio Paz

“Không nghi ngờ gì nữa, có bao nhiêu bài thơ thì có từng ấy định nghĩa, thậm chí còn nhiều hơn nữa bởi vì các Giáo sư và Nhà phê bình thơ và những Người làm thơ còn đông hơn các Nhà thơ” - Laưrence Ferlinghett

" Văn xuôi lôi cuốn người như dòng nước, đưa ta đi lần lượt, từ điểm này đến điểm khác. Thơ, trái lại, chỉ chọn một ít điểm chính, bấm vào những điểm ấy thì tất cả động lên theo”- Nguyễn Đình Thi

===

**Hoài Niệm Liên Xô**

- Thời tôi làm NCS rồi Cộng Tác Viên KH ở LX thì không có ĐT di động, tìm nhau là khó. Tôi lại hay lang thang, cứ ngồi một tí là nhấp nhổm không yên, có cái gì na ná ông thầy hướng dẫn tôi. GS V.B. Grinev trong đội tuyển vật của Liên bang và đam mê bóng chuyền, câu cá. Một lần đến BM thấy trên bàn tôi có cái cặp của ông. Tôi định xách để lên bàn khác thì ôi thôi, nặng trĩu. Tôi mở trộm xem thì chẳng thấy sách mà là một quyển BKTT to và đôi tạ tay.

- Thời đó LX vui lắm, giờ làm việc mà ngoài đường lúc nào cũng đông người. Mọi người đến phòng làm việc, để túi cặp xong là tranh thủ ...biến. Lại gặp nhau ở các cửa hàng. Kể XHCN cũng vui, xếp hàng cả ngày, đủ mọi thứ chuyện, tranh thủ đọc được khối lúc đó. Thời đó LX chia ra các vùng ưu tiên. Tất nhiên Moscow là nhất. Tôi có Visa dài đi Moscow ( Ở LX người nước ngoài không được ra khỏi thành phố họ sống nếu không có Visa cho phép ra và phải mua vé ở Intourist đắt hơn ).Tôi đi dạng Mission, ghế mềm, bao cấp hết, về lại được thanh toán, lại có dư thêm tiền nên hay tranh thủ lên Moscow chơi. Tất nhiên là nửa thời gian ở đó là trong TV Lenin đọc sách. Sách KH đọc cũng chỉ một phần. Trước khi đi là một bản ghi chép những thứ cần mua cho mọi người, chủ yêu là thực phẩm. Cho mình thì bao giờ cũng là mỡ muối .

Lần nhà Vật Lý Kapisa viết quyển sách " Lý Thuyết, Thực Hành và Thí Nghiệm " làm chao đảo giới trí thức LX, giống như Pie I đã dùng nước lạnh hắt vào mặt con gấu Nga cho tỉnh ngủ, cả nhóm chúng tôi đi xếp hàng mua. Chỉ có Dima mua chui tay được một quyển và rồi cả buổi chiều chúng tôi 5 đứa ngồi thay phiên nhau đọc.

Rồi các cụ lần lượt ra đi. Tôi còn nhớ ông Andropov khi lên làm TBT. Ông ấy mang tư tưởng đại diện cho nhóm Syberi, đưa mọi thứ vào kỷ luật, đầu tiên là kỷ luật lao động. Các đoàn Thanh tra liên tục ở phố, ở các cơ quan.

Một lần tôi đang đi xếp hàng trước mua vé xem phim Ấn Độ ở rạp gần trường thì Vera đến nói thôi không xem nữa, phải về ngay vì có đoàn thanh tra ở Khu ( Raion ) xuống kiểm tra trường. 10 phút sau chúng tôi đã có mặt ở trường nhưng được Vitchia đón và nói về BM lớn ngành chứ không về nơi phòng nơi tôi vẫn làm việc. Đến đó thấy sách vở bày sẵn trên bàn. Tôi được bố trí ngồi chỗ thuận tiện nhất để tiếp khách. Tôi nhìn mấy quyển sách bày trên biết ngay là của Sergei vì toàn các mạch điện, cái mà tôi dốt nhất. Đoàn đến với trưởng đoàn là một bà đeo kính, đi cùng hiệu phó. Mọi người căng thẳng làm việc. Bà ấy thấy tôi và nói chuyện với tôi. Bà ấy hỏi về Việt Nam. Bà ấy yêu Việt Nam. Lúc đoàn về GS chủ nhiệm khoa đến cảm ơn tôi. GS Galacskokov, người đã lên lớp về Dao Động Phi Tuyến thời tôi là SV.

trong ảnh : Hàng đầu có V.B Grinev, Chủ nhiệm B/M sau làm PCH QH Ucraina, sau thua Mỹ Nhân tóc vàng và bỏ sang Mỹ dạy học. Bây giờ ông dạy học ở TH Dnepropetrovsk. Hàng sau từ phải sang thứ 3 là Dima, bỏ sang Mỹ rồi. Tiếp là Edic thay Grinev lãnh đạo BM đến nay. Người cuối bên trái Iura ( quên mất họ ) bỏ trường tham gia lãnh đạo TP Kharkov hồi anh Vượng ở mat xuống mở chợ trung tâm. Lú đó tôi xuống thăm trường năm 93, mùa hè chẳng có ai, bà thư ký đưa cho cái ảnh những người thân thiết của tôi từ 79-83.

===

**CHUYỆN GÁI ĐẸP**

-Gái đẹp được tính suốt từ Kiev đến Lvov ấy, không như gái Nga, chiều cao gái U cà rôt vừa phải, làn da trắng mịn, đôi chân dài thon thả, mắt xanh ngọc, tóc vàng Ukraine được mệnh danh là quốc gia có nhiều phụ nữ đẹp nhất

Tạp chí du lịch nổi tiếng Travelers Digest đã nhận xét thành phố Kiev, Ukraine là “ngôi nhà của những người phụ nữ đẹp nhất thế giới”

-Tuy nhiên nhiều người đẹp quá thì người xấu lại là hàng hiếm. Đó là cái duyên của sự khác lạ mà cái đó thì Gái Việt ta là vô địch. Cứ sang Ba Lan thì rõ nhất. Mấy cô Việt xấu ở nhà mà sang đó bọ trai Ba Lan chết mê chết mệt. Tôi hỏi sao thế. Nó nói là có vẻ riêng, hiếm

- Khi tôi sang dạy học ở Bechar thấy gái Arabe trong trường đẹp như trong truyện cổ tích cũng thấy xốn xang, lại nói bằng cái món tiếng Pháp luôn khiêu gợi. Cậu Ba Lan dạy cùng nói là phải mất một tuần rồi sẽ thấy bình thường. Đúng vậy, rồi nghỉ đông lên Sứ quán thấy mấy cô BS Việt lại thấy lạ, thấy hay hay, trông cũng đẹp

Cứ cô nào ở VN bị chê xấu là sang Ba Lan lấy Tây dễ dàng, mà kỳ lạ là mấy thằng Tây lại rất đẹp, hiền. Bây giờ về VN thỉnh thoảng gặp đôi vợ Việt chồng Tây cũng thấy là như vậy. Đẹp nhìn mãi cũng quen hết xúc động. Chỉ con gái Việt làm người ta xúc động không nguôi như thời tiết vậy

===

" Sau tết vào Facebook thấy mấy ông bạn xứ Phuống của tôi đi lễ hội Thơ, đi Chùa, rồi có những ảnh, bài về Thơ, về Chùa, về xây Chùa nữa mà thấy bồn chồn. Mình bị ốm cứ ăn quẩn HN chán thật. Nhưng thấy các ông ấy chuyển động khiếp quá cũng kinh. Cứ phải thật chắc " những bước chân đo từng tấc đất " như nhà Phật đi khất thực vậy chứ không nên vù vù như trên cái Prado 7 chỗ ấy, thoắt cái Hà Nội, thoắt cái Ca Mau, rồi lại thấy lấp ló nơi Huyền Giới nữa chứ ..."

=== 

- Ai bảo trí tưởng tượng là Vô Hạn. Nói bậy. Thử dùng Tam Đoạn Luận để chứng mính nào : a- Con Người là Hữu hạn ...b-Trí tưởng tượng là của con người...c- Vì thế Trí tưởng tượng cũng là hữu hạn.

- Mấy ông Học giả lại kêu rầm lên là không được dùng Tam Đoạn Luận hay Logic Hình thức để chứng minh mà phải dùng Logic Phật Bốn chiều hay Tướng Không thì sẽ Ngộ ra không cần chứng minh. Cái đó phải hỏi HĐTN và các bác nhà Thơ xứ Phuống

- Ai đó biết tôi học Vật Lý và ngưỡng mộ Einstein nên nói là cái ý " trí tưởng tượng là Vô Hạn " là của cụ ấy.

Kệ, cụ ấy cũng là người, là Hữu hạn, là có đúng có sai. Người ta đang tranh luận thật giả về cụ loạn lên, đạo nọ đạo kia trong KH. Cụ còn thế chấp chi mấy cô nhà Thơ ở ta rồi để cánh truyền thông lợi dụng nói xấu thơ ta không ra gì. Truyền thông là ma mãnh lắm, họ chỉ muốn dân ta tịt bớt thơ, cái món không ra tiền ra bạc dù có ai cho rằng nó giàu Tưởng Tưởng nhất, để tập trung vào những thứ thiết thực như các Show diễn của Hà Hồ, Mr. Dam hay Thanh Bạch thôi. Cứ phải quy ra thóc, ra tiền giống như tỉ phú Trump vậy.

- Thực ra " Trí tưởng tưởng còn lâu mới là Vô Hạn mà là Vô Lý ". Mà sao con người thích cái Vô Lý đến thế. À, vì họ sợ hãi.

===

" Phật giáo Việt Nam cần phải có những bước đi cụ thể gì để thoát khỏi ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, quay lại với đạo Phật gốc" - HT Thích Nhật Từ.

** Phật giáo**

" Đọc sách Tàu càng ít càng tốt. Tốt hơn cả là không đọc, đỡ luẩn quẩn. Tôi đã tự răn mình như vậy. Nhưng các kinh Phật Tàu thì sao. Hôm nay thấy bài viết của HT Thích Nhật Từ. Nhiều chỗ giống mình nghĩ. Thực chất tôi tìm đến Đạo Phật chỉ ở Phật giáo nguyên thuỷ. Còn tiếp theo tôi thấy đầy mâu thuẫn và dừng lại, không đi tiếp nữa. Tù mù, huyền bí, cầu xin, đánh vào nỗi sợ hãi, trái với khởi nguồn " - Trần Đức Trung

- Phải mạnh dạn thấy rõ rằng đức Phật chỉ truyền dạy pháp môn duy nhất là Tứ diệu đế. Cốt lõi của Tứ diệu đế là tiếp cận vấn đề, giải quyết vấn đề trên nền tảng nhân quả, và con đường để kết thúc toàn bộ khổ đau của kiếp người là Bát chính đạo. Đức Phật Thích Ca chưa từng dạy pháp môn thứ hai. Khái niệm 84,000 pháp môn do Trung Quốc đặt, đã gây ra ngộ nhận lớn và đẩy đức Phật vào tình thế bị người ta hiểu lầm là tự mâu thuẫn. Nếu đi theo pháp môn một thì đức Phật mâu thuẫn với 83999 pháp môn còn lại. Một người tự mâu thuẫn với quan điểm chính của mình một lần thôi đã đánh mất niềm tin ở quần chúng, huống hồ là mâu thuẫn chừng ấy các quan điểm. Vì Trung Quốc muốn đề cao các pháp môn mà họ sáng tạo, theo phong cách tiếp biến văn hóa của họ, nên họ đã đặt ra con số 84,000 pháp môn.

- Đố ai tìm ra được pháp môn thứ hai ngoài Tứ diệu đế trong kinh tạng Pali, kinh tạng A-hàm và kinh tạng Đại thừa. Mười tông phái Phật giáo Trung Quốc là nỗ lực riêng của nền văn hóa Phật giáo Trung Quốc, không can dự gì đến Phật giáo Việt Nam. Cái hay, cái dở đó là dành cho người Trung quốc, chứ không phải cho người Việt Nam. Nếu Trung Quốc hãnh diện tự hào về mười tông phái và đề cao ngài Huệ Năng như ngài Phật sống, thì Việt Nam chúng ta có ngài Trần Nhân Tông, vị vua duy nhất trên hành tinh đi tu, trở thành một nhà minh triết lỗi lạc, vượt trội hơn cả ngài Huệ Năng. Về triết lý và các đặc điểm thì Phật giáo Việt Nam không thua kém gì Phật giáo trong khu vực và trên toàn cầu, do đó Phật giáo Việt Nam không cần thiết phải vay mượn Phật giáo các nước khác.

===

**Hình Như **

" Một trong những thành công ở LX là cải tạo công nông hóa giới quý tộc. VN ta cũng thành công. Mấy nước Đông Âu thì không triệt để lắm. Đầu tiên là xưng hôn vẫn gọi QT là Ngài, vẫn hôn tay phụ nữ, vẫn coi trọng văn hóa khiêu vũ và nhiều cách sống cũ....."

Hôm nay Hình Như là ngày BS. Đang lúng túng không biết viết gì tặng các BS thì thấy trên tường Nguyen Phuong Anh có bài viết về TTQT mà thấy chút mung lung. Tôi cũng ít nghĩ đến khái niệm đó vì bản thân là con nhà nghèo, bình dân nên giờ trong đầu cũng chỉ là HÌNH NHƯ về giới Quý Tộc và Tinh Thần của giới đó

-Hình như Quý tộc không chỉ là giàu mà đó là dòng dõi, mà không phải chỉ một đời mà phải nhiều đời.

Hình như Quý tộc không phải do giới Bình dân nghĩ ra mà do giới Quý tộc chấp nhận.

Hình như ở Tàu và Ta không có giới Quý tộc, có Quan Lại thì thường là Tham và Bẩn, có Nhân sỹ thì Sạch nhưng thường là Nghèo và Gàn, có nhà Giàu thì thường là Trọc.

- Nói đến hai từ Quý tộc là tôi nghĩ ngay đến chàng Donkihote và những dòng họ Don của Tây ban nha, nghĩ đến những De của Pháp, Von của Đức kiểu như dòng Tôn Thất hay Công Tằng của thời Nguyễn ở Huế. Tuy nhiên đó chỉ là dấu hiệu bề ngoài thôi.

Trở lại với Quý Tộc ở Anh. Nhận dạng họ như thế nào. Có lẽ trước hết là họ rất lịch lãm, khả năng làm chủ kiểm soát cảm xúc rất tốt ( chứ không Vỡ òa như mấy ông trong vụ U 23 vừa rồi ). Họ rất hay tự vấn " To be ỏ not to be " như HT Hamlet và thận trong trong cư xử với phụ nữ từ cử chỉ đến lời nói theo khuôn phép được đào tạo trong giới họ.

Thực ra nhận dạng cái đó chỉ là bề ngoài. Cái bên trong của họ đó là : Có Học và Cao Thượng.

- Tôi cũng có mấy anh bạn gọi là kiểu quý tộc. Nhớ lại thì hồi NCS ở LX tôi hay sang nhà anh bạn Tài Trung NCS ở trường XD chơi. Cạnh đó là trường Văn Hóa nhiều chị em mình học. Tài Trung thì không cần, hắn đưa cô bạn Nina đến sống cùng. Trong phòng còn Marec NCS Ba Lan. Marec đẹp trai lắm, ăn mặc cũng vậy, chải chuốt, có cái gì giống anh chàng trong ảnh với cái khăn quàng thả xuống. Nhưng Marec nghèo, có vợ ở BaLan. VN thì giàu hơn vì còn thêm buôn bán.

VN rất hay chơi vui cùng nhau, hỗ trợ nhau buôn bán, giải trí. Một hôm chúng tôi nhảy nhót xong đi nấu ăn, phải đến chục người cả nam cả nữ , các món bày lên, nem, thịt, rượu trên chai lọ, giấy báo, thìa đũa lộn xộn nhưng rất vui. Marec về và chúc chúng tôi ăn ngon, chúc cứ tự nhiên rồi xin mọi người để dành cho một cốc nước chè. Anh chàng ra bếp rán xúc xích và luộc trứng. Rồi anh ta về bàn của mình đặt quả trứng lên cái chén lấy thìa đập, cổ lại còn giắt khăn trắng. Quý tộc được giáo dục như vậy mà.

Họ được giáo dục cư xử, biết cách cầm tay, hôn tay, tặng hoa và khiêu vũ nâng niu phái đẹp chứ không như chúng ta, cảm xúc trào dâng là Vỡ òa, muốn ăn tươi nuốt sống ngay cho đã.

===

**ĐHBK Kharkov** 

- Năm 67 tôi rời Tashkent đến ĐHBK Kharkov học Hóa. Hết một năm xin chuyển lên học Vật Lý Kỹ Thuật và dành thời giờ cho thư viện. Cạnh nhà là Thư Viện đọc sách gồm hai phòng KH và VH. Hình như thời SV mình ngốn nhiều quá, đủ dùng cho cả thời NCS. Thời NCS đọc ít, chỉ quan sát và suy ngẫm nhiều thôi.

- Có thể cũng do số phận ghép hai VN chúng tôi vào cùng ở với Iura và Vova. Hai thằng khác hẳn tính nhau nhưng lại cho chúng tôi thấy một nước Nga nói riêng và LX nói chung không giống như chúng tôi được học trong nhà trường. Đúng là không để ý thì không thấy. Với lại cái khoa VL kỹ thuật ấy do Landau xây dựng rất nhiều thầy giáo và SV Do Thái. Đôi khi họ làm tôi ngỡ ngàng ví dụ như khi đi thi sử được câu hỏi vì sao CMT10 thành công ở Nga. Tôi trả lời như trong sách " vì đó là mắt xích yếu nhất của CNĐQ, vì...." và được 5 nhưng trước khi về ông thày dạy Sử nói là vì nước Nga nhiều Vàng và rộng lớn lắm tài nguyên quá và vì công nhân Nga đói quá, vì Đại Chiến II....Nếu không có ba cái đó không có CMT10. Không có ông Lenin nọ thì sẽ có ông kia, không Đảng nọ thì Đảng kia. Nước Nga cần nổ và có quá nhiều năng lượng cho vụ nổ. Chỉ khi tài nguyên cạn thì xịt.

- Năm 79 tôi sang NCS, BK Kharkov có khoảng 10 SV, lại ở rải rác ( hồi xưa khoảng 500 SV sống gần nhau hơn). Dưới nhà tôi có 2 cậu SV người HN. Một đứa rất lăng nhăng thay gái như thay áo. Đứa kia thì chung thủy, sống với một cô người Moscow sau lấy làm vợ và dọn lên ở Moscow.

Cũng như VN thôi, xưa và nay khác nhau nhiều lắm. Hoài niệm luôn đi kèm với tiếc nuối.

Hình như có một cái gì đó ít thay đổi. Đó là các thầy cô giáo Nga. Họ quý VN.

Cái món múa rối là do Trần Sỹ Kháng, Do Dinh Khang sống cùng phòng tôi nghĩ ra. Tôi thì ít thú vị với những thứ dân gian ấy lắm. Thời giờ rỗi mùa đông toàn trốn đi trượt băng nghe nhạc. Cũng may ông bạn Khang sống cùng phòng hiền lành, không tố cáo để đuổi về nước.

Thực ra cũng có đứa phiêu lưu hơn tôi. Một lần tôi gặp nó thấy mặt rộp lên. Hóa ra nó cùng bọn Tây leo núi bị bỏng TUYẾT. Nó muốn lấy được cái bằng HLV leo núi. Tôi quên mất tên cậu ta và cũng không kể với ai hồi đó.

Bọn con gái thì sống hiền hơn, ít máu phiêu lưu, quẩn quanh là yêu loanh quanh trong KT

===

- Công Lý là cái Lý của Công Chúng. Hiểu vậy thì Công Lý luôn thay đổi theo con người nghĩa là theo thời gian, không gian vì con người phụ thuộc những yếu tố đó. Như vậy Công lý là Tương đối.

- Chân Lý : khái niệm dùng để chỉ những tri thức có nội dung phù hợp với thực tế khách quan; sự phù hợp đó đã được " kiểm tra và chứng minh " bởi thực tiễn.

Có điều Trí Thức của chúng ta không thể có được nếu không có Ngôn Ngữ ( Khởi Thủy là Lời _ Kinh Thánh ). Nhưng ngô ngữ mang tính Mờ-Fuzzy nên có nhiều khoảng trống " Bất - định 1 " mà mỗi anh hiểu một cách hay nói cách khác không thống nhất trong khái niệm. Ví dụ như TY, Tự Do, Hạnh Phúc hay THƠ ấy. Là cái gì thì còn cãi nhau cho đến khi loài người còn. Logic là cơ sở chi suy luận Trí thức thì bị Định Lý Bất Toàn Godel vô hiệu hóa ở những Khoảng Trống

" Bất định 2 " nằm ngay trong sự vật ( nguyên lý Bất Định Heisenberg )

- Và trong VL của HĐTN Trần Sỹ Kháng thì quả thật vai trò Người Quan Sát rất quan trọng. Hình như có một sự gắn bó giữa Sư Vật và Con Người và Sự Vật nó rất " ma quái " tùy Người quan sát nó.

Thế thì phải làm gì. Có một công cụ mà con người nếu chấp nhận và hy sinh, bỏ qua những Khoản Trống để sống với những thứ còn lại là Logic Hình Thức, cơ sở cho Toán Học thì KHKT sẽ phát triển và đất nước sẽ mạnh lên, Thơ Văn, Nghệ Thuật sẽ khác. Sẽ là Piano, đành phải hy sinh cái Đàn bầu

Hóa ra bơ vơ với " Bất định 1 ", " Bất định 2 " con người chợt tỉnh ngộ, quay lại bấu víu vào " Cạnh tranh sinh tồn trong Thuyết Tiến Hóa ".

Vậy có thể nói 2 Chân Lý Tuyệy Đối : a- Vô Thường ( không thể 2 lần qua một dòng sông và không thể chỉ một người ). b- Cá Thể hay Quần Thể không Thích Nghi sẽ biến mất, không còn cái LÝ để có mặt.

Riêng cái (a) có thể thấy trong câu thơ của Szimborka, câu thơ của Trí Tuệ

" Không có gì xảy ra hai lần

....

Dù có là học sinh dốt nhất trần đời 

Chúng ta cũng không thể hai lần đúp cùng một lớp"- Szimborka

===

** ƯỚC MƠ MỸ_NGA VÀ SỰ HỤT HẪNG **

Có 2 ƯỚC MƠ : Ước Mơ Nước Nga ( đã đi vào quá khứ ) và Ước Mơ MỸ - American Dream ( Hình như cũng đang đi vào quá khứ ). Vì đâu đến nỗi này, Nhân Loại ??? Thử tìm ra 3 lý do.

- Theo cái gọi là Văn Hóa Bản Địa của HĐTN có trong Siêu Phẩm " Mỹ Nhân Và Tiếng Thở Dài Thi Ca " đang làm hoang mang những cái đầu Thơ Việt thì tôi nghĩ Ước Mơ cũng là một dạng Nằm Mơ. Nó mang tính Bản Địa và nếu nghe THi NHân giảng giải thêm thì ta càng rối. Tóm lại nó là của riêng, không thể vay mượn được. Nếu cứ vay mượn thì sẽ chỉ méo mó. Con người cũng vậy mà quốc gia cũng vậy.

- Và Cảnh giác với những cái Mỹ Từ đang tràn ngập đánh vào Cảm xúc con người. Ước Mơ không thể cho, biếu, xuất cảng.

Ước Mơ Mỹ là của nước Mỹ, nó chỉ là Tấm Gương viết Hoa và để Xa, nước Mỹ chỉ là hàng mẫu bày trong tủ kính để chúng ta tham khảo, học tập Ý Chí còn ta phải tự làm Ước Mơ của ta.

Cái gọi là Chia sẻ Ước Mơ, cái gọi là Trách Nhiệm hay Sứ Mạng lo cho toàn Thề Giới, Giải Phóng loài người của Nga, Mỹ làm loạn TG, loài người. Hãy lo cho mình, ích kỷ cũng được nhưng không giả dối.

- Và hãy trở về với Phật Giáo Nguyên Thủy, Tiểu Thừa. Hãy tự giác ngộ, hãy tự học bình an, hãy soi đúng cái từ BẢN ĐỊA mà HĐTN viết, không bấu víu ở bên ngoài, không thêu dệt hỏng hết.

Hãy cho mình thật tốt, là tấm gương thôi, không rao giảng phí công. Ai Noi Theo được để Tự Mình thì tốt. Trong kinh điển Pali, Đức Phật tuy trải qua 45 năm đi giảng dạy (có tài liệu nói là 49 năm), ông tuyên bố chưa từng nói lời nào.

Loài người trong Thế Giới Phẳng nhờ Công Nghê đang như những chiến thuyền Tào Tháo xích với nhau. Trận Xích Bích bắt đầu, lửa cháy. Có kịp tháo các dây xích ra không để khỏi lây lan, chết cả lũ.

Cũng không cần đọc Tam Quốc để hiểu điều đó. Chỉ cần bớt Mỹ Từ đi thôi, bớt thơ đi. Chắc Trump không đọc thơ, không LÚ như Obama

===

===

**Toán học & Thơ Ecenin **

- Đã thôi không động đến thơ thì lại gặp mấy bài thơ dịch của Ecenin trên dòng thời gian FB. Và khoảng đời sinh viên xưa, những bài ca Nga lại như ùa về.

- Nhớ tới Sứ. Anh bạn người Lý Nhân này mơ giải Nobel vật lý, mơ âm nhạc, đi học Piano, mơ thơ nữa. Hắn dịch bao nhiêu thơ của Bloc, Ecenin. Hắn không thích Puskin, nói truyện của ông ta viết khá hơn. Kiêu thế mà mình chịu được, vẫn thân.

Năm thứ hai thế nào Sứ lọt vào mắt xanh của GS Glazman. Ông đưa cho Sứ quyển bài tập " Lý thuyết Toán Tử " bảo sau 1 tuần đến gặp ông nếu giải hết 1000 bài trong đó. Thế là Sứ bỏ học ngồi nhà đọc sách để giải. Tôi tranh thủ nấu ăn cho hắn rồi thỉnh thoảng nghe hắn chia sẻ cách giải. Bài dễ thì tôi giải cũng được, khó thì chịu còn hắn thì khó dễ giải được gần hết trừ 7 bài loay hoay rồi cũng tịt. Xách dép cho đàn bà. Xưa Kovalevskaia chỉ cần 3 hôm đã xong trọn vẹn những gì Weierstrass giao. Nhưng cũng không phải đến gặp lại ông Glazman nữa. Ông GS người Do Thái nhảy từ tầng 7 xuống tự tử. Sứ bỏ học đi đưa tiễn ông với quyển sách trong tay.

Về sau trong khi đọc sách lại bắt gặp cái tên Glazman, tôi thấy một nỗi buồn vô hạn.

- Còn Sứ về dạy học ở ĐHBK Hà Nội. Nghỉ rồi, hình như vẫn chưa được là giảng viên chính. Ốm, không đi lại được. Bao nhiêu dự định, lý thuyết điên rồ và cả những bài thơ của Sứ, cả những bài thơ dịch nữa đâu rồi. Chỉ để lại một sự tiếc nuối cho những ai đã học cùng Sứ.

Và như bài thơ này vậy. Ecenin cũng đã viết : đừng gọi, đừng tiếc thương, đừng khóc nữa...

===

**ĐƠN ĐỘC**

" Bài Viết dàng tặng Paul Nguyễn Hoàng Đức, Trần Sỹ Kháng và Chau Doan. "

- Ba người Đàn Ông thực thụ, ba cây viết không giống ai, không được đào tạo theo cái Chuẩn của Hội Nhà Văn hay trường Viết Văn Nguyễn Du gì đấy. Nói tóm lại là IRREGULAR hay NONSTANDART.

Thực ra hiện tượng không mới. Xưa Văn thì đã có một Nguyễn Huy Thiệp rồi, sau lại có Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu. Thơ thì có Dư Thị Hoàn. Các nhà phê bình hay ban giám khảo Văn Học thì chỉ biết ngơ ngác.

- Phải làm gì chứ. Xưa khi Thiệp ra truyện đã có ý kiến cho anh chàng này đi học trường viết văn Nguyễn Du. Ông Nguyễn Minh Châu ngăn " không được, đừng biến Thiệp thành chúng ta ".

Mà có đi học thì cũng chưa chắc đã được. Sản phẩm vẫn có thể HỎNG. Trường viết văn Gorki cẩn thận thế mà lại để lọt ra cái ông Aimatov với " Cây phong Non Trùm Khăn Đỏ ". Trong xã hội Soviet tươi đẹp thế mà lại viết về Những Số Phận Đơn Độc, Những Bi Kịch Cá Nhân, Những Gì không có trong giáo trình, những nhân vật không điển hình. Khổ.

- Tôi may mắn được gặp Paul Duc không chỉ một lần. Anh ta có Đức Tin ở Chúa, lâu không gặp nhưng anh đã đi vào " Bức Tranh Thơ - Bản Tango Italiano NXB HNV 2014 " như một nhân vật. Qua lại Cafe với ông bạn học Trần Sỹ Kháng thì hàng tuần. Hồ Đồ Thi Nhân có Đức Tin ở Phật và cũng đã có mặt với tên Trần Sỹ Kháng trong Tiểu thuyết sắp in " Những Ngọn Sóng đơn Độc ". Gặp Chau Doan một lần. Anh đang đi tìm Đức Tin. Sự Hữu hạn, cũng có thể là sự Đơn độc thì Đức Tin chính là chỗ dựa. Không phải là Đám Đông đâu

===

**CÁI ĐẸP CỨU RỖI THẾ GIỚI**

- Tháng Tết năm ngoái Kiều Thị An Giang nghe đâu được cai thơ cả tháng ấy. Không tin nổi.

- Người đọc thơ cũng lập tức chia ra làm hai loại : a-Bình an...b-Sốt ruột

- Trong khi đó thì các Đại-gia-thơ Giao Trần, Huy Pham Quang, Lê Vĩnh Tài, Viet Ha Tran, Nga Vu, Trúc Vàng, Tầm Thường Hạ Thi thơ lại gia tăng để bù lại khoảng trống mà KA để lại.

Hồ Đồ thi nhân Trần Sỹ Kháng thì cứ từ-từ-thủng-thẳng-thả-thơ-theo-trạng-thái-tinh-thần-tự-tưởng-tượng-tuy-tỉnh-táo-từ-tận-trăm-triệu-tinh-tú-tới-tận Hạ Giới của chúng ta từ nào ấy, chốn Huyền Giới của Ngài và Tây Hồ Ngọc Nữ. Nghe đâu là một số bài nhằm các Thiên thạch đang rơi về trái đất và thay đổi quỹ đạo của chúng. Trái đất bình an. Nhân loại được cứu xong lại tiếp tục sống, lại ra nghị quyết, lại giơ tay, lại đi Lễ Hội, lại ăn cả sạch, cả bẩn- On Mange Tout, lại đi nhảy, lại xem Trấn Thành, Thanh Bạch, Like Ngọc Trinh, lại khủng bố, lại làm giàu, lại chiến tranh, lại yêu, lại ghen... và lại làm Thơ.

Cái câu nói mà ai làm Nghệ Thuật cũng biết của ông Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky " Cái Đẹp Cứu Rỗi Thế Giới " nhưng chưa chắc mấy ai hiểu.

Thực chất là :

THƠ HUYỀN GIỚI CỨU RỖI THẾ GIỚI CHÚNG TA.

“Giữa những gì tôi thấy và nói, giữa những gì tôi nói và im, giữa những gì tôi im và mơ, giữa những gì tôi mơ và quên, là thơ. Thơ len vào giữa có và không; thơ nói những gì tôi im, thơ im những gì tôi nói, thơ mơ những gì tôi quên” - Octavio Paz

“Không nghi ngờ gì nữa, có bao nhiêu bài thơ thì có từng ấy định nghĩa, thậm chí còn nhiều hơn nữa bởi vì các Giáo sư và Nhà phê bình thơ và những Người làm thơ còn đông hơn các Nhà thơ” - Laưrence Ferlinghett

" Văn xuôi lôi cuốn người như dòng nước, đưa ta đi lần lượt, từ điểm này đến điểm khác. Thơ, trái lại, chỉ chọn một ít điểm chính, bấm vào những điểm ấy thì tất cả động lên theo”- Nguyễn Đình Thi

===

**Hoài Niệm Liên Xô**

- Thời tôi làm NCS rồi Cộng Tác Viên KH ở LX thì không có ĐT di động, tìm nhau là khó. Tôi lại hay lang thang, cứ ngồi một tí là nhấp nhổm không yên, có cái gì na ná ông thầy hướng dẫn tôi. GS V.B. Grinev trong đội tuyển vật của Liên bang và đam mê bóng chuyền, câu cá. Một lần đến BM thấy trên bàn tôi có cái cặp của ông. Tôi định xách để lên bàn khác thì ôi thôi, nặng trĩu. Tôi mở trộm xem thì chẳng thấy sách mà là một quyển BKTT to và đôi tạ tay.

- Thời đó LX vui lắm, giờ làm việc mà ngoài đường lúc nào cũng đông người. Mọi người đến phòng làm việc, để túi cặp xong là tranh thủ ...biến. Lại gặp nhau ở các cửa hàng. Kể XHCN cũng vui, xếp hàng cả ngày, đủ mọi thứ chuyện, tranh thủ đọc được khối lúc đó. Thời đó LX chia ra các vùng ưu tiên. Tất nhiên Moscow là nhất. Tôi có Visa dài đi Moscow ( Ở LX người nước ngoài không được ra khỏi thành phố họ sống nếu không có Visa cho phép ra và phải mua vé ở Intourist đắt hơn ).Tôi đi dạng Mission, ghế mềm, bao cấp hết, về lại được thanh toán, lại có dư thêm tiền nên hay tranh thủ lên Moscow chơi. Tất nhiên là nửa thời gian ở đó là trong TV Lenin đọc sách. Sách KH đọc cũng chỉ một phần. Trước khi đi là một bản ghi chép những thứ cần mua cho mọi người, chủ yêu là thực phẩm. Cho mình thì bao giờ cũng là mỡ muối .

Lần nhà Vật Lý Kapisa viết quyển sách " Lý Thuyết, Thực Hành và Thí Nghiệm " làm chao đảo giới trí thức LX, giống như Pie I đã dùng nước lạnh hắt vào mặt con gấu Nga cho tỉnh ngủ, cả nhóm chúng tôi đi xếp hàng mua. Chỉ có Dima mua chui tay được một quyển và rồi cả buổi chiều chúng tôi 5 đứa ngồi thay phiên nhau đọc.

Rồi các cụ lần lượt ra đi. Tôi còn nhớ ông Andropov khi lên làm TBT. Ông ấy mang tư tưởng đại diện cho nhóm Syberi, đưa mọi thứ vào kỷ luật, đầu tiên là kỷ luật lao động. Các đoàn Thanh tra liên tục ở phố, ở các cơ quan.

Một lần tôi đang đi xếp hàng trước mua vé xem phim Ấn Độ ở rạp gần trường thì Vera đến nói thôi không xem nữa, phải về ngay vì có đoàn thanh tra ở Khu ( Raion ) xuống kiểm tra trường. 10 phút sau chúng tôi đã có mặt ở trường nhưng được Vitchia đón và nói về BM lớn ngành chứ không về nơi phòng nơi tôi vẫn làm việc. Đến đó thấy sách vở bày sẵn trên bàn. Tôi được bố trí ngồi chỗ thuận tiện nhất để tiếp khách. Tôi nhìn mấy quyển sách bày trên biết ngay là của Sergei vì toàn các mạch điện, cái mà tôi dốt nhất. Đoàn đến với trưởng đoàn là một bà đeo kính, đi cùng hiệu phó. Mọi người căng thẳng làm việc. Bà ấy thấy tôi và nói chuyện với tôi. Bà ấy hỏi về Việt Nam. Bà ấy yêu Việt Nam. Lúc đoàn về GS chủ nhiệm khoa đến cảm ơn tôi. GS Galacskokov, người đã lên lớp về Dao Động Phi Tuyến thời tôi là SV.

trong ảnh : Hàng đầu có V.B Grinev, Chủ nhiệm B/M sau làm PCH QH Ucraina, sau thua Mỹ Nhân tóc vàng và bỏ sang Mỹ dạy học. Bây giờ ông dạy học ở TH Dnepropetrovsk. Hàng sau từ phải sang thứ 3 là Dima, bỏ sang Mỹ rồi. Tiếp là Edic thay Grinev lãnh đạo BM đến nay. Người cuối bên trái Iura ( quên mất họ ) bỏ trường tham gia lãnh đạo TP Kharkov hồi anh Vượng ở mat xuống mở chợ trung tâm. Lú đó tôi xuống thăm trường năm 93, mùa hè chẳng có ai, bà thư ký đưa cho cái ảnh những người thân thiết của tôi từ 79-83.

===

**Hoàng Tử Bé **

" Tất cả mọi người lớn lúc đầu đều là những em bé nhưng ít người trong số họ còn nhớ điều ấy " - Saint-Exupéry 

Nếu nhớ được điều ấy

Lại nhìn thế giới này bằng con mắt trẻ thơ

Sẽ thấy những gì quen mắt, quen tai từ lâu rồi bỗng dưng lại thành lạ lẫm

Sẽ thấy những điều mà người lớn rồi không thấy hay cố tình quên 

Và hai câu hỏi What- Cái gì đây, Why-Vì sao luôn bên cạnh

Để trở lại thế giới này, dù là người lớn 

Để còn giữ trong lòng một Hoàng Tử Bé thuở nào

Không phải cái mũ của Napoleon vẫn đội 

Mà đó là con rắn nuốt con voi 

Thế thôi

===

**CHUYỆN GÁI ĐẸP**

-Gái đẹp được tính suốt từ Kiev đến Lvov ấy, không như gái Nga, chiều cao gái U cà rôt vừa phải, làn da trắng mịn, đôi chân dài thon thả, mắt xanh ngọc, tóc vàng Ukraine được mệnh danh là quốc gia có nhiều phụ nữ đẹp nhất

Tạp chí du lịch nổi tiếng Travelers Digest đã nhận xét thành phố Kiev, Ukraine là “ngôi nhà của những người phụ nữ đẹp nhất thế giới”

-Tuy nhiên nhiều người đẹp quá thì người xấu lại là hàng hiếm. Đó là cái duyên của sự khác lạ mà cái đó thì Gái Việt ta là vô địch. Cứ sang Ba Lan thì rõ nhất. Mấy cô Việt xấu ở nhà mà sang đó bọ trai Ba Lan chết mê chết mệt. Tôi hỏi sao thê. Nó nói là có vẻ riêng, hiếm

- Khi tôi sang dạy học ở Bechar thấy gái Arabe trong trường đẹp như trong truyện cổ tích cũng thấy xốn xang, lại nói bằng cái món tiếng Pháp luôn khiêu gợi. Cậu Ba Lan dạy cùng nói là phải mất một tuần rồi sẽ thấy bình thường. Đúng vậy, rồi nghỉ đông lên Sứ quán thấy mấy cô BS Việt lại thấy lạ, thấy hay hay, trông cũng đẹp

Cứ cô nào ở VN bị chê xấu là sang Ba Lan lấy Tây dễ dàng, mà kỳ lạ là mấy thằng Tây lại rất đẹp, hiền. Bây giờ về VN thỉnh thoảng gặp đôi vợ Việt chồng Tây cũng thấy là như vậy. Đẹp nhìn mãi cũng quen hết xúc động. Chỉ con gái Việt làm người ta xúc động không nguôi như thời tiết vậy

===

** Trí Tưởng Tượng **

" Sau tết vào Facebook thấy mấy ông bạn xứ Phuống của tôi đi lễ hội Thơ, đi Chùa, rồi có những ảnh, bài về Thơ, về Chùa, về xây Chùa nữa mà thấy bồn chồn. Mình bị ốm cứ ăn quẩn HN chán thật. Nhưng thấy các ông ấy chuyển động khiếp quá cũng kinh. Cứ phải thật chắc " những bước chân đo từng tấc đất " như nhà Phật đi khất thực vậy chứ không nên vù vù như trên cái Prado 7 chỗ ấy, thoắt cái Hà Nội, thoắt cái Ca Mau, rồi lại thấy lấp ló nơi Huyền Giới nữa chứ ..."

- Ai bảo trí tưởng tượng là Vô Hạn. Nói bậy. Thử dùng Tam Đoạn Luận để chứng mính nào : a- Con Người là Hữu hạn ...b-Trí tưởng tượng là của con người...c- Vì thế Trí tưởng tượng cũng là hữu hạn.

- Mấy ông Học giả lại kêu rầm lên là không được dùng Tam Đoạn Luận hay Logic Hình thức để chứng minh mà phải dùng Logic Phật Bốn chiều hay Tướng Không thì sẽ Ngộ ra không cần chứng minh. Cái đó phải hỏi HĐTN và các bác nhà Thơ xứ Phuống

- Ai đó biết tôi học Vật Lý và ngưỡng mộ Einstein nên nói là cái ý " trí tưởng tượng là Vô Hạn " là của cụ ấy.

Kệ, cụ ấy cũng là người, là Hữu hạn, là có đúng có sai. Người ta đang tranh luận thật giả về cụ loạn lên, đạo nọ đạo kia trong KH. Cụ còn thế chấp chi mấy cô nhà Thơ ở ta rồi để cánh truyền thông lợi dụng nói xấu thơ ta không ra gì. Truyền thông là ma mãnh lắm, họ chỉ muốn dân ta tịt bớt thơ, cái món không ra tiền ra bạc dù có ai cho rằng nó giàu Tưởng Tưởng nhất, để tập trung vào những thứ thiết thực như các Show diễn của Hà Hồ, Mr. Dam hay Thanh Bạch thôi. Cứ phải quy ra thóc, ra tiền giống như tỉ phú Trump vậy.

- Thực ra " Trí tưởng tưởng còn lâu mới là Vô Hạn mà là Vô Lý ". Mà sao con người thích cái Vô Lý đến thế. À, vì họ sợ hãi.

===

** Phật giáo**

" Đọc sách Tàu càng ít càng tốt. Tốt hơn cả là không đọc, đỡ luẩn quẩn. Tôi đã tự răn mình như vậy. Nhưng các kinh Phật Tàu thì sao. Hôm nay thấy bài viết của HT Thích Nhật Từ. Nhiều chỗ giống mình nghĩ. Thực chất tôi tìm đến Đạo Phật chỉ ở Phật giáo nguyên thuỷ. Còn tiếp theo tôi thấy đầy mâu thuẫn và dừng lại, không đi tiếp nữa. Tù mù, huyền bí, cầu xin, đánh vào nỗi sợ hãi, trái với khởi nguồn " - Trần Đức Trung

- Phải mạnh dạn thấy rõ rằng đức Phật chỉ truyền dạy pháp môn duy nhất là Tứ diệu đế. Cốt lõi của Tứ diệu đế là tiếp cận vấn đề, giải quyết vấn đề trên nền tảng nhân quả, và con đường để kết thúc toàn bộ khổ đau của kiếp người là Bát chính đạo. Đức Phật Thích Ca chưa từng dạy pháp môn thứ hai. Khái niệm 84,000 pháp môn do Trung Quốc đặt, đã gây ra ngộ nhận lớn và đẩy đức Phật vào tình thế bị người ta hiểu lầm là tự mâu thuẫn. Nếu đi theo pháp môn một thì đức Phật mâu thuẫn với 83999 pháp môn còn lại. Một người tự mâu thuẫn với quan điểm chính của mình một lần thôi đã đánh mất niềm tin ở quần chúng, huống hồ là mâu thuẫn chừng ấy các quan điểm. Vì Trung Quốc muốn đề cao các pháp môn mà họ sáng tạo, theo phong cách tiếp biến văn hóa của họ, nên họ đã đặt ra con số 84,000 pháp môn.

- Đố ai tìm ra được pháp môn thứ hai ngoài Tứ diệu đế trong kinh tạng Pali, kinh tạng A-hàm và kinh tạng Đại thừa. Mười tông phái Phật giáo Trung Quốc là nỗ lực riêng của nền văn hóa Phật giáo Trung Quốc, không can dự gì đến Phật giáo Việt Nam. Cái hay, cái dở đó là dành cho người Trung quốc, chứ không phải cho người Việt Nam. Nếu Trung Quốc hãnh diện tự hào về mười tông phái và đề cao ngài Huệ Năng như ngài Phật sống, thì Việt Nam chúng ta có ngài Trần Nhân Tông, vị vua duy nhất trên hành tinh đi tu, trở thành một nhà minh triết lỗi lạc, vượt trội hơn cả ngài Huệ Năng. Về triết lý và các đặc điểm thì Phật giáo Việt Nam không thua kém gì Phật giáo trong khu vực và trên toàn cầu, do đó Phật giáo Việt Nam không cần thiết phải vay mượn Phật giáo các nước khác.

===

**Hình Như **

" Một trong những thành công ở LX là cải tạo công nông hóa giới quý tộc. VN ta cũng thành công. Mấy nước Đông Âu thì không triệt để lắm. Đầu tiên là xưng hôn vẫn gọi QT là Ngài, vẫn hôn tay phụ nữ, vẫn coi trọng văn hóa khiêu vũ và nhiều cách sống cũ....."

Hôm nay Hình Như là ngày BS. Đang lúng túng không biết viết gì tặng các BS thì thấy trên tường Nguyen Phuong Anh có bài viết về TTQT mà thấy chút mung lung. Tôi cũng ít nghĩ đến khái niệm đó vì bản thân là con nhà nghèo, bình dân nên giờ trong đầu cũng chỉ là HÌNH NHƯ về giới Quý Tộc và Tinh Thần của giới đó

-Hình như Quý tộc không chỉ là giàu mà đó là dòng dõi, mà không phải chỉ một đời mà phải nhiều đời.

Hình như Quý tộc không phải do giới Bình dân nghĩ ra mà do giới Quý tộc chấp nhận.

Hình như ở Tàu và Ta không có giới Quý tộc, có Quan Lại thì thường là Tham và Bẩn, có Nhân sỹ thì Sạch nhưng thường là Nghèo và Gàn, có nhà Giàu thì thường là Trọc.

- Nói đến hai từ Quý tộc là tôi nghĩ ngay đến chàng Donkihote và những dòng họ Don của Tây ban nha, nghĩ đến những De của Pháp, Von của Đức kiểu như dòng Tôn Thất hay Công Tằng của thời Nguyễn ở Huế. Tuy nhiên đó chỉ là dấu hiệu bề ngoài thôi.

Trở lại với Quý Tộc ở Anh. Nhận dạng họ như thế nào. Có lẽ trước hết là họ rất lịch lãm, khả năng làm chủ kiểm soát cảm xúc rất tốt ( chứ không Vỡ òa như mấy ông trong vụ U 23 vừa rồi ). Họ rất hay tự vấn " To be ỏ not to be " như HT Hamlet và thận trong trong cư xử với phụ nữ từ cử chỉ đến lời nói theo khuôn phép được đào tạo trong giới họ.

Thực ra nhận dạng cái đó chỉ là bề ngoài. Cái bên trong của họ đó là : Có Học và Cao Thượng.

- Tôi cũng có mấy anh bạn gọi là kiểu quý tộc. Nhớ lại thì hồi NCS ở LX tôi hay sang nhà anh bạn Tài Trung NCS ở trường XD chơi. Cạnh đó là trường Văn Hóa nhiều chị em mình học. Tài Trung thì không cần, hắn đưa cô bạn Nina đến sống cùng. Trong phòng còn Marec NCS Ba Lan. Marec đẹp trai lắm, ăn mặc cũng vậy, chải chuốt, có cái gì giống anh chàng trong ảnh với cái khăn quàng thả xuống. Nhưng Marec nghèo, có vợ ở BaLan. VN thì giàu hơn vì còn thêm buôn bán.

VN rất hay chơi vui cùng nhau, hỗ trợ nhau buôn bán, giải trí. Một hôm chúng tôi nhảy nhót xong đi nấu ăn, phải đến chục người cả nam cả nữ , các món bày lên, nem, thịt, rượu trên chai lọ, giấy báo, thìa đũa lộn xộn nhưng rất vui. Marec về và chúc chúng tôi ăn ngon, chúc cứ tự nhiên rồi xin mọi người để dành cho một cốc nước chè. Anh chàng ra bếp rán xúc xích và luộc trứng. Rồi anh ta về bàn của mình đặt quả trứng lên cái chén lấy thìa đập, cổ lại còn giắt khăn trắng. Quý tộc được giáo dục như vậy mà.

Họ được giáo dục cư xử, biết cách cầm tay, hôn tay, tặng hoa và khiêu vũ nâng niu phái đẹp chứ không như chúng ta, cảm xúc trào dâng là Vỡ òa, muốn ăn tươi nuốt sống ngay cho đã.

===

**ĐHBK Kharkov** 

- Năm 67 tôi rời Tashkent đến ĐHBK Kharkov học Hóa. Hết một năm xin chuyển lên học Vật Lý Kỹ Thuật và dành thời giờ cho thư viện. Cạnh nhà là Thư Viện đọc sách gồm hai phòng KH và VH. Hình như thời SV mình ngốn nhiều quá, đủ dùng cho cả thời NCS. Thời NCS đọc ít, chỉ quan sát và suy ngẫm nhiều thôi.

- Có thể cũng do số phận ghép hai VN chúng tôi vào cùng ở với Iura và Vova. Hai thằng khác hẳn tính nhau nhưng lại cho chúng tôi thấy một nước Nga nói riêng và LX nói chung không giống như chúng tôi được học trong nhà trường. Đúng là không để ý thì không thấy. Với lại cái khoa VL kỹ thuật ấy do Landau xây dựng rất nhiều thầy giáo và SV Do Thái. Đôi khi họ làm tôi ngỡ ngàng ví dụ như khi đi thi sử được câu hỏi vì sao CMT10 thành công ở Nga. Tôi trả lời như trong sách " vì đó là mắt xích yếu nhất của CNĐQ, vì...." và được 5 nhưng trước khi về ông thày dạy Sử nói là vì nước Nga nhiều Vàng và rộng lớn lắm tài nguyên quá và vì công nhân Nga đói quá, vì Đại Chiến II....Nếu không có ba cái đó không có CMT10. Không có ông Lenin nọ thì sẽ có ông kia, không Đảng nọ thì Đảng kia. Nước Nga cần nổ và có quá nhiều năng lượng cho vụ nổ. Chỉ khi tài nguyên cạn thì xịt.

- Năm 79 tôi sang NCS, BK Kharkov có khoảng 10 SV, lại ở rải rác ( hồi xưa khoảng 500 SV sống gần nhau hơn). Dưới nhà tôi có 2 cậu SV người HN. Một đứa rất lăng nhăng thay gái như thay áo. Đứa kia thì chung thủy, sống với một cô người Moscow sau lấy làm vợ và dọn lên ở Moscow.

Cũng như VN thôi, xưa và nay khác nhau nhiều lắm. Hoài niệm luôn đi kèm với tiếc nuối.

Hình như có một cái gì đó ít thay đổi. Đó là các thầy cô giáo Nga. Họ quý VN.

Cái món múa rối là do Trần Sỹ Kháng, Do Dinh Khang sống cùng phòng tôi nghĩ ra. Tôi thì ít thú vị với những thứ dân gian ấy lắm. Thời giờ rỗi mùa đông toàn trốn đi trượt băng nghe nhạc. Cũng may ông bạn Khang sống cùng phòng hiền lành, không tố cáo để đuổi về nước.

Thực ra cũng có đứa phiêu lưu hơn tôi. Một lần tôi gặp nó thấy mặt rộp lên. Hóa ra nó cùng bọn Tây leo núi bị bỏng TUYẾT. Nó muốn lấy được cái bằng HLV leo núi. Tôi quên mất tên cậu ta và cũng không kể với ai hồi đó.

Bọn con gái thì sống hiền hơn, ít máu phiêu lưu, quẩn quanh là yêu loanh quanh trong KTX

===

** Hoài Niệm Nga **

- Ở Việt Nam có chiếu bộ phim " Duy Nhất - Единственная " mà Vysotsky đóng vai ca sỹ bế tắc tìm đến rượu và tình yêu. Một góc nước Nga được thấy qua hình ảnh " chai rượu Vodka và chiếc đàn ghi ta ". Khi Liên hoan phim ở Liên Xô năm 1970, Vysotsky đã lên tặng hoa và tỏ tình luôn với một cô giảm khảo người Pháp Marina. Họ lấy nhau và nhờ đó Vysotsky được đi sang phương Tây. Mỗi lần anh trở về Nga là các nghệ sỹ Nga chờ đợi để nghe anh hát và kể về thế giới. 

- Những năm cuối đời ông trở thành thần tượng của giới trẻ Xô Viết, đặc biệt nổi tiếng ở thập niên cuối cùng. Vladimir Vysotsky mất ngày 25 tháng 7 năm 1980 ở Moskva. Khi anh chết Marina có viết một quyển sách về anh tên là " Le Vol Arrete' - Chuyến bay bị dừng ". Cả nước khóc cái chết của ông. Đám tang của ông có hàng chục nghìn người tham dự. Đám tang rất dài ở Moscow về nghĩa trang Wagankowskim. Ông giám đốc nghĩa trang không cho chôn vì anh không đủ tiêu chuẩn. May có ông Kobzon dẫn đầu đám tang nói rằng chôn vào tiêu chuẩn Nghệ sỹ nhân dân của ông. Ông giám đốc biết đó là Vysotki, ông đã quỳ xuống khóc nói nước Nga tội nghiệp lại mất đi một người con và ông đòi chôn vào tiêu chuẩn của ông ta. 

" Bласти хотели его тихо, быстро похоронить. Закрытый тогда город, Олимпиада, а получилась довольно для них неприятная картина. Когда они наврали, сказали, что привезут гроб, чтобы проститься с ним, а очередь шла от самого Кремля…Стали выламывать его портрет, который мы выставили в окно второго этажа театра… Поливочные машины стали сметать цветы, которые люди берегли зонтиками, потому что была страшная жара… И вот эта толпа огромная, которая вела себя просто идеально, начала кричать на всю площадь: «Фашисты! Фашисты!». Этот кадр обошёл весь мир…

— из воспоминаний Ю. Любимова "

" Chính quyền muốn lặng lẽ, nhanh chóng chôn nó. Thành phố bị đóng cửa-Thế vận hội 80, nhưng hóa ra lễ tang ông là một hình ảnh khá khó chịu cho họ. Khi họ nói dối, họ nói rằng họ đã mang quan tài để nói lời tạm biệt với anh ta, thì đến lượt từ Kremlin, một đoàn người xuất hiện ... Bắt đầu gỡ những bức ảnh của ông, mà chúng tôi đặt tại tầng hai của nhà hát ... Máy phun nước bắt đầu phá sạch những bó hoa mà mọi người đã đặt cho ông ... Và đám đông này là rất lớn, mà cư xử hoàn hảo, tôi bắt đầu hét lên cho toàn bộ khu vực " Phát xít! Phát xít! ". Khung cảnh này đã đi khắp thế giới ...

- từ hồi ký của Y. Lyubimov "

" Высоцкого хоронила, казалось, вся Москва. Марина Влади уже в автобусе, направившемся в сторону Ваганькова, сказала одному из друзей мужа — Вадиму Туманову: «Вадим, я видела, как хоронили принцев, королей, но ничего подобного не видела!…»

" Đi tiễn Vysotsky , hình như cả Moscow. Người vợ góa Marina Vladi khi đã lên xe buýt còn hướng về phía nghĩa trang Vagankov, nói với một trong những người bạn của chồng cô: Vadim " tôi đã thấy lễ tang những hoàng tử, những vị vua, nhưng tôi chưa thấy cái gì như hôm nay ... "

Ai qua Mat có thể đến thăm mộ anh. Trên đó thường có chai rượu, có lúc ai đó mang đặt cả một chiếc đàn ghita lên mộ. Tôi đã từng qua Mat không chỉ một lần nhưng tòan vội, chai votka nhỏ luôn trong túi, để rồi lại chỉ uống một mình. 

- Hôm nay đi qua ngõ bỗng dưng nghe tiếng ghita bập bùng, lại nhớ cái giọng khàn say rượu xưa

===

** ĐÚNG NGHĨA **

- Broker là người thay mặt cho khách hàng đóng vai trò là trung gian giữa người bán và người mua chứng khoán. Khách hàng sẽ phải trả phí cho các công việc của nhà môi giới thường là dưới hình thức phí hoa hồng cho các giao dịch.

Một nguyên tắc đặt ra là họ không được tham gia mua bán chứng khoán...nếu không họ không còn là Broker theo đúng nghĩa

- Bác sĩ còn gọi là Thầy thuốc là người duy trì, phục hồi sức khỏe con người bằng cách nghiên cứu, chẩn đoán và chữa trị bệnh tật và thương tật dựa trên kiến thức về cơ thể con người. ... 

Một nguyên tắc đặt ra là không được tham gia về Kinh doanh : Thuốc men và Thiết bị y tế..nếu không họ không còn là BS theo đúng nghĩa

- Giáo viên là người giảng dạy, giáo dục cho học viên, lên kế hoạch, tiến hành các tiết dạy học, thực hành và phát triển các khóa học nằm trong chương trình giảng dạy của nhà trường đồng thời cũng là người kiểm tra, ra đề, chấm điểm thi cho học sinh để đánh gia chất lượng từng học trò. 

Một nguyên tắc đặt ra là không được tham gia về Kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục..nếu không họ không còn là GV theo đúng nghĩa

- Cán bộ là Đày tớ của Dân nhà giàu.

Một nguyên tắc đặt ra là không được là Đày tớ của Dân nghèo ..nếu không họ không còn là CB theo đúng nghĩa 

===

** CM Dạ Dày & CM Hoa**

- Trong 10 năm trời ngồi trong thư viện London với những chồng sách kiến thức của nhân loại Marx đã xây dựng một học thuyết xã hội dựa trên " mô hình một cuộc chơi có hai người là Tư Bản và Vô Sản " và sau đó là những suy luận về kết cục cuộc chơi là anh Vô Sản thắng.

" Mọi lý thuyết chỉ là mầu xám nhưng cây đời mãi xanh ". Không chờ hết 10 năm để có xong Học Thuyết " Hai đối thủ " ở Paris với CX Paris Vô Sản đã thắng, bao nhiêu lợi quyền về tay .... và rồi sụp đổ. Cuộc CM " DẠ DÀY " đã được Erebour kể lại, bắt đầu từ thợ thuyền đổ ra đường hô vang khẩu hiệu " Bánh Mì "

- Rồi sau đó không chờ để CM nổ ra ở Mỹ hay ở một nước TB phát triển như trong Học thuyết Marx, ở Petograd đói, một ngày mọi người CN chỉ có 100gr bánh mì và CMT10 bắt đầu với phá các cửa hiệu bánh mì và rồi LX sụp đổ ...lâu hơn rất nhiều khi dân chúng lại xếp hàng trước các cửa hàng. Không có bạo động vì bánh mì vẫn còn. Cần có Tư Bản, có thị trường CK, có người chủ và người làm thuê để " Có cuộc chơi ". Người Nga lại Chơi Lại. 

CMT8 phá các kho thóc của Nhật. Tất nhiên bây giờ ở ta cũng đang Chơi Lại. Lắm ông chủ, lắm tỉ phú lắm, chủ yếu là do Đất. Chắc cũng chẳng ai đói vì có từ thiện. Nghe đâu ở Sài Gòn còn có quán cơm 2000d

====

Sở trường của VN là không vội, vội nhanh là toi. Ông Tăng Minh Phụng xưa vội quá, được tung hô. Báo Hồng Kông phỏng vấn, mọi người nẻ phục như một tấm gương ...thế rồi ..trảm. 

Các cụ dạy rồi, chậm nhưng mà chắc. 

Chingiskhan đánh châu Âu 2 lần, lần sau đến bờ biển Nam tư, lần đầu là 3 vạn quân, lần sau hơn nhưng tôi không nhớ. Sử Việt Nam viết " 1285, có đến nửa triệu quân Mông Nguyên sang đánh ta ". Tôi kể cái đó cho bọn Tây. Hình như chúng không tin. Thắng Segeui bảo chắc là ngựa nó chạy đi chạy lại mọi người hoa mắt đếm nhầm ....

Thực ra người Việt rất khác nhau, có nhiều người không yêu. Họ nếm trái đắng với nước Nga. Và người Nga cũng rất khác nhau. Nhân hậu nhất cũng thấy ở đó và tàn bạo nhất cũng có. Chân thành nhất cũng có mà xảo quyệt nhất cũng không hiếm. Nhưng tôi có thể khẳng định là các thầy giáo Nga là những thật tuyệt với và chính họ là tấm gương soi cho tôi khi tôi làm nghề giảng dạy

- Còn lại khi nói " người Nga " thực chất là người Nga nào> bài hát " Người Nga  có muốn chiên tranh không " thực chất phải nói là " Con người có muốn chiến tranh không ", nhưng con người bình thường ấy

===

**Vô thức**

- Platon :" Khi yêu ai cũng là thi sỹ ". Thơ sẽ trào ra từ miền vô thức, nó vội vàng, không câu cú rạch ròi, không kịp nghĩ ngợi đắn đo, chọn từ hay nói đúng hơn không kịp tìm hình ảnh von. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao thơ Puskin không có hình ảnh. Mấy ông Việt Nam đã dịch thơ Puskin ra tiếng Việt cho thêm bao ví von, hình ảnh vào để các cô giáo dạy văn còn có thể giảng bài, các học sinh còn có cái phân tích, bình giảng và đi thi.

-Cái nôi của Nghệ thuật và Thi Ca và Khoa Học hình như nó ở từ tầng sâu của Tâm Thức - Phần đáy chìm tối nhất của tảng băng (Aisberg). Phần ý thức nổi trên luôn đè nặng nó xuống, che lấp mất nó. Tiếc quá.

-Maiacovski đến đọc bài thơ về Cách Mạng, về Lenin trong nhà máy luyện thép giữa tiếng máy ồn ào. Đám đông công nhân vỗ tay để ông hùng hồn đọc tiếp những bài thơ bậc thang. Bỗng có một cô gái đến muộn, đầu còn đội khăn người thợ, má còn vệt dầu chưa kip lau, len lên để nhìn cho rõ nhà thơ. Nhìn thấy vẻ đẹp mộc của cô Maia bàng hoàng, quên hết những câu thơ định đọc, nhìn cô gái thốt to lên theo nhịp của tiếng máy dập

"Nếu tôi là Nga Hoàng

đầy quyền lực

Tôi sẽ ra lệnh đúc tiền

in khuôn mặt hình em"

Những bài thơ từ tầng vô thức không thể dùng lời để bình được, cũng không thể khen hay, khen giỏi được. Nhưng người ta có thể khóc khi nghe nó. Người ta có được cái ớn lạnh, hay một cảm giác frisson (rùng mình) của Baudlaire.

===

**Nhanh Và Chậm **

- Tôi đọc hai tập Chingiskhan dày, giải thưởng QG của Liên Xô bằng tiếng Nga và nói chuyện với mấy đứa trong Group Ngiên cứu KH của bọn tôi khi tôi là mladshi Naychnui Sotrutnik. Trong truyên có nói đến Chingiskhan quan niệm thắng hay thua thì có mấy câu sau: 

a- " T thắng vì khi địch chưa nghĩ ta đến thì ngày mai sáng dậy đã thấy ta rồi, khi nghĩ ngày mai ta còn đánh thì đi ra chẳng thấy ta- Nghĩa là rất bất ngờ nhờ tốc độ của loại ngựa Mông Cổ được lựa chọn đặc biệt "....

b-" Chingiskhan đánh đến Irak và không thắng nổi, không vượt sông và thu quân về Ấn Độ....c-Bão tố làm việc đánh Nhật bị hỏng....( Trong truyện rất nhiều trận đánh nhưng không có VN) ..... 

c- Đặc biệt có trận đánh với hoàng tử của Uzbec Djalai. Cậu này 18 tuổi, chiêu mộ được 6000 quân đánh nhau với 2 vạn quân của Hãn....Cậu ta kéo Hãn vào sa mạc Trung Á lúc bão cát chơi trò đuổi bắt. Cậu ta bắt một nửa dắt ngựa và hy sinh người. Sau một tuần quân cậu ta còn một nửa nhưng với những con ngựa khỏe còn Hãn thì còn đủ nhưng với những con ngựa yếu. Hoàng tử dùng tốc độ ngựa khỏe để tấn công vào đúng chỗ của Hãn, Hãn chạy thoát. Sau đó cậu ta sang làm phò mã vua Irak. Hãn nẻ phục. Cậu ta đã dùng đúng cái mạnh của Hãn để đánh Hãn....VN ta dùng đúng cái yếu của Hãn để đánh Hãn, không cho Hãn đánh nhanh thắng nhanh. Cái đó ta gọi là lấy chậm thắng nhanh đấy... khí hậu khắc nghiệt của phương nam cũng gây ra nhiều khó khăn cho quân kỵ binh Mông Cổ, vốn đã quen với thuỷ thổ, khí hậu phương bắc, nhất là Mông Cổ vốn lạnh, khô, không có mùa hè nóng ẩm, khó chịu như ở phương nam, quân Nguyên ngã bệnh rất nhiều. Kỵ binh Mông Cổ khét tiếng hầu như không còn đất diễn. Sinh lực giảm sút, tinh thần hoang mang, thua trận chỉ còn là chuyện trong sớm tối vậy. Quan trọng là ta không được đối đầu mà cứ chậm...chậm như vũ điệu Kizomba ấy là xong

===

**Cách Mạng Tháng 10 Nga**

- " Hôm nay CLB bóng bàn Bách Khoa tìm được cớ liên hoan. Đó là Cách Mạng Tháng 10 Nga ngày mai, lại là 100 năm tròn. Cảm ơn Lenin, Stalin và nhiều Tovarish khác nữa đã làm ra cuộc CM có một không hai này. Công Xã Paris cũng là Sự kiện lịch sử tầm Thế giới nhưng sụp đổ nhanh quá. Nước Pháp nhỏ, ít tài nguyên. Lại có Napoleon. Ở nước Nga thì thì chỉ có các tướng Bạch vệ cỡ Conchac hay Denikin, không ăn thua. Ở LX thì CM tồn tại được hơn 70 năm, " Đất rộng, Rừng Vàng, Biển bạc giầu tài nguyên " như trong bài hát CM ấy. Nhưng miệng ăn núi lở. Rồi thì đói kém, nợ nần, dân nghèo khốn khổ, lo xếp hàng khắp nơi ... và sụp đổ.

Tông thống Mỹ Reagan nói " Người Nga quen đón khách với bánh mì và muối. Nhưng khi bàn ăn của họ chỉ có bánh mì và muối thì họ sẽ có chuyện đấy ". 

-Khi tôi sang học LX, tôi có quan tâm tới Khrushchev và Breznev. Tôi có hỏi, các thày giáo Nga đều lờ đi. Nhưng bọn SV thì nhiều đứa thích ông ấy. Vova kể cho tôi là khi ông này đến nằm BV ở Leningrad thì SV mang hoa đến. 

Thực ra ông này làm lãnh tụ ở nước Nga thì không hợp. Vova nói là nếu có ai trước mặt ông ấy mà chê ông ấy thì cũng chẳng sao. Cái kiểu này hợp với Mỹ hơn.

Thời ông ấy Khoa Học của LX phát triển rất kinh như Tên lửa, Hạt nhân, Vũ trụ. Thể thao, bóng đá cũng vậy. Đội bóng đá LX vô địch TVH nhưng. Kinh tế thì phiêu lưu. Ông ấy bảo là LX đã xây xong CNXH, bánh mì cho không. Lúc tôi mới sang quả thật trong nhà ăn bánh mì cho không. Cũng chỉ được mấy tháng thôi vì CNXH đó cũng chỉ là không tưởng.

Cuộc đời là một vở diễn. Mỗi người đã có vai diễn của mình, cho riêng mình, hợp với tạng của mình, không đổi được, lộ ngay. Nhưng mình cũng chính là khán giả của vở diễn, hãy tận dụng thưởng thức vở diễn của đời mình. Hơn thế nữa mình cũng là đạo diễn đấy. Có thể chúng ta chỉ có cơ hội làm người một lần, lấy đâu ra kiếp sau. Hãy có được vở diễn đừng tồi quá.

-Khổng Tử cùng học trò ngồi dưới gốc cây nghỉ trưa. Ngài hỏi học trò vì sao cái cây này sống đựợc tới mấy trăm năm. Đáp án của Thánh nhân là: vì nó vô tích sự, gỗ nó chẳng dùng vào được vệc gì. Thế đấy, thịt Đường Tăng nghe đồn ăn được là thọ lâu nên kẻ xấu săn ông để ăn. Ông thoát được là do Tôn Ngộ Không có phép thần thông biến hoá, khi bí thì chui vào bụng đối phương khuấy đảo, ai mà chịu được.

Có rất nhiều người yêu nước Nga, yêu bài ca Nga, yêu văn thơ Nga mà chưa một lần đến nước Nga. Trong tình yêu đó có ước mơ Nga ngày nào. Khác tôi. Tình yêu của tôi với nước Nga trĩu nặng bao xót xa. Tôi nhìn thấy những con người say khướt khắp nơi hồi đó. Say để trốn những câu hỏi, để không nghĩ ngợi, để tồn tại chứ không phải để sống.

===

**Thế Giới Với Những khoảng Trống**

- Có bao nhiêu con người có từng ấy thế giới. Thế giới của mỗi người do nhìn thấy, nghe, sờ thất, suy luận ra hay bằng cảm nhận cũng chỉ là thế giới chủ quan. Mọi thứ đều chủ quan, chỉ có " con người quen nói dối và nghe nói dối mãi thành quen " nên quên mất điều đó. Tiếng Anh nó đỡ hơn. I love còn He loves là tất nhiên. Tiếng Nga, Pháp, Đức, Ba Lan còn rõ điều đó hơn và không chỉ với hành động của con người mà là chính con người như trong tiếng Nga " хорошая женщина " khác " хороший человек " chứ ( người đàn bà tốt khác người đàn ông tốt ). Giải thích bằng tiếng Việt sao được. " Tôi yêu " và " Anh Ta yêu " cũng giống nhau là " Yêu " mà. Cái chủ quan dễ bị khuất đi. Và cứ có ý kiến gì là hãy bắt đầu bằng " mọi người đều thấy .... " rất khách quan tính

Như vậy thực chất Thế giới của mỗi người quay quanh cái trục " riêng - local ". Con người với bản năng của động vật có vú muốn tự do trong đó và sở hữu những gì trong đó. Cái sau " Sở hữu " đó con người gọi bằng một từ đầy cảm xúc " Yêu "

- Nhưng không dừng ở đó, các thế giới con đó va đập nhau, ảo tưởng như có một trục chung khách quan để xếp sắp, một trục tổng thể - global. Ảo tưởng thôi. Anh nào cũng muốn lấy cái trục local của mình thành global cho tất cả, muốn tự do cho mình, muốn sở hữu, muốn " khách quan ". Trong những thứ họ thích sở hữu nhất đó là sở hữu cái " Đúng-Chân lý ".

Tôi thấy điều đó khắp nơi, mọi lúc, với mọi con người, mọi sự kiện, mọi tôn giáo...và mọi cmt..

Thực ra đấy chỉ là một cách tiếp cận, một kiểu Logic thôi mà Logic không phải là Chân lý, cũng không duy nhất mà chỉ là một sự chấp nhận thôi. Ta cần đến Logic đó như một cách để giải quyết một bài toán ta đặt ra

Trong bài toán nhiều phần tử người ta có thể mô tả mỗi phần tử trong hệ trục địa phương và sau đó chuyển các thông tin đó vào trong một hệ trục tổng thể ( phưong pháp FEM cho Cơ học hay phương pháp DH cho động học cơ cấu ). Có thể lấy nhiều ví dụ khác nữa trong khoa học.

Khi có nhiều cái riêng người ta hay định chuẩn để quy về một. Có nhiều chuẩn khác nhau nhưng có lẽ là ít người phản đối nhất là chuẩn theo " Đa số ". Kiểu này dễ thao tác, lượng hoá đơn giản, và là dễ hỏng nhất.

- Quy đổi về một, kết nhập, thôn tính, sở hữu, kết nối, thống nhất,..., luôn là xu thế vận động của thế giới này và luôn dẫn tới các trạng thái mắc kẹt, bế tắc. Các khoảng trống giữa các sự vật, các con người, các thế giới chủ quan luôn có. Cái mô liên kết các thế giới chủ quan đó là cái gì. Connect by Heart

===

** Bằng Cấp và Danh Hiệu **

- Dạo này đang rộ lên chuyện bằng rởm của các quan chức. Đây có lẽ chưa là Bệnh-Malady mà mới chỉ là Hội chứng-Syndrome thôi. Tại vì ở ta ham danh hão quá nên mới ra nông nỗi này. Ai đời ở ta các lãnh đạo, các Chính khách, Sep lớn Sép nhỏ cứ phải giới thiệu thêm nào là GS, nào là TS, rồi NSUT, NGUT mới có vẻ hoàn hảo, dân mới nể. Lỗi tại dân, dân không chuộng danh hão thế thì ai khai man làm gì. 

- Lại nhớ cái hồi Ba Lan bầu tổng thống xưa. Ông Kvashnevski thắng ông Valensa vì giới trẻ đọc hồ sơ thấy nói là một đằng theo học ĐH ở Gdansk, đằng kia chỉ là công nhân mỏ nên bỏ cho ông ĐH ấy. Xong rồi có ai đó lại lôi lên báo là ông ĐH gian lận vì chỉ học dở năm thứ 3 hay thứ tư chứ có tốt nghiệp đâu và phe kia đòi bầu lại. Ông TT mới nói rằng ông ấy không gian lận vì chỉ khai là có học chứ có khai tốt nghiệp đâu. Cãi nhau.

- Thế rồi TV truyền cảnh ông TT mới trao đổi bằng tiếng Anh trên cầu truyền hình với TT Clinton hơn tiếng đồng hồ về các vấn TG và Châu Âu. Có lẽ bằng cấp là thừa đối với vị TT này và SV cũng như người dân Ba Lan đã hiểu rằng họ chọn không nhầm.

Thế thì chỉ cần BT lên nói tiếng Anh trao đổi với ai đó bên trường Mỹ đã học là xong cho yên lòng bà con.

===

** Phạm Quỳnh**

Bài tiểu luận có tựa đề "Tinh thần bất ổn" trích từ ấn phẩm Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 của nhà văn hóa Phạm Quỳnh.

Sự phát triển kinh tế, sự thịnh vượng vật chất có thể dễ dàng đo đếm, đánh giá được: các chỉ số, các thống kê khéo léo, các biểu đồ dễ dàng hiển thị chúng thành các đường cong biểu diễn. Nhưng một trạng thái bất ổn về tinh thần biểu lộ trong những lĩnh vực không cân đong đo đếm được thì khó nắm bắt hơn nhiều.

Ở nhiều nước khác, văn chương, báo chí cho biết tình hình các chuyển động và dao động của công luận, phản ánh thái độ hay miêu tả các tâm trạng, cung cấp các dấu hiệu quý giá về cuộc sống sâu kín của dân chúng, nhưng ở đất nước này, vì nhiều lý do mà nói ra sẽ rất dài, những phương tiện đó gần như không có.

Đến mức một nhà quan sát tò mò muốn tìm hiểu cuộc sống sâu kín của dân tộc này, đặc biệt nếu anh ta lại không nói được ngôn ngữ của nó, không hoà mình được vào cuộc sống bản địa, sẽ không biết mình phải dựa trên cái gì để mà quan sát. Thậm chí đôi khi anh ta còn không nắm bắt được những biểu lộ ra bên ngoài của người dân: hoặc anh ta không hiểu, hoặc anh ta hiểu sai. Và nếu anh ta hài lòng với các tài liệu chính thức, vốn rất dồi dào và dài dòng, anh ta sẽ chia sẻ một sự lạc quan giả tạo, rất ít thật và rất nhiều giả!

Phải chăng nói như thế có nghĩa là cảnh khủng hoảng mà chúng ta vừa nói ở trên và tình trạng tinh thần bất ổn sinh ra từ đó là điều một nhà quan sát sành sỏi không thể nắm bắt được? Bất kỳ ai chịu khó nghiên cứu cuộc sống của người dân nước Nam mà không dừng lại ở những khía cạnh hời hợt bên ngoài đều nhận ra rất nhiều dấu hiệu tố cáo cảnh lượng khủng hoảng và bất ổn đó. Và người ta sẽ ngạc nhiên khi thấy chỉ trong vài năm mà đã có những biến đổi sâu sắc trong ý thức, tập tục và tâm trạng của các tầng lớp dân chúng khác nhau.

Một sự tiến hóa đang trở thành hiện thực không diễn ra theo đường thẳng mà người ta muốn gán cho nó theo những dấu hiệu bề ngoài, mà đó là một cuộc tiến hóa lộ ra rất nhiều khó khăn và trắc trở, nhiều sóng gió, gian truân, đau đớn.

Làm thế nào để thoát khỏi nó? Đó là bí mật của tương lai.

Giờ đây, một trạng thái tinh thần bất ổn đang trùm lên đất nước này, nó có thực và khó sờ thấy được như khí quyển, một khí quyển tích đầy điện dông bão.

Trạng thái tinh thần bất ổn này là do các nguyên nhân về đạo đức, xã hội và chính trị.

Trên phương diện đạo đức, các giáo huấn xưa đã làm nên sức mạnh và sự bền chặt của gia đình và xã hội nước Nam, nay đang tan vỡ và sụp đổ từng ngày. Không có gì để thay thế chúng cả. Ở các nước khác, các niềm tin tôn giáo, ngay cả khi đã biến mất, vẫn để lại trong tâm trí con người một nếp nhăn rất khó xóa nhòa. Ở đây, nơi giới trí thức chỉ biết hoài nghi còn quần chúng thì mê tín nơi mà tình cảm tôn giáo không có gì sâu sắc, các định đề thuộc phạm trù đạo đức, như lòng hiếu thảo, tôn kính tổ tiên, thờ cúng người chết, khi không còn được nuôi dưỡng và gìn giữ bằng một tổ chức gia trưởng và các quy định lễ nghi, có thể nói là không còn lý do tồn tại nữa, chúng hoàn toàn rơi vào quên lãng, để lại trong tâm trí và ý thức một khoảng trống rỗng không dễ khỏa lấp. Mọi người cảm thấy cuộc sống thiếu vắng một cái gì đó, một có gì đó phải là nguyên tắc chuẩn mực của cuộc sống.

Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến.

===

** Trường ĐH Thăng Long **

Bài viết tặng các đồng nghiệp của tôi : Nhu-Lan Vu, Nguyen Cong Dieu, Toan Canh Nguyen dang dạy ở ĐHTL 

- Tôi để ý trường ĐHDL Thăng Long vì : 

a- Thầy Bùi Trọng Lựu BM SBVL của tôi ở ĐHBK HN là một trong những người sáng lập ra trường và có thể nói ý tưởng về trường đã được nảy sinh ở 34 Hàn Thuyên nhà thày. Khi thày xây cái nhà đẹp nhất Hàn Thuyên với nền cao vượt hẳn và tầng trên cũng có nhà vệ sinh làm tôi ngỡ ngàng. Anh Lựu bảo là không ai lại xây cái đạp nhốt nước cách HN 50 km cả, nếu có biến cố thì HN sẽ ngập cao 6m vì thế phải rút lên tầng trên. Tôi nói là đã tính cẩn thận rồi chứ. Anh bảo phải xây dựng Mô Hình tính toán đến tận cánh đồng CHUM bên Lào mà không ai làm và anh khuyên tôi nghiên cứu thêm về Lưu Biến - Rheologie. Sau này tôi dạy môn này. Bây giờ sau tôi thì bỏ luôn theo xu thế lo cái trước mắt, sau này kệ.

b-Cô giáo hiệu phó ĐHTL, TS Đặng Kim Nhung ( phu nhân của GS Nguyễn Xuân Lạc ), người đã giúp đỡ tôi nhiều trong cái nhìn thế giới đừng KH cứng nhắc sang lung linh ( cả tâm linh ) phần nào. Chị đã có phát ngôn gây sốc với ngành GD khi xưa, đại loại là : " Thi đua và thành tích khiến con người trở thành dối trá "

-Có thể nói khai sinh ra Đại học Thăng Long là từ bức thư GS Bùi Trọng Liễu gửi thư về cho anh Lựu và một số trí thức trong nước như Phan Đình Diệu, Nguyễn Đình Trí, Hoàng Xuân Sính Hoàng Tụy, kêu gọi cùng hợp tác để mở một trung tâm ĐH chất lượng quốc tế với sự giúp đỡ về tài chính của Việt kiều phía Pháp . Những dàn máy tính PC, máy in, bàn ghế cho lớp học vi tính, hầu hết có được là do sự đôn đáo ngược xuôi của những người như Giáo sư Liễu bên Paris.

- Tôi viết STT này dành cho một cô SV năm thứ nhất ĐH Thăng Long trong chung cư tôi sống. Gặp cháu ở thang máy, mới nhớ lại ngày nào trong thang máy cháu nên lưu ý ĐH Thăng Long vì ca sỹ Tuấn Hưng học ở đó. Thế rồi cháu nghiên cứu và vào ĐHTL thật. Hôm nay cháu nói là cháu đã rất HP vì sự lựa chọn đó. Tuấn Hưng chỉ là cái cớ để cháu tìm hiểu thêm trường ĐH TL

===

**ELSIN và PUTIN**

Như Putin có không. Tôi tin rằng nước Nga có

Như Elsin có không. Chắc khó. 

Những lời chỉ trích của Yeltsin nhắm vào Bộ chính trị và Gorbachev khiến ông phải chịu một chiến dịch bôi nhọ chống lại mình. Những người tổ chức chiến dịch bôi nhọ đó chắc chắn đã tin rằng việc tống khứ Yeltsin quá dễ dàng để thực hiện với những vụ scandal gây bởi cách cư xử vụng về của ông. Một bài báo trong tờ Pravda đã miêu tả ông say rượu tại một buổi thuyết trình trong chuyến thăm Hoa Kỳ, và một chương trình TV bình luận về bài diễn văn của ông dường như đã xác nhận thông tin này. Tuy nhiên, tình cảm bất mãn của dân chúng với chế độ đang rất mạnh mẽ, và bất kỳ một nỗ lực nào nhằm bôi nhọ Yeltsin chỉ càng khiến ông nổi tiếng hơn. 

Trong chuyến thăm HK của ông, hai tờ báo lớn Pravda và Izveschia đã chống nhau. Thời đó tôi đọc cả hai còn trong quần chúng nổi lên phong trào tảy chay Pravda ( Sự Thật ) vì nói những điều Không Thật về ông khi ở Mỹ.

Ông có một số câu nói đơn giản và ấn tượng. Ví dụ khi nói về Tham Nhũng ông nói " Không ai ăn cắp trong túi của mình "

Và câu nói làm tôi xúc động khi ông cầm tay Putin và nói với người kế nhiếm " Hãy giữ lấy nước Nga "

===

** Người Nam Định **

Người Nam Định có thể chia ra 3 loại:

a- Nổ rất kinh. Đó là những con người của hành động với triết lý " Cứ đi là đến ". 10 phần chỉ cần tính đến 2, 3 là xong, là làm. Loại này trong những thời điểm nhất định thường Loé sáng, Thăng hoa trở thành người của công chúng hoặc khi hết may thì thành Xuân Tóc Đỏ. 

b-Nghĩ quá nhiều, đọc quá nhiều và tính quá kỹ, lây tính dân Hà Nội là hay cầu toàn, nói chữ và làm thơ nữa mới chết.

c-Loại còn lại và rất đông, quen xem đám đông xung quanh thế nào thì như thế để đám đông càng đông hơn

** Nước Mỹ **

Theo điều bổ sung sửa đổi Hiến pháp được thông qua ngày 27-2-1951, mỗi Tổng thống chỉ có thể được đảm nhiệm chức vụ này không quá hai nhiệm kỳ. 

Từ đâu ra chuyện đó ?

Bố của John Kennedy là Joseph P. Kennedy Sr., Đại sứ Hoa Kỳ tại Anh quốc trong những năm trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ hai là người đã đưa ra cái đề nghị ( Decree ) đó. 

Trước đó Tổng thống 3 nhiệm kỳ liền là Franklin Roosevelt làm Tổng thống 12 năm liên tiếp từ 1933 đến 1945

Theo ý ông thì khi tổng thống đã làm 2 nhiệm kỳ rồi thì cả Bộ máy nhà nước trong đó có Bộ máy tuyên truyền đã nằm trong tay ông ta. Nếu sức khoẻ và tuổi tác của ông ta còn ngon thì cuộc tranh cử tiếp với ông chỉ là trò hề, và đất nước dễ bị những kẻ thao túng.

4 người đắc cử 2 nhiệm kỳ là Dwight D.Eisenhower (1952-1959), Richard Nixon (1969-1975), Ronald Reagan (1980-1987), Bill Clinton (1992-2001), George Walker Bush (2001-2009).

===

** Người Tàu**

1.

Tôi có nhiều bạn yêu thích truyện Kiều, thơ Đường lẫn Khổng Tử, những thứ rất xa lạ đối với tôi, một người yêu thích Văn hóa Âu. Các ông ấy bảo tôi ở Tây lâu nên mất GỐC. Tôi nghe thấy buồn và hỏi lại là GỐC GÌ, TÀU hay là VIỆT. Có ông bảo tôi sao học nhiều mà NGU thế. Gốc chung, gốc Á Đông mà không biết, Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ chắc quên hết, ăn cơm Tây lắm vào lú hết.

2.

Thấy bài viết về cái GỐC CHUNG ĐÓ . Dài quá, giữ lại 3 ý cho dễ hấp thụ 

- Về năng lực tư duy logic của người Trung Quốc, ông Lexus nói, tư duy logic của người Trung Quốc có vấn đề. Đừng nói học trò và nhà giáo, ngay cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhiều khi cũng cứ như thiếu những hiểu biết thông thường. Ví dụ có người hỏi người phát ngôn Bộ Ngoại giao, điều luật nào của quốc gia cấm phóng viên nước ngoài đến khu vực nhạy cảm săn tin? Người phát ngôn kia đã đáp lại rằng “Đừng lấy luật pháp ra làm lá chắn”. Câu trả lời này không chỉ thể hiện ý thức kém cỏi về pháp luật, còn cho thấy thứ văn hóa không màng gì đến lý lẽ, thích dùng quyền lực thay cho lý lẽ.

- Ngoài ra, người Trung Quốc còn có logic kiểu “biện chứng”, loại này thường hay xuất hiện trong ngôn từ của những dư luận viên trên mạng, ví như khi họ vừa thấy có ai đó ca ngợi nước Mỹ hoặc tán thành di dân ra nước ngoài là họ hét lên “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Hoặc những phát ngôn như, “xã hội chuyên chế dĩ nhiên không tốt, nhưng xã hội dân chủ cũng không thấy có điểm nào hay ho”.

-Khi cho rằng cái gì cũng có ưu có khuyết thì cũng có nghĩa không còn phân biệt vấn đề tốt hay xấu nữa. Tư duy này rất phổ biến ở Trung Quốc hiện nay, đây là kiểu tư duy không phân biệt đâu là nặng hay nhẹ, là chủ yếu hay thứ yếu. Loại người tư duy kiểu này thường nói: trên thế giới này không có gì tuyệt đối, vì thế không có gì là quan trọng. Những dẫn chứng cho trường hợp này đếm không xuể. Nhiều người Trung Quốc không tập trung vào logic của vấn đề tranh luận mà bắt đầu từ lập trường cố hữu (định kiến) của mình và kết thúc bằng việc công kích cá nhân người kia, hệ quả là từ tranh luận lý lẽ biến thành hai bên chửi rủa nhau.

3. 

Vừa qua tôi có làm một thí nghiệm, đi du lịch một số Trang FB nhóm khác nhau Tôi có Post một cùng một số bài ở các trang khác nhau thì thấy phản ứng rất khác nhau. Ở một số trang thay vì xem tôi viết gì, đúng và sai ở đâu thì họ hay " Bỏ bóng đá người ". Cũng chẳng đọc kỹ nhưng gì tôi viết, hay phê là tôi " viết rất chủ quan ". Đối với tôi thì câu phê đó lại là đúng nhất, tôi luôn nói những chủ quan của mình, riêng của mình mà. 

===

**NHỮNG TRIẾT LÝ NỬA VỜI **

-Có lẽ không đâu lắm triết lý như ở FB VN. Người ta khi chán nó thì mượn câu của Goether " Mọi triết lý đều là mầu xám chỉ có cây đời mới mãi xanh tươi " mà không biết là ông này là vua triết lý, triết lý để phục vụ vương triều Weimar. Ông ta có lý do của ông. Vương triều suy đồi. Vậy người tốt phải tìm cách vào đó phục vụ để pha loãng cái xấu đi chứ người tốt lại bộc lộ thái độ khinh bỉ rồi bỏ đi như cái ông Bethoven ở đó, Văn Thiên Tường ở Tàu hay Nguyễn Trãi ở ta thì mật độ xấu bộ máy lãnh đạo càng tăng, chết đất nước.

Lenin thì nói " Mọi sự so sánh là khập khiếng ... ". Câu đó ở VN nhiều người hay nói và dừng ở sau chữ " khiễng " và không đọc tiếp xem Lenin viết gì, ở đâu. Mọi thứ đều nửa vời. Thực ra ý câu ấy là không thể so sánh những thứ khác loại, không cùng thứ nguyên ví dụ quả cam và cái đĩa. Nhưng Mendeleve nói : " Trí tuệ và Khoa học bắt đầu thừ những phép đo " nghĩa là phải so sánh. Có cái gì mâu thuẫn với câu nói của Lenin không. Không, hồi SV thầy giáo tôi Ryzkov, GS Triết học và là PTS Vật lý nói : " Chỉ so sánh trong cùng một tập hợp, nghĩa là quy đổi vào cùng một sân ". Trong toán học gọi là làm mất thứ nguyên riêng đi. Quả cam và cái đĩa cần được quy đổi ra tiền và có thể so sánh.

-Người ta còn rất hay thích nhắc câu :" Mất tiền không là mất gì, mất lòng tin là mất tất cả ". Lại một câu nửa vời. Câu nói của vĩ nhân là :"Mất tiền không là mất gì, mất lòng tin là mất một nửa, mất lòng dũng cảm và danh dự là mất tất cả ".

===

** 8-3 ĐỌC LẠI ENSTEIN **

-Khi người ta hỏi Thiên tài này là ông biết gì về chính trị mà trong quyển sách này lại viết nhận xét về hệ thống bầu cử của nước Mỹ, của Châu Âu, viết về giáo dục, về quân đội và chiến tranh, về nghệ thuật ..., ông trả lời là ông đến với chính trị hơn các nhà chính trị vì ông biết Vật Lý, ông đến với các lĩnh vực khác cũng vậy.

Theo tôi ông còn hơn những người trong lĩnh vực đó là ông không bị mắc kẹt trong những dây dợ, rác rưởi trói buộc mà lĩnh vực đó đã tạo ra. Như Phạm Quỳnh viết trong " Thượng Chi Văn Tập " là trí tuệ, tư duy luôn bay xa về phía ánh sáng để từ đó nhìn thấu suốt mọi vấn đề.

-Người Do Thái muốn biết đến ông như một Người Do Thái, mong đón ông về làm tổng thống đầu tiên của nhà nước Israel lúc mới thành lập. Nhưng ông không. Ông trước hết là một Con Người và khái niệm Tổ Quốc cho ông có lẽ không chỉ giới hạn ở Trái Đất chúng ta mà là toàn Vũ Trụ . Ông nói: "Tôi không thể tưởng tượng một Thượng đế, kẻ tưởng thưởng và trừng phạt những tạo vật của mình, hay có môt ý chí mà chúng ta trãi nghiệm với chính mình. Tôi cũng không có thể cũng không muốn nghĩ đến việc một con người tồn tại sau cái chết thân thể của mình; hãy để những linh hồn yếu đuối, từ sự sợ hãi hay tự ngã ngớ ngẫn, yêu mến tư tưởng ấy. Tôi hài lòng với sự huyền bí của đời sống vô tận và với sự tỉnh thức và đại cương cấu trúc diệu kỳ của thế giới hiện hữu cùng với sự cố gắng cống hiến để lĩnh hội phần mình, bởi vì nó mãi mãi là quá bé nhỏ, của Chân Lý đã tự biểu hiện trong thiên nhiên".

- Hôm qua có người hỏi tôi về "điều kỳ diệu" hay "phép màu" hay những điều mà ta hay nói giờ như "linh". Chúng có khác nhau nhưng chắc cùng một cái nôi sinh ra đó là sự bí ẩn. Cái đó có viết trong quyển sách của Einstein rồi. Ông chia con người thành hai loại. Một loại thấy các điều là kỳ lạ. Một loại chẳng thấy kỳ lạ gì. Và trở về VN thấy bao nhiêu điều kỳ lạ hàng ngày để từ đó có những điều kỳ diệu mà.

===

** THẾ THÔI **

- Lên chơi nhà Bích mọi người đi cùng hóng thơ Đức, thơ Bích nhưng đều tưng hửng. Không có ai đọc thơ cho ai cả. Triết gia Thi sỹ không đọc trường ca có lẽ vì một lý do hỏi ra là chủ nhà không làm thơ bao giờ, và hơn nữa có đọc sẽ rất vô duyên, Trường ca của Đức thì không hợp cảnh nhà quê, nó phải dành cho Salon, có nến thắp, có tiếng Piano đệm theo, có rượu vang và người đẹp, lại phảng phất mùi nước hoa Chanel chứ. Ôi giời, tôi lại quá viển vông rồi. Trở lại với cái máng lợn, với cái lý do đầu thôi.

Sao một thày giáo dạy văn ĐH tầm cỡ ấy lại không làm thơ nhỉ. Đâu chỉ Bích. Một ông bạn tôi nữa, cư sỹ Tạ Hùng ở NĐ cũng không làm thơ bao giờ. Vì sao nhỉ. Không phải họ không có cảm xúc vì nếu cảm xúc mà ra thơ thì hai quái nhân này ra nhiều nhất. Lại càng không phải họ không có trí tuệ thơ mà là ngược lại. Họ cũng giống như Hoài Thanh ấy, không làm được thơ nữa vì họ phê bình thơ nhiều quá, biết thơ Tây, Ta, Tàu nhiều quá. Hai nhà Hàn lâm Bách khoa toàn thư, hai chàng " Biết tuốt ", hai Kỳ nhân trên thông thiên văn dưới tường địa lý và cũng là hai người thày thơ văn của tôi. Tôi biết đôi chút đến bài thơ nọ bài thơ kia, nhà thơ nọ nhà thơ kia cũng nhờ hai người bạn đó.

-Chỉ có một lời giải thích. Đó là " Khoảng trống " cho thơ trong họ không còn nữa. Lần cuối về NĐ gặp Tạ Hùng, tôi có đọc cho Hùng nghe mấy câu thơ tâm đắc là lạ vừa lạc vào đầu, thế là Hùng đã nói luôn nó là của Verlaine. Thảo nào khi thấy tôi làm thơ em đã khuyên:

" Anh ơi thơ có từ lâu

Người ta làm hết còn đâu anh làm ".

Kệ. Người ta là chuyện người ta. Không có người ta trong tôi. Chỉ có những khoảng trống trong tôi, và đôi thi thơ nó rơi vào. Cũng có thể là cái ông Verlaine từ cõi nào đánh rơi thơ ông vào tôi chứ không phải mình cố ý. Đạo văn là ăn trộm. Tôi thích ăn vụng đôi khi, ngon, nhưng ăn trộm thì xấu hổ lắm. Mới đây tạp chí nước ngoài " Mechanica " phản biện không chấp nhận đăng một nghiên cứu của tôi vì nó nhiều chỗ giống một bài đã đăng rồi ở VN. Lại là bài của tôi. Tôi không chú ý, quên rồi vì cứ nghĩ đăng ở VN thì Tây nó không tính. Ai ngờ thế giới phẳng rồi. Đành phải sửa lại đôi chỗ và bổ xung gửi lại.

-Còn Bích xưa có kể cho tôi về thơ Tây Âu, không nhiều để lấp khoảng trống trong tôi nhưng cũng đủ để để lại ảnh hưởng trong nó

" Khi Mallarmé nói về một vật nào đó rằng nó “thuần túy” (pure) là ông nghĩ tới sự “thuần khiết” (pureté) của nó với tư cách là bản chất, điều này nghĩa là không có cái gì từ ngoài làm vẩn đục được nó” (Hugo Friedrich)

“Tất cả những đặc điểm khác của thơ hiện đại đều được quy tụ lại trong quan niệm này mà Mallarmé đã dùng và truyền lại cho hậu thế: bỏ qua kinh nghiệm thường ngày, những nội dung giáo huấn hay thực dụng, những chân lý thực tế, những tình cảm mỗi người thường có, những say sưa của con tim. Việc từ bỏ tất cả những yếu tố này cho phép thơ tha hồ thi thố sức mạnh ngôn từ ma thuật của mình.” (Hugo Freidrich).

Cứ phải điếc không sợ súng may mới làm được gì đó. Làm thơ đâu phải là cảm xúc như mấy ai hay nói, cũng không hẳn mơ mộng. Đúng rồi, làm thơ là phải " Ngây thơ " đã, nghĩ rằng thơ mình là Nhất... cho mình, chỉ cho riêng Mình nhé, trong thế giới của Mình. Thế thôi. Càng ít người hiểu càng hay vì thơ sẽ không bị Loãng

===

**THƠ HUYỀN GIỚI CỨU RỖI THẾ GIỚI CHÚNG TA.**

“Giữa những gì tôi thấy và nói, giữa những gì tôi nói và im, giữa những gì tôi im và mơ, giữa những gì tôi mơ và quên, là thơ. Thơ len vào giữa có và không; thơ nói những gì tôi im, thơ im những gì tôi nói, thơ mơ những gì tôi quên” - Octavio Paz

“Không nghi ngờ gì nữa, có bao nhiêu bài thơ thì có từng ấy định nghĩa, thậm chí còn nhiều hơn nữa bởi vì các Giáo sư và Nhà phê bình thơ và những Người làm thơ còn đông hơn các Nhà thơ” - Laưrence Ferlinghett

" Văn xuôi lôi cuốn người như dòng nước, đưa ta đi lần lượt, từ điểm này đến điểm khác. Thơ, trái lại, chỉ chọn một ít điểm chính, bấm vào những điểm ấy thì tất cả động lên theo”- Nguyễn Đình Thi

===

**TRẦN SỸ KHÁNG**

- Tôi học cùng khoa Vật Lý Kỹ Thuật ở ĐHBK Kharkov Liên Xô cũ với Trần Sỹ Kháng. Cái món Vật Lý này thực ra là một thứ Đáng Ngờ. Thơ cũng vậy. Ngài Bohr ( tôi nhớ mang máng là ông này nói, cũng có thể là Louis de Broglie nói, nhưng không quan trọng, một người Vĩ đại nói thôi ), ông nói là khi một nghiên cứu trong lĩnh vực Vật Lý mà thấy chưa có giá trị nghĩa là nó..." Chưa Đủ Điên "

Vì thế thói quen các nhà Vật Lý trong đánh giá cao sản phẩm Thơ cũng là nó " Đủ Điên " chưa hay nói cách khác là " Không Tầm Phào ". Kháng thì thay từ nôm ĐIÊN bằng từ TÂM THẦN cho có vẻ khoa học chữ nghĩa hơn. Cũng là dấu hiệu đầu tiên của bệnh TT ( Trí Thức hay Tâm Thần ).

Cái khác của Kháng là người Điên thì luôn coi là mình Tỉnh. Nhà Thơ Điên cũng vậy, nhà Vật Lý lại càng vậy, cãi lấy được. Nhưng vừa là nhà Vật Lý lại là nhà Thơ Điên thì hết cãi. Gặp nhau Kháng tự nhận là thơ Kháng ở trạng thái Tâm Thần.

- Hơn 10 năm trước sau khi tôi trở về Việt Nam gặp lại Kháng ở nhà Dụng cùng lũ bạn học. Kháng đưa tôi cái Card Visit để tiện liên lạc. Trời ạ, chi chít chức danh : TS Vật lý, Nhà Thơ Hội viên HNV Việt Nam, ĐT,..., Không Đảng phái.

Chết thật, Triết Học, một lĩnh vực bắt đầu từ câu Why, một thứ xa lạ với người Việt ( quen nghĩ vì mọi người nghĩ thế ). Ông bạn Trần Sỹ Kháng nói là đến với Triết học cần bước qua Vật Lý. Nói thế nào chứ, mấy ông này cần gì đến Vật lý đâu. Vật lý là những KHẢ NĂNG, con ông Này là KHẲNG ĐỊNH. Khẳng định là mình đúng nghĩa là người khác sai

Kháng cũng phải giải thích thêm ĐT là Đại Tá. Ấy là đối với tôi chứ với chị em sợ rằng lại lờ đi, biết đâu họ tưởng Độc Thân.

Kháng còn tặng tôi tập thơ mới in " Ly rượu xanh ". Tôi cầm về nhưng không đọc, quen xem TV, nghe hát nhiều hơn. Cũng như mọi người thôi, bây giờ xu thế là " Nghe Nhìn " sao thấy xuôi tai, bắt mắt rồi LIKE chứ ngại đọc, ngại nghĩ.

Thế rồi một hôm dọn nhà tôi tình cờ rờ đúng tập thơ, lại đúng trang, đúng một bài, đọc xong lặng đi. Tôi chợt nhớ tới câu nói của Baudelaire :" Nghệ thuật khi đến một ngưỡng nào thì nó lạ lắm, có một cái rùng mình - Un coup de Frisson ". Tôi đọc một vèo lướt hết tập thơ rồi gọi điện cho Kháng nói Kháng có một bài thơ, bài " Tràng An này ". Kháng có vẻ tự ái, cả tập mấy chục bài chứ. Thua.

- Có bao nhiêu người làm thơ thì có bấy nhiêu định nghĩa về thơ. Thơ để có giải, để khen hay, để cười vui, để bình giảng, để phổ nhạc hát KaraOke thì nhiều lắm. Thơ để cho ai đó một cái Frisson ( rùng mình, lặng đi ) có đâu. Kháng có rồi, còn tự ái gì. Tham.

===

Nhận Thức: Hiểu & Ngộ
- Có lần Bích nói với tôi: Đúng / Sai là bước sau, trong tranh luận mà đúng hơn là trong trao đổi thì đầu tiên phải là Rõ / Mờ đã nếu không thì mãi luẩn quẩn.
Để giải quyết vấn đề Đúng / Sai thì cần biết đôi chút khái niệm về Logíc với các chuẩn : Đúng hết hoặc Sai hết .... Đúng một phần, Sai một phần .... Không thể kết luận Đúng / Sai mà đành dựa vào lòng tin, trái tim mách bảo, ý thích ( kiểu như gà có trước hay trứng có trước....nếu thích ăn thịt thì tất nhiên là gà có trước, ăn trứng thì tất nhiên là trứng )
- Tất cả cái đó là Phương Pháp luận của Phương Tây, liên quan đến từ Hiểu. Nó dựa trên thao tác của Tư Duy : Tư duy Phân tích -PT và Tư duy Quá trình- QT.
Điểm yếu của PT là A* chưa hẳn 100 % là A
Nôm na TDPT là A = A1+A2+...An, nghĩa là : bóc tách A- Decomposition, nhận dạng Ai - Indentìication, Kểt nhập A* - Aggregation.
Nôm na TDQT là từ A đến D ta phải qua B và C, hơi sốt ruột
Phương pháp luận của Tây dù có hạn ché nhưng có thể dạy ở PT và ĐH được vì nó liên quan đến từ KỸ NĂNG THAO TÁC.
- Phương Đông ta thì thay vì chữ Hiểu dùng chữ Ngộ. Phải nói thêm là chữ Ngộ này nó không hoàn toàn giống chữ Ngộ trong bài thơ của cô giáo Lam đâu. Không hòa toàn thôi vì nó cùng là lạ với những cái đầu duy lý của phương Tây.
Nó cần trải nghiệm thực tập tu hành và rồi sẽ NGỘ. Tất nhiên cái mình Ngộ ra là cho mình chứ người khác không thấy, không hiểu được. Còn họ muốn Ngộ thì phải tự thực hành. Cũng có thể họ chẳng thấy gì cả hoặc chẳng thấy như mình vì .... họ không có Duyên.
-Thực ra Đông Tây này không hề mâu thuẫn nhau mà là bổ xung cho nhau trong cái thế giới muôn hình này.
Tây nó dùng hệ quy chiếu tổng thể và xếp các thứ vào đấy theo một trật tự thành một hệ thống. Cái này hợp với cái Tạng Piano của Paul Đức.
Đông thì mỗi con người là một hệ quy chiếu địa phương. Cái này hợp với tạng của Trần Sỹ Kháng, kể cả ngôn từ dùng ( mà ngôn ngữ là hình thức của Tư Duy ) có được trên nền " Văn hóa bản địa " và Triết lý Phật giáo. Mỗi con người là một vũ trụ, một hệ quy chiếu riêng, Tâm vũ trụ trong mỗi người, từ đó có trước sau, trái phải 4 phương. Nghe Kháng nói nữa tôi cũng chỉ hiểu đến thế. Cho là nó như thế thì nó như thế. Được quyền cho. Chứ muốn hiểu, à đúng là muốn Ngộ thì phải Tu, phải Thiền cơ, may ra nếu có duyên.

Được cái là cách Đông đó nó bao dung nên không gây nhưng tranh luận gay gắt và cũng rất khó tranh luận dựa trên những ngôn từ Hán Việt. Với lại quá lên thì phạm vào Khẩu Nghiệp.

===

Suy nghĩ về Đạo Phật 

Đạo Phật dạy phương pháp sống hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh thật tuyệt vời. Tuy nhiên, như một tôn giáo, Đạo Phật tổ chức giáo hội kém, giáo lý chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn, kinh bổn phức tạp và rối rắm, lại không có những nguyên lý để thẩm định những tín điều và suy luận về giáo lý. Vì vậy, khi nào cảm thấy mâu thuẫn, các tăng lữ hoặc Phật tử lại dùng một loại biện chứng pháp thô sơ "ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng". Bàn luận về Đạo Phật không có kim chỉ nam, mỗi người một phách, chẳng biết tin ai, kinh bổn nào, nói liều không ít, như một nồi lẩu thập cẩm.

Truyền thuyết về Phật nói rằng bản thân Đức Phật bắt đầu bằng tu theo kinh Vệ Đà, bằng cách tu hành xác, sám hối. Tuy nhiên, Ngài chưa hề đạt tới chính quả theo cách này, mặc dù hoàng gia không thiếu thầy giỏi. Bỏ cách tu này giữa chừng, Ngài đặt vấn đề phủ nhận sự tồn tại của Chân Ngã và Hồng Phạm. Trong đời Ngài không bao giờ nhắc tới Hồng Phạm mà chỉ giữ lại quan điểm về Giác ngộ và Niết Bàn của Vệ Đà.

Nếu nhìn về tổng thể, Đức Phật đã cố gắng tìm một con đường ngắn để đi đến chính quả và phủ định các khái niệm trung tâm của Vệ Đà là Atman và Brahman. Điều đó có lý do chính trị. Phật Giáo là tôn giáo ra đời sau Vệ Đà do giai cấp kỵ sĩ vua chúa, nhằm thâu tóm lại quyền lực từ các tăng lữ vốn là tay chân của vua chúa, nhưng sau nhiều thế hệ nắm giữ ý thức hệ đã trở thành quyền lực lấn lướt. Phủ định giáo lý cũ và ngắn gọn là phương pháp vận động quần chúng nhanh có kết quả. 

Tuy vậy, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn 300 năm, Upanishads bắt đầu ảnh hưởng mạnh tới Đạo Phật. Đại Tạng Kinh, ảnh hưởng Upanishads rất rõ rệt và không thể phủ nhận được sự tồn tại của Atman. Từ đó, mới hình thành những giáo điều mới mà Đức Phật chưa từng giảng khi Ngài còn tại thế. Khái niệm Tam thân ra đời. Pháp thân ứng với Đức Phật. Báo thân ở những thế giới khác. Ứng thân trở thành các Bồ Tát ở thế giới của chúng ta. Bồ Tát có thể luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác trước khi nhập Niết Bàn. Đã có Luân hồi tức là có Linh hồn, có Atman. Pháp thân và Báo Thân chính là thể hiện khác nhau của Brahman.

Nhìn chung, rất khó tranh luận với các tăng lữ và Phật tử. Một là họ không cởi mở tranh luận. Hai là do biết rõ mâu thuẫn trong giáo lý, nên họ đã tự trang bị một phương pháp biện chứng nhiều tầng. Khi đuối lý, lập tức họ sẽ chụp cho đối phương là sai lầm, mê đắm, ngu si. Nếu họ bị sơ hở, tự mâu thuẫn trong lý luận thì đã có lý luận "cái ta nói là ngón tay chưa phải là Mặt Trăng". Cho đến khi chưa bị phản bác thì họ nghiễm nhiên tự coi lời mình chính là Mặt Trăng. Mặc dù có nhiều cao tăng uyên áo và cởi mở, nhưng đa số phật tử bàn về giáo lý phảng phất như đấu tranh giai cấp.

Tuy dễ bóp chết tranh luận hay phản bác, cách lý luận như thế làm hệ thống giáo lý của Đạo Phật khó lòng tự nó phát triển. Những điều uyên áo nhất của giáo lý Phật chỉ dừng lại các mức sơ khởi của Áo Nghĩa Thư. Mọi ý đồ tìm hiểu sâu hơn đều bị gắn mác u mê, dị đoan. Vì vậy Đạo Phật hay dựa vào các hệ thống giáo lý ngoại lai hoặc hệ thống chính trị để phát triển.Tại Việt Nam, Đạo Phật pha thêm màu sắc Tam Giáo, có thêm những yếu tố shaman để thu hút tín đồ. Nhưng điều đó lại làm việc luận đạo và hành xử của nhiều Phật tử có màu sắc hung dữ, bài xích tuyệt đối và đầy mâu thuẫn, trái hẳn với giáo lý ban đầu của Đức Phật. Chính vì vậy, tôi luôn là người chiêm ngưỡng và kính mến Đức Phật, Phật Pháp và một số cao tăng từ xa, nhưng sẽ không bao giờ trở thành một tín đồ Đạo Phật.

===

**Hoạ Sỹ và Nàng**

- Nàng đôi khi xuất hiện trên sàn, lại ngồi mình một bàn chỗ xa nên ít gã đàn ông nào dám đến mời. Nhỡ nàng không nhận lời thì thật là ôi, phải đi trở về qua sàn trước những con mắt chế diễu của mọi người ngồi. Đấy là tự mình nghĩ thế thôi chứ có ai nhìn ai đâu. Nhưng cũng chưa hẳn vì Nàng quá khác lạ, kiêu sa nữa, khiến cho ít kẻ tự tin. Mà thế là Nàng thiệt. Nhảy một mình chỗ xa đó, trước gương.

- Hôm đó cuối năm chẳng biết đi đâu, chàng hoạ sỹ lang thang lại lạc lên sàn, hết chỗ, chỉ góc xa vẫn còn một ghế trống với Nàng ngồi bên. HS hỏi chỗ và thấy Nàng gật đầu. Nhạc nổi lên. Nàng vẫn ngồi. Rồi là họ nhảy với nhau. Kỳ lạ. Nàng giữ thăng bằng trọng tâm trên chân trụ rất tuyệt, một điều hiếm có đối với người Việt và nhờ vậy HS có thể đưa Nàng một cách dễ dàng Vũ điệu Slowfox mà anh yêu thích.

- Những lần sau HS ra sàn ngó sang không thấy cô nàng ấy. Chắc Nàng có lý do, chắc không phải do mình, chắc không phải do cái Vũ điệu kia, HS nghĩ. Mà chưa chắc, hình như do mình. Mà không phải do mình, do cái Vũ điệu kia. Mà không phải do Vũ điệu kia, do mình.... Không được, phải rõ hơn, do mình thì là do cái gì chứ. Cái tay ? Không, HS cầm nhẹ nâng niu có là đau tay Nàng đâu. Cái chân ? Hình như cũng không, các bước đi của HS cũng chuẩn, không dẫm vào chân Nàng. Thế thì cái gì ? Tay ải tay ai, chân ải chân ai...

===

** Công Thức BNK**

Đó là công thức tôi được học ở LX thời xưa, nó liên quan đến thực hiện luận án để giải quyết một vấn đề KH nhưng đó cũng là một triết lý sống. Trong lý thuyết hệ thống hay trong FEM thì công thức bộc lộ rất rõ.

- B = Bóc Tách ( Decomposion ) vấn đề thành những vấn đề con VĐC. Điều này chỉ thực hiện được khi đối tượng là Hữu hạn nghĩa là có Biên

- N = Nhận dạng ( Indentification ) các VĐC. Thực chất là nghiên cứu xây dựng mô hình toán học cho mỗi một VĐC

- K = Kết nối ( Connection ) các vấn đề con vào hệ thống. Chú ý ở vị trí kết nối cần thỏa mãn điều kiện Cân Bằng và Liên Tục để cho Bình An toàn Hệ thống

===

Những vấn đề của cuộc sống cũng vậy

** Viết cho mình**

-Như đã viết trong FB, GS Lev Israelevich Steivolf, người thầy Do Thái dạy tôi môn học "Cân bằng máy" một lần đi dạo với tôi ở công viên trong trường ĐHBK Kharkov có kể cho tôi về dân tộc Do Thái của mình. Đó là viết hàng ngày, đọc và bỏ bớt, thải đi hàng tuần. Cái đọng lại sẽ là kho báu tri thức của riêng mình. GS cũng nói cho tôi về cách biến mọi thứ đơn giản về phức tạp bằng cách quy mọi thứ về ba điều và việc học sẽ tự nhiên như nó đúng ra phải như vậy, tự nhiên như hơi thở, cân bằng như một miếng cứng kiềng 3 chân, đơn giản như một vòng xoáy Valse,..

-Sau này, những thất vọng hay đúng hơn là những thất bại trong mọi lĩnh vực về tôn sùng Logic đã làm nhiều nhà KH bơ vơ. Việc mềm (fuzzy) hoá, thích nghi hoá Logic Aristot theo hướng Logic mờ của L. Jahde hay theo hướng Đại Số Rào Chắn (Hedge Algebra) cũng không tránh được những khiên cưỡng của con người và tôi vẫn coi đó chỉ là những Giải pháp tình thế.

-Có lẽ chỉ còn biết tựa vào Thuyết Tiến Hoá của Darwin với hai 2 toán tử chính : Sinh sản và Đào thải. Quy luật Sinh sản trong thế giới phẳng của công nghệ, trong không gian cuộc sống ảo của truyền thông, Net, FB gần như không còn Rào Chắn vì ở đây yếu tố ngẫu nhiên (tính chất quan trọng nhất của tự nhiên) được tôn trọng . Nhưng nếu Quy luật Đào thải (Ý thức của con người đặt ra để thanh lọc) không hoạt động thì thay vì Tiến hoá sẽ dẫn đến Tha hoá, như đàn Khủng Long to xác hồi nào tràn ngập hành tinh chúng ta, như Nhân loại bây giờ. Tiếc thay

===

**Einstein**

"Thế Giới như tôi nhìn thấy-The World as I See It"-Albert Einstei

-Khi người ta hỏi Thiên tài này là ông biết gì về chính trị mà trong quyển sách này lại viết nhận xét về hệ thống bầu cử của nước Mỹ, của Châu Âu, viết về giáo dục, về quân đội và chiến tranh, về nghệ thuật ..., ông trả lời là ông đến với chính trị hơn các nhà chính trị vì ông biết Vật Lý, ông đến với các lĩnh vực khác cũng vậy.

-Theo tôi ông còn hơn những người trong lĩnh vực đó là ông không bị mắc kẹt trong những dây dợ, rác rưởi trói buộc mà lĩnh vực đó đã tạo ra. Như Phạm Quỳnh viết trong " Thượng Chi Văn Tập " là trí tuệ, tư duy luôn bay xa về phía ánh sáng để từ đó nhìn thấu suốt mọi vấn đề.

-Người Do Thái muốn biết đến ông như một Người Do Thái, mong đón ông về làm tổng thống đầu tiên của nhà nước Israel lúc mới thành lập. Nhưng ông không. Ông trước hết là một Con Người và khái niệm Tổ Quốc cho ông có lẽ không chỉ giới hạn ở Trái Đất chúng ta mà là toàn Vũ Trụ . Ông nói: "Tôi không thể tưởng tượng một Thượng đế, kẻ tưởng thưởng và trừng phạt những tạo vật của mình, hay có môt ý chí mà chúng ta trãi nghiệm với chính mình. Tôi cũng không có thể cũng không muốn nghĩ đến việc một con người tồn tại sau cái chết thân thể của mình; hãy để những linh hồn yếu đuối, từ sự sợ hãi hay tự ngã ngớ ngẫn, yêu mến tư tưởng ấy. Tôi hài lòng với sự huyền bí của đời sống vô tận và với sự tỉnh thức và đại cương cấu trúc diệu kỳ của thế giới hiện hữu. cùng với sự cố gắng cống hiến để lĩnh hội phần mình, bởi vì nó mãi mãi là quá bé nhỏ, của Chân Lý đã tự biểu hiện trong thiên nhiên".

Người ta hỏi tôi về "điều kỳ diệu" và "phép màu" hay những điều mà ta hay nói giờ như "linh". Chúng có khác nhau nhưng chắc cùng một cái nôi sinh ra đó là sự bí ẩn. Cái đó có viết trong quyển sách của Einstein rồi. Ông chia con người thành hai loại. Một loại thấy các điều là kỳ lạ. Một loại chẳng thấy kỳ lạ gì. Và trở về VN thấy bao nhiêu điều kỳ lạ hàng ngày để từ đó có những điều kỳ diệu mà.

===

** Lão ngồi mơ nước Nga**

Một đất nước kỳ lạ nhất thế giới. Hàng hóa làm ra cốt để bán sinh lời, để tái sản xuất. Đây lại càng bán càng sợ lỗ, đổ cho là đất nước nghèo, thậm chí là LX phá sản vì bán được nhiều bàn là, vô tuyến quá. Tôi ở Kharkov toàn phải mua hộ áo bay, xe đạp, quạt tai voi cho bà con Việt xưa. Các nước khác thì khách hàng là thượng đế. Qua Ba lan thấy cô bán hàng tươi như hoa, ở LX thì người bán hàng là thượng đế với bộ mặt khinh khỉnh. Người dân LX lúc đó ngơ ngác, hoang mang. Putin lên, dầu mỏ lên giá 10 năm, lại có lắm tiền. Mạnh vì gạo bạo vì tiền mà, với lại Nga bây giờ không phải LX xưa, không phải một chế độ toàn trị, cơ cấu phản hồi âm Feedback Negative cũng phần nào hoạt động, có các ông chủ, các nhà tỉ phú, có người làm thuê và truyền thông công khai. Đó chính là kết quả của Gorbachev mong muốn xưa.

- Lein mơ : Chính quyền Soviet + Điện khí hóa TQ....

- Gorbachev mơ : Có tỉ phú làm chủ, có người làm thuê + Công khai báo chí

- Elsin mơ : Tam quyền phân lập + Đa đảng + Thị trường tự do ....

- Putin cũng đang mơ : Nước nga vĩ đại

===

** Paul Duc: STT về Tư Tưởng **

" Cũng nản dần trong chuyên môn khoa học, rời bỏ các điểm biên trên đó, lang thang vào mảng Thơ Văn, xem các điểm biên ở đây vậy. Ở đây có gì lạ không. Nguyễn Huy Thiệp xưa rồi, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu thì lộ rồi. Có lẽ còn Paul Duc, một điểm biên và đầu kia là Trần Sỹ Kháng. Gặp may rồi và Paul Duc đã thành nhân vật chính trong truyện ngắn " Bức Tranh Thơ - Bản Tango Italiano NXB HNV 2014 ", còn Trần Sỹ Kháng cũng đã có mặt trong TT " Sóng Đơn Độc " đang biên tập.

Cũng lại đã chia tay với Paul Duc. Tình hôm nay lại thấy FB đưa bài viết của Ngài. Cái này không liên qua đến Thơ nên cần suy ngẫm thấu đáo hơn. Thử giữ 3 ý :

- " Theo quan điểm chung của Hy Lạp mà tôi lĩnh hội: chỉ có ông chủ mới có danh dự. Còn nô tài chỉ lo kiếm ăn và bảo tồn sự sống mà thường không chú trọng vào danh dự " - Paul Duc

Trung Tran : Danh Dự là một khái niệm mờ. có nhiều cách nhìn nhưng có thể thấy " Danh dự là phạm trù cá nhân nhưng mang tính xã hội, luôn gắn liền với chủ thể xác định nhưng cho thấy danh dự chính là cách nhìn của người khác về bạn. Người có danh dự hay không, không phải vấn đề bản thân họ có trong sạch hay không, mà là vấn đề người khác có thừa nhận họ hay không? "

Miệng người sang có gang có thép. Hóa ra danh dự là một thứ xa hoa cho tầng lớp trên. Nghèo kiết xác lại mơ được nhận bằng khen danh dự thì may ra chỉ ở cấp tổ dân phố, mà là dân phố nghèo thôi.

- " Ở Châu Âu, triết học cũng chỉ có Hy lạp, Đức và Pháp là chính thức có, còn các quốc gia khác đều nhạt "

Trung Tran : Chính Xác

- “Mọi thứ vĩ đại đều đặt trên sự cực đoan, còn mọi cái vững chắc đặt trên cái bình thường”

Trung Tran : Đó là cách nói khác đi của Phan Quý Bích : " Tư duy thì cần cực đoan ( Logic Aristottle ) còn để thích nghi tồn tại trong cuộc sống cần trung dung ( Fuzzy Logic )

===

HOÀI NIỆM LIÊN XÔ

Nhớ lại thời đó hay đọc Izveschia, Zarubezom thấy bàn đến 2 kiểu CM :

a- từ trên xuống ...

b- từ dưới lên.

Ví dụ cho CM kiểu b là CX Paris, CMT 10 Nga và CMT 8 ở VN. Dấu hiệu của nó là phá cửa hiệu bánh mì và phá kho thóc, nói cách khác là CM dạ dày. Thời Gorbachev mọi thứ thực phẩm khan hiếm nhưng vẫn còn bánh mì và vodka. Vậy đó là CM kiểu a, từ trên xuống, nói cách khác là CM của cái đầu và trái tim

Thủ tướng của Gorbachev, Nikolai Ryzhkov viết, “ tình trạng đạo lý [nrastennoe] của xã hội vào năm 1985 là nét đặc trưng “hãi hùng nhất. Chúng ta] ăn cắp từ chính bản thân của chúng ta, nhận và đưa hối lộ, láo khoét trong các báo cáo, trên báo chí, láo khoét từ các diễn đàn cấp cao, đắm mình trong láo khoét, rồi trao huân chương cho nhau. Và tất cả những điều này đã diễn ra – từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên "...

- Bộ trưởng Ngoại giao Eduard Shevardnadze, cũng đã nói với Gorbachev vào mùa đông 1984-1985: “Mọi thứ đã thối nát. Phải thay đổi thôi”

Tôi rời nước Nga đã lâu, nhưng nghe nói bên đó hiện nay tham nhũng khiếp lắm, một truyền thống giống như say rượu rồi

===

**NGƯỜI NAM ĐỊNH**

- Bỗng dưng lại nhớ đến hồi lớp 9. Thày giáo dạy Văn dẫn cả lớp đi thắp hương mộ cụ Tú ở khu 8. Nhớ là hôm đó cuối năm, trời mưa rét. Ruông ướt bẩn. Hỏi mãi mấy bác nông dân chỉ đi chỉ lại mới tìm được mộ cụ, đắp đất. Thắp hương xong Tạ Hùng đọc Văn Tế nó viết. Giọng đọc cảm động quá khiến tôi chảy cả nước mắt và xụt xịt. Một phần có lẽ trời vẫn mưa và lạnh. Bài Văn hay lắm, tôi nhớ nhất câu cuối Hùng cất cao giọng ý nói là những gì cụ Tú viết và trăn trở hồi xưa thì nay đã sáng choang lên rồi, tương lai tươi sáng, mái trường XHCN...đại loại thế. Hùng là học sinh giỏi cả văn và toán, bóng bàn, bóng đá, bơi, lại gần nhà, chơi với tôi từ lớp 4. Có anh bạn giỏi này đâm tôi cũng lười, hay ỉ lại.

- Sau này lớn rồi mỗi khi cần hiểu biết thêm một điều gì đó về Văn Chương tôi hay về NĐ tìm Hùng. Đỡ phải tra Google, đọc sách cho vất vả. Hùng rất nhiệt tình, hàng đống giấy chữ viết ly ti lấy ở gác xép xuống, từ Mạc Ngôn đến Đỗ Hoàng Diệu, Từ Pau đến Baudelaire. Tôi hỏi sao Hùng không viết, không sáng tác thì phê bình vậy. Hùng nói viết gì, phê gì nữa. Người xưa họ viết hết rồi, nói hết rồi, có đọc đâu, có nghe đâu.

-Học thầy không tày học bạn lợi ở chỗ đó. Thầy hay dọa, hay làm người ta sợ, hay tinh vi, hay biến dễ thành khó. Khổ. Bạn đỡ hơn

===

**THƠ GỢI **

- Thơ không phải là nói-dire, không phải là kể-raconter. Thơ là gợi-suggere.

- Cái nửa chừng đó nó ám ảnh người đọc. Cái nửa kín nửa hở đó nó ám ảnh người xem. Nớ gợi cảm giác, nó gợi cảm xúc và với nhà thơ nó gợi cảm hứng

Và như vậy một bài thơ hay không bao giờ trọn vẹn, nó như luôn đang dang dở và nó khiến ta phải thấy một cái gì đó là lạ bứt rứt xuất hiện trong ta. Đó mới chính là cái mà Plato gọi là CÁI ĐẸP và Baudelair mới cho rằng " Cái đẹp đó làm cho đứa nhút nhát thành dũng cảm và làm người anh hùng trở nên nhút nhát ".

- Tôi thích thơ Szimborska, Sveteva, Dư Thị Hoàn, Trần Sỹ Kháng vì các bài thơ đó nó gợi....thơ cho tôi. Hình như đọc xong tôi cứ phải viết tiếp. Thường là viết xong thấy dở ẹt. Cũng như thấy một cô gái đẹp và gợi để mình cũng không kìm được thốt lên hay làm một điều gì đó, sau thấy...vô duyên.

Mà không phải như bác Dung Khuc nghĩ là chỉ có gái hớ hênh mới gợi thơ đâu nhé. Cuộc sống luôn che dấu nhưng luôn gợi. Và thơ là vén lên bức màn ớ hênh đó để cho những thứ bị che đậy lộ ra, cũng có thể thơ lại ngược lại, lại che đi cho kín đáo em

- Nếu lùi ra xa mà nhìn hoặc sau bao nhiêu năm nữa nhìn lại thì có thể thấy ở đây có hai khả năng :

a- xoay quanh từ " thế lực-Power ". Khi thế lực ông Thăng mạnh thì chịu, khi yếu thì sẽ đến thất thế mà thôi...

b- xoay quanh từ " phản hồi ngược-negative feedback của hệ thống ". Các lãnh đạo thường xa rời quần chúng và bị tầng lớp trung " gian " tâng bốc che mắt.

" Rượu nhạt ru mãi cũng say

Lời khôn nói mãi chướng tai cũng nhàm "

===

**Thượng Đế hay Con Tin**

- Nhà đầu tư là khách hàng của Cty chứng khoán. Vì sao gọi Khách hàng là Thượng Đế. Vì họ có quyền lựa chọn CTy CK để phục vụ hoạt động Đầu Tư của mình.

- Margin hay giao dịch ký quỹ làm đòn bẩy tài chính trong đầu tư chứng khoán được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán (CTCK), cho phép nhà đầu tư vay tiền để mua số lượng cổ phiếu có giá trị lớn hơn giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư có trong tài khoản CK bao gồm cổ phiếu + tiền mặt.

Với Margin nhà đầu tư sẽ có thuận lợi về vay vốn để hoạt động còn Cty cũng có lợi khi có tiền lãi cho vay mà nắm giữ tài sản thế chấp của người vay.

Nếu có rủi ro về đầu tư, giá cổ phiếu giảm thì Cty CK vẫn an toàn. Khi cổ phiếu giảm giá, nhà đầu tư được yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo.

Để quản lý rủi ro đối với khoản tiền cho nhà đầu tư vay thì CTCK sẽ hạ tỉ lệ margin ở mã cổ phiếu có thông tin xấu. Việc hạ tỉ lệ margin và thông tin xấu cộng hưởng lại có thể làm giá cổ phiếu giảm rất sâu dẫn đến thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Nghĩa là CTy CK cho rằng luôn nắm đằng chuôi, còn Thượng Đế nắm lưỡi.

Nếu cổ phiếu đầu tư đang thuận lợi mà CTCK sẽ hạ tỉ lệ margin ở mã cổ phiếu đó thì đó là khả năng một chiêu trò nhằm đánh tụt mã đó xuống để Cty hoặc Nhóm lợi ích đi đêm với Cty mua lại. Nói cách khác là bán đứng Thượng Đế của mình.

Thực ra trong lĩnh vực nào cũng vậy, CK càng nên vậy cần theo một quy trình với thời gian vừa đủ để các Thượng Đế còn xoay xở, kịp dọn dẹp. Nhưng khi đã nắm đằng chuôi thì lòng tham dễ nổi lên lắm.

-Có bao nhiêu câu nói có cánh nghe sướng tai. Nhưng hãy khắc cốt ghi xương câu dặn dò của Fucik : " Con người hãy cảnh giác ".

Đây là cảnh giác với kẻ nắm đằng chuôi để mình nắm đằng lưỡi. Trường hợp không được nắm được chuôi thì tốt nhất là dùng dao hai lưỡi cho binh đẳng

===

** Khoa Học Và Phật Giáo **

- Các ông Nguyễn Tường Bách, Trần Sỹ Kháng cũng như nhiều nhà Vật lý khác tìm đến giáo lý nhà Phật là điều tự nhiên. Vật lý học loay hoay với câu hỏi : a-Sự vật, b-Thời gian, c- Không gian ...mãi không xong. Phật giáo mách bảo : còn thiếu. Đó là c- TA ( con người ).

- Hình như lại càng luẩn quẩn hơn với a,b,c,d. Trong thế giới Vật lý thao tác bóc tách + tương tác ( Decomposition ) với Logic Hình thức không ổn chút nào. Những cố gắng dùng Logic Phật bốn chiều hay nói cách khác là Giáo lý nhà Phật trong kinh Tướng Không của TS Trần Sỹ Kháng để giải thích thế giới Nano giống Thi ca của Ngài nhiều hơn, cái siêu phẩm " Mỹ nhân với tiếng thở dài của Thi ca - NXB VH 2017 " ấy, nghĩa là rất ít người hiểu và có hiểu thì lại rát khác nhau.

- Còn Điều khiển học và Phật giáo liên quan gì. Có lã chỉ với Phật giáo Nguyên Thủy khi sống sâu trong hiện tại để hàm cuộc sống của con người hay hàm Hamilton ( xung lượng của quá trình tối ưu ) luôn cực đại, để không còn áy náy về quá khứ, lo lắng ở tương lai...để bình an như lới Phật Tổ : Sự sống chỉ có mặt trong mỗi hơi thở

===

 Ám Ảnh Thơ 

- Evtushenko nói : " Thơ là nỗi ám ảnh cho những người muốn nói mà không biết nói gì rồi vẫn cứ nói ".

Nói như ông này thì cũng như Xuân Diệu đã nói ấy, nhà thơ còn chưa hiểu sao người đọc hiểu và ĐẾN VỚI THƠ CẦN BAO DUNG MỘT CHÚT, VỚI NHÀ THƠ CŨNG VẬY.

- Ai đó nói : " Có bao nhiêu nhà thơ thì có bấy nhiêu định nghĩa về thơ ". 

==> Từ hai cái gạch đầu dòng trên thì suy rộng ra là 

a- Có bao nhiêu người đọc thơ thì có từng ấy cách hiểu khác nhau. Đấy mới là Thơ chứ không nó là Toán, Kỹ Thuật hay Kinh Tế Tài Chính mất. 

b- Cũng đừng hỏi nhà Thơ lúc làm thơ anh ta định gửi gắm gì. Lúc đó anh ta cứ làm thôi, cảm xúc mà, đầu nóng, tim đập nhanh, thở. Còn đâu tỉnh táo mà mạch lạc rõ ràng được. 

- Nói thế thôi, cũng có thơ của những người quen Logic, họ làm thơ không nhờ trái tim mà bằng sự quan sát, trí tuệ. Ở ta thơ Trần Sỹ Kháng là một ví dụ. Người đọc thấy khó nhưng thấy lạ và mãi rồi đành chịu. Nghe ngài giảng giải mới TÉ RA. Hóa ra để đọc được thơ Ngài phải biết được ít nhiều Kinh Tướng Không Nhà Phật hay Vật lý Nano. Mà còn phải biêt chút chữ Nho nữa.

Đúng là Thơ của Ngài không phải để chia sẻ, để mang ra HỘI THƠ VĂN MIẾU hôm nay để đọc, để bình, để khen hay. Nó đúng là nỗi ám ảnh.

===

- Năm 67 tôi rời Tashkent đến ĐHBK Kharkov học Hóa. Hết một năm xin chuyển lên học Vật Lý Kỹ Thuật và dành thời giờ cho thư viện. Cạnh nhà là Thư Viện đọc sách gồm hai phòng KH và VH. Hình như thời SV mình ngốn nhiều quá, đủ dùng cho cả thời NCS. Thời NCS đọc ít, chỉ quan sát và suy ngẫm nhiều thôi.

- Có thể cũng do số phận ghép hai VN chúng tôi vào cùng ở với Iura và Vova. Hai thằng khác hẳn tính nhau nhưng lại cho chúng tôi thấy một nước Nga nói riêng và LX nói chung không giống như chúng tôi được học trong nhà trường. Đúng là không để ý thì không thấy. Với lại cái khoa VL kỹ thuật ấy do Landau xây dựng rất nhiều thầy giáo và SV Do Thái. Đôi khi họ làm tôi ngỡ ngàng ví dụ như khi đi thi sử được câu hỏi vì sao CMT10 thành công ở Nga. Tôi trả lời như trong sách " vì đó là mắt xích yếu nhất của CNĐQ, vì...." và được 5 nhưng trước khi về ông thày dạy Sử nói là vì nước Nga nhiều Vàng và rộng lớn lắm tài nguyên quá và vì công nhân Nga đói quá, vì Đại Chiến II....Nếu không có ba cái đó không có CMT10. Không có ông Lenin nọ thì sẽ có ông kia, không Đảng nọ thì Đảng kia. Nước Nga cần nổ và có quá nhiều năng lượng cho vụ nổ. Chỉ khi tài nguyên cạn thì xịt.

- Năm 79 tôi sang NCS, BK Kharkov có khoảng 10 SV, lại ở rải rác ( hồi xưa khoảng 500 SV sống gần nhau hơn). Dưới nhà tôi có 2 cậu SV người HN. Một đứa rất lăng nhăng thay gái như thay áo. Đứa kia thì chung thủy, sống với một cô người Moscow sau lấy làm vợ và dọn lên ở Moscow.

Cũng như VN thôi, xưa và nay khác nhau nhiều lắm. Hoài niệm luôn đi kèm với tiếc nuối.

Hình như có một cái gì đó ít thay đổi. Đó là các thầy cô giáo Nga. Họ quý VN.

Cái món múa rối là do Trần Sỹ Kháng, Do Dinh Khang sống cùng phòng tôi nghĩ ra. Tôi thì ít thú vị với những thứ dân gian ấy lắm. Thời giờ rỗi mùa đông toàn trốn đi trượt băng nghe nhạc. Cũng may ông bạn Khang sống cùng phòng hiền lành, không tố cáo để đuổi về nước.

Thực ra cũng có đứa phiêu lưu hơn tôi. Một lần tôi gặp nó thấy mặt rộp lên. Hóa ra nó cùng bọn Tây leo núi bị bỏng TUYẾT. Nó muốn lấy được cái bằng HLV leo núi. Tôi quên mất tên cậu ta và cũng không kể với ai hồi đó.

Bọn con gái thì sống hiền hơn, ít máu phiêu lưu, quẩn quanh là yêu loanh quanh trong KTX

===

 **THƠ KHÔN** 

- Tháng giêng là tháng ăn chơi. Tháng giêng những năm trước tôi được tăng khá nhiều thơ mới in. Năm nay tưởng thơ cạn, thơ tàn hay các nhà thơ khánh kiệt rồi. Còn lo cơm áo gạo tiền mà. Cả tháng 2 bình an. Thế mà trưa hôm qua được tăng một tập thơ dày " Yêu lần nào cũng đau ". Chắc biết tính mình đã nhát, sợ đau.

- Dòng Thơ Nữ. Nhiều nhà thơ nữ Việt làm thơ cũng dòng, giống vậy và nhiều người Việt thích. Cũng không chỉ nữ. Đàn ông Việt nhiều người làm thơ cũng vậy. Dòng đó hợp với thẩm mỹ và trí tuệ Việt. Như hội Hồ Đồ Xứ Phuống Thanh Chương, các nhà thơ Hoát Vũ Xuân, Đoàn Xuân Hoà, Trần Sỹ Kháng thì

" Thơ không phải căn nhà xây gạch mộc 

Mà cần chọn lọc, các TỪ THƠ "

Điểm tựa của họ là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thế giới trong thơ luôn là Thế giới của Gia Tĩnh đời Minh ấy .

-Và Thơ là Nghệ Thuật. Bài thơ Việt đẹp với nhân công, kỹ thuật, chau chuốt nhiều quá, tỉnh táo, điêu luyện, hinh ảnh đẹp, nhiều họa tiết, như cái phòng nhỏ treo đầy tranh, chất liệu tạo lên bài thơ được chọn lọc một cách tinh tế từ những hình ảnh bên ngoài để tạo nên bức tranh mô tả cái bên trong của con người.

===

** Đạo **

Đạo Thiên Chúa theo cách nhìn của Trung Tran có thể hiểu là : Jesus yêu thương loài người nên hy sinh mình để chuộc tội cho họ. Nói cách khác là khởi nguồn từ Tình yêu. Vì thế gái, giai yêu nhau có Chúa chứng giám và dâng tình yêu lên cho Ngài ( làm gì Chúa cũng biết chứ không giấu được đâu, đừng có tưởng chỉ có hai người kín đáo đâu nhá )

Đạo Phật là sự tìm thăng bằng Tâm để Bình An. Yếu tố Bất an luôn có từ bên ngoài ( vô thường ), không thể thay đổi được cái bên ngoài đó vậy thì học cách để " Nó không nhưng mà có.....Nò Nò Nó có cũng như không " là ổn.

Cả hai đều rất tuyệt. Liệu có thể theo một lúc cả hai được không ạ

===

** Phật là Người **

- Từ khoá là Phật Giáo Nguyên Thuỷ và Phật Giáo Ngày Nay, Đại Thừa và Tiểu Thừa, Nghệ Thuật Sống và Tôn Giáo. Vô Ngã và Cái Ngã Thường Còn. Phật ở trong Tâm.

Trong lịch sử Phật giáo luôn có khuynh hướng " Tôn giáo hóa đạo Phật " và để Đạo Phật thành một Thần Giáo ???

Ban đầu đạo Phật không là một tôn giáo mà là một nghệ thuật sống, một công phu thực tập giải thoát bằng trí tuệ. Người ta phải căn cứ rất nhiều vào sức mạnh của cá nhân, của tự lực, cũng như khi đói thì phải tự mình ăn, người khác ăn giùm mình không được. Đó là tinh thần của Phật giáo Nguyên thuỷ : Phải sử dụng thân, phải sử dụng hơi thở của mình để tự chuyển hóa và giải thoát.

Nhưng đa số chỉ muốn có một đức tin, một tha lực. Người ta có nhu yếu muốn biến Phật giáo thành ra một tôn giáo, một sự thực tập tín ngưỡng (practice of devotion).

Con đường trí tuệ là một con đường và con đường đức tin là một con đường khác.

Chúng ta không tự tin nơi mình nhưng dễ tin vào một tha lực, tha lực đó trong trường hợp của Phật giáo là Bụt.

Hầu hết tất cả các phật tử đều có nhu yếu hướng về một vị Bụt như thế, một vị Bụt pháp thân còn mãi, còn hoài, không mong manh, không sinh diệt như hóa thân Bụt. Người ta không bằng lòng với một vị Bụt sắc thân, một con người sinh ra ở thành Ca tỳ la vệ, tu học, tới năm 35 tuổi thành đạo rồi tịch năm 80 tuổi.

Đó là khuynh hướng đi về tôn giáo, cung cấp một đối tượng cho sự thờ phụng, một tín ngưỡng mà chúng ta gọi là The Living Buddha tức Bụt ngàn đời. 

Chúng ta không thể nào không bị cuốn theo khuynh hướng đó. Nhưng nếu bị cuốn theo nhiều quá thì chúng ta sẽ bỏ mất sự thực tập. Chúng ta trao hết thân mạng mình, hạnh phúc của mình, sự giải thoát của mình cho một lực lượng linh thiêng. Chúng ta không còn có sự cố gắng cá nhân.

-Phật nói Vô Ngã nhưng xu thế con ngườii muốn thiết lập một " cái ngã thường còn " mà mình có thể nắm giữ được. Nếu tất cả đều vô thường, đều sinh diệt trong từng giây phút như trong Phật giáo Nguyên thuỷ nói thì chúng ta khó mà nắm bắt được. Những người có căn cơ, có thể nắm được giáo lý sát na diệt rất ít.

Giáo lý căn bản của Đức Phật là vô ngã. Người ta lại có nhu yếu phải thiết lập một cái gì đó để làm nền tảng cho nhân quả, cho nghiệp báo, cho sự chứng ngộ. Khuynh hướng đi tìm và nắm lấy một cái ngã là khuynh hướng rất phổ cập. Nhưng làm công việc này rất nguy hiểm, đã đưa đạo Bụt gần tới cái gọi là thần giáo.

Trong Mật tông có quan niệm Đại Nhật Như Lai (Vairochana). Đại Nhật Như Lai trở thành gần như một vị Thượng đế. Thế giới này là sự biểu hiện của Đại Nhật Như Lai. Đó là một hình thức của thần giáo. Nó có thể đánh mất đi những nét đặc thù của Phật giáo. Đạo Phật không phải là một thần giáo.

Bụt không phải là một vị thần linh.

Tôn kính và thờ phụng một Thần Linh có quyền năng có thể làm êm dịu những khổ đau của con người. Nó có thể cung cấp cho con người một nơi nương tựa, nhưng nó không phải là điểm quan trọng nhất trong đạo Bụt. Điểm quan trọng nhất trong đạo Bụt là những giáo lý, những pháp môn giúp cho chúng ta chuyển hóa và giải thoát. Trên quá trình hành đạo, chúng ta cũng có thể phát triển khía cạnh đức tin, tôn giáo. Nhưng chúng ta đừng bao giờ quên rằng đó không phải là phần chủ chốt nhất của đạo Bụt. Phần chủ chốt nhất của đạo Bụt là phần tu tập để chuyển hóa, trị liệu thân và tâm của mình.

Bụt là người, Bụt làm được như vậy thì ta cũng làm được như vậy.

** Người Giỏi Toán – NGT**

Tôi quen hơi nhiều NGT. Có lẽ một lần viết về họ xem theo ba ý : Họ như thế nào-Xã hội được lợi gì ở họ-Số Phận những NGT

- Người ta hay đối lập NGT là người có tính chính xác, chi li...và khô khan. Tôi thấy oan, ít nhất là cho một nửa trong số họ, cái nửa A ấy, họ khá linh hoạt và khôn. Có thể vì Toán của họ là Toán Lý, Toán Sinh, Toán Điều Khiển, Toán Cơ....Còn nửa B thường là Toán Thợ, Toán Thuần Tuý.

- Trong Phổ thông chú ý nửa B, phát triển những Kỹ Năng Làm Toán, Giải nhanh, Chứng minh các công thức Toán có sẵn để đi thi.

Xã hội được lợi là nhờ những thành tích thi Toán QT nước ta được vinh danh là cường quốc thi toán quốc tế cũng như đã được vinh danh là cường quốc thơ nhờ số lượng nhà thơ, số lượng bài thơ trên Facebook và số ngày hội thơ

- Điểm chung của NGT là họ giỏi ngoại ngữ vì nghe đâu trong não phần toán và ngoại ngữ gần nhau chứ không như các bác " giỏi văn ". Vì thế mà họ tiết xúc với văn hoá Tây dễ hơn, bị Tây nó ảnh hưởng nhiều.

Đôi khi họ cũng viết văn, làm thơ. Người đọc và thích ít lắm.

Họ cũng tham gia vào các hoạt động xã hội, chính trị nhưng ít thành công. Dân mình không thích suy luận, lý lẽ logic, mệt, khó. Cứ hình ảnh và ví dụ cho hấp dẫn là hay hơn cả.

Có lẽ thành công duy nhất là GS Tạ Quang Bửu. Nhà toán học làm bộ trưởng

===

** Rheologie**

- Hôm nay tình cờ lại thấy mấy đề thi RHEOLOGIE mình cho khi nào. Lại nhớ đến cái môn học đã rơi vào quên lãng ấy, cái môn học bắt đầu từ quan sát và phải lùi đủ xa, đủ lâu.

Thế giới chưa xong

Luôn đang hình thành

Đang dịch chuyển

Như trái núi 

Đang chảy

Không có

Lúc dừng

Ta đứng gần

Mắc kẹt cái nhìn

Thời gian lại quá ngắn 

Luôn nghĩ là đã hết hoặc xong 

Thế giới, rồi cả Tình yêu cũng vậy

Cả những bài thơ “ Trời Đùa “ nữa ấy

In ra rồi nhưng thực đã xong đâu

- Thử nhớ lại sự dịch chuyển của thế giới này. Nhưng dịch chuyển như những khẩu hiệu đã rơi vào quên lãng. Khẩu hiệu " Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại " chẳng hạn. Mà cũng chẳng cần khẩu hiệu " Vô sản toàn thế giới buông nhau ra ", đến lúc buông là tự buông.

15 nước liên hiệp lại và CCCP ra đời. Rồi thời khắc buông đã điểm. Nước Nga đầu tiên. Họ buông nhau ra với hy vọng sẽ kết nối lại một cách tự nguyện không khiên cưỡng trong CÔNG ĐỒNG CÁC QUỐC GIA ĐỘC LẬP. Cần thời gian.

- Có lẽ khi mong muốn một cái gì tốt hơn, nhanh hơn Dịch Chuyển theo hướng Liên Kết, Hợp Nhất. Sự hình thành EU chẳng hạn. Thời xưa Tào Tháo trong khi đánh Ngô Quyền đã kết các thuyền bè lại cho vững

Khi có nguy cơ, để sống sót, phải buông nhau ra. Lửa cháy, các thuyền bè của Tào không kịp tách khỏi nhau. Cháy tất

===

** THI NHÂN VIỆT NAM **

- Evtushenko có nói " Không có gì đáng Ngờ như Thơ ". Tôi thì lúc đầu còn thấy cả " Không có gì đáng Ngờ như phê bình thơ ". Sau đó tôi lại thấy không ổn. Thay chữ Ngờ trên bằng chữ " Chủ Quan " thì có lẽ ổn hơn

Sao vậy ? Đơn giản vì hai cái món đó mà khác đi thì nó lại giống Khoa Học của tôi mất rồi, lại chán chết.

Khi làm thơ nhà thơ chiều chính mình thôi thì khi viết " Thi Nhân Việt nam " Hoài Thanh cũng như vậy, chiều chính mình. Chỉ khác là ông ta cũng như Phan Quý Bích, Belinski và các nhà Phê bình khác cũng không làm thơ nhé để khỏi cảm xúc, để cái đầu còn chút minh mẫn mà khen chê, mà phát hiện chứ Thơ đã Cảm Xúc, đã Lú. Phê bình cũng thế thì toi. Cái món " phê bình " và món " sáng tác " đó nó phá nhau. Mà làm sao chiều hết tất cả mọi người đọc được, họ rất khác nhau, người dễ tính thich thơ dễ đi vào lòng người, người lắm chữ lại chê là dễ là dễ dãi.

- Mỗi người có một thước đo riêng và đó chính là sự hấp dẫn của làng Văn. Còn nếu không thì lại phải làm thống kê, lấy ý kiến, mà cái đó cho cái lĩnh vực lơ mơ này thì cũng không có câu trả lời thỏa đáng. Kiểu như Chỉ Số HP theo một tổ chức thế giới thì Việt Nam ta là xếp thứ 5, theo kết quả khác là 95. Tôi thì đơn giản lấy là 50 = ( 95+5 ) /2 thì bị mấy ông bạn kêu dốt toán vì Dispertion gì mà lớn quá khủng vậy.

===

** Khách quan-Chủ quan **

- Hôm qua cậu em hỏi tôi về chuyện bỏ thi ở PT liệu sẽ có không. Tôi ngạc nhiên, sao lại có được. Đó là thành quả của nhân loại cũng như phép Logic hay phép Thống kê hay là Bầu cử ấy. Đành rằng Logic không phải Chân lý nhưng Chân lý cần Logic cho yên tâm, yên tâm nữa thì cần đến Thống kê.

- Mọi lập luận đều là của ai đó, của con người, càng thật lòng thì càng chủ quan mà...nhưng cũng chưa ăn nhằm gì với lập luận của con người mang nặng cảm xúc, nhất là khen chê mà đã quen ai đó kiểu như thi vấn đáp HS là con cái hiệu trưởng ấy hay bầu lãng đạo là con các lãnh đạo ấy......vì thế trong trường mới cần thi viết thì dọc phách chứ bỏ thi chỉ để các thầy cô đánh giá thì chết......

- Đấy là lúc bình thường thôi. Có những thời điểm quan trọng nhất thì đôi khi không kịp, lúc ấy đành có nhưng quyết định dựa theo trực giác của người đứng đầu. Quyết định đó cho cá nhân Mình hay cho một Sự nghiệp chung. Đó mới là điểm then chốt chứ không phải là cái chuyện khách quan hay chủ quan

Boris Eltsin đã cố gắng tạo ra một hệ thống cho nước Nga hoàn chỉnh như một HỆ THỐNG PHÁP TRỊ ĐA ĐẢNG TỰ ĐIIỂU CHỈNH với lưỡng viện, bầu cử với nhiệm kỳ không quá 2 liên tục, thị trường tự do và công khai báo chí + Tam quyền phân lập nhưng CHÂN KHÍ CẠN KIỆT. Một cơ thể hoàn chỉnh nhưng ốm yếu.

Và nguy cơ hệ thống đó suy sụp, tan rã. Đầ=u tiên là chiến Tresnhia cần dứt diểm nhanh. Cần một vị tướng. Ông đã tìm ra Putin để cứu lấy nước Nga. Khoảng nửa năm lên cầm quyền Putin đã giành chiến thắng bình an được sự loạn lạc.

Thiên thời đia lợi nhân hòa. Đúng lúc ông lên giá dầu tăng gấp đôi, rồi sau đóphi mã. Nước Nga có tiền để chữa bệnh và bồi dưỡng sức khỏe. Ông cũng tìm được vị thủ tướng Medvedev, người tốt nghiệp về kinh tế.

Ai sẽ là người làm thủ tướng sắp tới mà ông Putin chọn cho mình. Eltsin vĩ đại vì không chọn thân cận ( loại này nhiều lắm ) mà chọn cho nước Nga.

Putin chọn cho ông hay cho nước Nga.

===

Trần Sỹ Kháng & Eltsin 

- Hôm nay dọn dẹp tình cờ lại thấy bản thảo " Trời đùa " với những nét gạch phê của 5Trần Sỹ Kháng. Thực chất là Kháng đọc và không sửa, chỉ gạch bớt chữ đi thôi. Thơ bị ngắn hơn. Ví dụ Ngài bỏ chữ NHƯ trong câu thơ.

Thời gian trôi lỗ kim (NHƯ) nhỏ lại

Sợi chỉ cứ tìm hoài, vương vấn khôn nguôi

- Thôi được, ngắn dù sao cũng còn bài thơ. Có điều Ngài bỏ phải đến 1/3 bài thơ. Theo Ngài là " Có những bài thơ không thể sửa được, mà chỉ có thể loại bỏ "

Sao lúc Ngài nói tôi trông Ngài giống Boris Eltsin thế

- Vừa qua tôi lại thấy Putin tiếc nuối LIên Xô. Tôi cũng tiếc và trong tập truyện ngắn đầu tay tôi đã viết : " Ba năm chuyên gia ở trường đại học Bechar, giữa sa mạc Sahara chỉ có mình tôi là Việt Nam. Nhưng hai mươi mốt đồng nghiệp, đến từ Nga, Ucraina, Belorusi, Grudia và các nước cộng hoà khác của Liên Xô thời ấy, đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Cũng như họ, tôi lo lắng trước những biến động ở Đông Âu và Liên Xô. Hình như tất cả chúng tôi đều nghĩ có thể cứu được, chỉ có phải thêm một chút, phải chỉnh lại một cái gì đó thôi "

- Và câu nói Putin khích lệ tôi. Có lẽ tôi sẽ xem lại chỗ thơ mà Hồ Đồ Thi Nhân loại bỏ và sửa. Không có gì là không sửa được. Chỉ sợ con đường đi lạc hướng thôi. Thơ chứ có phải con đường đâu. Thử xem một bài mà NGài đã loại nào

===

**Diễn Đàn HNLX**

- Theo tôi Diễn Đàn sẽ vô ích với Tranh Luận - полемика ( Thắng / Thua ) mà sẽ có ích với Thảo Luận - обсуждение.

Muốn vậy cần biết lắng nghe các ý kiến trái chiều ( dù rằng rất khó ) và tránh bỏ bóng đá người

- Không nên so đo yêu ghét nước Nga ở đây vì Tình Yêu là gì ? Mỗi người yêu theo cách của mình và đôi khi khó nhất là người đứng giữa, một bên là vợ, một bên mẹ mình đang cãi nhau.

-Tôi yêu nước Nga nhưng tôi yêu cả Ucraina và Ba Lan nữa .

Với Ba Lan thì là Yêu và Nhớ

Với Ucraina thì Yêu và Xót

Với Nga thì Yêu và Lo

Không phải trong Yêu thì Sự tin tưởng và Sự Lo âu cũng song hành với nhau, đôi khi chỉ được chọn 1....cũng như cô nhà báo Nga đã viết...Tự Do và Yêu nước cũng vậy, đôi khi phải hy sinh một .... nếu không chỉ là Ảo Tưởng

===

**Cảm xúc và Lý trí**

- Ở VN chiếc ô tô khách mất lái do phanh; người lái xe đã tìm cách hãm được để cứu xe...Mọi người hoan hô....Ở Đức thì không mà ngược lại, người lái xe đi bị phạt.

- Ở VN người lái xe đỗ sai nơi quy định vì phải trả lời điiện thoại là bố phải đi cấp cứu. Ở VN không phạt. Ở Singapure thì phạt vì không phạt là đúng với người con lo cho bố nhưng lại sai với 4 triệu người còn lại không đỗ xe trái phép

- Ở Nhật có gì thì người đứng đầu chịu, ở VN thì chưa chắc, có thể là ai đó

===

** THIỀN**

- Thiền theo tôn giáo, Thiền chú (Mantra Meditation)

Lần đầu tiên tôi để ý Thiền.

Đó là khi chờ quá cảnh ở sân bay Thụy Sỹ, một người da đen đến xin tôi thu bớt đồ sang bên và giải một cái khăn xuống để ngồi nhắm mắt, cúi lạy. Tôi hiểu với anh này, sân bay, hành khách và cả tôi, tất cả thế giới bên ngoài không tồn tại nữa, chỉ còn thế giới bên trong anh ta thôi.

Cảnh tượng đó được lặp lại thật ấn tượng khi tôi rời Alger đi autobus về  Bechar, quãng đường hơn ngàn Km. Khi hoàng hôn xuống, xe rời cao nguyên Tlemcen vào sâu sa mạc cát gió hoang vu Sahara. Xe dừng, chỉ mình tôi ngồi lại ngắm cả đoàn người xuống xe ngồi cầu kinh trên cát vàng. Bầu trời hôm ấy đỏ úa.

Buổi lên lớp đầu tiên của tôi cũng bị bất ngờ. Tiếng chuông nghỉ giải lao đầu tiên các sinh viên đi ra, dọc hành lang cùng với các giáo viên vào Mosque, điện thờ Hồi Giáo rồi đứng nghiêm im lặng như ta lúc mặc niệm, khá lâu.

Hasen hay đến thăm tôi, nhưng cứ đến đúng giờ ấy là cậu lại đến quay mặt vào tường niệm chú. Không có tôi nữa, với cậu ấy chỉ có Thánh Alah.

Cậu giáo sư Ấn phòng đối diện không biết theo đạo gì nhưng hay rong ruổi đi một mình trên sa mạc như một người vô hồn, đúng hơn như một phần của sa mạc.

Iana, đồng nghiệp Ba Lan của tôi thì cầu kinh trước khi ăn và đi ngủ.

-Thiền Chánh (Mindfuless Meditation)

Tôi hỏi Sasha, thế cậu có niệm Thiền không. Sao không, hàng ngày chúng ta một mình vùi đầu vào sách vở, vào công việc riêng, tập trung đến nỗi quên hết xung quanh. Khoa học, Nghệ Thuật cũng chính là một tôn giáo cho những người tôn thờ nó. Irina, vợ cậu ấy thì đan hết cái áo này, áo khác cho mọi người. Tôi gọi đùa là Thiền Đan. Đó là sống thiền - tập trung tâm trí vào một công việc hiện tại. Ngay khi từ trường về nhả tôi tập Thiền Hành : Tập trung theo dõi cảm nhận chân trái bước, khi nào chán thì đổi chân.

-Thiền Tức (Breath Meditation)

Tập trung ý nghĩ theo dõi chuyển động của hơi thở. Mọi thứ đều liên quan đến người khác, không phải của riêng ta. Con người chỉ có hai bảo vật à hơi thở và ý nghĩ. Neo ý nghĩ vào hơi thở chỉ phụ thuộc vào ta hoàn toàn và nhờ đó ta bóc tách mình khỏi thế giới bên ngoài

-Thiền Quán (Vizualisation Meditation)

Hình dung lại một hình ảnh. Cậu Ấn Độ giải thích cho tôi cái đặc biệt của phim Ấn với người nghèo. Họ đi xem phim và ba tiếng đồng hồ họ tưởng tượng, hoá thân vào anh nhà nghèo trong phim được công chúa sinh đẹp yêu, hạnh phúc. Thiền Quán có thể kết hợp hình ảnh tĩnh hay động với âm thanh, giai điệu. Có thể lưu hinh ảnh hoặc các chuyển động đó trong tâm trí càng nét càng tốt. 

Hiệu quả Thiền càng cao khi mức độ tập trung càng cao, khi ý niệm duy nhất (nhất niệm) càng mãnh liệt. Đến một ngưỡng nào đó xảy ra một hiệu ứng Thiền-Cái nhất niệm đó tan biến đi, con người vào được một trạng thái gọi là Hư Tĩnh hay Vô Thức - Thân (dương) , Tâm (âm) hợp nhất và tan biến hoà đồng trong Hư Vô. Nhờ có đó sức khỏe Thân Tâm được hồi phục một cách kỳ diệu, trong lành. Cũng như tình yêu Nam Nữ vậy, lúc trao nhau, giây phút kỳ diệu đó ..

-Thiền trong Yoga

Trong hệ thống yoga, thiền có thể được xem như là mức cao nhất trong các phần, bao gồm yama (theo quy luật chung vũ trụ), niyama (thái độ cá nhân), asana (tư thế cải thiện thể chất), pranayama (kỹ thuật thở. Thông qua bốn phần đầu tiên, chúng ta có thể phát triển:

- Đạo đức và ứng xử

- Sức khoẻ về thể chất, tính kiên cường, linh hoạt, sức mạnh, khả năng chịu đựng và sức bền.

- Sức sống và nghị lực thông qua phân bổ prana (năng lượng)

Bốn phần này tập trung cơ thể thể chất, tạo cho cơ thể được sạch sẽ, ổn định và khoẻ mạnh và tâm trí được sẵn sàng cho việc thực hành thiền. Chúng là bước bên ngoài để tới yoga.

Pratyahara (rút tâm trí) và dharana (sự tập trung) là phần thứ năm và sáu. Pratyahara sẽ tạo ra chiếc cầu nối giữa thế giới bên trong và bên ngoài. Thông qua pratyahara, bạn có thể học được cách thoát ra khỏi thế giới hàng ngày nhưng vẫn duy trì sự quan sát và nhận biết được. Phần nay rất giống tới câu: “trong thế giới nhưng không thuộc về nó”. Không có được sự phân tách ra này thì không có khả năng để thiền.

Rút tâm trí và tập trung, điều này sẽ tạo ra:

- Khả năng tập trung và hướng vào bên trong.

- Khả năng thư giãn cho tâm trí và cơ thể

- Khả năng cho phép sự tập trung kéo dài và khả năng nhận thức đối với toàn bộ tâm trí và cơ thể.

Khi đó tâm trí đủ tĩnh lặng để thực hành thiền. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thiền sẽ trở lên dễ dàng. Giống như tất cả các khía cạnh khác của yoga, thiền đòi hỏi phải tận tâm thực hành với sự kiên trì.

===

** Chúa Trời - LOgic - Thi Ca **

- Khái niệm về một Đấng Tối cao với các tên gọi khác nhau phụ thuộc vào cách nhìn nhận của con người , từ Brahma (Đại Ngã - Ấn Độ giáo), Giavê của Do Thái giáo, Allah của Hồi giáo và Thiên Chúa ba ngôi của Cơ Đốc giáo.

Nhiều người " chấp nhận nhất tin rằng " God là đấng Toàn-năng, Toàn-tri và Nhân-từ

- Nhiều hệ thống tôn giáo và triết học thừa nhận khái niệm GOD là đấng tạo dựng toàn thể vũ trụ.

Ở đây có hai loại người :

a- Cho rằng God đang chăm sóc vũ trụ mà mình đã dựng.

b- Cho rằng God là Đấng Toàn Năng nên bất kỳ sản phẩm nào mà Ngài đã hoàn thành công việc sáng tạo ra nó đều đã là toàn hảo ngay từ lúc sản phẩm đó vừa được Ngài sáng tạo kiểu " Chuẩn không cần Chỉnh ". Còn tại sao vẫn còn nhiều cái đầy "khiếm khuyết", thì Con - Người là để giải quyết những "khiếm khuyết" bằng cách cải tạo nó, biến đổi nó phù hợp hơn với thế giới và cuộc sống của loài người. Đó là ý God.

- Trong 3 thuộc tính của Chúa Trời thì " Toàn Năng " gây nhiều tranh cãi hơn cả. Ở đây cũng có hai loại người:

* Theo Đức Tin ( Đỡ nghĩ cho nhàn, Toàn Năng là Toàn Năng, cứ tin như thế đí )

* Theo Logic. Các nhà Khoa học sau sự sụp đổ của chương trình Hilbert bớt tinh vi đi. Họ hiểu rằng Logic không là chân lý. Thế Giới này là " Thế Giới Với Những Khoảng Trống ". Bằng Logic không thể hiểu được Nước Nga chứ chưa nói đến Việt Nam hay Hàn quốc. Cái đó HĐTN Trần Sỹ Kháng gọi là Văn Hóa Bản Địa. Logic mang tính phổ quát nhưng những " Điểm kỳ dị ", " Hố đen ", những kẻ Hồ đồ " .... vãn luôn tồn tại " Phi Logic ".

Để vớt vát các nhà Logic đành bổ xung " Nhưng Chân Lý cần Logic vì nếu không Vũ trụ nó sụp đổ ". Thôi được, đúng là nếu thế giới Thi Ca này toàn những Hồ Đồ Thi Nhân với Tây Hồ Ngọc Nữ này thì toi, các Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa ... sẽ biết làm gì.

Và có nghĩa là Chúa Trời + Những Nghịch Lý Logic làm nên thế giới chúng ta. Descartes cũng thừa nhận là nếu Chúa tồn tại thì Người có thể nâng mọi tảng đá. Còn tảng đá mà Người không thể nâng được là một vật thể bất khả, không tồn tại.

Aquinas thì cố chấp cho là Chúa có thể làm bất cứ điều gì nhưng vẫn phải tuân thủ logic, còn những gì không thể, phi logic, như tạo ra tảng đá mà Chúa không nâng được là không thể nào. Aquinas có thể trả lời “Không” cho sự tồn tại tảng đá bất khả nhưng không ảnh hưởng gì đến toàn năng của Chúa.

Chúng ta vẫn không ( có thể là không bao giờ ) : a- chứng minh .. b- phủ nhận sự tồn tại của Chúa Trời.

Có người hỏi tôi thế Trung là a hay b.

Tôi thích câu thơ của nữ Thi Sỹ Wisla Szimborska

" Với lòng tin ta sống dễ dàng hơn và ra đi cũng nhẹ nhàng hơn "

===

**CÔNG THỨC VMT **

Lời Dẫn với 3 gạch đầu dòng

- Thi Nhân Trần Sỹ Kháng cách đây 2 năm đã kêu tôi vứt quách những cái mẹt hàng xén Tầm Phào trên tường nhà tôi như " 3 gạch đầu dòng trước khi đi ngủ " hay " ABC Morning Cafe ". Ngài có lý vì đọc xong cái đầu nhiều anh lại thêm mất ngủ, cứ lục xục, mộng du. Cái sau thì quá tệ, Ngài chẳng muốn nói, tự hiểu. Không Hiểu được thì tìm cách mà Ngộ cũng xong.

Vì thế năm mới tôi quyết định thay cái đầu bằng " Thế Giới Với Những Công Thức 3 Chữ Cái "

- Tầu nó có Tam Tự Kinh, Tây nó có Un Deux Trois, Ta có Oẳn Tù Tì hay Oẳn Tòa Roằn gì đó. Chỉ 3 thôi, nói đến cái thứ 4 hay 5 là đã : a- Làm khó nhau..b- Dối nhau... c- Dọa nhau rồi "

- Công thức đầu tiên của năm mới sẽ là về SP - SỐ PHẬN Con Người và không dành cho ai lẩy Kiều đâu. Cái này không dính dáng gì đến cô Kỹ Nữ lầu xanh ấy cả.

===

Do là Tết năm nay nhận được những lời chúc chân thành. Đó là điều quý nhất. Trung Tran xin cảm ơn chân thành những người bạn trên FB đó.

Có nhiều lời chúc về Sức Khỏe. Thực ra 4 điều " Sinh Lão Bệnh Tử " là điều không ai phản bác cả. Ai cũng thế cả thôi. Có điều cách nhìn của mỗi người khác nhau.

Nhưng " Số Phận - SP " của con người thì không ai giống ai cả. Và 3 điều " VMT- Vận Mệnh Tu " cũng vậy.

Công Thức cho nhiều người Tây Âu là " SP = Sự Tình cờ + Ý Thức "

Á Đông thì cho nhiều người Công Thức sẽ là " SP = VMT " .

Thôi, không bàn đến Tây. Nếu muốn biết thêm cái Công Thức Tây thì có thể đọc tiêu thuyết " Hãy Cứu Em " của Guillaume Musso là đủ. Ta bàn về cái Cái Công Thức của Á Đông ta

- V-VẬN là cái bên ngoài bao trùm ta, không cưỡng được. Lần sinh nhật lần 70, Nghệ Sỹ Soviet Plutrev có nói ông được coi là Người Hạnh Phúc, luôn đầy đủ và được mọi người quý mến. Ông lại nói là đau khổ vì là người Hạnh Phúc trong một dân tộc bất hạnh. Nhà thơ Evtushenko cũng nhiều lần áy náy như vậy.

Và cái VẬN của dân tộc Do Thái, Syria rồi của bà con miền Trung Vũng Áng...

- M-MỆNH là cái trời cho mà " Thiên cơ lại không lộ ". Cũng là Khoảng Trống cho Văn Hóa Phương Đông với Dịch Lý, Phong Thủy và các hình thức khác như Thờ Mẫu mà Unesco vừa công nhận. Chẳng biết thế nào.

Khoảng Trống đó dành cho Lòng Tin. Các phương pháp luận khoa học và phép thống kê không có chỗ.

- Còn mỗi T-TU là của Ta để thay đổi ít nhiều Số Phận một phần nào, để " Sống Dễ dàng hơn và ra đi cũng Nhẹ nhàng hơn " như câu thơ của Nữ Thi sỹ Szimborka viết ấy.

Tu thế nào. Sách nhiều quá, Thầy nhiều quá, Chùa, Nhà Thờ ... và quan trọng hơn là Kinh, Lời nhiều quá.

Chỉ một câu thôi cho dễ, cho mình thôi. Nhiều môn phái dẫn đến chữ NHẪN ( Sáng mồng Một ở hồ người tập PLC đã ngồi tu từ 5h sáng ). Đạo Gia thì đến chữ HÒA.

Tôi nghĩ đến Thượng Đế và Phật Tổ. Bỗng tôi nhớ đến lời CHỊ dặn " Buông Bỏ và Không Chấp ". TU để có được điều đó.

Dễ nhất là Tu Thân, rồi Tâm sau.

Và với Tu Thân tôi rất thích bài tập đầu " Phật Triển Thiên Thủ Pháp " trong PLC :

a- Từ từ duỗi rồi căng hết Mình, 

b- Buông bỏ và Không Chấp, 

c- Từ từ chùng lại thế ban đầu.

Cái này giống như đứa trẻ hay con mèo, con chó nó gồng căng lên rôi buông. Mọi cục tắc trong người sẽ xả ra

Và ta lại thấy " Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ " như trong câu thơ chị Xuân Quỳnh trong bài thơ " Hoa Cỏ May " xưa

===

**Thơ Trần Sỹ Kháng**

Có người ( bạn học cũ )  hỏi tôi sao lại gọi thơ Kháng là Hồ Đồ. 

Tôi lúng túng. Có lẽ là vì nó khác với những thơ ca mà ta hay đọc kể cả Tân Nghệ Thuật của Dang Than.

Nó là một rung động đặc biệt và dành cho những người đọc cũng Hồ Đồ, cũng rung động với tần số đó. Thi Nhân thực ra mới làm xong một nửa. Nửa kia còn là của người đọc.

Và Hồ Đồ luôn đi kèm với Ha-HA-Ha

- Và âm thanh đó cũng như thơ này như là ở một cõi khác. Nếu để tìm một từ để nói về Thơ của TSK thì có lẽ nên tìm từ Nhà Phật. Trong Nhà Phật có những khái niệm như: KHÔNG THAY ĐỔI, TÙY DUYÊN MÀ ĐẾN. Thi CA HỒ ĐỒ đã xuất thế, nhưng lại ở ngoài Tam Giới nên không trong vòng KHỞI TRỤ HOẠI DIỆT, và TÙY DUYÊN NGƯỜI ĐỌC mà hiểu được đến đâu thì hiểu. Bởi vì THI CA HỒ ĐÔ (TCHĐ)̀ LÀ MỘTHI CA HUYỀN GIỚI (TCHG) riêng. HUYỀN là tùy vào TÂM THẾ NGƯỜI ĐỌC mà có sự nhận biết và cảm thụ khác nhau. Ngay trong bài thơ THAY LỜI NÓI ĐẦU đã thể hiện điều đó.

-Trong TCHG Hồ ĐỒ Thi Nhân (HĐTH) tự tách mình ra thành ba Chủ Thể đó là HỒN, XÁC VÀ BẢN THÂN THI NHÂN. HĐTN đứng ngoài cuộc để xem HỒN VÀ XÁC của mình khi MỸ TỬU (MT) như thế nào.

Khi HỒN và XÁC nhìn vào LY XANH thì thấy một HUYỀN GIỚI THI CA khác. Trong HGTC Chủ Nhân của mình là HĐTN đang ngồi trên mây ở cuối chân trời và đang khóc. HĐTN khóc vì thấy HẠ GIỚI CHÚNG SÍNH (HGCS ) đang quằn quại trong Hạ Giới vì NGHIỆP TRỌNG, TÂM THÔ, MA CHƯỚNG QUẤY NHIỄU VÀ NGŨ UẨN HẫY HỪNG (Kinh Phật dạy về chúng sinh THỜI MẠT PHÁP).

Và HỒN còn thấy một MỸ NHÂN đang cô độc GIANG hồ bôn tẩu trong TG để tìm chủ nhân của mình là HĐTN.

THỂ XÁC nói đây là Mỹ nhân đã đầu thai nhiều kiếp vào một Vương Quốc nên được VĂN HÓA BẢN ĐỊA tạo nên một THIÊN GIỚI HƯƠNG (Rượu này ủ mấy triệu năm chưa đủ/ rồi chứng lên bằng công nghệ cổ xưa)' vì thế MN này vẫn hay hờn dổi, bất thường tính khí. Nó là một sản phẩm của CÔNG NGHỆ CỔ. Thời nay dùng Công Nghệ đột biến gel chắc chắn sẽ khá hơn.

HỒN của HĐTN thân rằng MN là CỐT HỒN CỦA MỘT VĂN HÓA BẢN ĐỊA. Trái tim nàng đã băng kết từ nhiều triệu năm do không ai biết mở ngoài HĐTN. Vì nàng là một MỸ NHÂN trong VƯƠNG PHỦ của Ngài HĐTN. Chính vì thế mà MN này phải mang cả ĐỊNH MỆNH AÓ để xuôi Hạ Giới đi tìm VƯƠNG GIA của mình là HĐTN. ĐỊNH MỆNH AÓ là chiếc áo nàng thường mặc mỗi lần dâng tửu ngâm vịnh bên gối của Chủ nhân minh là HĐTN trong TCHG.

MỸ NHÂN VÀ TIẾNG THỞ DÀI THI CA là một ĐỈNH GIỚI HƯƠNG TÌNH như Nhà Thơ Vũ Xuân Hoát đã có lời trong tác phẩm của HĐTN.

===

** ƯỚC MƠ MỸ_NGA VÀ SỰ HỤT HẪNG **

Có 2 ƯỚC MƠ : Ước Mơ Nước Nga ( đã đi vào quá khứ ) và Ước Mơ MỸ - American Dream ( Hình như cũng đang đi vào quá khứ ). Vì đâu đến nỗi này, Nhân Loại ??? Thử tìm ra 3 lý do.

- Theo cái gọi là Văn Hóa Bản Địa của HĐTN có trong Siêu Phẩm " Mỹ Nhân Và Tiếng Thở Dài Thi Ca " đang làm hoang mang những cái đầu Thơ Việt thì tôi nghĩ Ước Mơ cũng là một dạng Nằm Mơ. Nó mang tính Bản Địa và nếu nghe THi NHân giảng giải thêm thì ta càng rối. Tóm lại nó là của riêng, không thể vay mượn được. Nếu cứ vay mượn thì sẽ chỉ méo mó. Con người cũng vậy mà quốc gia cũng vậy.

- Và Cảnh giác với những cái Mỹ Từ đang tràn ngập đánh vào Cảm xúc con người. Ước Mơ không thể cho, biếu, xuất cảng.

Ước Mơ Mỹ là của nước Mỹ, nó chỉ là Tấm Gương viết Hoa và để Xa, nước Mỹ chỉ là hàng mẫu bày trong tủ kính để chúng ta tham khảo, học tập Ý Chí còn ta phải tự làm Ước Mơ của ta.

Cái gọi là Chia sẻ Ước Mơ, cái gọi là Trách Nhiệm hay Sứ Mạng lo cho toàn Thề Giới, Giải Phóng loài người của Nga, Mỹ làm loạn TG, loài người. Hãy lo cho mình, ích kỷ cũng được nhưng không giả dối.

- Và hãy trở về với Phật Giáo Nguyên Thủy, Tiểu Thừa. Hãy tự giác ngộ, hãy tự học bình an, hãy soi đúng cái từ BẢN ĐỊA mà HĐTN viết, không bấu víu ở bên ngoài, không thêu dệt hỏng hết.

Hãy cho mình thật tốt, là tấm gương thôi, không rao giảng phí công. Ai Noi Theo được để Tự Mình thì tốt. Trong kinh điển Pali, Đức Phật tuy trải qua 45 năm đi giảng dạy (có tài liệu nói là 49 năm), ông tuyên bố chưa từng nói lời nào.

Loài người trong Thế Giới Phẳng nhờ Công Nghê đang như những chiến thuyền Tào Tháo xích với nhau. Trận Xích Bích bắt đầu, lửa cháy. Có kịp tháo các dây xích ra không để khỏi lây lan, chết cả lũ.

Cũng không cần đọc Tam Quốc để hiểu điều đó. Chỉ cần bớt Mỹ Từ đi thôi, bớt thơ đi. Chắc Trump không đọc thơ, không LÚ như Obama 

**TRẦN SỸ KHÁNG**

- Tôi học cùng khoa Vật Lý Kỹ Thuật ở ĐHBK Kharkov Liên Xô cũ với Trần Sỹ Kháng. Cái món Vật Lý này thực ra là một thứ Đáng Ngờ. Thơ cũng vậy. Ngài Bohr ( tôi nhớ mang máng là ông này nói, cũng có thể là Louis de Broglie nói, nhưng không quan trọng, một người Vĩ đại nói thôi ), ông nói là khi một nghiên cứu trong lĩnh vực Vật Lý mà thấy chưa có giá trị nghĩa là nó..." Chưa Đủ Điên "

Vì thế thói quen các nhà Vật Lý trong đánh giá cao sản phẩm Thơ cũng là nó " Đủ Điên " chưa hay nói cách khác là " Không Tầm Phào ". Kháng thì thay từ nôm ĐIÊN bằng từ TÂM THẦN cho có vẻ khoa học chữ nghĩa hơn. Cũng là dấu hiệu đầu tiên của bệnh TT ( Trí Thức hay Tâm Thần ).

Cái khác của Kháng là người Điên thì luôn coi là mình Tỉnh. Nhà Thơ Điên cũng vậy, nhà Vật Lý lại càng vậy, cãi lấy được. Nhưng vừa là nhà Vật Lý lại là nhà Thơ Điên thì hết cãi. Gặp nhau Kháng tự nhận là thơ Kháng ở trạng thái Tâm Thần.

- Hơn 10 năm trước sau khi tôi trở về Việt Nam gặp lại Kháng ở nhà Dụng cùng lũ bạn học. Kháng đưa tôi cái Card Visit để tiện liên lạc. Trời ạ, chi chít chức danh : TS Vật lý, Nhà Thơ Hội viên HNV Việt Nam, ĐT,..., Không Đảng phái.

Chết thật, Triết Học, một lĩnh vực bắt đầu từ câu Why, một thứ xa lạ với người Việt ( quen nghĩ vì mọi người nghĩ thế ). Ông bạn Trần Sỹ Kháng nói là đến với Triết học cần bước qua Vật Lý. Nói thế nào chứ, mấy ông này cần gì đến Vật lý đâu. Vật lý là những KHẢ NĂNG, con ông Này là KHẲNG ĐỊNH. Khẳng định là mình đúng nghĩa là người khác sai

Kháng cũng phải giải thích thêm ĐT là Đại Tá. Ấy là đối với tôi chứ với chị em sợ rằng lại lờ đi, biết đâu họ tưởng Độc Thân.

Kháng còn tặng tôi tập thơ mới in " Ly rượu xanh ". Tôi cầm về nhưng không đọc, quen xem TV, nghe hát nhiều hơn. Cũng như mọi người thôi, bây giờ xu thế là " Nghe Nhìn " sao thấy xuôi tai, bắt mắt rồi LIKE chứ ngại đọc, ngại nghĩ.

Thế rồi một hôm dọn nhà tôi tình cờ rờ đúng tập thơ, lại đúng trang, đúng một bài, đọc xong lặng đi. Tôi chợt nhớ tới câu nói của Baudelaire :" Nghệ thuật khi đến một ngưỡng nào thì nó lạ lắm, có một cái rùng mình - Un coup de Frisson ". Tôi đọc một vèo lướt hết tập thơ rồi gọi điện cho Kháng nói Kháng có một bài thơ, bài " Tràng An này ". Kháng có vẻ tự ái, cả tập mấy chục bài chứ. Thua.

- Có bao nhiêu người làm thơ thì có bấy nhiêu định nghĩa về thơ. Thơ để có giải, để khen hay, để cười vui, để bình giảng, để phổ nhạc hát KaraOke thì nhiều lắm. Thơ để cho ai đó một cái Frisson ( rùng mình, lặng đi ) có đâu. Kháng có rồi, còn tự ái gì. Tham.

===

**ĐÔNG -TÂY**

- Hôm nọ ngồi nghe Thi sỹ Trần Sỹ Kháng giảng giải về " Văn hóa bản địa ", lại nhớ đến Triết gia Paul Nguyễn Hoàng Đức ở thái cực bên kia. Thực ra hai nhà văn chương, triết lý này không hề mâu thuẫn nhau mà là bổ xung cho nhau trong cái thế giới muôn hình này. Giá như có Bích thì mọi việc sẽ sáng lên ngay. Dù sao gần với Bích một đoạn tôi cũng học được chút về cách nhìn của Bích. Thử lùi xa và bắt chước Bích xem.

-Cách nhìn của Kháng, kể cả ngôn từ dùng ( mà ngôn ngữ là hình thức của Tư Duy ) có được trên nền " Văn hóa bản địa " và Triết lý Phật giáo. Mỗi con người là một vũ trụ, một hệ quy chiếu riêng, Tâm vũ trụ trong mỗi người, từ đó có trước sau, trái phải 4 phương. Nghe Kháng nói nữa tôi cũng chỉ hiểu đến thế. Cho là nó như thế thì nó như thế. Được quyền cho. Thấy được thì nhận không mất gì. Có kiểm chứng đâu. Được cái là cách đó nó bao dung nên không gây nhưng tranh luận gay gắt và cũng rất khó tranh luận dựa trên những ngôn từ Hán Việt. Tóm lại là với Thi sỹ Kháng ta đang ở " Hệ Quy chiếu địa phương ".

Cách nhìn của Triết gia Đức là dựa trên Triết lý phương Tây. Có một " Hệ quy chiếu chung " để xếp mọi thứ vào. Khoa học phương Tây bắt đầu từ phép đo và so sánh. So sánh đàn bầu với Piano. Đàn bầu thua. Thua theo nghĩa WTO.

Một con chim để sống tim thức ăn, để tồn tại luôn phải tự mình so với mình thời điểm trước ( Kháng ) và so với các con khác trong đàn ( Đức ). Đó là " Giải thuật bầy đàn " được ứng dụng gần đây trong Khoa học. Con người sáng tác, suy đoán ra nhiều thứ kể cả Tình Yêu, Khoa Học, Thi Ca... và cả Thượng đế. Nhưng tôi tin rằng nếu có lên gặp Ngài thật thì Ngài sẽ nói " Hãy nhìn Tự nhiên, nhìn những sinh vật, những đàn chim, đàn kiến ấy. Học chúng cách sống, cần cả hai : Bản địa và Tổng thể ".

- Kể ra hôm nào được ngồi cùng một lúc có cả Thi sỹ và Triết gia thì hay quá. Nhưng không ở Hà Nội, lên Soc Sơn thăm trang trại Bích, cái gì nghe không hiểu hỏi Bích luôn, đỡ nghĩ.